Mỹ phải “sẵn sàng hơn” trong thương thuyết với I-ran
TCCSĐT - Ngày 13-8, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) - tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận có trụ sở tại Brúc-xen - công bố báo cáo cho rằng Mỹ cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn với Tê-hê-ran để tăng cơ hội giải quyết thành công vấn đề hạt nhân đang gây tranh cãi của I-ran.
Trong Báo cáo Những hy vọng lớn lao: Tân Tổng thống I-ran và các cuộc đàm phán hạt nhân, các chuyên gia của ICG đã thúc giục chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma cần có nhiều biện pháp nhằm nâng cao khả năng về một vòng đàm phán mới giữa I-ran và P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) vào tháng tới.
Đặc biệt, Báo cáo trên kêu gọi Oa-sinh-tơn tham gia các cuộc đàm phán song phương với I-ran ngoài cuộc đàm phán của P5+1 và sẵn sàng hơn trong các cuộc thương thuyết bằng việc nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy sự nhượng bộ của I-ran.
Cũng theo Báo cáo, Mỹ nên mở rộng phạm vi thảo luận giữa phương Tây và I-ran xoay quanh những vấn đề về an ninh khu vực; kêu gọi Oa-sinh-tơn chấm dứt việc phản đối Tê-hê-ran tham gia bất kỳ hội nghị nào về Xy-ri trong tương lai.
Báo cáo cũng lưu ý rằng “những biện pháp trừng phạt tăng cường” được thông qua tại Hạ viện Mỹ tháng trước “có thể làm suy giảm vị trí trong nước của ông H. Ru-ha-ni thậm chí trước khi ông có cơ hội chứng minh cách tiếp cận (với Mỹ và phương Tây) của mình”.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Oa-sinh-tơn đang có những đánh giá đáng kể về tân Tổng thống I-ran, rằng liệu ông H. Ru-ha-ni - người vừa nhậm chức Tổng thống I-ran ngày 04-8 vừa qua - có cho thấy là linh hoạt hơn người tiền nhiệm Ma-mút A-ma-đi-nê-giát trong các cuộc đàm phán hạt nhân hay không. Quan trọng hơn, liệu ông H. Ru-ha-ni có thuyết phục được lãnh đạo tinh thần tối cao của I-ran A. A-li Kha-mê-ni (Ayatollah Ali Khamenei) ủng hộ mình trong một môi trường chính trị “chia bè kết phái” tại I-ran.
Ý thứ hai này đã được các nghị sĩ và nhóm cố vấn cao cấp có mối quan hệ mật thiết với Ủy ban các vấn đề hỗn hợp Mỹ - I-xra-en (AIPAC) - tổ chức vận động hành lang ủng hộ cho các lợi ích của I-xra-en - đem ra tranh luận nhiều lần trước khi cuộc bầu cử I-ran năm 2013 diễn ra. Ủy ban này cũng thúc giục Quốc hội Mỹ sớm thông qua những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn vào đầu tháng tới, thậm chí trước cả cuộc gặp của P5+1, để tăng áp lực lên Tê-hê-ran, buộc nước này phải tạm dừng nếu không nói là từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
“Quyết tâm của Mỹ là rất quan trọng, nhất là trong một vài tháng tới”, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mác Cớt (Marl Kirk) và nghị sĩ Đảng Dân chủ Ê-li-ốt En-ghen (Eliot Engel) viết trên Tạp chí phố Uôn ngày 13-8. Theo đó, “bằng cách mang chế độ này đến bờ vực phá sản, Mỹ có thể buộc I-ran phải tuân theo tất cả các quy định quốc tế, trong đó có việc dừng các hoạt động liên quan làm giàu và tái chế u-ra-ni”. Hai nghị sĩ này còn thúc giục Thượng viện Mỹ sớm tán thành dự thảo các biện pháp trừng phạt I-ran đã được Hạ viện thông qua tháng trước.
