"Bệnh nhân người I-ta-li-a"

La Mịch Như
21:47, ngày 01-03-2013

TCCSĐT- Cuộc bầu cử quốc hội ngày 24 và 25-2 vừa qua ở I-ta-li-a chẳng khác gì cơn gió đẩy chính trường nước này vào tình trạng "tránh vỏ dưa gặp phải vỏ dừa". Kết quả bầu cử lần này đã làm cục diện chính trường của I-ta-li-a thay đổi nhưng lại theo hướng tiếp tục bị phân rẽ thêm. Điều đó cũng phần nào phản ánh phong trào chính trị chung trong EU là cử tri “ngán ngẩm” chính giới và không còn tin tưởng vào khả năng cầm quyền cũng như khả năng xử lý khủng hoảng của các đảng phái chính trị lớn. Sau "bệnh nhân người Hy Lạp", EU giờ có thêm "bệnh nhân người I-ta-li-a" có thể sắp phải nhập viện.

Theo kết quả bầu cử được chính thức công bố, liên danh tranh cử cánh tả - trung tâm của ông Pi-e Lui-ghi Béc-xa-ni (Pier Luigi Bersani) giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện, nhưng do luật bầu cử đặc biệt ở nước này mà liên danh của ông chỉ giành được đa số ghế trong Hạ viện chứ không được vậy trong Thượng viện. Luật bầu cử này được thông qua khi cựu Thủ tướng Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni (Silvio Berlusconi) tại nhiệm và quy định rằng, đảng phái chính trị nào giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất thì đương nhiên có được đa số trong Hạ viện. Số ghế trong Thượng viện lại được phân bổ theo khu vực hành chính và đảng nào giành được nhiều phiếu bầu nhất ở đó sẽ giành được số ghế Thượng nghị sỹ phân bổ cho khu vực ấy.

Việc thành lập chính phủ liên hiệp mới rất khó khăn vì ông Lui-ghi Béc-xa-ni chỉ có thể liên minh với đảng của cựu Thủ tướng Xin-vi-ô Béc-lu-xcô-ni trong khi ông L.Béc-xa-ni lại muốn liên minh với phong trào "Năm ngôi sao" của danh hài Bép-pê Gri-lô (Beppe Grillo) nhưng ông B.Gri-lô lại đã tuyên bố không liên minh với phái liên danh cánh tả của ông L.Béc-xa-ni. Phong trào "Năm ngôi sao" mới được thành lập trước cuộc bầu cử và tập hợp những lực lượng và cá nhân phản đối chính sách tiết kiệm ngặt nghèo và áp đặt của EU cũng như bất bình với các đảng phái chính trị và chính trị gia hiện tại ở I-ta-li-a.

Trong khi đó, phe của cựu Thủ tướng Ma-ri-ô Môn-ti (Mario Monti) được EU hậu thuẫn và kỳ vọng chỉ dành được tỷ lệ phiếu bầu ít ỏi đến mức gần như không còn giữ nổi vai trò chính trị nào trong việc thành lập chính phủ mới. Đó mới chính là điều khiến EU lo ngại nhất.

Ông Ma-ri-ô Môn-ti đã bước đầu khôi phục được lòng tin của EU vào khả năng thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công nhưng bị cử tri phế truất. Ông X.Béc-lu-xcô-ni là thủ phạm chính đẩy đất nước này vào thảm cảnh chính trị nội bộ và kinh tế, tài chính hiện tại nhưng vẫn được cử tri dành cho vai trò chính trị đáng kể trong cả lưỡng viện lập pháp. Ông B.Gri-lô đại diện cho phong trào phản đối của người dân và theo trường phái "phản chính trị" lần đầu tiên làm chính trị mà được cử tri gửi gắm vai trò "dựng vua".

Kết quả bầu cử như thế làm cho chính trường thêm bị phân rẽ đến mức khó có thể tránh khỏi nguy cơ trở nên hỗn loạn, chính phủ liên hiệp nào được thành lập cũng đều rất khó khăn trong việc cầm quyền. Chừng nào chính trường chưa hài hòa và chính phủ chưa ổn định thì chừng đó việc đối phó với khủng hoảng ở I-ta-li-a không thể sớm thành công và kéo theo những tác động tiêu cực tới EU ngày càng tăng.

Nếu ông L.Béc-xa-ni không thành lập chính phủ liên hiệp với ông X.Béc-lu-xcô-ni hoặc ông B.Gri-lô thì ở đất nước này chỉ còn có 3 khả năng khác là chính phủ thiểu số do ông L.Béc-xa-ni đứng đầu thành lập chính phủ do một chuyên gia chứ không phải chính trị gia đứng đầu - như ông Ma-ri-ô Môn-ti trước đó - hoặc lại tiến hành tổng tuyển cử mới.

"Bệnh nhân người I-ta-li-a" rất có thể sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn hiện tại của EU bằng cách “hủy hoại” hiệu quả của những biện pháp đối sách chống khủng hoảng mà EU đang vận dụng cũng như làm "lây bệnh" sang những thành viên khác của EU. Kết quả bầu cử này phản ánh tâm lý chung của người dân ở I-ta-li-a bất bình với việc bị EU áp đặt chính sách tiết kiệm ngặt nghèo. Nó bộc lộ một diễn biến rất nguy hại đối với EU là ý chí thúc đẩy sự nhất thể hóa EU về chính trị đang suy giảm nghiêm trọng và sự đoàn kết gắn bó trong EU cứ tiếp tục bị bào mòn.

Đối với cử tri, điều quan trọng và quyết định giờ không phải là có thể cùng nhau làm được gì trong EU và cho EU, mà cái gì có lợi nhất cho mình. Đối với các đảng phái chính trị, làm chính trị bây giờ và muốn thắng cử thì phải tập trung trước hết cho các vấn đề nội bộ, đáp ứng những đòi hỏi của cử tri chứ không phải chơi "con chủ bài EU". Một khi các thành viên bị khủng hoảng chính phủ thì EU không thể xúc tiến những cuộc cải cách cần thiết và triển vọng tiến tới "Liên minh chính trị" ngày càng thêm xa vời./.