Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam qua con mắt của người Mỹ

Trần Nam Chuân Đại tá, PGS, TS. Khoa học quân sự
16:56, ngày 03-05-2013
TCCSĐT- Đã hơn 35 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhưng đây vẫn còn là đề tài nóng bỏng mà nhiều học giả của Mỹ và các nước đang nghiên cứu, tìm hiểu. Sự thật về cuộc chiến tranh này mới chỉ được vạch trần một phần, vì thế vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối, gây chia rẽ trong xã hội Mỹ.

Nhiều nhà lãnh đạo, chính khách Mỹ đã cố tình che giấu sự thật, đưa ra nhiều lý lẽ biện minh cho âm mưu, thủ đoạn đen tối của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và buộc tội cho chính “cộng sản Việt Nam” gây ra. Nhưng, cũng chính người Mỹ đã bóc trần sự thật này. 

Tháng 9-1991, Nhà xuất bản Oa-sinh-tơn (Mỹ) đã phát hành cuốn Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ của tác giả E-uyn Knon (Ezwin Knoll) - một nhà báo chuyên theo dõi về cuộc chiến tranh Việt Nam. Knon đã dày công sưu tập hơn 7.000 tài liệu của Lầu Năm Góc, phần lớn trong số đó là tài liệu tuyệt mật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, để tìm hiểu nguyên nhân việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam và âm mưu, thủ đoạn của Mỹ xâm lược Việt Nam, đất nước mà theo tác giả, nhiều người Mỹ còn chưa biết nằm ở góc nào trên bản đồ thế giới. 

Cuốn sách đã dẫn ra những tư liệu chân thực, nêu rõ âm mưu xâm lược Việt Nam được thực hiện bằng những thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, thể hiện bản chất hiếu chiến, phi nghĩa, vô nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc. Dã tâm xâm lược Việt Nam được Nhà Trắng che đậy, lừa dối nhân dân Mỹ bằng những luận điệu: “nước Mỹ văn minh có sứ mệnh cao cả lãnh đạo thế giới”, “chủ nghĩa cộng sản là quái thai của nhân loại”, “sự bành trướng của cộng sản Bắc Việt là mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia Mỹ, đe dọa an ninh nước Mỹ,…”. 

Trên thực tế, âm mưu Mỹ xâm lược Việt Nam và các nước Đông Dương đã xuất hiện từ những năm cuối khi Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Đông Dương. Knon viết: “Ngay từ phút đầu, khi Mỹ mới can thiệp vào Đông Dương, chính sách của Mỹ trước sau như một: kiên quyết theo đuổi mục tiêu là thiết lập tại Đông Dương một “pháo đài của thế giới tự do”, nghĩa là một tiền đồn của chủ nghĩa đế quốc. Mỹ cho rằng, sự hiện diện của chế độ cộng sản Việt Nam tại Đông Dương là “mối đe dọa” lớn cho an ninh quốc gia của một cường quốc số một thế giới. “Mối đe dọa” đó khủng khiếp đến nỗi tất cả mọi phương tiện chiến tranh hiện đại được huy động để tiêu diệt nó đến tận gốc. Những lý do được đưa ra là “Lý thuyết căn bản làm nền tảng cho chính sách của Mỹ ở Đông Dương” đã được Hội đồng An ninh quốc gia hoạch định ngay từ tháng 1-1954, trong một bản tuyên ngôn được Tổng thống Đ. Ai-xen-hao (D. Eisenhower) giao cho Chính phủ Mỹ. Lý thuyết đó đặt một tiền đề là: sự thống trị của cộng sản bằng cách nào đi nữa trên toàn thể Đông Dương sẽ gây nguy hại cho quyền lợi an ninh của Mỹ. Và, trong một biên bản của Hội đồng An ninh quốc gia đề ngày 02-4-1958, Đ. Ai-xen-hao đã chỉ thị cho Chính phủ Mỹ phải “bằng mọi cách làm cho Bắc Việt Nam suy yếu, để sau đó thống nhất một nước Việt Nam tự do, do những người chống cộng sản cầm đầu”. Tài liệu tối mật của Lầu Năm Góc còn nhấn mạnh: “Chính phủ Mỹ từ chối một cách khinh bỉ việc nhìn nhận cuộc xung đột ở Việt Nam theo đúng thực chất của nó, một cuộc chiến tranh nhân dân được điều khiển bởi những nhà cách mạng kiên quyết muốn giành cho được chủ quyền quốc gia và độc lập của họ”. Các chiến lược gia của Đ. Ai-xen-hao và Gi. Ph. Ken-nơ-đi (J. F. Kennedy) sau đó cho rằng, “đây chỉ là một cuộc chiến tranh chống nổi dậy, đối tượng của Mỹ là những người nông dân áo vải chứ chưa phải là quân đội chính quy, và mặc dù đội quân ấy đã từng thắng quân đội Pháp trước đây thì không có gì lo ngại, quận đội tinh nhuệ trang bị tối tân bằng công nghệ hiện đại của Mỹ chắc chắn sẽ đè bẹp quân đội nhỏ bé của Bắc Việt”.

Năm 1964, khẳng định lập trường xâm lược Việt Nam, Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn (L. Johnson) đã tuyên bố: “Ở Việt Nam, chúng ta phục vụ cho trật tự của thế giới tự do, không ai có thể nghi ngờ gì trong giờ phút nào rằng, chúng ta có những lợi ích và quyết tâm theo đuổi đường lối đó trong bao lâu cũng được. Không ai có thể nghĩ rằng cuối cùng chúng ta sẽ đuối sức hoặc chúng ta bị đánh đuổi đi và chúng ta không bao giờ bị lôi kéo trong những điều bất cần ấy”.

Những bằng chứng xác thực nêu trên đã vạch trần luận điệu lừa bịp, giả dối của Mỹ về nguyên nhân cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Sự thật này cũng bác bỏ luận điệu cho rằng có nhiều cơ hội để tránh cuộc chiến tranh này mà Việt Nam đã bỏ lỡ, rằng chính cộng sản Bắc Việt đã gây ra chiến tranh. Và sự thật cũng đã chứng minh, chỉ có một cơ hội duy nhất để tránh cuộc chiến tranh này, đó là Mỹ phải tôn trọng chủ quyền và độc lập của Việt Nam. Nhưng tiếc thay, Mỹ đã cố tình làm ngơ.

Để đạt được mục đích, Mỹ đã áp dụng và thay đổi nhiều chiến lược, sử dụng những thủ đoạn chiến thuật mới nhất, cố gắng tập trung cao nhất về lực lượng và vũ khí trang bị hiện đại nhất, nhưng cuối cùng đã bị thất bại thảm hại. Tướng W.Oét-mô-len (W. Westmoreland) mô tả: “cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh hiện đại nhất trong lịch sử. Hơn nửa triệu lính Mỹ được điều sang Việt Nam là những người lính được trang bị tốt nhất… Tất cả khái niệm chiến thuật hiện đại, tất cả công nghệ kỳ lạ, mới mẻ đều đã được sử dụng, từ máy “ngửi hơi người” điều khiển bằng máy tính điện tử tới máy bay chiến lược B.52 được mệnh danh là “pháo đài bay” giá tới trăm triệu đô-la một chiếc… Số phi vụ đánh phá miền Bắc tăng từ 25.000 vụ năm 1965 lên 79.000 vụ năm 1966, 108.000 vụ năm 1967, các năm tiếp sau còn tăng nhiều hơn… Trong thời gian 1964 - 1972, Mỹ đã ném xuống Việt Nam hơn 15 triệu tấn bom đạn. Trung bình mỗi tháng Mỹ gây thương vong cho khoảng 3.000 dân thường Việt Nam… Thuốc diệt cỏ được sử dụng bừa bãi bất chấp làn sóng dư luận phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh hóa học chống Việt Nam.

Để cứu vãn thất bại, cuối tháng 12-1972, Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn (R. Nixon) buộc phải ra lệnh cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân: “Đánh bằng tất cả sức mạnh, đánh bất cứ mục tiêu nào. Đây là cơ hội để các anh dùng sức mạnh quân sự nhằm chiến thắng cuộc chiến tranh này và nếu các anh không làm được, tôi sẽ quy kết trách nhiệm cho các anh…”. Nhưng cuối cùng, Mỹ phải chấp nhận thất bại đau đớn. 

Trong phần “Thất bại của cuộc chiến tranh “lừa bịp”, Knon viết: “Vũ khí sử dụng để giết người Việt Nam một cách dã man càng củng cố nhận thức của người dân Mỹ và quốc tế tin rằng, Mỹ đang tàn sát một dân tộc đang đấu tranh cho chính nghĩa. Mọi sự tiêu hao tài lực, sinh mạng người Mỹ đều vô ích. Chính phủ Mỹ đang lừa dối nhân dân Mỹ”. Và: “Mỹ thất bại thật là đắng cay, nhưng là kết cục đúng cho cuộc chiến lừa bịp, vô nhân đạo của họ. Dẫu rằng tội ác cuộc chiến tranh còn đang bị bưng bít, đang bị lảng tránh, nhưng lịch sử sẽ phán xét những kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh tội lỗi đau khổ này, nguyên nhân cái chết của gần 60.000 lính Mỹ, và gấp nhiều lần số đó là những người Việt Nam vô tội”.

Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã vấp phải ý chí quật cường của cả dân tộc, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam đã tập hợp trong khối đại đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân anh hùng, sáng tạo, buộc đế quốc Mỹ phải chịu thất bại. Chính người Mỹ đã nói lên sự thật hùng hồn này. 

