TCCSĐT - “Trong khi 1% là thủ phạm gây ra khó khăn cho nền kinh tế Mỹ, nhưng 99% lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do họ gây ra”. Tổng thống B.Obama cũng thừa nhận rằng, đây là dấu hiệu của sự bất bình mà nhiều người Mỹ cảm thấy đối với hệ thống tài chính vốn bị họ đổ lỗi là gây ra cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008. Và, bản chất sâu xa dẫn đến sự bất bình ấy là gì cũng đang là vấn đề được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Cơ chế tài chính bất bình đẳng

Không phải ngẫu nhiên mà những người tổ chức biểu tình ở Mỹ lại chọn phố Wall - kinh đô tài chính của Mỹ, họ cho rằng đây là nơi đặt trụ sở những cơ quan đại diện của các tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ và có vai trò xuyên quốc gia.

Với cơ chế tài chính theo chủ thuyết “tự do mới”, sau nhiều năm phát triển, tại Mỹ đã hình thành sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung - cầu, tiền - hàng; trong 100% GDP của Mỹ, có 3 lĩnh vực đóng góp chủ yếu là nông nghiệp 0,9%, công nghiệp 20,6%, dịch vụ 78,5%. Trong lĩnh vực dịch vụ lại chỉ có 3 khu vực đóng góp nhiều nhất là tài chính, địa ốc và y tế. Tình trạng “hàng hóa ảo” gia tăng, thị trường địa ốc bị chứng khoán hóa, do sự lạm dụng thị trường chứng khoán quá mức, sự điều hành của nhà nước bị buông lỏng.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 35% GDP, tạo ra 70% việc làm cho xã hội, nhưng lại không tiếp cận được các khoản vay lớn, vì các đại gia tài chính chỉ ưu tiên cho vay trên lĩnh vực bất động sản, khi khủng hoảng ập đến các hộ kinh doanh gia đình Mỹ đã phải gánh số nợ khổng lồ lên đến 13.000 tỉ USD. Nợ nước ngoài tăng nhanh, năm 2006 mới chỉ là 1 tỉ USD/ngày nhưng đến năm 2008 đã lên con số 2,5 tỉ USD/ngày; từ một nước xuất khẩu lớn nhất thế giới Mỹ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới; từ một nước có nguồn cung tín dụng quan trọng và đáng tin cậy nhất thì nay trở thành nước đi vay tín dụng với số lượng đáng kể, 60% tiền mặt lưu thông ở nước ngoài đang bị mất dần tín nhiệm trong hệ thống tiền tệ thế giới.

Sự bất bình đẳng về thu nhập và tài sản trong xã hội ngày càng lớn, sự chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ được coi là quá mức khi lương của giám đốc điều hành gấp 350 lần so với lương của công nhân.

Theo kết quả khảo sát của trường Đại học Quinnipiac, hơn 85% người dân New York, Mỹ thuộc phe Dân chủ và 35% thành viên thuộc phe Cộng hòa ủng hộ phong trào "Chiếm Phố Wall". Người biểu tình nhiều lần tuyên bố, sẽ không khuất phục cho đến khi các nhu cầu của họ được đáp ứng bởi nhiều cử tri đổ lỗi cho chính quyền của cựu Tổng thống Bush đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ.

Vì thế, phong trào “Chiếm phố Wall” chủ yếu nhằm vào cơ quan tài chính tiền tệ, vì họ cho rằng cơ quan này là “tác giả” của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008.

Điều hành vĩ mô yếu kém

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần tuyên bố “phải thay đổi thể chế tài chính tiền tệ, tăng cường quản lý và giám sát...”, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ hành động thực tế nào có hiệu quả. Ý tưởng “thay đổi nước Mỹ” của Tổng thống B.Obama khi nhậm chức vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Kể từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2008 đến nay, chính quyền Mỹ đã tung ra 3 gói kích thích kinh tế lớn, với số tiền lên đến gần 1.000 tỉ USD. Số tiền này đã tiêu hết, nhưng nạn thất nghiệp vẫn không thuyên giảm, hiện vẫn ở mức 9%-10%, thị trường bất động sản vẫn chìm đắm. Vì thế, 69% người dân Mỹ đã không tin vào hệ thống ngân hàng và tài chính, 65% không tin sự điều hành của Chính phủ, Quốc hội, và các công ty lớn.

Ông Robert Halper, cựu quan chức Phố Wall - Chủ tịch Công ty Kinh doanh dầu mỏ HPR kiêm Phó Giám đốc Sàn giao dịch NYMEX, là nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho phong trào "Chiếm Phố Wall" ở Mỹ cũng ủng hộ quan điểm của Tổng thống B.Obama rằng “người giàu phải đóng nhiều thuế hơn”.

Xét đến cùng, nguyên nhân là chính phủ hai đảng của Mỹ đều có liên quan mật thiết, phức tạp và phụ thuộc vào giới đại gia tài chính ngân hàng ở phố Wall. Hoạt động của các chính đảng tại Mỹ đều dựa vào sự ủng hộ của các tập đoàn tài chính, từ chi phí bầu cử, tạo uy tín đến tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng… đều cần kinh phí rất lớn. Tuy nhiều lần tranh cãi tại lưỡng viện, nhưng hai đảng đều né tránh không động đến lợi ích cơ bản của các đại gia tài chính ở phố Wall.

