Nước Mỹ sau bầu cử: “Còn rất khó khăn và nhiều việc phải làm”
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã nhấn mạnh, “chúng ta cần phải mau chóng quay trở lại cuộc sống bình thường, bởi tương lai phía trước của nước Mỹ còn rất khó khăn và còn rất nhiều việc phải làm”. Thực tế, sẽ có rất nhiều thách thức đến từ mọi phía đối với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Thách thức đầu tiên chính là sự chia rẽ trên chính trường cũng như trong xã hội Mỹ. Sự chia rẽ này đã tồn tại từ trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của B. Ô-ba-ma và chiến dịch bầu cử lại càng làm cho nó sâu sắc hơn. Nếu Tổng thống B. Ô-ba-ma không hóa giải được bất đồng giữa hai đảng thì rất nhiều chương trình sẽ bị ngưng trệ, cụ thể như việc khắc phục vách đá tài khóa, đối phó với nợ công đã vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD, gánh nặng thuế do mức thuế thu nhập hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12 tới cùng với việc Đạo luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 01-01-2013... Nhất là việc ông B. Ô-ba-ma tuyên bố sẽ đánh thuế cao vào nhóm người giàu nhất nước Mỹ rất có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới tăng trưởng mà còn tạo ra sự phân hóa mới trong xã hội Mỹ.
Thách thức trên làm nảy sinh một khó khăn tiếp theo là việc định hình một ê kíp làm việc mới. Ngay sau thắng lợi, ông B. Ô-ba-ma đã phải đối mặt với việc hàng loạt trụ cột cũ sẽ ra đi, như Ngoại trưởng H. Clin-tơn, Bộ trưởng Quốc phòng L. Pa-net-ta hay Bộ trưởng Tài chính T. Ghết-nơ… Trong quá trình xây dựng bộ máy làm việc mới, ông B. Ô-ba-ma chắc sẽ phải tính đến việc thỏa hiệp với Đảng Cộng hòa (hiện chiếm ưu thế tại Hạ viện) nhưng điều này lại dễ dẫn đến mâu thuẫn với Thượng viện (nơi Đảng Dân chủ đang chiếm đa số).
Thách thức cũng không hề nhỏ đến từ hoạt động đối ngoại. Quá nhiều “điểm nóng” hiện tại đòi hỏi chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma phải có cách xử lý sao cho vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với các nguồn lực hiện có. Chỉ tính riêng việc tiếp tục triển khai chính sách ưu tiên cho châu Á trong bối cảnh ngày càng phức tạp của khu vực cũng là điều không hề dễ dàng. Vừa thỏa mãn lợi ích của các đồng minh truyền thống, như Nhật Bản, Hàn Quốc,... vừa không làm ảnh hưởng tới quan hệ ngày càng khăng khít với Trung Quốc thực sự là một thách đố không nhỏ với ông B. Ô-ba-ma.
Thách thức có tính tổng thể đối với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống B. Ô-ba-ma chính là việc liệu ê-kíp của ông có tìm ra những bước đi mới phù hợp với hoàn cảnh mới hay không?.
Những thách thức như phân tích ở trên đòi hỏi chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma phải có những bước điều chỉnh cả trong chính sách đối nội và đối ngoại mới có thể thực hiện được cam kết “xây dựng lại nước Mỹ”. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới những khả năng điều chỉnh trong lĩnh vực đối ngoại, cụ thể là trong chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương, thông qua những hoạt động diễn ra nhằm hiện thực hóa chính sách “xoay trục châu Á”, và chuyến viếng thăm Đông Nam Á để dự Hội nghị cấp cao Đông Á (từ ngày 18 đến 21-11-2012, tại Thủ đô Phnôm Pênh, Cam-pu-chia) - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống B. Ô-ba-ma ngay sau khi tái đắc cử.
Ngay khi bước vào Nhà trắng năm 2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã đề xướng chính sách tái can dự vào châu Á (chính xác hơn là thay đổi hình thức can dự) theo tinh thần “Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương”(1). Trong gần 4 năm qua chính sách này đã được triển khai theo 6 phướng hướng chính: thứ nhất, tăng cường các liên minh an ninh song phương; thứ hai, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ hợp tác với các cường quốc mới nổi, kể cả với Trung Quốc; thứ ba, tăng cường can dự với các thể chế đa phương khu vực; thứ tư, mở rộng thương mại và đầu tư; thứ năm, tạo dựng sự hiện diện quân sự trên cơ sở rộng rãi; thứ sáu, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền(2).
Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tích cực tham gia các diễn đàn khu vực; nỗ lực thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); tăng cường đối thoại với các nước trong khu vực, tiêu biểu như với Trung Quốc (điển hình là cơ chế đối thoại thường niên chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung Quốc) hay với ASEAN (cuộc gặp cấp cao định kỳ Mỹ - ASEAN); củng cố các mối quan hệ với 5 đồng minh truyền thống trong khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-lip-pin, Thái Lan và Ô-xtrây-li-a… Trong gần 4 năm qua, Mỹ đã cố gắng chứng minh cho các nước trong khu vực rằng nước này là một thành viên thực sự của ngôi nhà chung châu Á - Thái Bình Dương và điều này, trên thực tế, cũng đã được các nước trong khu vực ghi nhận.
Tuy nhiên, cũng chính từ trong quá trình triển khai chính sách “tái can dự” một số vấn đề mới đã nảy sinh buộc Mỹ sẽ phải có những điều chỉnh trong thời gian tới. Điển hình là những va chạm, xung đột trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản với Hàn Quốc (tranh chấp quần đảo Ta-ke-si-ma/Đốc Đô), giữa Nhật Bản với Trung Quốc (tranh chấp quần đảo Sen-ka-ku/Điếu Ngư) và đặc biệt là những tranh chấp trên Biển Đông. Thúc đẩy quan hệ thương mại theo hướng cân bằng với các nước trong khu vực Đông Á cũng đang là một vấn đề bức thiết đối với chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Hơn thế, với tư cách của một siêu cường, Mỹ cũng còn phải hoàn thành không ít việc trên phạm vi toàn cầu. Những vấn đề ở Trung Đông và Trung Cận Đông, như tại Xy-ri hay I-ran, khủng hoảng nợ công ở châu Âu hay các vấn đề thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh,… chắc chắn, ở những mức độ khác nhau, cũng đang tác động đến chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Tất cả những thách thức nêu trên cộng với những gì Tổng thống B. Ô-ba-ma phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua (đây là lần thứ hai Tổng thống B. Ô-ba-ma tham dự EAS, lần thứ nhất vào tháng 11-2011 tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a) đang hé mở dần những khả năng điều chỉnh của Tổng thống B. Ô-ba-ma trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Trước hết, trong quan hệ với các đồng minh, chính quyền B. Ô-ba-ma sẽ tiếp tục đẩy mạnh chia sẻ trách nhiệm thông qua việc giúp đỡ nâng cấp tiềm lực của những nước này. Điều này thể hiện qua việc Tổng thống B. Ô-ba-ma chọn Thái Lan là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 ngày tới Đông Nam Á. Tăng cường quan hệ với Thái Lan chính là điểm mà chính quyền B. Ô-ba-ma cần bổ sung (trong so sánh với những gì đã làm trong 4 năm qua với Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-lip-pin và Ô-xtrây-li-a) cho định hướng chia sẻ trong mạng lưới đồng minh truyền thống trong khu vực. Tại EAS lần này, qua việc tiếp xúc với hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, ông B. Ô-ba-ma đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp hiệu quả có thể hàn gắn những bất đồng giữa hai đồng minh quan trọng của mình tại Đông Bắc Á, nhằm khắc phục việc phải nói một cách chung chung, trước hết như trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia này tại quần đảo Ta-ke-si-ma/Đốc Đô. Việc tăng cường quân số lính Mỹ tại khu vực chắc chắn cũng sẽ được tiến hành theo tinh thần chuyển dịch tỷ lệ 60-40 (châu Á - châu Âu) như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Pa-ne-ta đã công bố, tất nhiên, số lượng là bao nhiêu còn phải phụ thuộc vào tình hình cụ thể cũng như thái độ của các đồng minh.