Năm 1992, ở Mỹ xuất bản cuốn Những bí mật của chiến tranh Việt Nam (Secrets of the Vietnam War) của trung tướng Ph. B. Đa-vít-xơn (Phillip B. Davidson), Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Trong cuốn sách này, tác giả đã phân tích sâu sắc những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược, nêu lên nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo chiến tranh nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ph. Đa-vít-xơn viết: “Chiến lược chiến tranh cách mạng là một điều bí mật của chiến tranh Việt Nam… đã chứng minh là một chiến lược hơn hẳn các chiến lược mà Mỹ đã dùng để chống lại nó. Ưu thế hơn hẳn của chiến lược chiến tranh cách mạng Việt Nam là nằm trong thế chiến lược chủ động. Mỹ luôn phải nhảy theo điệu nhạc chiến lược của Bắc Việt, vì chính cộng sản đã quyết định cách đánh và quy mô của chiến tranh… Đây là một chiến lược mạnh mà chưa có chiến lược nào chống lại nó mà thành công…

Việt Nam đã vận dụng hai phương thức: đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị. Sự kết hợp hai phương thức này tạo thành kiểu chiến tranh từ trước đến nay chưa từng thấy. Chiến tranh tiến hành trên nhiều mặt trận không phụ thuộc vào địa lý mà tất cả tập trung vào phục vụ cho một mục đích là giành chính quyền cho quốc gia. Đấu tranh vũ trang gồm nhiều loại từ chiến tranh du kích đến chiến tranh chính quy nhiều sư đoàn, có xe tăng, pháo binh, phòng không, không quân chiến thuật và hạm đội nhỏ… Đấu tranh chính trị gồm các phương thức: “dân vận”; “địch vận” và “binh vận”.

Cuốn Giải phẫu một cuộc chiến tranh xuất bản ở Niu Oóc năm 1982 của Ga-bri-en Côn-cô (Gabriel Kolko), giáo sư sử học, tiến sĩ triết học Mỹ, là một trong số tác phẩm về đề tài chiến tranh Việt Nam, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Qua tác phẩm, tác giả lý giải sự tất thắng của cách mạng Việt Nam trong cuộc đối đầu lịch sử chống Mỹ xâm lược là do tính chất ưu việt về mặt xã hội, được thể hiện qua việc xây dựng đất nước, quân đội, tổ chức và tiến hành chiến tranh, huy động toàn dân, toàn lực để giành chiến thắng. Trong chương “hai quân đội Việt Nam” (tức quân Ngụy Sài Gòn và Quân đội cách mạng - các lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam), G. Côn-cô rất cảm phục công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội nhân dân Việt Nam: “Những cán bộ chính trị trong các đơn vị chủ lực đóng vai trò người cha, người anh, người bạn đối với binh sĩ… Đảng muốn xây dựng một đội quân dựa trên những nguyên tắc dân chủ chứ không phải một đội quân hình thức… Những chỉ thị quân sự của Đảng làm rõ ràng, sự giao tiếp là thiết yếu và các sĩ quan phải giữ cho kỷ luật được thực hiện, nhưng nhất thiết không được trở thành quân phiệt và gia trưởng. Cán bộ dám công khai nhận sai lầm để người khác theo đó mà sửa chữa sai lầm của mình. Cán bộ phải biết hy sinh cá nhân vì lợi ích của cách mạng… Các binh sĩ quan hệ với nhau như anh em trong một gia đình… Nhiều sĩ quan Mỹ đã phải thốt lên “không biết người ta cho cộng quân uống thứ thuốc gì để làm cho họ chiến đấu như vậy”. Đúng! Họ có động cơ cao thượng và biết dốc lòng một cách tuyệt diệu”.

Sau cùng, để trả lời cho câu hỏi tại sao nhân dân Việt Nam chiến thắng, đế quốc Mỹ phải nhận thất bại nặng nề, chúng tôi xin trích một đoạn trong cuốn sách Gió ngang: Những điều không thể thiếu về mặt văn hóa của cuộc chiến tranh đường không của E. Tin-pho, tiến sĩ lịch sử quân sự, giáo sư học viện chỉ huy tham mưu không quân Mỹ được phát hành năm 1991, để làm sáng tỏ nguồn gốc sâu xa sức mạnh của nhân dân Việt Nam và sự chỉ đạo tài tình chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam mà chính người Mỹ đã phải thừa nhận: “Năm 1975, Mỹ đã để một nhà nước được Mỹ đẻ ra và nuôi dưỡng hơn hai thập kỷ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu. Nó thất bại vì đối phương đã đề ra một chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng lớn hơn, coi như là một hiện tượng văn hóa kết hợp chặt chẽ các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như quân sự. Không lực - sức mạnh to lớn nhất của Mỹ bị “cơn gió ngang” văn hóa và lịch sử làm tê liệt”./.