TCCSĐT - Vấn đề áp dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xác định là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân miền núi với miền xuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc khu vực miền núi Thanh Hóa.
Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với vùng dân tộc thiểu số; tạo động lực xóa đói, giảm nghèo cho khu vực miền núi luôn là vấn đề trăn trở của các nhà lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Theo các chuyên gia phân tích, các thiết bị và dây chuyền hiện đại không chỉ góp phần nâng cao chất lượng mà còn làm tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Mặt khác, chỉ với trình độ khoa học - công nghệ hiện đại mới có thể đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất trong khu vực. Tiến bộ khoa học - công nghệ không chỉ trực tiếp nâng cao trình độ dân trí, kích thích học hỏi, mà còn làm thay đổi tư duy kinh tế, cách tiếp cận các phương pháp sản xuất tiên tiến, hiện đại, tạo ra giá trị kinh tế cao. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Và nền kinh tế của khu vực miền núi Thanh Hóa sẽ không thể phát triển được nếu không được bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực cũng như về kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Những năm gần đây, quá trình phát triển của các ngành đã cho thấy, trình độ công nghệ khu vực miền núi Thanh Hoá cũng đã có sự chuyển biến tương đối rõ nét. Công nghệ cũ, lạc hậu dần được thay thế bằng những công nghệ mới, tạo ra năng suất lao động xã hội cao hơn trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp cũng như dịch vụ. Đối với lĩnh vực công nghiệp, năm 2006 năng suất lao động đạt 39,7 triệu đồng/người/năm, đến năm 2010 tăng lên 73,9 triệu đồng/người/năm. Năng suất lao động trong lĩnh vực thuỷ sản năm 2006 đạt 16,0 triệu đồng/người/năm, năm 2010 đạt 26,0 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt trong ngành nông nghiệp, nếu năm 2006 năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 4,3 triệu đồng/người/năm, đến năm 2010, con số này đã tăng lên 9,6 triệu đồng/người/năm (gấp 2,2 lần). Điển hình như đối với cây ngô, mặc dù diện tích năm 2008 là 28.708 ha giảm xuống 27.607 ha vào năm 2010 nhưng do ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là sử dụng giống mới nên sản lượng vẫn tăng từ 93.402 tấn năm 2008 lên 94.936 tấn năm 2010.

Hệ thống máy móc phục vụ chế biến nông, lâm sản tại đây cũng được sử dụng ngày càng nhiều. Bà con đã tích cực sử dụng giống mới trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, tạo năng suất cao và ổn định. Các cán bộ nghiên cứu của tỉnh cũng đã tiếp cận và chuyển giao các loại giống mới, có hiệu quả từ các địa phương khác, đồng thới ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nuôi trồng tập trung. Bên cạnh thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến, hiện nay tại Thanh Hóa đã bước đầu hình thành các ngành công nghiệp mới với trình độ khoa học kỹ thuật cao như nhà máy xi măng Ngọc Lặc, nhà máy tuyển cao lanh Lang Chánh.

Bà con cũng bước đầu chuyển từ việc bán nguyên liệu thô sang bán các sản phẩm chế biến mang giá trị kinh tế cao. Trước kia, các sản phẩm từ khu vực miền núi Thanh Hoá chủ yếu được bán dưới dạng sản phẩm thô, hoặc có sản phẩm hoàn thiện nhưng thông qua tiểu thương để tìm thị trường thì hiện nay đã xuất hiện các doanh nghiệp hoạt động ngay tại khu vực để có thể tạo ra các sản phẩm hoàn thiện, giá trị kinh tế cao, đồng thời tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Các yếu tố về kết cấu hạ tầng cho việc tiếp cận và sử dụng công nghệ mới đã và đang được xây dựng, hoàn thiện tạo điều kiện và khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong những năm vừa qua là một điểm nhấn tích cực cho quá trình sử dụng công nghệ mới. Hệ thống internet đã được phổ biến đến tận những điểm bưu điện văn hóa xã, cho phép nền kinh tế tiếp cận nhanh hơn với khoa học - kỹ thuật hiện đại. Tốc độ ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh không ngừng được tăng cường. Trong những năm vừa qua, bà con nông dân đã tích cực sử dụng giống cây, con hiện đại; ứng dụng những thành tựu khoa học vào sản xuất giúp cho năng suất, chất lượng cao hơn. Hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, chế biến trên địa bàn ngày càng được sử dụng một cách phổ biến.

Tuy nhiên, trên thực tế vốn đầu tư cho việc nâng cao trình độ công nghệ của khu vực miền núi Thanh Hóa còn khó khăn, trình độ nguồn nhân lực hạn chế, về cơ bản, quá trình sản xuất vẫn được thực hiện bằng phương pháp thủ công hoặc bằng thiết bị quá cũ. Vì vậy, việc đầu tư đổi mới công nghệ hiện nay là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng khu vực miền núi Thanh Hóa tuy nhận được sự quan tâm đầu tư nhưng còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Về cơ bản, khu vực miền núi Thanh Hóa vẫn đang trong tình trạng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Hệ thống giao thông tuy có được cải thiện nhưng khả năng kết nối với các khu vực kinh tế khác chưa cao, cá biệt vẫn còn một số xã trong khu vực giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn (điển hình ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân…). Văn hóa - giáo dục - y tế còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cán bộ y tế vẫn đang diễn ra; một số tập tục lạc hậu, lối sống tự nhiên vẫn còn tồn tại gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống cung cấp năng lượng bao gồm điện, xăng dầu vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của khu vực.

