Đoàn Thanh niên trong việc đào tạo nghề cho nông dân chuyển đổi đất nông nghiệp
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại các quận, huyện ngoại thành Hà Nội diễn ra chóng mặt. Đất nông nghiệp bị thu hẹp nhường chỗ cho những khu công nghiệp, khu đô thị mới. Đào tạo nghề cho nông dân vùng chuyển đổi đất nông nghiệp là bước đi quan trọng trong việc giải quyết tình trạng nông dân thất nghiệp sau khi bị thu hồi đất. Tuy địa phương nào cũng cố gắng thực hiện tốt chính sách, nhưng thực tế, công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho nhà nông lại vô cùng khó khăn...
Đất mất, nghề không...vẫn không chịu học
Là một quận được thành lập từ phần lớn diện tích của huyện Thanh Trì (10 xã của huyện Thanh Trì và 5 phường của quận Hai Bà Trưng), với quỹ đất nông nghiệp khá lớn nên Hoàng Mai cũng không tránh khỏi tình trạng nông dân trong vùng chuyển đổi đất không có nghề nghiệp ổn định.
Trong 8 năm qua, toàn thành phố Hà Nội đã triển khai 2.818 dự án đầu tư liên quan đến thu hồi đất, bình quân có trên 300 dự án/năm với tổng diện tích 6.303ha đất, trong đó trên 80% là đất nông nghiệp, liên quan đến 178.205 hộ dân, trong khi các chính sách của trung ương và thành phố về hỗ trợ học nghề, việc làm lại chưa đồng bộ và hiệu quả. Số liệu điều tra trên địa bàn Hà Nội của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, gần 58% người dân sử dụng tiền đền bù để xây dựng nhà cửa, trong khi đó, đầu tư cho sản xuất phi nông nghiệp chỉ chiếm 1,27%, cho học nghề là 2,55%. Năm 2007, trong tổng số 20.000 lao động bị thu hồi đất trên địa bàn chỉ có chưa đầy 5.000 lao động có nhu cầu học nghề. Một bộ phận nông dân khi bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp đã trở thành hộ nghèo, ở 5 quận, huyện bị thu hồi nhiều nhất, có 1.223 hộ nghèo, với 4.389 nhân khẩu.
Khi mới thành lập, quận có khoảng 180.000 dân, hiện nay thực tế dân số khoảng hơn 220.000 người. Trong đó, số thanh niên trong độ tuổi lao động trên địa bàn quận là 25.000 người. Theo thống kê của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận, số thanh niên chưa có việc làm ổn định lên đến 2000 người, đa số là con em của những gia đình nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Không ít nông dân Hoàng Mai “sau một đêm tỉnh dậy” bỗng trở thành tỉ phú do nhận được tiền đền bù. Ôm “cục tiền” trong tay, họ nghĩ ngay đến những nhu cầu mua sắm, sinh hoạt trước mắt, không nhiều người sớm nhận ra phương tiện sinh nhai truyền đời của mình đã không còn, nếu không có nghề nghiệp khác thì chẳng mấy chốc “miệng ăn núi lở”…Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo nghề cho con em nông dân bị thu hồi đất trở nên vô cùng cấp thiết.
Để đảm bảo đầu ra cho học viên, Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai đã ký hợp đồng cung cấp lao động cho các doanh nghiệp trong địa bàn quận và đảm bảo về chất lượng lao động, còn doanh nghiệp thì đảm bảo sẽ nhận đủ số lượng lao độngtheo khung lương đã thỏa thuận. Do có uy tín về chất lượng đào tạo của mình, Trung tâm đã nhận được không ít đề nghị của các doanh nghiệp nhận học sinh về làm việc, nhưng Trung tâm vẫn không tuyển đủ học viên để đào tạo.
Hiện nay, lớp hàn điện dành cho con em nông dân của quận đào tạo trong 3 tháng với chi phí 1,7 triệu/khóa, rẻ hơn rất nhiều so với đi học ở các trung tâm khác ngoài quận. Hơn nữa, sau khi kết thúc khóa học, học sinh sẽ được nhận vào một trong doanh nghiệp trên địa bàn với mức lương khoảng 1,5 triệu/tháng. Nhưng kết quả là, những người đang không có việc làm ổn định lại không hề mặn mà với mức lương kể trên.
Vì sao Trung tâm không thu hút được thanh niên trong địa bàn đi học?
Theo phản hồi từ các cơ sở về Trung tâm, thanh niên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm ổn định vẫn đang đi bán hàng ở các chợ trong địa bàn hoặc kiếm sống trong nội thành. Chính vì vậy nên khi vận động họ học nghề đều nhận được lý do không có thời gian.
Tuy nhiên, nếu nói mức lương 1,5 triệu/tháng không hề hấp dẫn lao động phổ thông vốn là con em nông dân đang không có việc làm ổn định thì rất mâu thuẫn. Được biết, học sinh của trường sau 3 đến 6 tháng đào tạo được nhận vào những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn quận và làm việc ổn định sau hơn 1 năm đã có mức thu nhập 2,5 triệu/tháng. Hơn nữa những lao động này có điều kiện làm việc trong khu vực sinh sống, gần nhà nên rất thuận lợi trong công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Vậy tại sao con em nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp không chọn con đường học nghề ngắn hạn để có nghề nghiệp ổn định lại vẫn chiếm số lượng lớn như vậy? Có một thực trạng khiến con em nông dân lo ngại, đó là những đảm bảo về công việc ổn định của doanh nghiệp đôi khi chỉ kéo dài từ 3 đến 6 tháng, sau đó sẽ “chưa đáp ứng được yêu cầu công việc”. Việc lợi dụng lao động phổ thông với danh nghĩa thử việc sau đó “thải” ra và tuyển đợt mới như thế tồn tại đã lâu nhưng chưa có chế tài ngăn chặn hợp lý.
Trong khi đầu ra còn bị đặt dấu hỏi thì những nghề nghiệp mà Trung tâm cung cấp cho học viên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của bản thân học sinh cũng như xã hội. Không chỉ Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai phải đối mặt với thực trạng này mà những trung tâm dạy nghề khác cũng vậy. Những nghề nghiệp đào tạo cho học viên ở các trung tâm mới chỉ dừng ở mức đào tạo nghề mình có chứ chưa đào tạo nghề xã hội cần.
Nhìn vào những bản đăng ký đào tạo nghề từ các phường gửi lên cho Trung tâm dạy nghề Hoàng Mai, nhiều phường không có người đăng ký mà thay vào đó là kiến nghị trung tâm mở lớp đào tạo nghề mới như trang điểm, làm tóc... Theo ông Đinh Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai: “Vẫn biết những nghề như thế giúp các em kiếm sống dễ dàng hơn do xã hội đang cần nhưng để tổ chức một lớp như vậy, kinh phí đào tạo là cả một vấn đề”.
Mô hình thanh niên lập nghiệp, Đoàn thanh niên là lực lượng xung kích - Giải pháp hiệu quả
Một biện pháp hữu hiệu mà quận Hoàng Mai đã bước đầu áp dụng thành công trong công tác đào tạo nghề đó là Trung tâm dạy nghề kết hợp chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và đặc biệt là Đoàn Thanh niên trong quận để vận động, tuyên truyền, thành lập các mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Anh Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai cho biết, cách đây 3 năm, 15 học viên đầu tiên của lớp điện, nước dân dụng của Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai qua hình thức tự dạy lẫn nhau quy tụ được 40 thành viên, lập ra Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”. Hạt nhân của Câu lạc bộ chính là những đoàn viên của phường Thịnh Liệt do Bí thư đoàn phường làm chủ tịch. Câu lạc bộ này thời điểm đông nhất gồm 60 người, số vốn góp lên tới 400 triệu đồng và nhận thầu hầu hết công trình điện, nước gia dụng trên địa bàn phường. Những mô hình tương tự như Quỹ “Bạn giúp bạn” ở các phường Yên Sở, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam cũng thu được kết quả rất tốt.
Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai thành lập từ 3 năm nay, năm nào cũng có khoảng 1000 học sinh nhưng đa phần là học sinh từ địa phương khác đến đăng ký học, số học sinh của Hoàng Mai chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện nay ở Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai có 5 nghề gồm: Tin học; hàn điện; điện dân dụng; nấu ăn và sửa chữa ô tô. Trong 5 nghề này chỉ có nấu ăn và điện dân dụng đang có 2 lớp với khoảng 40 học sinh theo học. Năm 2007 còn tuyển sinh được 160 học sinh, năm nay từ đầu năm đến giờ mới chỉ tuyển sinh được 2 lớp kể trên.
Đối tượng nhắm tới của công tác đào tạo nghề là con em những hộ nông dân bị thu hồi đất. Đây là đối tượng trong độ tuổi thanh niên, không ít người là đoàn viên thanh niên, do vậy Đoàn Thanh niên phải là lực lượng xung kích đi đầu trong công tác vận động, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp. Khi làm tốt công tác này cũng chính là đã làm tốt công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho con em những hộ nông dân bị thu hồi đất.
Về mặt cơ chế, phải xây dựng một cơ chế hợp lý hơn trong việc đền bù đất cho nông dân. Thực tế cho thấy khi đưa tiền đền bù cho nông dân thì chẳng mấy người sử dụng đúng mục đích tích cực đề ra ban đầu. Ở Hoàng Mai hiện giờ, hình ảnh người nông dân ngồi xe “xịn”, uống cà phê và bàn chuyện chứng khoán không phải là hiếm. Có những hộ nông dân sau khi xây nhà, mua xe, còn lại một ít vốn đầu tư vào buôn bán nhưng không phải ai cũng có thể buôn bán thành công. Vậy là cầm vài trăm triệu tiền đền bù nhưng sau một, hai năm đất mất, nghề không, lại trở thành hộ nghèo.
Mới đây, đề án khắc phục vấn đề đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã được thông qua trong kỳ họp chuyên đề đầu tiên của Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XIII. Đề án đưa ra 4 giải pháp: Sẽ thành lập quỹ hỗ trợ, ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp. Quỹ hỗ trợ hướng tới tất cả các đối tượng, tập trung vào các mục đích: hỗ trợ học tập (hỗ trợ cho con em hộ bị thu hồi đất đến hết bậc Trung học cơ sở); hỗ trợ đào tạo nghề (cấp thẻ học nghề trị giá 6 triệu đồng/thẻ cho lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề); trợ cấp khó khăn (30kg gạo/tháng/người)...
Các cụ xưa đã từng nói “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”. Huống chi đây lại là những lao động mất đất. Không có nghề, rất khó tìm việc để ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, để cho những nông dân này “ly nông bất ly hương”, bên cạnh sự nỗ lực, định hướng chi tiêu đúng của mỗi người, các cấp có trách nhiệm cần tập trung hơn nữa trong công tác đào tạo nghề cho nông dân chuyển đổi đất nông nghiệp./.
Cả nước xuất khẩu 1,38 triệu tấn gạo  (01/05/2008)
Bạn bè thế giới chia sẻ niềm vui Chiến thắng 30-4  (30/04/2008)
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 07-04-2008 đến ngày 30-04-2008  (30/04/2008)
Cả nước sôi nổi kỷ niệm ngày lễ lớn  (30/04/2008)
"Hành trình hoà hợp, thắp sáng đam mê, chia sẻ ước mơ”  (30/04/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên