Việc đẩy mạnh hoạt động Văn học nghệ thuật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII lần đầu tiên được bàn thảo sôi nổi tại Hội thảo khoa học “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)”. Hội thảo do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương phối hợp tổ chức ngày 23-3-2013.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện các bộ, ngành và đông đảo văn nghệ sĩ tham dự sự kiện quan trọng này.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá thực trạng tình hình văn học nghệ thuật hiện nay, thể chế thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”; bàn các giải pháp triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23 vào đời sống.

Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Vũ Ngọc Hoàng: Văn học nghệ thuật là bộ phận rất quan trọng trong văn hóa. Bởi vậy đánh giá sự phát triển của nền văn hóa nước nhà phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó không thể bỏ qua văn học nghệ thuật. Thực tế, 15 năm qua, hoạt động văn hóa cũng như văn học nghệ thuật đã có những mặt tích cực và cả hạn chế. Song Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về cơ bản vẫn còn có giá trị, cần được tiếp tục phát triển theo hướng hoàn thiện, bổ sung để phát huy giá trị vốn có, đặc biệt là trong việc quán triệt thực hiện và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học nghệ thuật, văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.

Đa số đại biểu nhất trí rằng, văn học nghệ thuật hiện nay, về căn bản, các tác phẩm đi đúng hướng phản ánh hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; phê phán khá mạnh mẽ cái tiêu cực như tình trạng mất dân chủ, tham nhũng, thoái hóa biến chất về lý tưởng, đạo đức…; văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tác, được trú trọng bảo vệ quyền về sáng tác, biểu diễn. Về nghiên cứu, lý luận phê bình, văn học nghệ thuật đã đẩy lùi được khuynh hướng phủ nhận thành tựu của văn nghệ cách mạng, kháng chiến, kiên trì bảo vệ và phát triển đường lối văn học nghệ thuật Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, theo nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, mặt trận văn nghệ còn bộc lộ những nhược điểm: một số văn nghệ sĩ chưa đề cao trách nhiệm xã hội, công dân, suy giảm lòng tin vào sự nghiệp cách mạng; vẫn tồn tại khuynh hướng thương mại hóa ở một bộ phận công chúng; thiếu vắng những tác phẩm có giá trị, có tính độc đáo và thiếu cả những nghệ sĩ bậc thầy trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh ghi nhận: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tạo cho văn học nghệ thuật không gian sáng tạo thông thoáng, cởi mở, những tác phẩm cũng được trân trọng hơn; sáng tác có sự đa dạng về thể loại, đề tài, chủ động cách thể hiện; tiếng nói phản biện của văn học nghệ thuật với đạo đức xã hội ngày càng mạnh mẽ… Ông cũng cho rằng, bên cạnh những mặt được, văn học nghệ thuật vẫn còn những điều chưa được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 như: các tác phẩm văn học có chất lượng chưa tương xứng với số lượng; lý tưởng, khát vọng của các tác giả thể hiện qua tác phẩm chưa cao; một số tìm tòi chỉ nghiêng về hình thức, tiếp thu vội vã những khuynh hướng của nước ngoài. Đặc biệt một số ngành, lĩnh vực nghệ thuật phát triển đan xen với tụt hậu…

Để công tác văn hóa, nghệ thuật thực sự đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), GS.TS Tô Ngọc Thanh đánh giá cao vai trò của con người, coi đây là nhân tố đóng góp tích cực vào sự duy trì, phát triển nền văn hóa vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc đân tộc. Cùng với quan điểm trên, Nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh (Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam) kiến nghị: Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ ở tất cả các khâu; có cơ chế tuyển dụng, sử dụng người trẻ, chính sách đãi ngộ xứng đáng; biết khai thác chất xám của nghệ sĩ lão thành có vốn sống và kinh nghiệm chuyên môn cao… Còn Nghệ sỹ nhân dân, TS Phạm Thị Thành cho rằng: Sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan là không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, vị trí của văn hóa, văn nghệ trong ổn định chính trị, phát triển lành mạnh nền kinh tế…/.