TCCSĐT - Trong hai ngày, 20 và 21-12-2012, tại thủ đô Niu Đê-li (New Delhi), Ấn Độ đã diễn ra Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ với chủ đề “Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hòa bình và Thịnh vượng chung”. 

1. Chênh lệch lương vì lý do giới tính ở Nhật Bản là lớn nhất

Ngày 17-12-2012, báo cáo kết quả của cuộc điều tra về bình đẳng giới do Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) công bố cho biết, trong số các nước thành viên của OECD, Nhật Bản là quốc gia có khoảng cách chênh lệch lớn nhất về tiền lương giữa nam và nữ đang làm việc tại các ngành giáo dục và kinh doanh. Theo bản báo cáo này, nữ giới sau khi sinh con (từ 25 đến 44 tuổi) ở Nhật Bản kiếm được việc làm và thu nhập ít hơn nam giới ở độ tuổi tương tự khoảng 61%. Nguyên nhân của tình trạng này là do sau khi sinh con, phụ nữ thường dành nhiều thời gian để chăm sóc con cái, và thường chỉ làm việc bán thời gian. Hàn Quốc đứng thứ 2 từ dưới lên về khoảng cách chênh lệch tiền lương giữa hai giới với khoảng 60%. Nước thành viên của OECD có khoảng cách chệnh lệch thấp nhất hiện nay là I-ta-li-a với 3%, tiếp theo là Hà Lan ở mức 6%. Các quan chức OECD cho biết, việc thu hẹp khoảng cách về giới tại nơi làm việc và thực hiện các biện pháp để phát huy hết tiềm năng của phụ nữ sẽ rất quan trọng đối với nhiều nước công nghiệp, nhất là đối với những nước có tỷ lệ sinh thấp và một xã hội “già nua”.

2. Hàn Quốc có nữ Tổng thống đầu tiên

Ngày 19-12-2012, theo Hãng tin Ki-ô-đô (Kyodo), bà Park Geun Hye thuộc Đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống nước này, đánh bại đối thủ Moon Jae-in thuộc Đảng Dân chủ. Một số quan chức của Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc cho biết cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 có tỷ lệ cử tri đi bầu cử cao, chiếm 75,8% dân số. Trong 99% số phiếu hợp lệ, bà Park Geun-hye giành được 51,66%, ông Moon Jae-in giành được 47,91%. Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ nhậm chức vào tháng 2-2013 trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với tình trạng bất bình đẳng thu nhập, những quan ngại về triển vọng giáo dục, việc làm dành cho giới trẻ, và mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên. Tháng 10-2012, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của nước này trong năm 2013 từ 3% xuống còn 2,4%. Đề cập vấn đề kinh tế trong chiến dịch tranh cử của mình, tân Tổng thống Park Geun-hye cho biết bà sẽ nỗ lực để “làm cho xã hội chia sẻ lợi ích kinh tế, không có ai bị cô lập khỏi thành quả của sự tăng trưởng kinh tế”. Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc cam kết “sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trên bán đảo Hàn Quốc, trên cơ sở an ninh mạnh mẽ và chính sách ngoại giao dựa trên niềm tin”. Một số chuyên gia hy vọng chiến thắng của nữ Tổng thống đầu tiên sẽ góp phần phá vỡ những lề lối lạc hậu, những thói quen gia trưởng, Nho giáo xưa vốn đã “thâm căn cố đế” trong xã hội Hàn Quốc.

3. Tổng thống Pháp có chuyến thăm lịch sử tới An-giê-ri

Ngày 19-12-2012, Tổng thống Pháp Phran-cót Hô-lan-đơ (Francois Hollande) đã tới An-giê-ri (Algeria) trong một chuyến thăm được đánh giá là mang tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước, mở ra hy vọng về một chương mới trong hợp tác song phương. Tổng thống Pháp đã hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Áp-đê-la-dít Bu-tê-phli-ca (Abdelaziz Bouteflika) về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có những biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế và cuộc khủng hoảng ở Ma-li. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng chủ trì một buổi lễ ký kết các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có dự án xây dựng một nhà máy lắp ráp xe hơi Renault ở tỉnh Ô-ran, miền Tây An-giê-ri. Chuyến thăm An-giê-ri của Tổng thống Ph. Hô-lan-đơ được thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ấm dần lên và vào đúng dịp An-giê-ri kỷ niệm 50 năm ngày giành độc lập. An-giê-ri hiện là nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng đối với Pháp và là đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Tuy nhiên, sự hiện diện của các doanh nghiệp Pháp trên thị trường An-giê-ri đã vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha và I-ta-li-a.

4. Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ 

Trong hai ngày 20 và 21-12-2012, tại thủ đô Niu Đê-li (New Delhi), Ấn Độ đã diễn ra Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại ASEAN - Ấn Độ với chủ đề “Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hòa bình và Thịnh vượng chung”. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên tầm đối tác chiến lược và đề ra định hướng lớn cho phát triển quan hệ trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, hợp tác phát triển, thông qua các cơ chế hiện có và mở rộng liên kết giữa các chính phủ, nghị sĩ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, giao lưu nhân dân,… Hội nghị đã đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực qua việc Ấn Độ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 2003 và đóng góp tích cực của Ấn Độ trong các cơ chế ASEAN+1, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+). Hội nghị cũng thừa nhận vai trò trung tâm và động lực của ASEAN trong các cấu trúc và thể chế kinh tế và an ninh đang nổi lên ở khu vực, tạo dựng một môi trường khu vực hòa bình và ổn định cho phát triển bền vững. 

5. Hội nghị thượng đỉnh Nga - Liên minh châu Âu 

Ngày 21-12-2012, tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Liên minh châu Âu lần thứ 30 tại Brúc-xen, Bỉ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) khẳng định Nga và Liên minh châu Âu (EU) có nhiều lợi ích chung và cần hợp tác để tìm ra giải pháp cho những thách thức chung. Nền kinh tế hai bên phụ thuộc vào nhau. Chỉ có hợp tác, hai bên mới tìm ra giải pháp cho các vấn đề của nền kinh tế thế giới và các cuộc khủng hoảng tại các khu vực khác nhau trên thế giới, cũng như bảo đảm an ninh toàn cầu. Theo ông H. Rôm-pơi, Nga và EU có cùng mối quan ngại về tình hình Trung Đông và hợp tác với nhau trong khuôn khổ Nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông. Hai bên cũng hợp tác trong vấn đề hạt nhân của I-ran và tình hình Áp-ga-nít-xtan. Ông cho rằng về các bất đồng, hai bên sẵn sàng thảo luận để tìm ra giải pháp chung. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) khẳng định EU hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên của Nga trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi G 20 và sẵn sàng hợp tác để Hội nghị thượng đỉnh G 20 được tổ chức thành công tại Xanh Pê-téc-bua (Saint Peterbourg), Nga. Ông cho biết Nga và EU quyết định tuyên bố năm 2014 là Năm khoa học. 

6. Nước Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ

Ngày 22-12-2012, theo Thời báo Ấn Độ, Ấn Độ chuẩn bị ký các hợp đồng quốc phòng với Nga trị giá khoảng 250 tỷ ru-pi (khoảng 4,5 tỷ USD), trong đó có hợp đồng mua thêm 42 máy bay chiến đấu Sukhoi-30 MKI và 59 trực thăng vũ trang Mi-17 V5. Các chuyên gia nhận định động thái trên sẽ tái khẳng định vị trí của Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, bất chấp việc I-xra-en, Pháp và Mỹ hiện đang thách thức vị trí này của Nga. Tuy nhiên, các nguồn tin tại Niu Đê-li cho hay hiệp định chủ chốt về hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm sẽ không được ký trong dịp Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) thăm Ấn Độ vào ngày 24-12-2012. Hiệp định hợp tác nghiên cứu và phát triển máy bay tàng hình nói trên trị giá 11 tỷ USD, theo đó Ấn Độ và Nga mỗi bên đầu tư 5,5 tỷ USD. Không quân Ấn Độ dự kiến từ năm 2022 trở đi sẽ đưa khoảng 200 máy bay loại này vào biên chế. 

7. I-ta-li-a đã tự thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công

Ngày 23-12-2012, phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm tổ chức ở Rô-ma (Rome), Thủ tướng tạm quyền I-ta-li-a, Ma-ri-ô Môn-ti (Mario Monti) khẳng định nước này đã tự thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công mà không cần kêu gọi cứu trợ. Thủ tướng tạm quyền Ma-ri-ô Môn-ti cũng cho biết ông đã vạch ra một nghị trình để “thay đổi I-ta-li-a và cải cách châu Âu”. Ông M. Môn-ti nêu rõ “nghị trình này tập trung vào việc tránh những bước đi thụt lùi hết sức nguy hiểm” và sẽ thúc đẩy những biện pháp cải cách đã được tiến hành. Ông M. Môn-ti còn khẳng định “cuộc khủng hoảng nợ công đã được khắc phục” và bày tỏ tin tưởng “I-ta-li-a có tất cả những nguồn lực cần thiết để làm được điều này bằng chính khả năng của mình và sự thực đúng là như vậy”./.