Ngay sau Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị tổ chức ngày 21-11 vừa qua, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Phó Tư lệnh về chính trị, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã có cuộc trao đổi về những chiến công huyền thoại của Bộ đội Phòng không - Không quân. Dưới đây là nội dung:

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá như thế nào tên lửa SAM 2 do Liên Xô viện trợ cho quân đội ta?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Tên lửa SAM 2, về khí tài hoàn toàn bắn được - thậm chí bắn tốt B-52. SAM 2 bắt được mục tiêu ở cự ly 120km; cự ly sát thương là từ 7 đến 34km. Trong khi đó máy bay B-52 tuy bay được ở độ cao hơn 20km, nhưng chỉ ném bom được ở độ cao tối đa là 17km, hiệu quả nhất là khoảng từ 9 đến 10km.

 

PV: Theo ông, Mỹ có biết tính năng, tác dụng của SAM 2 không?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Mỹ chẳng những biết mà còn biết tường tận. Chắc chắn là họ “mổ xẻ” nghiên cứu SAM 2 công phu hơn quân đội ta. Vì ta đã dùng SAM 2 bắn được các loại máy bay Mỹ ngay từ những năm đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất của Mỹ năm 1965.

 

PV: Thế vì sao chiến công bắn rơi B-52 của Bộ đội phòng không Việt Nam lại trở thành kỳ tích?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Hơn cả kỳ tích. Vì, do biết tên lửa SAM 2 của ta do Liên Xô viện trợ bắn được B-52, nên Mỹ đã dùng hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh để bảo vệ B-52. Và chính hệ thống gây nhiễu này là phương tiện phá hủy, làm tê liệt dải tần số của các loại máy thông tin và vô hiệu hóa đài ra-đa của ta, như ra-đa cảnh giới, ra-đa điều khiển tên lửa, ra-đa ngắm bắn của pháo cao xạ. Tên lửa không đối đất của Mỹ (Sơ-rai) khi bắt được sóng của ra-đa tên lửa ta phát lên còn lập tức phóng trở lại trận địa theo cánh sóng… Ngoài ra, chúng còn dùng tới 18 đến 33 chiếc máy bay tiêm kích (F.4) hộ tống trước, hộ tống sau, hộ tống hai bên sườn tạo thành hàng rào khép kín; chúng lại bay toàn bộ vào ban đêm làm cho ta càng khó phát hiện mục tiêu. Theo tính toán của chuyên gia quân sự Mỹ thì đây là một kế hoạch tác chiến hoàn thiện, chặt chẽ, hạn chế tối đa khả năng chiến đấu của lực lượng phòng không - không quân Việt Nam. Tóm lại, khó nhất khi bắn B-52 là phải phân biệt được các loại nhiễu, để tìm đúng nhiễu B-52 và “vạch” trong nhiễu B-52 ra mục tiêu. Kíp chiến đấu gồm 8 người, nhưng chủ yếu là 5 người, gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ trong thời gian chừng 60 giây phải phát hiện được thì mới điều khiển tên lửa bắn trúng mục tiêu. Cũng phải nói thêm một khó khăn không nhỏ nữa là trước mỗi lần chuẩn bị cho B-52 vào Hà Nội, chúng còn dùng lực lượng không quân tiêm kích đánh phủ đầu các sân bay, chế áp quyết liệt các trận địa hỏa lực tên lửa, loại trừ hoàn toàn sự uy hiếp của lực lượng đánh B-52 của ta là Tên lửa phòng không và không quân tiêm kích.

 

PV: Bộ đội Phòng không làm thế nào để “vạch” được nhiễu B-52?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Chính đây là câu hỏi cần phải lý giải nhất. Khó khăn cũng ở đây, đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, trí tuệ cũng ở đây. Thậm chí cái gọi là “bí mật” bắn rơi B-52 cũng ở đây. Tuy nhiên, nếu hiểu văn hóa, truyền thống Việt Nam; hiểu Đảng ta, hiểu Bác Hồ; hiểu Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; hiểu sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì lại rất dễ lý giải. Bốn mươi năm qua chúng ta cũng đã nói đến rất nhiều, tôi chỉ trao đổi thêm một số ý. Để có được sự bình tĩnh, để có được mưu trí, sáng tạo, sự tinh tường của đôi mắt, sự khéo léo của đôi tay để điều khiển quả đạn vào trúng mục tiêu B-52 là một quá trình rèn luyện cực kỳ gian khổ của Bộ đội Phòng không. Chúng tôi đã phải luyện tập, quan sát ngày đêm để thuộc địa hình, địa vật, thuộc bầu trời Hà Nội 24/24 giờ như “thuộc lòng bàn tay”, để bất cứ sự xuất hiện lạ nào trên bầu trời Thủ đô đều không qua được mắt của Bộ đội Phòng không. Đồng thời, chúng tôi cũng phải nghiên cứu kỹ các thủ đoạn của địch; nghiên cứu về chiến thuật, về cách đánh B-52… Còn nói về quá trình rèn luyện của Bộ đội Phòng không như thế nào thì quả là một câu chuyện dài, sách báo của ta cũng đã đề cập đến nhiều.

 

PV: Quá trình rèn luyện, học tập, nghiên cứu không chỉ gian khổ mà còn cả hy sinh nữa?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Đúng thế, để “làm chủ được 60 giây” ta tổn thất và hy sinh xương máu không nhỏ. Gần nhất là đêm 16-4-1972, B-52 vào Hải Phòng, Bộ đội Phòng không đã bắn hơn 90 quả tên lửa mà không tiêu diệt được chiếc B-52 nào. Còn tháng 12-1972 chúng đánh vào Hà Nội ta cũng phải mất đến 4 trận đầu không thắng…

 

PV: “Pháo đài bay B-52” cũng có những điểm yếu chứ?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Thậm chí có những yếu điểm chí tử, ví dụ do mang nặng tới hơn 30 tấn nên B-52 luôn luôn bay ổn định ở một độ cao nhất định, trước khi thả bom phải bay trên đường bay thẳng chừng 40km và khi thả bom thì phải nghiêng cánh, đây là thời điểm ra-đa của ta phát hiện ra B-52 thuận lợi nhất. Nhiễu B-52 cũng nặng và dày hơn nhiễu các loại máy bay khác. Đó là chưa nói đến những yếu điểm của yếu điểm về “trạng thái tinh thần trong cuộc chiến tranh  phi nghĩa”. Chính vì thế, sau vài trận bắn B-52 bộ đội ta lạc quan nói: Đi “đơm đó B-52”. Mỹ nhận ra thất bại, kết thúc chiến dịch, chứ nếu đưa tiếp B-52 vào đánh Hà Nội thì tôi bảo đảm ta sẽ tiêu diệt hết B-52.

 

PV: Có lẽ đến nay đối phương vẫn nghĩ ta còn “bí mật” trong đánh B-52?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Không chỉ đối phương mà nhiều nhà nghiên cứu quân sự trên thế giới cũng nghĩ thế. Nghĩ thế là sai lầm, ta có nghiên cứu, phân tích các loại nhiễu của địch; có cải tiến nhỏ một số khí tài khác cho phù hợp với địa hình, địa vật của ta, nhưng tuyệt nhiên không có cải tiến gì tên lửa SAM 2. Sau này ta cũng không giấu gì cách đánh B-52 - mà thực tế có gì mà giấu. Nhưng đối phương lại cố tình không hiểu sức mạnh của chiến tranh chính nghĩa - chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; sức mạnh của trạng thái chính trị tốt; sức mạnh của tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đúng như đồng chí Thiếu tướng Khư-pe-nen, Trưởng đoàn Chuyên gia Liên Xô đã từng phát biểu với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là chúng tôi trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”.

 

PV: Ông có thể dẫn chứng về sức mạnh của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc?

 

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Ta bảo vệ Tổ quốc ta. Ta bảo vệ bầu trời của ta. Ta lại biết trước âm mưu của địch, nên Bộ đội Phòng không đã xây dựng thế trận, bố trí trận địa và luyện tập từ trước nhiều năm, chỉ có đợi B-52 vào là đánh. Tôi nghĩ nếu bị động, lại không quen địa hình, địa vật  thì có tài giỏi mấy cũng không thể chiến thắng được. Đó chính là ưu thế của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ưu thế đó “không mua, không bán” được.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.