Thực hiện chương trình phiên họp thứ 16, ngày 22-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo hình thức trực tuyến tới tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội, trong chương trình của phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phiên chất vấn có những nội dung tuy khác nhau nhưng đều cùng một mục đích là nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Đối với ngành tòa án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tới yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ góp phần làm cho tòa án trở thành thành trung tâm công tác của ngành tư pháp. Đối với ngành giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tới vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo của nhân dân.

Trong phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình sáng 22-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung chất vấn. 

Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về giải pháp khắc phục hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân ở Tòa án các địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử; công tác chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao đối với Tòa án Nhân dân các cấp; biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử...

Trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về 8 chỉ tiêu đã nêu trong Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và công tác thi hành án 2013, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định: toàn ngành tòa án biểu thị quyết tâm cao nhất để thực hiện các nội dung đề ra.

Liên quan đến ý kiến chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương về số vụ án tham nhũng đưa ra xét xử còn ít, nhưng số bị cáo được tòa án cho hưởng án treo và hình phạt tù quá nhẹ còn chiếm tỷ lệ cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình giải thích: Tòa án chỉ xét xử những vụ án mà Viện kiểm sát đã đưa ra truy tố và có cáo trạng, trên cơ sở đó Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và Tòa án mở phiên tòa xét xử. Việc các vụ án tham nhũng đưa ra xét xử còn ít hay nhiều liên quan đến trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát và việc phát hiện, điều tra của cơ quan điều tra.

Đối với việc xét xử cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao mà nhiều đại biểu phản ánh, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao đã ra nghị quyết và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra ráo riết, quyết liệt vấn đề này. Hàng năm Tòa án Nhân dân tối cao tiến hành nhiều lần thanh tra riêng về chuyên đề này. Mặt khác, việc xét xử của Tòa án căn cứ vào cáo trạng và việc truy tố của Viện kiểm sát. Những vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua đều áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu cầm đầu.

Xung quanh vấn đề án treo chiếm tỷ lệ cao, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết hầu hết số bị cáo được tòa án áp dụng mức án treo đều có căn cứ đúng pháp luật nhưng cũng có một số áp dụng không đúng pháp luật. Những trường hợp không đúng pháp luật đã bị tòa án cấp trên kháng nghị cấp phúc thẩm hoặc kháng nghị giám đốc thẩm để giải quyết vụ án theo đúng căn cứ pháp luật. Tất cả những trường hợp thẩm phán cho áp dụng mức án treo không đúng pháp luật đều bị tạm dừng việc tái bổ nhiệm để kiểm điểm.

Chánh án cho biết thêm hiện ngành đang xây dựng một nghị quyết mới để quy định chặt chẽ những điều kiện cho hưởng án treo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật đối với nhóm tội tham nhũng nhằm phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Về việc đơn khiếu nại giám đốc thẩm dân sự chiếm tỷ lệ cao trong các vụ án, Chánh án Trương Hòa Bình giải thích, hiện nay với tình trạng đơn nhiều thì việc kháng nghị Giám đốc thẩm cũng rất nhiều. Mỗi năm tòa án chỉ có thể xem xét giải quyết được khoảng 200 vụ nhưng số lượng kháng nghị hàng năm lại gần 400 vụ nên dẫn đến tình trạng xét xử không kịp.

Liên quan đến vấn đề cán bộ ngành tòa án nhận tiền hối lộ, chạy án, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận: Hiện tượng đó là có thật và hàng năm ngành tòa án đều có báo cáo số trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về kết quả giải quyết xét xử các vụ án hành chính thời gian qua, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, việc giải quyết các vụ án hành chính, chất lượng chưa cao và còn chậm, đó là một thực tế cần khắc phục vì đây là loại án khó. Trong thời gian tới, ngành tòa án sẽ khắc phục tình trạng này...

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 22-3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn về giải pháp thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”; Chương trình hành động cụ thể để khắc phục tình trạng “dạy thêm, học thêm” tràn lan và “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc trái chuyên ngành được đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng; tình trạng gia tăng bạo lực học đường và các hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục...

