Cộng đồng kinh tế ASEAN nhìn từ góc độ an ninh khu vực

Hoàng Thị Thanh Nhàn
09:29, ngày 03-08-2007

Tháng 8-2007, Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 40 với sự góp mặt đầy đủ của 10 nước thành viên để cùng nhìn lại quá trình hợp tác và liên kết kinh tế khu vực. Bên cạnh mục tiêu xây dựng Cộng đồng an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trụ cột chính tạo thế vững chắc cho ASEAN trong một khu vực luôn đan xen lợi ích và những diễn biến phức tạp.

Thế nào là một thị trường chung ASEAN?

Dưới góc độ lý thuyết, có 4 hình thức hội nhập kinh tế khu vực với những loại bỏ hạn chế thương mại giữa hai hoặc nhiều nước với nhau. Trong đó, liên minh kinh tế là hình thức hội nhập đạt mức độ sâu rộng nhất và là mục tiêu cuối cùng của mọi lộ trình liên kết kinh tế.

AEC được hình dung là một "thị trường chung", trong đó có "4 quyền tự do": hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề. Nếu trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), mức thuế quan được giảm từ 0% đến 5% đối với ASEAN-6 (năm 2006) và với ASEAN-4 (năm 2010), đồng thời các thủ tục phi thuế quan được đơn giản hóa, luồng hàng hóa giao dịch được tăng lên, thương mại nội bộ khối được cải thiện và đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng trên cục diện toàn khu vực, thì AEC lại hướng tới một thị trường chung với 4 đặc thù trên. Trong khuôn khổ liên kết kinh tế rộng hơn, các nhà lãnh đạo ASEAN kỳ vọng AEC sẽ hội tụ những biện pháp nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại, cải thiện hạ tầng kinh doanh, giảm chi phí giao dịch thương mại, tăng tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư của ASEAN, củng cố hệ thống giải quyết tranh chấp nội bộ khối. Nếu AEC trở thành hiện thực, ASEAN sẽ bước vào ngưỡng hội nhập thứ ba nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của liên minh kinh tế đầu tiên ở khu vực châu Á trong tương lai. Khi đó, sẽ tồn tại một khu vực kinh tế ASEAN cạnh tranh, thịnh vượng và ổn định, ở đó có sự dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, dịch chuyển tự do hơn cho các dòng vốn, phát triển kinh tế công bằng và giảm đói nghèo cũng như bất bình đẳng kinh tế - xã hội.

AEC với an ninh nội khối và khu vực Đông Á

Về mặt an ninh, khu vực Đông - Bắc Á và Đông - Nam Á chưa có được một cơ chế vững chắc, luôn bị phân tán bởi hàng loạt những thỏa thuận song phương, mà phần lớn là ký kết với Mỹ. An ninh chiến lược giữa ASEAN và nhiều nước láng giềng chưa thể gắn kết làm nền tảng cho chiến lược an ninh đa phương như mô hình của NATO. Do vậy, khi AEC nằm trong tầm tay của các nước thành viên, ASEAN sẽ đạt thế mặc cả tốt hơn trong thỏa thuận an ninh khu vực, bởi vì:

Năm 2005, ASEAN đã bắt đầu khởi động vòng đàm phán thành lập khu vực thương mại tự do với EU; tổng giá trị thương mại hai chiều của ASEAN với EU đã đạt đến con số 137 tỉ USD. Năm 2006, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN với Trung Quốc đạt 160 tỉ USD; với Hàn Quốc đạt trên 40 tỉ USD.

AEC là điểm đến của lộ trình hội nhập kinh tế Đông - Nam Á, hứa hẹn nhiều tiềm năng kinh tế nội khối được khai thác. Sức hấp dẫn đối với hội nhập kinh tế theo chủ nghĩa khu vực mở sẽ tăng lên, như cơ chế ASEAN+1, ASEAN+3 hay ASEAN+6. Không có ràng buộc nào mạnh mẽ và hiệu quả hơn những ràng buộc kinh tế, thông qua đó mọi ý đồ gây bất ổn định chính trị và an ninh khu vực sẽ bị gạt bỏ. AEC là cách mà ASEAN đảm nhiệm vai trò là "trục giữa" của khu vực Đông Á. ASEAN vốn là khối mậu dịch quan trọng với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu lên đến hơn 400 tỉ USD, tổng giá trị nhập khẩu khoảng hơn 300 tỉ USD vào năm 2005. AEC sẽ trở thành điểm mấu chốt ngăn chặn ảnh hưởng của chính trị cường quyền, tạo sự ổn định lâu dài và bền vững cho an ninh chính trị trong khu vực. Tác động tích cực của AEC đến an ninh khu vực sẽ được thể hiện thông qua kết nối kinh tế thương mại giữa ASEAN với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; theo đó ASEAN sẽ tạo được thế cân bằng quyền lực. Kinh tế ASEAN mạnh lên với sự hình thành vững chắc của AEC, chiến lược cân bằng quyền lực tại đây sẽ có cơ hội tốt hơn để thực hiện.

AEC được xây dựng trên nền tảng thể chế kinh tế chung. Công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế đi kèm với quá trình hội nhập đang và sẽ tạo đà thúc đẩy các nền kinh tế thành viên phát triển không ngừng. Khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên dần được khắc phục vì mục tiêu bảo đảm an ninh nội khối. Thông qua xác lập AEC, ASEAN dần chuyển từ tổ chức theo hướng dựa trên các cách thức không chính thức, trên cơ sở đồng thuận hoặc hiểu biết lẫn nhau sang tổ chức dựa trên luật lệ, sử dụng nhiều hơn những công cụ thể chế và hiệp định cam kết mang tính pháp lý. Cách làm này phù hợp với luật lệ, điều kiện kinh tế và chính trị quốc tế hiện nay. Mười một lĩnh vực tự do hóa trong khuôn khổ AEC được đánh giá là sẽ tạo ra sự hài hòa và thông thoáng cho các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội khác đi kèm.

AEC mang lại thịnh vượng cho các nền kinh tế thành viên chính là bảo đảm an ninh trong nội khối. Trong những năm gần đây, vấn đề an ninh eo biển Ma-lát-xca - huyết mạch giao thông trên biển đặc biệt quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới - đang trở thành vấn đề nổi cộm. Nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền qua lại eo biển này khỏi sự tấn công của cướp biển cũng như nguy cơ tấn công khủng bố không chỉ là mối quan tâm của 4 nước Đông - Nam Á nơi eo biển đi qua (Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Xin-ga-po), mà còn của cả ASEAN khi cần huy động lực lượng phòng thủ tập thể. Nếu thành công, Cộng đồng kinh tế ASEAN cùng Cộng đồng an ninh ASEAN sẽ thực sự bảo đảm cho những bước tiến mới của phòng thủ an ninh tập thể. Tại hội nghị nguyên thủ các nước ASEAN tổ chức vào tháng 11-2004, các thành viên đều nhất trí khởi thảo hiến chương quy chế hành động tập thể khi có tình hình khẩn cấp và xây dựng hệ thống bảo vệ khu vực. Eo biển Ma-lát-xca thu hút mối quan tâm không chỉ của các nước sở tại mà còn của tất cả các nước lớn trong và ngoài khu vực Đông Á. Trong điều kiện đó, không thể không xây dựng chiến lược phòng thủ tập thể dựa trên nền tảng AEC.

AEC thay đổi cơ chế an ninh ASEAN

Thứ nhất, sau "chiến tranh lạnh", mối đe dọa chủ yếu nguy hại đến an ninh quốc gia bắt nguồn từ bên ngoài, vì thế, an ninh ASEAN không thể tách rời khỏi an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vào nửa đầu thập niên 1990, ASEAN đã chủ động tham gia cơ chế an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó lấy ASEAN làm chủ đạo thông qua hình thành Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga vào tiến trình đối thoại an ninh khu vực trên nỗ lực cụ thể như xây dựng biện pháp tin tưởng lẫn nhau, triển khai ngoại giao dự phòng và thảo luận các biện pháp giải quyết xung đột. ARF cho đến nay vẫn là cơ chế an ninh mang ý nghĩa tích cực bởi nó không chỉ thu hút thêm thành viên tham gia (Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ...) mà còn duy trì tính nhất quán về an ninh khu vực.

Thứ hai, an ninh ASEAN không thể bảo đảm nếu chậm kết nạp 4 quốc gia Đông - Nam Á còn lại. Tinh thần này đã được nhất quán nhằm xây dựng chương trình hành động của hiệp hội. Kết quả là, đến năm 1999, ASEAN hoàn tất việc mở rộng thành viên để trở thành tổ chức khu vực trọn vẹn. Lộ trình hội nhập đã được vạch ra với những bước hội nhập tự do hóa ngày càng sâu hơn. AEC được coi là điểm đến khả thi và hữu hiệu đối với mọi nền kinh tế thành viên, là lựa chọn không thể đảo ngược.

Thứ ba, AEC sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho ASEAN trở thành thực thể độc lập, cường thịnh trước mọi cơ chế đa phương trong và ngoài khu vực. Sau ARF, Đông - Nam Á còn tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực theo hướng ASEAN+3 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), tiến đến Cộng đồng kinh tế Đông Á. ASEAN cần đủ sức cạnh tranh và khả năng đối đầu với những thách thức về an ninh và ổn định chính trị bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

AEC với những tác động xã hội lưỡng chiều

Lao động có tay nghề chuyển dịch tự do trong khuôn khổ AEC, mang lại cả cơ hội và thách thức về mặt xã hội. Việc làm có thể được tạo ra hoặc mất đi khi thị trường được tự do hóa, lợi thế cạnh tranh giữa các ngành hay các nước có sự thay đổi. Lực lượng lao động của các nước thành viên đều đứng trước những tác động lưỡng chiều.

