TCCSĐT - Ngày 26-11-2011, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27-11-1961 – 27-11-2011), với chủ đề “50 năm ngành dầu khí thực hiện mong ước của Bác Hồ”. 

Tới dự và chỉ đạo Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính - trị xã hội.

Cùng dự Lễ kỷ niệm còn có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an;  Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ…; các đồng chí bộ trưởng: Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vân tải; Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam qua các thời kỳ; các đối tác trong, ngoài nước và đông đảo các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành dầu khí. 

Hơn nửa thế kỷ trước, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu nước ta phải xây dựng và phát triển một ngành công nghiệp dầu khí mạnh.

Năm 1959, theo đề nghị của Việt Nam, Cộng hòa liên bang Xô-viết  đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm sang Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, tiến hành điều tra địa chất dầu khí. Từ những dữ liệu và kết quả nghiên cứu ban đầu của chuyên gia hai nước, tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt của nước ta, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất Việt Nam ban hành Quyết định số 271, thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa số 36 - tổ chức đầu tiên có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 27-11 hằng năm là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam. 

Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những thành tích vẻ vang của ngành Dầu khí, với những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thương hiệu của Tập đoàn được khẳng định trong và ngoài nước. Tập đoàn cũng đã thành công trong việc xây dựng một nét văn hóa riêng làm tiền đề cho phát triển - nét văn hóa dầu khí Việt Nam. Đồng chí khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, dành sự quan tâm lớn lao cho ngành Dầu khí, luôn theo dõi, chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện cần thiết để PVN phát triển nhanh và mạnh.  

TSKH. Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã điểm lại những mốc son vẻ vang của ngành Dầu khí. Từ những mét khối dầu đầu tiên được khai thác lên trong niềm hân hoan, vui sướng của “những người đi tìm lửa” cho đất nước, đến nay, PVN đã trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước; là một đầu tầu kinh tế mạnh, chủ lực, tạo động lực góp phần đẩy nhanh và vững chắc sự nghiệp xây dựng đất nước. Sau 5 năm vận hành theo mô hình mới, Tập đoàn đã thực hiện tái cấu trúc mô hình tổ chức - quản lý, nâng cao hiệu quả điều hành hoạt động, đưa hàng loạt dự án trọng điểm của quốc gia về dầu khí vào hoạt động, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Trong 50 năm qua, tổng doanh thu của PVN đạt gần 160 tỉ USD, duy trì mức tăng trưởng gần 20%/năm, chiếm trung bình 28-30% tổng thu ngân sách nhà nước và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của cả nước. Đặc biệt năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam còn nhiều khó khăn, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tập đoàn vẫn về đích trước 3 tháng đối với bốn chỉ tiêu quan trọng nhất: tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước và gia tăng trữ lượng dầu khí. Trong giai đoạn 2006 - 2011, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, Tập đoàn đã dành 2.500 tỉ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội, cùng với cộng đồng doanh nghiệp san sẻ khó khăn với đồng bào.

Bên cạnh những thuận lợi, Tập đoàn cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những dự án lớn, có độ phức tạp cao, như: dự án thăm dò dầu khí khu vực nước sâu, dự án lọc hóa dầu mới, dự án nhiệt điện chạy than hoặc dự án khai thác dầu khí tại Venezuela, trong khi cán bộ có trình độ cao còn mỏng, thiếu. Việc thu xếp vốn trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới nên sẽ gặp trở ngại; nguồn tài nguyên dầu khí, đặc biệt là các mỏ lớn ngày càng khan hiếm, phải tìm kiếm nơi có điều kiện địa chất phức tạp, nước sâu, nên chi phí tốn kém. Áp lực cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt khi Tập đoàn đầu tư ra nước ngoài với quy mô lớn.

Đứng trước những thuận lợi, khó khăn đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: PVN cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, tài chính, vốn, mở rộng thị trường, bảo vệ môi trường tự nhiên và các giải pháp bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hoàn thiện mô hình tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung vào lĩnh vực chính, từ đó xây dựng Tập đoàn trở thành một hình mẫu doanh nghiệp nhà nước, thể hiện vai trò chủ đạo, trụ cột của kinh tế nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Đặt nền móng cho ngành Dầu khí là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, cán bộ công nhân viên của PVN ngày đêm lao động miệt mài, cống hiến thầm lặng, thậm chí có cả những hy sinh, mất mát khi đang làm nhiệm vụ của nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia, công nhân viên của ngành. Những quyết tâm và hy sinh đó kết tinh nên tinh thần “Đoàn kết - kỷ cương, chất lượng - hiệu quả, an toàn - chắc chắn, nhân ái - trách nhiệm” của những người làm dầu khí trong suốt chặng đường 50 năm, những người đã, đang và sẽ một lòng thực hiện ước nguyện của Bác Hồ về phát triển ngành công nghiệp dầu khí mạnh./.