Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Gia Lai thành trung tâm vùng kinh tế tam giác Đông Dương
Phấn đấu phát triển vùng Tây Nguyên thành trung tâm kinh tế ở khu vực Đông Dương trong thời kỳ hội nhập là mục tiêu của các tỉnh thuộc vùng này. Với lợi thế vị trí và tiềm năng sẵn có, Gia Lai cần thực hiện những bước đi tạo khâu đột phá không chỉ trong phát triển kinh tế mà ngay cả trong bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, để sớm thành trung tâm vùng kinh tế tam giác Đông Dương.
Vùng Tam giác phát triển Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia được hình thành vào năm 1999 gồm 10 tỉnh thuộc khu vực biên giới là: Stung Treng, Rat-ta-na-ki-ri, Mon-dul-ki-ri (Cam-pu-chia), Se-kong, At-ta-pư, Sa-ra-van (Lào), Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông (Việt Nam). Vùng Tam giác phát triển có diện tích tự nhiên 111.021 km2, số dân gần 4,3 triệu người. Đây là khu vực có nhiều nét tương đồng về đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng nhưng chưa được khai thác và có vị trí chiến lược đối với cả ba nước về chính trị, kinh tế- xã hội, môi trường sinh thái. Trên cơ sở những điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm tự nhiên của khu vực biên giới 3 nước, việc hình thành khu vực Tam giác phát triển nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của mỗi quốc gia vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, rút ngắn cách biệt về kinh tế - xã hội so với các vùng khác của mỗi nước là chủ trương chung được cả 3 nước đồng thuận.
Gia Lai, với lợi thế vị trí trung tâm, có đường đi gần nhất cho các tỉnh trong vùng đến cảng biển Quy Nhơn khi thực hiện giao thương đường biển. Đây là cơ hội để cùng các tỉnh bạn đẩy mạnh hợp tác phát triển, phát huy các lợi thế vốn có của mình. Với mục tiêu xây dựng Gia Lai thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng, nhất thiết phải tập trung phát huy tối đa nội lực kết hợp với khai thác tốt các nguồn lực bên ngoài, tăng nhanh đầu tư phát triển, đầu tư có trọng điểm tạo khâu đột phá... bằng những giải pháp cụ thể:
Tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện tốt kết cấu hạ tầng
Thu hút đầu tư góp phần duy trì tốc độ phát triển cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, nâng quy mô sản xuất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập. Để môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, nhằm thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Gia Lai cần thực hiện tốt các vấn đề:
Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Quyết địnhsố 84/2007/QĐ-UBND ngày 27-8-2007 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc "Quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai"; bổ sung những vấn đề phát sinh nhằm đáp ứng yêu cầu tốt hơn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư có tính khả thi cao.
Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và đạt hiệu quả cao, thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" đi đôi với xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thật sự am hiểu công việc, giải quyết công việc nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai dự án. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ phát triển mới.
Cải thiện các điều kiện về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là mạng lưới giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, lưới điện, trường học, bệnh viện... Phát triển nhanh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn, bảo hiểm, chứng khoán... để tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư hoạt động đem lại hiệu quả cao cho bản thân và tỉnh nhà.
Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển khoa học - kỹ thuật - công nghệ
Sử dụng triệt để những thành tựu công nghệ trong nước, công nghệ truyền thống cùng với ứng dụng những công nghệ tiên tiến của nước ngoài phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Đánh giá thực trạng trình độ công nghệ của tỉnh để có kế hoạch, giải pháp chuyển đổi công nghệ cho những năm tiếp theo.
Có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới thay thế các thiết bị lạc hậu bằng những thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Bảo hộ và ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư có chuyển giao công nghệ cao: được miễn giảm thuế một thời gian, được ưu đãi chọn lựa địa điểm đầu tư xây dựng... Hỗ trợ nâng cao năng lực ngành cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa...
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, phù hợp với cơ cấu ngành nghề và nhu cầu xã hội.
Các trường đào tạo của tỉnh phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo có trọng điểm, có địa chỉ. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ cũng như tay nghề cho lực lượng công nhân trong mọi lĩnh vực để đủ khả năng vươn lên làm chủ công nghệ mới.
Quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân công nghiệp là người dân tộc thiểu số và người làm nòng cốt cho phát triển công nghiệp ở các làng, xã, cụm xã, đào tạo lao động trẻ. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Có chính sách ưu đãi cán bộ, chuyên gia đầu ngành công tác lâu năm, đồng thời "thu hút chất xám" cán bộ giỏi từ các nơi đến làm việc ở tỉnh.
Phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học; tranh thủ sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, lực lượng khoa học của các ngành trung ương; học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn để triển khai thực hiện và giải quyết các vấn đề thực tế ở tỉnh. Coi trọng nâng cao dân trí, sử dụng người có tài nhằm tạo nguồn nhân lực cho những năm tới và cho cả lâu dài.
Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo của các bộ, ngành trung ương để hiểu rõ chương trình của Chính phủ về gia nhập WTO; khuyến khích, động viên cán bộ công chức trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ, tin học...
Hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn
Mở rộng thị trường nông sản là vấn đề quan trọng, tác động trở lại đối với sản xuất và đời sống nông dân. Nhằm khai thác lợi thế so sánh của tỉnh, thực hiện chiến lược kinh tế hướng về xuất khẩu đòi hỏi phải nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường bằng tích cực tìm thị trường mới để giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nhất là các nông sản chủ lực của tỉnh như: cà-phê, cao-su, hồ tiêu, hạt điều, tinh bột sắn, mía đường, sắn lát, ngô lai... Nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là khâu sơ chế, chế biến các sản phẩm như cà-phê, cao-su. Sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế xuất khẩu...
Tổ chức tốt việc thu thập và cung cấp các thông tin kinh tế, các thông tin thương mại cần thiết trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp, các đơn vị trong tỉnh. Phát triển các tổ chức làm dịch vụ nghiên cứu, giới thiệu thị trường và bạn hàng, mở rộng các hình thức thông tin kinh tế trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia để tăng khả năng tiếp thị của các hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng.
Phát triển mạng lưới chợ nông thôn để mua những gì nông dân cần bán, bán những gì nông dân cần mua.
Khuyến khích phát triển các loại hình kinh doanh theo hướng kết hợp giữa nông - công nghiệp - xuất khẩu hoặc giữa nhà máy chế biến với các hộ nông dân, thông qua các hợp đồng kinh tế về bán nguyên liệu, cung cấp dịch vụ, ứng vốn.
Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, chú trọng đầu tư áp dụng các tiến bộ mới như giống cây trồng lai ghép, trái vụ, vật nuôi lai tạo, nhất là các giống cây công nghiệp có tính ưu việt về năng suất, chất lượng, ít bị sâu bệnh, thích nghi với điều kiện của địa phương. Nghiên cứu thực hiện các mô hình đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn. Hỗ trợ nâng cao trình độ cơ giới trong nông nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghệ sau thu hoạch.
Tiến hành đô thị hóa nông thôn song song với việc thực hiện các chính sách xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; xây dựng đề án phát triển du lịch kết hợp với xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững
Trong xây dựng các quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội phải đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường sinh thái khu vực sản xuất, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, các lưu vực sông, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực quan trắc môi trường trong khâu thẩm định dự án sản xuất kinh doanh và chế biến.
Ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra. Các khu cụm công nghiệp, các xí nghiệp có nhiều chất thải, khói bụi nhất thiết phải có giải pháp xử lý chất thải tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nâng tỷ lệ rừng che phủ và cây lâu năm đạt 70% vào năm 2010, chấp hành nghiêm công tác phòng cháy chữa cháy rừng; có biện pháp chống xói mòn và tăng độ phì nhiêu cho đất, nhất là đối với đất đồi núi dốc.
Triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương về đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống thông tin về báo cáo môi trường, đẩy mạnh công tác truyền thông môi trường.
Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa thông tin đáp ứng nhu cầu của tỉnh và quan hệ giao lưu giữa tỉnh với các tỉnh trong vùng Tam giác phát triển; đầu tư nâng cấp các di tích lịch sử, các công trình văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thông văn hóa, lịch sử trên địa bàn; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa và tinh thần, phát huy truyền thống tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc; đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Từ rất lâu Gia Lai được mệnh danh "Nóc nhà Đông Dương" - trung tâm phát triển của vùng. Trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập sâu, cùng cả nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, GiaLai đã và đang phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành "Trung tâm kinh tế - văn hóa trong vùng Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia"./.
Càng trở nên quan trọng vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân  (04/07/2008)
Càng trở nên quan trọng vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân  (04/07/2008)
Bài học về phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Khê  (04/07/2008)
Bài học về phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Khê  (04/07/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên