Cùng với sự đi xuống của các thị trường truyền thống, trọng tâm thương mại chuyển dịch sang các thị trường mới nổi.

Với giá nhân công, giá thuê đất thấp và viễn cảnh tốt đẹp về thương mại xuất khẩu, Việt Nam - đất nước mới nổi trong số các quốc gia đang phát triển, đang trở thành địa chỉ đầu tư mà các doanh nhân Hong Kong đặt nhiều niềm tin.

Sớm có mặt ở Việt Nam từ những năm 1970, tới nay Tập đoàn Sunwah, có trụ sở chính ở Hong Kong, đã xây dựng được mạng lưới kinh doanh khá rộng tại Việt Nam, từ các mặt hàng nông thủy sản tới bất động sản và quản lý quỹ.

Tiến sỹ Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, có kinh nhiều năm nghiệm kinh doanh tại châu Á nên ông hiểu rất rõ về sự phát triển của các nước Đông Nam Á.

Tờ Skypost của Hong Kong số ra ngày 2-5 dẫn lời phát biểu của ông Jonathan Choi cho rằng Việt Nam đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư như Chính phủ tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài, thủ tục thuế đơn giản, giá nhân công thấp hơn Trung Quốc với mức lương bình quân của công nhân chỉ 150-200 USD/tháng.

Tuy nhiên, ông Jonathan Choi cũng cảnh báo rằng mặc dù giá nhân công và giá thuê đất ở Việt Nam tương đối rẻ, nhưng tuyệt đối không nên có ý nghĩ kiếm tiền nhanh ở đây mà hoạt động đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn. Hiện nay, môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã khác trước, nên doanh nghiệp phải có thực lực mới đứng vững được.

Do tồn tại khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, ông Jonathan Choi khuyến nghị các doanh nhân khi đàm phán kinh doanh nên có phiên dịch nhằm tránh hiểu lầm, dẫn tới tổn thất.

Về nghiệp vụ kinh doanh của tập đoàn, ông Jonathan Choi cho rằng nông sản và thủy sản của Việt Nam phong phú. Cộng thêm giá trị của đồng Việt Nam tương đối thấp, nên việc mua nguyên liệu rồi tiến hành gia công xuất khẩu tương đối có lợi.

Tràn đầy tin tưởng vào tương lai đầu tư tại Việt Nam, ông Jonathan Choi khẳng định mặc dù hiện nay đầu tư của Sunwah vào Việt Nam chiếm gần 50% tổng mức đầu tư vào các nước Đông Nam Á, nhưng trong tương lai, tập đoàn vẫn gia tăng đầu tư tại Việt Nam và có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh lúa gạo.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu về châu Á và thị trường mới nổi Hà Đạt Quyền thuộc Cục Phát triển Thương mại Hong Kong cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam tương đối thích hợp với việc đặt nhà máy làm hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc trình độ kỹ thuật của công nhân Việt Nam được nâng lên cũng trở thành một nhân tố khiến doanh nghiệp Hong Kong chọn Việt Nam làm địa điểm chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang.

Theo Giám đốc chuỗi cung ứng của tập đoàn trang sức Aurostyle Trương Tiểu Huệ, trong mấy năm gần đây, công nhân Việt Nam đã đuổi kịp trình độ của công nhân Trung Quốc. Do giá thành sản xuất ở Trung Quốc tăng nhanh nên Việt Nam trở nên có ưu thế. Do vậy, Aurostyle đã chuyển sang Việt Nam sản xuất để tăng sức cạnh tranh.

Hiện nay, nhà máy của Aurostyle tọa lạc tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong con mắt của nhiều doanh nhân Hong Kong, cơ hội làm ăn kinh doanh tại Việt Nam là không nhỏ, nhưng còn một số vấn đề cần lưu ý.

Theo bà Trương Tiểu Huệ, đó là tình trạng chảy máu nhân công tay nghề cao. Đối với ông Hà Đạt Quyền là sự biến động về tỷ giá hối đoái của đồng VND và khó khăn khi vay tín dụng của các ngân hàng địa phương.

Một vấn đề khác là lạm phát. Tờ Skypost dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam năm 2013 ở mức 7,5% và tăng lên mức 8,2% năm 2014.

Các doanh nhân Hong Kong thẳng thắn nói rằng lạm phát khiến họ khá đau đầu vì công nhân sẽ rầm rộ đòi tăng lương, nếu không sẽ xảy ra bãi công hoặc tình trạng thiếu hụt nhân công./.