Một nguyên nhân sâu xa khác nằm ở bản thân chế độ chính trị lưỡng đảng của Mỹ. Khó có thể tạo ra sự đồng thuận vì thất bại của đảng cầm quyền đồng nghĩa với cơ hội chiến thắng của đảng đối lập. Vì thế, đảng nào cũng tìm cách bảo vệ lợi ích của giới tư bản giàu có, nhất là các giới chức tư bản tài chính.

Phong trào “Chiếm phố Wall” lần này có thể nói là sự phản ứng chính trị, tập trung ở nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế của nước Mỹ, đây là thể hiện của mâu thuẫn sâu sắc trong nội tại của thể chế kinh tế mà nước Mỹ đang ứng dụng, nên khó có thể khắc phục trên thượng tầng kiến trúc. Cuộc tranh luận về điều chỉnh giới hạn nợ công của Mỹ hồi tháng 7 vừa qua là một ví dụ có thể chứng minh điều đó.

Khi mới khởi phát tại Mỹ, phong trào "Chiếm phố Wall" chỉ yêu cầu công ăn việc làm, cải thiện đời sống xã hội, sau đó là đòi công bằng xã hội, biến đổi khí hậu… và đến nay đã tập trung vào mục tiêu đấu tranh chống giới tư bản tài chính Mỹ.

Giới phân tích chính trị đang tìm câu trả lời về nguyên nhân cũng như chiều hướng phát triển và ảnh hưởng của phong trào "Chiếm Phố Wall".

Một số người coi những cuộc biểu tình vừa qua ở nhiều nước trên thế giới là thể hiện của “cuộc khủng hoảng niềm tin” vào chủ nghĩa tư bản hiện đại. Ngày 15-10 được coi là thời điểm đáng nhớ của phong trào "Chiếm Phố Wall" bởi đã lan tới 951 thành phố ở 82 quốc gia trên thế giới với khẩu hiệu “Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu”. Phong trào “Chiếm Phố Wall” biểu dương lực lượng trên phạm vi toàn cầu và cảnh báo, Phong trào có thể là xu thế tại nhiều quốc gia trong vài năm tới.

Cựu Tổng thống Ba Lan ông Walesa thừa nhận, chủ nghĩa tư bản đang gặp khủng hoảng và có thể tàn lụi vào cuối thế kỷ này. Điều này cũng cho thấy, nền dân chủ phương Tây đang bị thách thức và đứng trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, những gì đang diễn ra trên thế giới cho thấy, người dân đang thể hiện nỗi thất vọng và cố gắng gửi một thông điệp thật rõ ràng và dễ hiểu đến toàn thế giới.

Khi xảy ra khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008, giá trị các khoản vay dưới chuẩn đã lên đến hơn 600 tỉ USD, tương đương 1/5 thị trường cho vay mua nhà, đất và con số này càng gia tăng song hành với lãi suất tăng cao, khi bong bóng trên thị trường bất động sản bắt đầu xì hơi thì hơn 70 hãng cho vay cầm cố ở Mỹ đã buộc phải ngừng hoạt động hoặc chờ rao bán... Những chính sách đó thực sự là cuộc tiến công của các đại gia tư bản tài chính các nước tư bản phát triển đối với nhân dân Mỹ và toàn thế giới.

Tại Mỹ, nhóm 1% những người giàu nhất chiếm khoảng 21% thu nhập quốc dân (GDP), nhưng lại sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia; và khoảng hơn 200 công ty khổng lồ xuyên quốc gia ở Mỹ và Tây Âu đang chiếm giữ 30% GDP của thế giới…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với độ sâu và diện rộng như hiện nay thì khi một trong các công ty xuyên quốc gia lâm vào khủng hoảng thì tính hệ thống của nó cũng bị phá vỡ và sự tác động gây khủng hoảng toàn cầu là không tránh khỏi. Hệ quả tất yếu là đa số người dân (bao gồm cả tầng lớp người nghèo và trung lưu) đã thực sự bị bần cùng hóa tương đối.

Như vậy, sự sụp đổ của hệ thống tài chính Mỹ lần này là xuất phát từ nội tại của chính hệ thống chính trị - kinh tế - tài chính Mỹ. Điều đó lý giải, vì sao phong trào “Chiếm phố Wall” lại bất bình với hệ thống tài chính Mỹ ./.

 

 Tài liệu tham khảo

 

 

1.  Hương Mai (Theo Guardian/Reuters/AFP): Từ phong trào "Chiếm lấy phố Wall" đến giấc mơ bình đẳng của con người. Petro Times, 4-11-2011
2. Việt Trung: Bản chất của Chủ nghĩa tư bản nhìn từ phong trào “Chiếm lấy phố Wall”: Vì lợi nhuận hay vì con người? Saigongiaiphong Online, 28-10-2011
3. Nhật Nam: Phong trào “Chiếm phố Wall” lan ra toàn cầu. http://vnexpress.net, 15-10-2011
4. VOV Online: Vì sao phong trào biểu tình lan rộng ở Mỹ?, 8-10-2011