Vì lẽ đó, ứng dụng khoa học và công nghệ, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản lâu dài. Chính vì vậy, để các ngành phát triển nhanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành cần phải đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng. Và để giải pháp này trở thành hiện thực cần thực hiện tốt các biện pháp cụ thể:

Về ứng dụng khoa học và công nghệ


- Cần tăng ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác chuyển giao khoa học - công nghệ và khuyến nông (cả khuyến lâm, khuyến ngư), quản lý, sử dụng có hiệu quả và đúng quy định các nguồn vốn khuyến nông đầu tư trên địa bàn.

- Tập trung xây dựng các điểm khảo nghiệm, thử nghiệm, trình diễn để tuyển chọn các giống cây con có năng suất, chất lượng tốt và thích nghi với từng vùng sinh thái. Từng bước hình thành hệ thống sản xuất và dịch vụ giống cây trồng, vật nuôi phục vụ kịp thời cho sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường.

- Triển khai dự án chăn nuôi công nghiệp theo hình thức trang trại vườn ao chuồng và chăn nuôi tại gia đình. Thực hiện chuyển giao và chăn nuôi những giống vật nuôi có chất lượng cao, tăng trọng nhanh như lợn siêu nạc, gà Arập, ngan Pháp, bò Lai sind….

- Tiếp thu, hướng dẫn và khuyến khích các chủ thể sản xuất kinh doanh đưa nhanh công nghệ mới phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao trình độ thâm canh, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Trong đó, chú ý lựa chọn chuyển giao các loại máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ khâu thu hoạch như các loại máy gặt, đập; khâu sau thu hoạch, công nghệ bảo quản sơ chế trái cây….

- Ứng dụng công nghệ sạch để triển khai quy hoạch các vùng trồng rau sạch, trái cây sạch… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

- Cung cấp kịp thời thông tin thị trường trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thông qua mạng lưới khuyến nông để giúp người dân có đủ thông tin trong lựa chọn và quyết định cơ cấu sản xuất.

- Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông – lâm – thủy sản cho người dân nhằm trang bị cho họ những hiểu biết cần thiết giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tốt nhất. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực và phát huy tác dụng của đội ngũ cán bộ khuyến nông nhằm đạt được hiệu quả cao trong công việc.

- Tiếp tục thực hiện mô hình gắn kết giữa hộ sản xuất, đơn vị sản xuất kinh doanh với các Viện, Trường nhằm tiến hành nhanh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ. Thực hiện xã hội hóa việc tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng

- Tập trung chủ yếu vào việc nâng cấp những tuyến đường giao thông huyết mạch có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng như: tuyến đường nối các huyện miền Tây tỉnh Thanh Hóa từ bản Tà Bục, huyện Quan Hóa đến bản Yên Nhân, huyện Thường Xuân có tổng chiều dài 183,67 km sẽ hình thành 13 điểm đô thị và dân cư tập trung. Bao gồm các đô thị: Trung Sơn, Hiền Kiệt, thuộc huyện Quan Hóa; đô thị Trung Lý, điểm dân cư Mường Lý, thuộc huyện Mường Lát; thị trấn Quan Sơn, đô thị Mường Mìn, Sơn Điện và các điểm dân cư Bìn, Sơn Thủy, Sơn Lư, Sơn Hà, thuộc huyện Quan Sơn; đô thị Yên Thắng, huyện Lang Chánh; đô thị Yên Nhân huyện Thường Xuân. Đây là các điểm đô thị và điểm dân cư có nhu cầu đầu tư phát triển đợt đầu, làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư để từng bước xây dựng mạng lưới đô thị, điểm dân cư phát triển bền vững cho cả vùng miền Tây của Thanh Hóa....; nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch như quốc lộ 217. Ngoài ra, tuyến giao thông đường sông theo Sông Mã, Sông Chu cũng cần được chú trọng hình thành và phát triển để có thể khai thác được những tiềm năng du lịch đặc sắc dọc theo tuyến này. Đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư nâng cấp khoảng 320 tuyến đường đến trung tâm xã, đường liên xã trên địa bàn 11 huyện trong vùng có tổng chiều dài khoảng 3.840km với nhu cầu vốn khoảng 11.520 tỉ đồng (đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ).

- Hoàn thành dự án xây dựng công trình thủy lợi Cửa Đặt, hệ thống kênh đào Bắc Sông Chu. Tu bổ và từng bước kiên cố hóa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, hệ thống đê điều sông Mã, Sông Chu.

- Tăng cường đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống điện nông thôn phục vụ đời sống và nhu cầu sản xuất cho nhân dân. Tiếp tục đầu tư xây dựng một số trạm có công suất lớn (khoảng từ 750 KVA) phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp Thạch Quảng, Bãi Trành, các xí ngiệp, nhà máy trên địa bàn, khu đô thi Ngọc Lặc, bảo đảm 100% số hộ dân được dùng lưới điện quốc gia phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt với chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn.

- Hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch trong toàn khu vực nhằm cung cấp nước sạch cho nông thôn và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư. Mục tiêu đến năm 2015 là 90% số hộ được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

- Phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa bàn tạo thuận lợi cho nhân dân liên lạc, trao đổi thông tin, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc./.