Cũng tại EAS 2012 này, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. Nếu thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc có những thay đổi trong chính sách đối với khu vực cũng như đối với Mỹ, thì chính quyền B. Ô-ba-ma tất yếu cũng sẽ có những dịch chuyển tương thích. Tuy nhiên, cho dù trong quan hệ song phương đã và sẽ còn nảy sinh không ít mâu thuẫn, nhưng nhiều khả năng cho thấy, ông B. Ô-ba-ma sẽ điều chỉnh theo hướng ôn hòa, thông qua các cơ chế đa phương sẵn có tại khu vực để thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, đối tác - đối thủ lớn nhất của Mỹ hiện nay. Kinh nghiệm trong quan hệ với chủ nợ lớn nhất của mình trong nhiệm kỳ vừa qua chắc sẽ giúp cho B. Ô-ba-ma có được cách cách ứng xử mềm dẻo và hợp lý nhất. Mỹ sẽ tận dụng triệt để những đối tác đòn bẩy nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong những tình huống mâu thuẫn. Rất có thể, một cơ chế đối thoại giữa Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (không loại trừ Mỹ có thể sẽ thu hút được cả Nga), trước hết trong lĩnh vực tài chính sẽ ra đời, bởi lẽ năm 2013 được dự báo sẽ đem đến cho những nước này không ít khó khăn, trước hết trong lĩnh vực kinh tế. Nếu cơ chế này thực sự hình thành có thể sẽ có tác động không nhỏ tới cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Việc ông B. Ô-ba-ma ghé thăm Mi-an-ma cũng hé mở một cách tiếp cận mới với các nước ASEAN. Mỹ sẽ không thụ động chờ đợi mà sẽ tích cực gắn kết với những hoạt động của các nước Đông Nam Á. Điều này làm người ta cảm nhận, cách hành xử theo kiểu nước lớn của Mỹ đối với các nước nhỏ đang được ê-kíp B. Ô-ba-ma thay đổi. Đối thoại cấp cao Mỹ - ASEAN chắc vẫn giữ vai trò chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Đông Nam Á và như vậy, khả năng quan hệ thương mại Mỹ - ASEAN sẽ có bước phát triển mới thông qua các khu vực mậu dịch tư do (US-ASEANFTA).
Cuối cùng, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma chắc chắn cũng sẽ có những thay đổi nhằm tăng cường sự kết nối cân bằng giữa hai khu vực kinh tế Bắc Mỹ và Đông Á (Mỹ luôn thâm hụt thương mại với hầu hết các nước trong khu vực Đông Á) - một trong những điểm yếu cố hữu của Mỹ trong quan hệ với các Đông Á. Thúc đẩy hoàn thiện và mở rộng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền B. Ô-ba-ma trong sự thay đổi này.
Nhìn chung, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012 đã cho thấy cả hiện tại và tương lai của nước Mỹ. Trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức, cử tri Mỹ đã vẫn “đánh cược” vào một con người “cũ”. Điều này có nghĩa người dân Mỹ tin rằng sự ổn định sẽ là điều kiện tiên quyết giúp họ vượt qua khủng hoảng. Sự lựa chọn này còn đồng nghĩa với việc người dân Mỹ tin rằng chính con người cũ sẽ tạo ra những bước đi mới cho đất nước họ. Hiển nhiên, để niềm tin này trở thành hiện thực còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên ngoài, nhưng điều đầu tiên có lẽ chính quyền của tân Tổng thống B. Ô-ba-ma, trước hết, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.
--------------------------------------------
(1) Đan Rô-bin-xơn (Dan Robinson): Tổng thống B. Ô-ba-ma kết thúc hội nghị APEC tại Ha-oai, http://www.voanews.com/Vietnamese/news/us/Hi-ngh-apec-kt-thuc-TT-Obama-neu-133797578.html, truy cập ngày 20-04-2012
(2) Hillary Clinton: America’s Pacific Century, Foreign Policy, October 2011
Huyện đảo Cô Tô: Nhiều giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng dân số  (27/12/2012)
Hội thảo khoa học: Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay  (27/12/2012)
Hội thảo khoa học: Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay  (27/12/2012)
Đưa quan hệ Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả  (27/12/2012)
Đẩy mạnh hợp tác đối ngoại giữa Quốc hội Việt Nam - Lào  (26/12/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm