Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tiếp tục Phiên họp thứ 10
Sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình chính thức năm 2012, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội soạn thảo dự án Luật Thủ đô. Bộ Tư pháp đã thành lập lại Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đã tổ chức việc soạn thảo dự án Luật theo trình tự, thủ tục soạn thảo một dự án luật mới. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành để thống nhất ý kiến về từng vấn đề mang tính chuyên ngành. Dự án Luật Thủ đô đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, ý kiến tham gia của các bộ, ban, ngành Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và ngày 7-8-2012, tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thảo luận và nhất trí thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, tập trung vào 7 lĩnh vực như quy hoạch, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường - đất đai, kinh tế - tài chính, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Ý kiến chung của Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan tiến hành thẩm tra tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo lập cơ sở pháp lý mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của cả nước. Thường trực Ủy ban tán thành việc lựa chọn quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội với tư cách là Thủ đô của cả nước mà chưa được quy định trong các luật hiện hành hoặc tuy đã được quy định nhưng chưa phù hợp với đặc thù Thủ đô. Đối với những nội dung không phải là cơ chế, chính sách đặc thù mà với các quy định hiện hành vẫn có thể thực hiện được thì không cần quy định trong Luật.
Về biểu tượng của Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành với loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các. Biểu tượng của Thủ đô là hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam; thể hiện nguyện vọng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc quy định về Biểu tượng của Thủ đô trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần phải thể hiện có tính thuyết phục hơn về những lý do lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô chứ không phải là Chùa Một cột hay Tháp Rùa.
Bàn về việc quy định mức thu một số loại phí, lệ phí cao hơn trên địa bàn Thủ đô (Điều 23), nhiều ý kiến tán thành với nội dung thể hiện tại điểm b, khoản 3, Điều 23 của dự thảo Luật, cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được “Quy định mức thu phí, lệ phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 02 lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với các khoản thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông.” Việc giới hạn trong 2 lĩnh vực là hợp lý vì đây là những lĩnh vực thực sự bức xúc, đặc biệt là vấn đề quá tải về cơ sở hạ tầng nên cần phải quy định mức phí, lệ phí cao hơn để đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông. Đồng thời, quy định này cũng nhằm khuyến khích việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô. Việc đặt ra phí, lệ phí là vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của công dân, do vậy chỉ nên thực hiện trong trường hợp thật cần thiết và với mục đích rõ ràng, phù hợp thì mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
Thảo luận về quản lý dân cư (Điều 21), nhiều ý kiến cho rằng để góp phần hạn chế tình trạng quá tải, tăng dân số cơ học ở nội thành, cần áp dụng một số biện pháp hành chính chặt chẽ hơn về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội khác với quy định tại khoản 1, Điều 20 của Luật Cư trú. Những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành và điều kiện về cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng dịch vụ công của Thành phố như giáo dục, y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào Thủ đô. Trong khi đó, Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công cho số lượng lớn dân cư như vậy. Quy định này thể chế hóa định hướng đã nêu tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, với một trong những nội dung là cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý dân cư ở Thủ đô... Tuy nhiên một số ý kiến nêu rõ đây chỉ là một giải pháp trong tình hình hiện nay và nó phải được thực hiện đi cùng với các giải pháp khác mới có hiệu quả…
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống khủng bố. Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thay mặt Ban soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật phòng, chống khủng bố; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, trong những năm gần đây, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, khủng bố có tổ chức xuyên quốc gia đang trở thành thách thức lớn đối với hòa bình, an ninh quốc tế. Hành vi khủng bố là một trong những loại hành vi đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, trật tự của các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng bố là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việc xây dựng Luật Phòng chống khủng bố nhằm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đáp ứng tình hình thực tế trong nước và quốc tế. Dự án Luật Phòng chống khủng bố được xây dựng còn nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống khủng bố trong những năm qua và phù hợp thực tế Việt Nam và từ việc tổng kết toàn diện về lý luận, pháp luật và kinh nghiệm tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống khủng bố ở nước ta trong những năm qua.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành và đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong việc xây dựng, thẩm tra dự án Luật phòng, chống khủng bố đồng thời tập trung thảo luận về các nội dung, như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; phân biệt hành vi khủng bố trong Dự án luật so với tội danh khủng bố trong Bộ Luật hình sự...; quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố; các quy định phòng ngừa các hoạt động khủng bố, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia phòng, chống khủng bố và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong phòng, chống khủng bố ở Việt Nam…
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các điều khoản trong dự án Luật nhằm mục đích bảo đảm tính phòng ngừa từ xa các hành vi khủng bố; phân tách những điều khoản, nhóm vấn đề đã được đề cập trong Luật Phòng, chống rửa tiền. Các ý kiến cũng đề nghị dự án Luật cần quy định cơ chế phối hợp chỉ huy việc phòng chống khủng bố theo hướng có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp từ cấp Trung ương đến địa phương để bảo đảm tính đồng bộ trong việc phòng, chống khủng bố.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thay mặt Ban soạn thảo, giải trình các câu hỏi và tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật./.
Điện mừng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước  (18/08/2012)
Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước  (18/08/2012)
Mít tinh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, 67 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam  (18/08/2012)
Hội thảo đánh giá 8 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng  (17/08/2012)
Gặp mặt truyền thống cựu nam, nữ thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu  (17/08/2012)
Hội thảo khoa học “Côn Đảo - 150 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển”  (17/08/2012)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên