Dự thảo Chương trình Hành động phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí gồm 5 phần và 2 phụ lục, trong đó phần II, III nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu trong công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc bổ sung để hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ là cần thiết nhằm góp phần nâng hiệu quả công tác PCTN.

Theo Dự thảo, Chương trình Hành động có nhiệm vụ chủ yếu về công tác PCTN, lãng phí được Chính phủ xác định, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai nhằm thể chế hóa và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp PCTN, lãng phí đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác PCTN, lãng phí. Chương trình là kế hoạch dài hạn, có tính khái quát, bao trùm nhiều nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cho giai đoạn 2012 - 2016. Trong quá trình triển khai sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện hằng năm và sẽ có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nếu cần thiết.

Đại diện Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Chương trình Hành động là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác cụ thể tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phạm vi quản lý, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm hoàn thành mục tiêu của công tác PCTN, lãng phí đã được đề ra.

Dự thảo Chương trình Hành động quy định cụ thể các nhiệm vụ về PCTN gồm: tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng; đồng thời là kế hoạch cụ thể của Chính phủ thực hiện giai đoạn thứ hai Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 và thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2016.

Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu được xác định có tính hệ thống, tổng hợp mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước, tiền, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên thiên nhiên; tạo sự chuyển biến tích cực ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

Theo đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp, cần thảo luận kỹ hơn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất cơ quan nào có trách nhiệm chủ trì xây dựng “Quy chế về công khai danh sách doanh nghiệp có liên quan đến tham nhũng” trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Bộ Tài chính đồng ý với kết cấu Dự thảo và đề nghị cần quy định rõ giai đoạn thực hiện Chương trình, đồng thời cũng cần mở rộng về đối tượng thực hiện chương trình tới cả các cơ quan, tổ chức nằm ngoài Chính phủ...

Trước đó, ngay từ đầu tháng 7-2012, Thanh tra Chính phủ là đơn vị được giao hoàn chỉnh Chương trình cũng đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận các ý kiến xây dựng và chính các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng chủ động triển khai công tác thu thập ý kiến bổ sung đóng góp nhằm hoàn chỉnh cho Chương trình hành động về PCTN, lãng phí.

Đại đa số các ý kiến đều bày tỏ sự đánh giá cao mức độ công phu, chi tiết của Dự thảo. Song một số ý kiến lại cho rằng, nội dung của Dự thảo còn chung chung, nhiều chỗ chi tiết quá, nhiều chỗ lại thiếu chi tiết. Thêm vào đó, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo cần phải có phần trọng tâm để giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, đồng thời có chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn; cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra, từ đó có chế tài xử lý cụ thể. Nhất là trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải khắc phục cơ chế xin - cho.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định, mọi ý kiến đóng góp, bổ sung là cần thiết để Dự thảo được hoàn chỉnh hơn, góp phần nâng cao có tác động tích cực, hiệu quả của Chương trình tới công cuộc PCTN, lãng phí. Trên cơ sở các ý kiến đó, Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét, bổ sung để hoàn thiện và trình Chính phủ quyết định./.