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN đã được hình thành trước 4 năm so với dự kiến ban đầu. Hiện nay, mức thuế trung bình tại ASEAN-6 đã giảm xuống chỉ còn 1,5% (so với 12,8% năm 1992) và 65% sản phẩm trong danh mục chung đã được miễn thuế. Đến năm 2010, ASEAN-6 phát triển hơn với cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng trong danh mục sản phẩm chung; trong khi đó, ASEAN-4 buộc chấp nhận thời hạn này đến năm 2015.

Năm 2005, ASEAN đã bắt đầu khởi động vòng đàm phán thành lập khu vực thương mại tự do với EU; tổng giá trị thương mại hai chiều của ASEAN với EU đã đạt đến con số 137 tỉ USD. Năm 2006, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN với Trung Quốc đạt 160 tỉ USD; với Hàn Quốc đạt trên 40 tỉ USD.

Tuy nhiên, những nghiên cứu về ảnh hưởng của AFTA đối với lao động và việc làm cho thấy tình trạng thất nghiệp xảy ra đáng lo ngại. Năm 2003, chỉ riêng Ban-dung (In-đô-nê-xi-a), có tới 67 công ty dệt may, với khoảng hơn 10.000 lao động phải ngừng hoạt động, nhiều công ty trong số đó đã chuyển sang nước khác hoạt động. Ngành dệt may Phi-líp-pin vốn là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất ở nước này vào những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX hiện đang suy tàn do không trụ nổi trước sự tấn công của ngành dệt may ở các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực.

Mô hình phân công lao động và kịch bản chia sẻ nguồn lực giữa các nước thành viên giàu với các nước thành viên nghèo sẽ xảy ra. Khi nguyên tắc chuyển dịch tự do lao động có tay nghề được áp dụng, xu hướng thuê lao động ở nước ngoài và di chuyển nhân lực từ nước thành viên chậm phát triển sang thành viên phát triển hơn sẽ diễn ra. Tình trạng chênh lệch về hưởng lợi là không thể tránh khỏi. Vấn đề là cơ chế điều chỉnh như thế nào để các bên chấp nhận tỷ lệ hưởng lợi trong khuôn khổ hội nhập thị trường lao động khu vực và bảo đảm không phá vỡ những cam kết quan trọng mà ASEAN đã đạt được.

Trong ASEAN chưa từng xuất hiện trào lưu dân nhập cư ồ ạt vì những lý do chính trị hoặc kinh tế cho dù xuất khẩu lao động đang gia tăng không ngừng trong nội bộ khối. Ma-lai-xi-a là nước nhập khẩu lao động nhiều nhất ASEAN (2,6 triệu lao động so với tổng lao động của nước này là 10,5 triệu); trong tương lai, số lao động nhập khẩu vào Ma-lai-xi-a vẫn sẽ tăng lên cho đến khi nước này hoàn tất hiệp định thương mại. Ngoài ra, hiện nay có khoảng 1 triệu lao động Mi-an-ma (gồm cả hợp pháp và bất hợp pháp) ở Thái Lan, khoảng 720.000 lao động In-đô-nê-xi-a ở Ma-lai-xi-a, hàng chục ngàn lao động Việt Nam ở Ma-lai-xi-a. Cùng với sự ra đời AEC, cơ cấu lao động xuất khẩu sẽ biến đổi. Những lao động chuyên nghiệp được đào tạo chính quy và đạt chuẩn quốc tế, nhất là thuộc các những ngành công nghệ cao sẽ dễ dàng kiếm việc làm ở bất kỳ nước thành viên nào. Vì vậy, luật lao động cần thống nhất trên toàn thị trường ASEAN để không chỉ bảo đảm thị trường việc làm lành mạnh mà còn khuyến khích tuyển dụng lao động mới theo hướng năng suất lao động cao được trọng dụng.

Một mặt, việc làm mang lại thay đổi thu nhập cho người lao động, cải thiện sức mua toàn xã hội, mức sống được nâng lên. Mặt khác, cạnh tranh lao động, cạnh tranh điều kiện lao động giữa các quốc gia thành viên cũng thay đổi theo hướng gay gắt hơn nhằm thu hút nhân công với chất lượng và số lượng phù hợp với nhu cầu việc làm của mỗi quốc gia. Đó sẽ là những thách thức không nhỏ đối với các nước thành viên kém phát triển. Vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nhập khẩu và nhập cư đang đòi hỏi khung pháp lý chặt chẽ cũng như những hiệp định về việc làm và lao động. Những quy định lỏng lẻo, thiếu tính pháp lý đã gây ra nhiều bất đồng giữa lao động làm thuê với giới chủ, cũng như giữa các lao động nhập khẩu trong cùng ngành nghề nhưng khác quốc tịch. Đó là thực tế đáng suy nghĩ.