Trong các biện pháp trừng phạt mới được trình lên Thượng viện Mỹ, có việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên bất kỳ quốc gia hoặc công ty nước ngoài nào mua dầu mỏ của I-ran hoặc tiến hành hợp tác kinh doanh với các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của I-ran như ngành công nghiệp ô tô và hóa dầu. Mỹ cũng sẽ “tuyệt đường” tiếp cận với các khoản dự trữ tài chính của I-ran tại nước ngoài và làm suy giảm hoặc thủ tiêu hoàn toàn quyền lực của tổng thống nếu dám chống lại các lệnh trừng phạt này. Quyết định của Thượng viện Mỹ hiện vẫn chưa rõ ràng song đại đa số chính quyền của ông B. Ô-ba-ma đều phản đối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới ngay trước vòng đàm phán P5+1.
Báo cáo của ICG nhấn mạnh không nên kỳ vọng về một tiến trình đàm phán hạt nhân hiệu quả và “những yêu cầu tối thiểu của I-ran - như muốn được công nhận quyền làm giàu u-ra-ni và nới lỏng các lệnh trừng phạt - sẽ không có tiến triển gì” bởi điều này không chỉ còn phụ thuộc vào quyền phán quyết cuối cùng của lãnh tụ tinh thần tối cao A. Kha-mê-ni mà còn bởi sự liên quan lâu dài của ông H. Ru-ha-ni tới chương trình hạt nhân của I-ran.
Kết quả “khiêm tốn” hay nói đúng hơn là một thất bại của ông H. Ru-ha-ni khi còn là nhà đàm phán về hạt nhân của I-ran đầu những năm 2000 không gì khác ngoài một thỏa thuận với EU-3 (gồm Anh, Pháp và Đức) về việc I-ran tạm dừng làm giàu u-ra-ni một năm rưỡi, đã làm ông “có thái độ miễn cưỡng chấp thuận đối với bất kỳ bước đi nào tương đương với việc tạm dừng làm giàu u-ra-ni”. Thay vào đó, ông H. Ru-ha-ni có thể sẽ tập trung vào các biện pháp tăng cường tính minh bạch của chương trình hạt nhân. Song, chính sách minh bạch chương trình hạt nhân đó có làm hài lòng Oa-sinh-tơn và các đồng minh hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Ông H. Ru-ha-ni cho rằng chiến thắng bất ngờ trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua đã cho ông cái quyền để đưa I-ran đi tới thay đổi. Tuy nhiên, Báo cáo của ICG cho rằng sự thay đổi đó có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào Oa-sinh-tơn và các đồng minh phương Tây. Oa-sinh-tơn và các đồng minh phương Tây không nên duy trì “vị trí chờ xem” mà cần đưa ra “những đệ trình tham vọng hơn trên bàn đàm phán” như giảm nhẹ các lệnh trừng phạt trong một khoảng thời gian để đổi lấy việc I-ran tạm ngừng làm giàu u-ra-ni 20% và chuyển đổi số lượng u-ra-ni hiện có sang các thanh nhiên liệu, đồng thời dừng lắp đặt các máy ly tâm hiện đại tại cơ sở làm giàu u-ra-ni tại Pho-đâu (Fordow).
Báo cáo kết luận việc Oa-sinh-tơn tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Tê-hê-ran - ý tưởng mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đã từng đưa ra nhiều lần - sẽ tăng khả năng tiến triển của vấn đề hạt nhân I-ran bế tắc nhiều năm qua. Đây cũng là quan điểm của tân Tổng thống I-ran H. Ru-ha-ni bất chấp lãnh tụ tinh thần tối cao A. Kha-mê-ni vẫn tỏ ra hoài nghi về kết quả có thể đạt được./.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của hoạt động công đoàn  (05/09/2013)
Xây dựng doanh nghiệp nhà nước xứng đáng là nòng cốt của nền kinh tế quốc dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI  (05/09/2013)
Tăng cường tuyên truyền về Đại hội Mặt trận Tổ quốc  (04/09/2013)
Diễn biến mới xung quanh kế hoạch tấn công Xy-ri  (04/09/2013)
Mong muốn Công ty Gazprom Neft tiếp tục mở rộng hợp tác với PVN  (04/09/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên