Động hướng mới trên bàn cờ chiến lược thế giới
Sự phát triển của thế giới hiện nay dần ló rạng triển vọng, cuộc chơi trên bàn cờ chiến lược thế giới sẽ do nhiều thế lực cùng nắm giữ thế cờ, chứ không còn chỉ một siêu cường nắm vai trò thống soái như trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Vị thế siêu cường của Mỹ suy giảm
Thế giới "hai cực" đã mất đi cùng với sự tan rã của Liên Xô năm 1991. Thế giới "đơn cực" do siêu cường còn lại là Mỹ từng nắm vai trò chủ đạo, trải qua nhiều thời điểm biến động nay đã khác nhiều. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ trở thành một đế quốc toàn cầu. Ưu thế của Mỹ đối với các quốc gia, dân tộc khác, dù là đồng minh hay đối thủ đều mang tính áp đảo, bất kể trên lĩnh vực quân sự hay kinh tế. Đối diện với Mỹ lúc đó là một nước Nga bị suy yếu nghiêm trọng, một nước Nhật bị lâm vào suy thoái kéo dài, một Liên minh châu Âu (EU) mất ổn định trong quá trình nhất thể hóa, một nước Ấn Độ vừa mới thoát khỏi giai đoạn trì trệ và một nước Trung Quốc bắt đầu nổi lên, nhưng chưa thể lọt vào tốp các nước dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của tình hình quốc tế trong thế kỷ mới, tất cả những vấn đề trên đã biến đổi sâu sắc.
Khi mới lên cầm quyền, dựa mạnh vào thế lực "bảo thủ mới" trong Đảng Cộng hòa, Tổng thống G. Bu-sơ khoe khoang rằng ông không chơi "quả bóng nhỏ", thực thi "chiến lược biến đổi cách mạng", không chỉ "giữ nguyên trạng" như cựu Tổng thống B. Clin-tơn mà sẽ thay đổi "phương hướng của lịch sử"(1). Nỗ lực nhằm để lại một di sản "biến đổi" của G. Bu-sơ dựa trên ba yếu tố: giảm bớt sự phụ thuộc của Oa-sinh-tơn vào các liên minh truyền thống và các thể chế quốc tế; mở rộng quyền đánh đòn phủ đầu thành một học thuyết chiến tranh phòng ngừa mới; chủ trương dân chủ hóa, thay đổi chế độ chính trị "độc tài" như một giải pháp đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông. Những yếu tố này đã được thể chế hóa trong Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ năm 2002. Tuy nhiên, từ khi Mỹ xâm lược I-rắc, không tìm thấy vũ khí hủy diệt lớn hay bằng chứng về việc Tổng thống X. Hu-xê-in có quan hệ với An Kê-đa, hai trong ba nỗ lực "biến đổi" đã bị lung lay. Vì vậy, G. Bu-sơ ngày càng chú trọng vào yếu tố dân chủ hóa. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2006 nhắc đến từ tự do và dân chủ hơn 200 lần (nhiều hơn gấp 3 lần so với Chiến lược an ninh quốc gia năm 2002), hạ thấp tầm quan trọng của chiến tranh phòng ngừa, ngoài ra còn dành cả một chương nói về toàn cầu hóa (chủ đề mà G. Bu-sơ nhạo báng là "chủ nghĩa Clin-tơn ủy mị"). Bên cạnh đó, giọng điệu và chính sách ngoại giao của chính quyền G. Bu-sơ đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và I-ran gần đây cũng mềm mỏng hơn nhiều so với thời kỳ đầu.
Cuộc chiến tranh I-rắc đã khiến vị thế toàn cầu của Mỹ bị giảm sút. Không chỉ vậy, cuộc chiến tranh này còn làm gia tăng sức mạnh và vị thế của các nước và các tổ chức bị Mỹ xem là "kẻ thù không đội trời chung". Đó là I-ran, Xy-ri, phong trào Héc-bô-la ở Li-băng, phong trào Ha-mát ở Pa-le-xtin và mạng lưới khủng bố An Kê-đa. Một bài xã luận của tập san Chính sách đối ngoại thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, số ra gần đây, nhận xét rằng, một nước I-rắc "mới" được coi là "mô hình dân chủ" đối với Trung Đông và là mối đe dọa đối với thuyết chính trị thần quyền của I-ran. Tuy nhiên, thay vào đó, I-ran đã nổi lên như một nước giành thắng lợi lớn nhất trong cuộc chiến của Mỹ! Trên thực tế, hiện nay đang hình thành hai thế lực đối chọi nhau ở Trung Đông: một bên là Mỹ, I-xra-en cùng với A-rập Xê-út, Gioóc-đa-ni và bên kia là I-ran, Xy-ri, các phong trào Héc-bô-la và Ha-mát.
Chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tranh I-rắc nay lên tới con số khổng lồ(2). Lực lượng nổi dậy hoạt động theo từng nhóm của I-rắc đã chứng tỏ rằng họ có thể làm thất bại những cố gắng của đội quân Mỹ và liên minh được trang bị tối tân nhất, hùng mạnh nhất. Sự phục hồi và phát triển của các nhóm vũ trang ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và Xô-ma-li báo hiệu một cuộc đối đầu với quy mô lớn hơn và quyết liệt hơn nhằm chống lại trật tự đế quốc do Mỹ áp đặt. Hình ảnh và uy tín của một siêu cường quân sự dựa trên thế mạnh về công nghệ dần dần bị lu mờ. Vấn đề hiện nay đã rõ ràng, không phải là Mỹ có buộc phải rút quân khỏi I-rắc hay không mà là sẽ rút quân vào thời điểm nào và như thế nào... Giấc mơ về một "Đại Trung Đông dân chủ" đã tan biến.
Sự trỗi dậy của các cường quốc
Đáng chú ý là, trong khi tiềm lực "cứng" của Mỹ tuy vẫn còn hùng mạnh thì uy thế chính trị và sức hấp dẫn của nền văn hóa Mỹ - tức tiềm lực "mềm" - lại đang bị suy yếu. Bối cảnh chiến lược quốc tế đang thay đổi theo chiều hướng ngược lại với mong muốn của Mỹ. Trung Quốc đang tự khẳng định mình trên tất cả các lĩnh vực như một cường quốc lớn thứ ba thế giới; đang đề ra mục tiêu xây dựng một xã hội hài hòa trên cả phạm vi trong nước và quốc tế, nhưng cũng không vì thế mà không chú ý đến việc tăng cường khả năng quân sự và vũ trụ của mình; đang thực hiện chính sách đối ngoại tích cực, nhất là ngoại giao kinh tế, khá thành công ở Đông - Nam Á, Mỹ La-tinh, đặc biệt là ở châu Phi. Ấn Độ đã thành công từ chủ trương tự do hóa nền kinh tế bắt đầu từ thế kỷ trước, đang ghi dấu ấn của mình trên trường quốc tế, đặc biệt trên lĩnh vực phần mềm công nghệ thông tin và các công nghệ cao khác. Nhật Bản đã bước ra khỏi thời kỳ suy thoái và đang gia tăng các tín hiệu khôi phục lại vai trò cường quốc bình thường của mình.
Tại hội nghị tài chính quốc tế do báo Thời báo tài chính tổ chức ở Xơ-un (Hàn Quốc), tháng 4-2006, các nhà kinh tế thế giới đã nhấn mạnh, sự trỗi dậy về kinh tế của châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... đang làm thay đổi thế giới và thúc đẩy tiến trình cải tổ nền kinh tế toàn cầu(3). Sự trỗi dậy mạnh mẽ của châu Á đã buộc các nước phát triển, nhất là châu Âu, phải cải tổ nền kinh tế của họ để tránh nguy cơ bị tụt hậu. Sự cạnh tranh của các nước phát triển với các nền kinh tế châu Á hiện nay đã chuyển sang giai đoạn mới là cạnh tranh về công nghệ cao với các quá trình công nghệ sản phẩm có giá trị gia tăng và kỹ năng công nghệ cao. Cuộc cạnh tranh này đã làm mất một triệu việc làm ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong năm 2005, thêm vào đó là 250 nghìn việc làm trong ngành dịch vụ đã được xuất khẩu sang châu Á. Các nhà kinh tế quốc tế nhấn mạnh, sự trỗi dậy về kinh tế đi kèm với nhu cầu phát triển giáo dục và công nghệ, đào tạo nhân tài của châu Á đã mở ra những thị trường mới và những cơ hội mới, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn trong các nền kinh tế toàn cầu. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ đã buộc người ta phải xem xét lại thứ bậc của các cường quốc kinh tế và tài chính. Mỹ từ chỗ là chủ nợ chuyển thành con nợ, còn nhiều nước Đông Á trở thành chủ nợ với dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (Trung Quốc đạt 1.202 tỉ USD vào đầu tháng 4-2007), đang giúp Mỹ trang trải các khoản thâm hụt tài chính khổng lồ. Hậu quả là nền kinh tế toàn cầu bị mất cân đối nghiêm trọng và Mỹ vô hình trung bị trói buộc vào hầu bao của các nước Đông Á, chủ yếu là Trung Quốc và Nhật Bản.
Nước Nga cũng đang khôi phục mạnh mẽ vai trò cường quốc Âu - Á của mình. Khi Tổng thống V. Pu-tin lên nắm quyền vào tháng 3-2000, nước Nga ở trong thời kỳ khó khăn và dường như không có khả năng thanh toán nợ nần, đồng thời giá dầu lửa và khí đốt ở mức thấp khiến người ta không hiểu bằng cách nào Nga có thể cân bằng việc thu chi ngân sách. Nhưng, Tổng thống V. Pu-tin đã biết cách đáp ứng mong đợi của nhân dân Nga bằng cách thiết lập quyền lực mạnh của nhà nước trung ương và thực hiện một quá trình tăng trưởng kinh tế liên tục. Vì vậy, đời sống của các tầng lớp nhân dân Nga đã được cải thiện. Trên phương diện đối ngoại, với chính sách độc lập, tự chủ, tự cường, đa phương, vai trò của nước Nga ngày càng trở nên nổi bật trong các vấn đề của châu Âu, Trung Đông, Trung Á, Nam Á, Đông Á. Tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-ních (10-2-2007), Tổng thống V. Pu-tin đã lên án mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và sự lạm dụng hầu như không có giới hạn của Mỹ trong việc sử dụng sức mạnh và vũ lực ở ngoài biên giới nước Mỹ. Thái độ phản đối quyết liệt kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (dự định bố trí tại một số thành viên mới của NATO và vùng ngoại Cáp-ca-dơ), cũng như việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, luật pháp trong nội bộ nước Nga cho thấy thời kỳ nước Nga bị "lép vế" ở châu Âu đã qua rồi. Trên thực tế, với kho tên lửa và đầu đạn hạt nhân ngang bằng với Mỹ, cũng như kho dự trữ dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, Nga quyết tâm tạo cho mình vị thế một cực mạnh trên bàn cờ chiến lược quốc tế, kiên quyết đấu tranh giành lại lợi ích chính đáng của mình, nhưng không dẫn tới đối kháng với Mỹ. Đáp ứng sự đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, chính phủ Nga đang vạch ra học thuyết quân sự mới và chiến lược đối ngoại mới.
Trong số các cực đang nổi lên, cũng cần phải kể đến EU đang bị rơi vào tình trạng trì trệ về kinh tế - xã hội và những khó khăn về mặt hiến pháp. Đặc biệt, Mỹ đang tranh thủ các nước châu Âu "mới" (chủ yếu là Ba Lan), tìm cách chia rẽ châu Âu, chống Nga xây dựng các đường ống dẫn dầu khí không đi qua lãnh thổ Ba Lan, đồng thời để cho Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa và căn cứ quân sự trên đất nước mình (Ba Lan, Séc, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni). Các nước này cũng không chịu thông qua Hiệp ước cắt giảm lực lượng thông thường ở châu Âu (Nga đã thông qua) và ngăn trở việc thương lượng ký kết Hiệp ước đối tác đặc biệt NATO - Nga thay thế cho hiệp ước cũ (được ký năm 1997 và hết hạn trong năm 2007).
Ngoài ra cũng phải kể đến ASEAN. Trên bàn cờ thế giới, tuy chỉ gồm các nước trung bình và nhỏ, ASEAN đã quyết tâm vào năm 2015 sẽ trở thành Cộng đồng Đông - Nam Á, dựa trên 3 trụ cột: An ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. ASEAN cũng đã được các nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương chấp nhận đóng vai trò trung tâm, chủ đạo trong các họat động bảo đảm an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương và cùng với các nước trong khu vực phấn đấu tiến tới xây dựng Cộng đồng Đông Á.
Các mối quan hệ đối tác chiến lược được tăng cường
Trên bình diện quốc tế và khu vực, hiện nay dòng chảy chính vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển. Nhưng đã xuất hiện xu thế tăng cường cạnh tranh chiến lược, liên kết tập hợp lực lượng để giành lợi ích hay tìm cách đối trọng, hạn chế lẫn nhau, thông qua các thỏa thuận chiến lược về chính trị, kinh tế hay chính trị, an ninh giữa hai hay nhiều nước. Các mối quan hệ đối tác chiến lược mới đan xen, lồng ghép vào nhau thành những quan hệ song phương, tam giác, tứ giác, về dài hạn có thể nhằm vào một đối thủ nào đó nhưng trước mắt chưa mang tính liên minh đối kháng. Diễn biến chiến lược đáng chú ý gần đây là việc Nhật Bản ký Hiệp ước hợp tác an ninh với Ô-xtrây-li-a, một đồng minh lâu đời của Mỹ. Mỹ và Nhật Bản cũng đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, tạo ra tiền đề kiến tạo tam giác hay tứ giác chiến lược giữa 4 nước này. Với việc ký kết Hiệp ước hợp tác hạt nhân với Mỹ, Ấn Độ đã giành được sự công nhận quốc tế về quy chế hạt nhân, do vậy vai trò, sức nặng của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc hạt nhân đã được nâng cao tại châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Ngoại giao năng lượng cũng đang bao trùm lên toàn cầu, đặc biệt là giữa các nước lớn nhằm giành giật không chỉ các nguồn tiếp tế ổn định về năng lượng, mà cả các tuyến đường vận chuyển, các đường dẫn dầu và khí xuyên qua nhiều nước. Nga cùng với nhiều nước xuất khẩu khí đốt ở vùng Vịnh và châu Phi đang bàn bạc việc thành lập Tổ chức xuất khẩu khí đốt như Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Việc này đang làm cho các nước tiêu thụ nhiều khí đốt nhập khẩu như Mỹ và EU lo ngại (Mỹ và EU tiêu thụ 22% và 18% lượng tiêu thụ khí đốt của thế giới). Tại Mỹ La-tinh, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U. Cha-vét đề ra cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ; sẽ thành lập một ngân hàng Liên Nam Mỹ, xây dựng các ống dẫn dầu mỏ tới nhiều nước Nam Mỹ và cùng với Cu-ba tăng cường liên kết các chính quyền cánh tả ở Mỹ La-tinh.
Diễn biến chiến lược trên bàn cờ thế giới thời gian qua cho thấy, thế giới đang dịch chuyển thành "đa cực". Tuy nhiên, sự phân chia quyền lực còn lâu mới kết thúc. Theo nhiều dự báo (kể cả của Mỹ), phải sau 10 - 15 năm nữa Mỹ mới mất vai trò siêu cường do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, sự hồi phục của Nga và một số nước khác. Hiện tại, các nước này chưa có khả năng thách thức vị trí số một của Mỹ, do đang phải trải qua nhiều thử thách, khó khăn. Trung Quốc đang phải đối phó với những vấn đề đáng lo ngại về xã hội, môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhật Bản dường như vẫn chưa sẵn sàng "thoát Mỹ - Âu, nhập Á", rời khỏi "cái ô" bảo trợ của Mỹ. Ấn Độ vẫn còn là một cường quốc khu vực. EU còn lâu mới đạt được điều gọi là thống nhất và đi vào con đường đổi mới, phát triển tốc độ cao. Nga thì vẫn đang trên đường hồi phục.
(2) Theo hãng tin AP (Niu-Oóc, 18-3-2007), chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tranh ở I-rắc đã lên tới 500 tỉ USD và có thể còn lên tới 1.000 tỉ USD hoặc nhiều hơn nữa. Theo nghiên cứu chung của hai giáo sư Xti-glít - người đã được giải Nô-ben (Đại học Cô-lôm-bi-a) và Bin-mét (Đại học Hác-va), giá thực sự của cuộc chiến tranh I-rắc, bao gồm cả ảnh hưởng kinh tế do giá dầu lên cao, có thể sẽ lên đến 2.000 tỉ USD
(3) Thông tấn xã Việt Nam: Tin thế giới, ngày 14-4-2006
Quốc hội phê chuẩn danh sách các thành viên Chính phủ  (02/08/2007)
Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân  (02/08/2007)
Tóm tắt tiểu sử Đồng chí Phạm Gia Khiêm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao  (02/08/2007)
Tiểu sử Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng  (02/08/2007)
Tiểu sử tóm tắt của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải  (02/08/2007)
Tiểu sử Phó Thủ tưởng Nguyễn Sinh Hùng  (02/08/2007)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay