Thất nghiệp: thực trạng và những hệ lụy

Thanh Thúy
14:39, ngày 07-12-2011
TCCSĐT - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định, tỷ lệ thất nghiệp cao trên quy mô toàn cầu sẽ là một mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế - chính trị - xã hội quốc tế. Do đó, giải quyết vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm, không chỉ là nhiệm vụ sống còn đối với quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và ổn định.

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở hầu hết các nền kinh tế

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đến nay đã trở thành cuộc khủng hoảng trầm trọng về việc làm, tác động đến cuộc sống hàng ngày của hàng tỉ người trên thế giới. Với tốc độ phục hồi kinh tế như hiện nay, cần ít nhất 5 năm để thị trường lao động ở các nền kinh tế phát triển có thể trở lại mức trước năm 2007. Hiện nay, “kinh tế thế giới chỉ tạo ra được có 40 triệu việc làm” cần thiết, và hầu hết trong số đó được tạo ra ở các nước đang phát triển, còn các nền kinh tế phát triển chỉ tạo được 2,5 triệu việc làm. Những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất lại là những nước có vấn đề về tài chính công nghiêm trọng nhất. Gần 70% các nền kinh tế phát triển, 50% các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được khảo sát đang trải qua suy thoái về việc làm. 

Theo số liệu thống kê mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số người thất nghiệp chính thức trên toàn thế giới là 205 triệu người, không cải thiện so với số liệu công bố năm 2009 và cao hơn 27,6 triệu người so với thời kỳ tiền khủng hoảng. Ngoài số người thất nghiệp chính thức, thế giới còn khoảng 1,53 tỉ người đứng trước nguy cơ thất nghiệp do đang làm những công việc không ổn định như việc làm thời vụ, làm tạm thời, hoặc lâu không tìm được việc làm. Người lao động thất nghiệp càng lâu thì càng khó kiếm việc làm, một phần vì các kỹ năng mất đi, phần khác, do dấu đen bị thất nghiệp lâu dài ghi trong lý lịch. Điều này sẽ làm nảy sinh tình trạng là tại các nước phát triển sẽ có một lượng lớn người trong độ tuổi lao động bị gạt khỏi lực lượng lao động. Còn các công ty, so với thời kỳ bắt đầu khủng hoảng, đã ở vị thế yếu hơn rất nhiều, cùng với sức ép thực hiện chính sách khắc khổ về tài chính tăng lên, các chính phủ cũng không sốt sắng thúc đẩy các chương trình hỗ trợ thu nhập hoặc tạo việc làm mới. 

Tại Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Thống kê của EU (Eurostat) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp chung của Eurozone trong tháng 9-2011 là 10,2%, mức cao nhất kể từ tháng 6-2010 và là tháng thứ 5 liên tiếp tỷ lệ này đứng ở mức cao hơn 10%. Tây Ban Nha là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (22,6%); tiếp đó đến Italia (8,3%); thấp nhất là Hà Lan (4,5%) và Áo (3,9%). Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh cũng công bố số người thất nghiệp ở nước này là 2,62 triệu người, chiếm 8,3% dân số trong độ tuổi lao động, mức cao nhất trong 17 năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 11-2010 đã tăng lên mức 9,8%. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3-12-2010 cho biết, hơn 15 triệu người Mỹ không có việc làm, trong đó 6,3 triệu người đã thất nghiệp từ 6 tháng trở lên.

Trung Quốc cũng phải đối phó với nạn thất nghiệp nghiêm trọng khi thống kê chính thức cho thấy, 22% trong tổng số người ở độ tuổi lao động (hơn 1 tỉ người) bị thất nghiệp. Bộ Nhân sự và An ninh xã hội Trung Quốc tuyên bố nước này “đang phải đối phó với thách thức lớn về việc làm ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần”.

Các ngành chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp cao là xây dựng, kinh doanh bất động sản, tài chính, dịch vụ, du lịch... Ngoài ra, trong nông nghiệp, số người thất nghiệp và người nghèo cần cứu trợ lương thực cũng gia tăng. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), thay vì tiến tới gần mục tiêu giảm ½ số người suy dinh dưỡng từ nay đến năm 2015, sự suy thoái kinh tế hiện nay đã làm giá lương thực leo thang dẫn đến hàng tỉ người bị đói. ILO cho biết, sẽ có khoảng 40 triệu người sống với mức dưới 1 USD/ngày, khoảng 200 triệu lao động nghèo sẽ gia nhập hàng ngũ những người thu nhập dưới 2 USD/ngày. Khủng hoảng kinh tế đã làm giảm mức tăng lương 50%.

Tại nhiều nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một nửa số người không có việc làm không nhận được trợ cấp thất nghiệp. Còn tại phần lớn các nước đang phát triển không có hình thức trợ cấp này. Trên thế giới, cứ 10 người thất nghiệp thì 8 người không được hưởng một khoản bảo hiểm nào.

Một thế hệ trẻ bị tổn thương do không có việc làm

Thế giới hiện có khoảng 1,8 tỉ thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 10-24. Đây là lực lượng trẻ đông nhất trong lịch sử nhân loại và họ cần được tiếp cận giáo dục, y tế để trở thành động lực dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, lao động trẻ hiện nay lại đang phải đối mặt với những hệ lụy của giai đoạn suy thoái. Số liệu thống kê của ILO cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, trung bình, lên tới 12,6%. Từ năm 2007-2009, có 5,2 triệu đối tượng mất việc là thanh niên. Trong báo cáo mang tên “Xu thế về việc làm của giới trẻ trên thế giới 2011”, ILO đã cảnh báo về một thế hệ trẻ bị tổn thương do tình trạng thất nghiệp tăng cao, thanh niên không được đào tạo, không tìm được các việc làm phù hợp, có chất lượng và thực trạng việc làm bấp bênh tại các quốc gia phát triển, cũng như sự gia tăng số lao động nghèo tại các nước đang phát triển. Mặc dù số lao động trẻ trên thế giới không có việc làm đã giảm nhẹ sau giai đoạn tồi tệ nhất năm 2009, từ 75,8 triệu xuống 75,1 triệu người vào cuối năm 2010, nhưng số lao động trẻ thất nghiệp vẫn còn rất cao, dự tính, sẽ ở mức 74,6 triệu người trong năm 2011.

Italia là nước có tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao nhất ở châu Âu với hơn 1 triệu thanh niên hiện không có việc làm. Báo cáo của Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và thợ thủ công Italia (Confartigianato) công bố ngày 24-8-2011 cho biết, hiện có 1,138 triệu người dưới 35 tuổi ở Italia đang thất nghiệp. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trung bình ở Italia đang đứng ở mức 15,9% và riêng ở khu vực miền Nam nghèo hơn, tỷ lệ này đã tăng tới 25,1%. Trong số những thanh niên dưới 24 tuổi có 29,6% không có việc làm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 21% của châu Âu.

Tại Anh, lần đầu tiên trong 17 năm qua, trên 1 triệu thanh niên nước này trong độ tuổi từ 16 đến 24 tuổi bị thất nghiệp, chiếm 21,9%. Đặc biệt, trong tổng số người thất nghiệp, có đến 1,09 triệu người là nữ. Tại Ireland, tỷ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ tăng từ 9% trong 2007 lên 27,5% năm 2010. Trung Đông là khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ.

Gia tăng nguy cơ bất ổn chính trị, an ninh, xã hội

Nhịp độ tăng việc làm của thế giới chưa đến 0,8%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của lực lượng lao động, làm gia tăng nguy cơ mất ổn định của nền kinh tế thế giới, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ, đồng thời làm suy yếu sự liên kết giữa gia đình và xã hội, cũng như lòng tin đối với các chính sách của chính phủ. Trong tổng số 118 nước được ILO khảo sát, 69 nước có số người suy giảm mức sống trong năm 2010, tăng cao hơn so với năm 2006, và 50% dân số của 99 nước biểu hiện sự mất lòng tin vào chính phủ. Mức độ bất bình của người lao động do thiếu việc làm và gánh nặng khủng hoảng được chia sẻ không công bằng đã làm tăng nguy cơ rối loạn xã hội ở ít nhất 45 nước.

Người dân ở nhiều nước tỏ ra không hài lòng với cách thức xử lý chậm trễ và kém hiệu quả của chính phủ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và làn sóng xuống đường mit tinh, bãi công, biểu tình để phản đối chính phủ với quy mô ngày càng lớn. Cùng với phong trào biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” diễn ra ở Mỹ, tại nhiều nước châu Âu, trong đó nổi bật là Pháp, Anh, Hy Lạp, Tây Ban Nha…cũng trải qua một “ngày thứ năm đen tối” do các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra rầm rộ trên khắp đất nước với sự tham gia của hàng triệu người. Người lao động châu Âu bất bình với cách thức xử lý của chính phủ mà họ cho là “không hợp lòng người”, đó là không ngăn chặn được các tập đoàn lớn cắt giảm việc làm; để cho các ngân hàng thực hiện các biện pháp hạn chế cho vay, bóp nghẹt hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trên quy mô toàn cầu, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng hạn chế lao động nhập cư của các nước giàu. Bộ trưởng Nhập cư Anh Damian Green cho biết: “Chúng tôi muốn có những người thông minh nhất và giỏi nhất đến từ các nước không thuộc EU với những kỹ năng có thể mang lại lợi ích cho nước Anh”. Điều này, về lâu dài, sẽ làm gia tăng chênh lệch về trình độ lao động giữa các nước phát triển và những nước nghèo. Một hiện tượng nguy hiểm nữa là thiếu việc làm còn dẫn đến tình trạng kỳ thị lao động nhập cư, gây nên sự xung đột giữa lao động bản địa và lao động nhập cư. Khi người biểu tình ở Anh xuống đường phản đối người lao động nước ngoài với khẩu hiệu “Việc làm ở Anh là dành cho người Anh”, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã phải lên tiếng chỉ trích tư tưởng “bảo hộ việc làm” này của người lao động Anh.

Thất nghiệp và chênh lệnh giàu nghèo còn làm gia tăng bạo lực vũ trang. Báo cáo "Gánh nặng của thế giới về bạo lực vũ trang 2011" nêu rõ, mỗi năm trên thế giới có khoảng 526.000 người tử vong do bạo lực vũ trang. Tỷ lệ tử vong do bạo lực vũ trang ở mỗi quốc gia, theo các chuyên gia của báo cáo này,  tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển kinh tế, thất nghiệp và chênh lệch giàu nghèo.

Giải pháp khắc phục khủng hoảng việc làm ở một số nước

Chất lượng việc làm thể hiện chất lượng xã hội. Cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề thiếu việc làm, nhằm tránh nguy cơ thế giới trở lại tình trạng suy thoái - đó là lời kêu gọi của Tổng Giám đốc ILO Juan Somavia. Các nước phát triển và đang phát triển cần có các chính sách khác nhau để giải quyết khủng hoảng việc làm. Chính sách chuyển dịch cơ cấu cần thiết đối với các nền kinh tế tiên tiến để người lao động có thể chuyển dịch từ các ngành công nghiệp dễ bị mất việc làm sang các ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm. Chính phủ các nước cần tăng cường bảo vệ xã hội để tạo điều kiện chuyển dịch việc làm. Các nước đang phát triển cần tăng đầu tư tăng năng lực sản xuất để tăng năng suất nhằm tạo thu nhập cao cho người lao động.

ILO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đề nghị các nước xúc tiến nhiều giải pháp như: áp dụng chính sách bảo vệ xã hội cho những người sống trong đói, nghèo và hoàn cảnh nguy hiểm, trong khuôn khổ các chính sách kinh tế vĩ mô bền vững và chiến lược phát triển trung và dài hạn; đẩy mạnh các chính sách trợ cấp và bảo hiểm thất nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm và tái đào tạo lao động dư thừa; đầu tư và kết cấu hạ tầng; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng kỷ nguyên mới về công bằng xã hội...

OECD đã yêu cầu các nước phải nhanh chóng đánh giá lại, điều chỉnh thị trường lao động cùng các chính sách xã hội nhằm hạn chế mất việc làm dài hạn; đồng thời nhấn mạnh, tất cả các nước thành viên phải nỗ lực để tránh đối mặt với “một cuộc khủng hoảng lâu dài trong lĩnh vực lao động”. Giải quyết khủng hoảng việc làm là điều kiện tiên quyết để giải bài toán khủng hoảng nợ công và khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Ở một số khu vực khác, chính phủ các nước cũng có những nỗ lực trong giải pháp tạo việc làm. Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) chi ngân sách 19 tỉ euro từ Quỹ Xã hội châu Âu trong năm 2009 và 2010 nhằm tạo việc làm mới và nâng cao kỹ năng lao động... Chính phủ Anh đã chính thức khởi động chương trình 1 tỉ bảng Anh vào tháng 7-2009 để giúp tạo việc làm cho thanh niên, bảo đảm “không để cả một thế hệ tài năng” không có việc làm do suy thoái kinh tế gây ra. Quỹ tạo việc làm này nhằm vào đối tượng từ 18 đến 24 tuổi bị thất nghiệp từ 12 tháng trở lên, với mục đích tạo ra khoảng 50.000 việc làm trong các lĩnh vực chăm sóc xã hội, giáo dục, du lịch và thể thao. Từ tháng 4-2009, các chủ doanh nghiệp được hỗ trợ 1.000 bảng Anh nếu tiếp nhận những lao động đã thất nghiệp 6 tháng quay trở lại làm việc. Từ tháng 1-2010, tất cả những lao động trẻ thất nghiệp hơn 1 năm được bảo đảm có việc làm hoặc được đào tạo hướng nghiệp.

Tại Mỹ, việc giảm tỷ lệ thất nghiệp được coi là nhiệm vụ cấp bách. Tháng 2-2009, Mỹ đã ký ban hành luật tái đầu tư và khôi phục, với trị giá 787 tỉ USD. Gói kích thích này giúp tạo thêm và bảo vệ 3,5 triệu việc làm, với 90% việc làm thuộc khu vực tư nhân. Các kế hoạch thúc đẩy kinh tế được công bố bao gồm: 200 hệ thống đường ống nước sinh hoạt và nước thải mới ở các khu vực nông thôn (tạo ra 125.000 việc làm), cùng với các dự án bảo dưỡng và xây dựng 98 sân bay, hơn 1.500 đường cao tốc, 107 công viên quốc gia. Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án lớn khác như: mở rộng dịch vụ y tế đối với 300.000 bệnh nhân trên khắp nước Mỹ; tài trợ cho 135.000 việc làm trong ngành giáo dục; nâng cấp 90 trung tâm y tế; duy trì 5.000 việc làm trong lĩnh vực thực thi pháp luật; 1.300 dự án tái định cư và xây dựng tại 359 địa điểm quân sự. Đồng thời, Mỹ đã có kế hoạch cắt giảm ít nhất 736 tỉ USD tiền thuế đối với các gia đình trung lưu và 100 tỉ USD đối với các doanh nghiệp nhỏ trong vòng 10 năm tới.

Tại châu Á, Nhật Bản là một trong số các quốc gia đã đưa ra giải pháp tạo việc làm ở nông thôn nhằm tạo dựng một thế hệ nông gia mới, giảm tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ. Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ từ 100.000 - 120.000 yên/tháng cho người tìm việc; 300 tỉ yên khác sẽ được phân bổ cho các chương trình cấp bách về việc làm; đồng thời trợ giúp các công ty để giảm giờ phụ trội, phân phối lại công việc, tránh sa thải công nhân.

Trung Quốc coi bình ổn thị trường việc làm là mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới. Chính phủ nước này đã công bố một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn thất nghiệp và hỗ trợ những người mất việc làm, đặc biệt là đối với số lao động nông thôn ra thành phố, trong đó có việc cung cấp thông tin về việc làm, đào tạo bổ sung để trở về quê tìm việc. Chương trình kích thích gần 600 tỉ USD với mức đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng được hy vọng sẽ tạo thêm 51,35 triệu việc làm mới.

 Tạo việc làm mới cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc, theo đó, từ năm 2009, nước này đã triển khai chương trình dịch vụ xã hội, tạo 250.000 việc làm, có tới 70% số người ở độ tuổi trên 50 được hưởng lợi từ chương trình này. Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyển khoảng 68.000 sinh viên mới tốt nghiệp làm trợ giảng ở các trường học, cũng như làm nhân viên ở các công ty nhà nước...

Philippines đã có một “kế sách” độc đáo, theo đó, 180.000 người thất nghiệp tại quốc gia này sẽ được chính phủ trả công để trồng cây phủ xanh đất nước. Chương trình trị giá 148 triệu USD này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ số người thất nghiệp ngày càng tăng ở Philippines do khủng hoảng kinh tế./.