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn còn có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách của giáo dục hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết những bất cập yếu kém trong quản lý nhà nước về giáo dục thời gian qua chính là nguyên nhân của tình trạng cả xã hội chưa bằng lòng với chất lượng giáo dục. Nhận thức được điều này, từ năm 2008, Bộ đã triển khai việc đổi mới quản lý giáo dục. Tuy nhiên, việc đổi mới vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa xứng tầm với chỉ đạo. Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị đổi mới quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2012 trong đó nêu đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá để triển khai vướng mắc, tồn tại, bất cập của ngành giáo dục.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp đổi mới giáo dục. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược mới về phát triển giáo dục đào tạo; đổi mới nhận thức chuyển từ mô hình đào tạo dựa vào quy mô, số lượng sang mô hình đào tạo nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục. Bộ cũng xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Luật Giáo dục đại học, trong đó có nhiều nội dung đổi mới như: vấn đề phân cấp, tự chủ; phân tầng chất lượng... Đến nay, Luật Giáo dục đại học đã đi vào cuộc sống và có hiệu lực tốt. Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện phân cấp cho các trường đại học quy chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Về vấn đề giáo dục, đào tạo đối với vùng dân tộc, đối tượng khó khăn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn luôn là đối tượng ưu tiên, quan tâm của Đảng, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ đã triển khai chương trình tiếng Việt, chương trình lớp học mới ở các trường miền núi; giáo dục đặc thù văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc... Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo điều kiện giáo dục tốt cho các cháu vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc có cơm ăn, áo mặc và sách vở tới trường.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thể hiện quyết tâm cùng toàn dân và toàn ngành giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó, chất lượng giáo dục đào tạo sẽ từng bước được nâng cao.

Trả lời trách nhiệm của Bộ trưởng về tình trạng nhiều trường đại học được mở ra tràn lan trong khi nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc, hoặc phải làm việc trái ngành, trái nghề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận việc mở một số trường không đảm bảo điều kiện, đảm bảo chất lượng là thực tế.

Để chấn chỉnh việc này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội và nguyện vọng của nhân dân, Bộ Giáo dục đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát ở cả những trường có truyền thống và những trường mới thành lập. Qua kiểm tra, Bộ đã cho dừng hoạt động đối với những chuyên ngành, lĩnh vực và các trường không bảo đảm chất lượng để củng cố chất lượng đào tạo, tạo nền nếp trong quản lý của Bộ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết thực tế hiện hay có tình trạng sinh viên không có việc làm, nhất là trong ngành sư phạm. Đây là vấn đề bức xúc. Nhiều trường đại học, cao đẳng phải mở sang các ngành nghề khác. Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Nghị quyết về chương trình sư phạm và đào tạo giáo viên được 3 năm. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành tổng kết, điều tra cơ bản, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm trong cả nước theo hướng phù hợp với quy mô, yêu cầu; giải quyết vấn đề chất lượng.

Trả lời chất vấn về tình trạng "học giả bằng thật" hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng cách tuyển dụng của Việt Nam còn quá coi nặng bằng cấp mà không chú ý đến kỹ năng. Trong khi đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài thì bằng cấp chỉ là điều kiện và họ sẽ thi tay nghề thực. "Chúng tôi rất muốn hệ thống tuyển dụng của nhà nước ta không coi nhẹ bằng cấp nhưng không coi đó là điều kiện duy nhất”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng dành thời gian trả lời các câu hỏi liên quan đến việc triển khai chính sách cho giáo viên và học sinh mầm non; việc đổi mới căn bản chất lượng giáo dục đào tạo nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; việc quản lý xuất bản phẩm liên quan đến giáo dục và dựng hàng rào kỹ thuật với sách trong nhà trường...

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm thẳng thắn, cầu thị, Bộ trưởng đã nhận rõ trách nhiệm của mình, trả lời thẳng vào các nội dung đang được xã hội quan tâm. Với 37 câu hỏi chất vấn được gửi đến, Bộ trưởng đã trả lời trực tiếp 23 đại biểu, những câu hỏi còn lại, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri đối với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội cũng đã chia sẻ với sự cố gắng của Bộ trưởng và nỗ lực của ngành giáo dục trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước - coi sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của ngành giáo dục; thực hiện cải cách, đổi mới toàn diện lĩnh vực giáo dục, đào tạo (hoàn thiện sách giáo khoa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quan tâm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất cho ngành giáo dục); phân luồng cho các bậc học, đặc biệt gắn giáo dục đào tạo với dạy nghề, với nhu cầu sử dụng nhân lực của các ngành, các địa phương, các lĩnh vực, tránh tốn kém, lãng phí và rủi ro trong quá trình đào tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong đổi mới cải cách giáo dục; nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với việc nâng cao kỹ năng cho học sinh.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với cơ quan hữu quan giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách cho giáo viên: chính sách giáo dục mầm non, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp, ưu đãi khác. Việc chống bệnh thành tích, chống tiêu cực trong giáo dục cần được coi là công việc thường xuyên; kết hợp với nhiều giải pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp thu, ghi nhận các kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, đôn đốc kiểm tra công tác giáo dục đào tạo trong thời gian tới.

Kết luận bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); dự án Luật tiếp công dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối; cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như thảo luận về một số công việc quan trọng khác./.