TCCSĐT: Xu thế toàn cầu hóa tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là những thách thức, nguy cơ rất lớn. Phát triển nguồn nhân lực xã hội – một yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại và vị thế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn nhân lực xã hội (còn gọi là nguồn lao động xã hội). Ở bài viết này tiếp cận nguồn nhân lực xã hội bao gồm tất cả những người có việc làm và những người thất nghiệp, gồm cả những người trước hoặc trên độ tuổi lao động nhưng họ vẫn đang làm việc.

Thời cơ và thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay

Trong xu thế hội nhập, thời cơ và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam luôn đan xen nhau. Có thể xem xét thời cơ và thách thức về nguồn nhân lực xã hội trên các góc độ sau:

Về số lượng nguồn nhân lực xã hội: Số lượng nguồn nhân lực của mỗi quốc gia được quyết định bởi quy mô dân số. Quy mô dân số đông và trẻ sẽ có nguồn nhân lực xã hội dồi dào và ngược lại nếu quy mô dân số nhỏ và già thì nguồn nhân lực xã hội sẽ ít. Hiện nay, ở nước ta có quy mô dân số khá lớn nên số người trong độ tuổi lao động cao và tăng nhanh. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì dân số nước ta khoảng 86 triệu người, xếp thứ 13 trên thế giới, xếp thứ 7 ở khu vực châu Á và xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Hiện nay cả nước có 43,9 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 51,2% dân số. Hằng năm có khoảng 1 triệu người bước vào tuổi lao động, dự báo đến năm 2015 sẽ có khoảng 64,3 triệu người trong độ tuổi lao động chiếm 62,8% tổng dân số. Với quy mô lực lượng lao động như vậy, Việt Nam đã bước vào thời kỳ đỉnh cao về số lượng dân số, đó là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Đây là “cơ hội vàng” cho Việt Nam phát triển, tận dụng nguồn nhân lực vô cùng quý giá để phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo kịp sự phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chỉ diễn ra trong một chu kỳ nhất định, nó thường kéo dài trong khoảng thời gian từ 15 đến 40 năm tùy thuộc vào chính sách dân số của từng quốc gia và sự tận dụng “cơ hội vàng” này để bứt phá phát triển.

Trong những năm 1999-2000 với nhiều chính sách quyết liệt của Đảng và Nhà nước đã kiềm chế được tốc độ tăng dân số, tỷ lệ sinh ổn định, song với đà tăng dân số trước đó cùng với nhiều quy định “nới lỏng” của những năm 2003-2004 đã làm cho tốc độ gia tăng dân số bùng phát trở lại. Hiện nay, tốc độ tăng dân số đã ổn định, tuy vậy quy mô dân số của nước ta vẫn còn rất cao, nguồn nhân lực xã hội vẫn rất dồi dào.

Với nguồn nhân lực dồi dào việc thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nhiều dự án đầu tư cần nguồn nhân lực lớn đã được triển khai ở nước ta như: may mặc, da giày, chế biến thủy hải sản, cơ khí, điện tử, điện lạnh… giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động xã hội. Bên cạnh đó chúng ta cũng thực hiện việc xuất khẩu lao động sang các thị trường truyền thống như Ma-lai-xi-a, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông và Bắc Phi; đồng thời cũng mở rộng thị trường ra các nước có nhiều tiềm năng như các nước châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ… hằng năm thu về hàng triệu đô la từ xuất khẩu lao động. Việc xuất khẩu lao động còn là cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu nguồn nhân lực của Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. Đây là thời cơ tốt nhất cho nguồn nhân lực phát triển.

Đặc điểm nổi bật của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay đa số là lao động trẻ. Lao động trẻ sẽ có sức bật nhanh, thuận lợi cho việc đào tạo phát triển, nâng cao trình độ, tiếp thu nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

Bên cạnh những thời cơ về số lượng nguồn nhân lực xã hội dồi dào, tăng nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải được giải quyết. Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian không dài, sau thời kỳ này sẽ là thời kỳ “già hóa dân số”, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nếu không thời cơ sẽ nhanh chóng qua đi. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, tăng nhanh cũng tạo áp lực rất lớn về vấn đề việc làm, Nhà nước cần tạo ra một khối lượng việc làm lớn để đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực, nếu không nguồn nhân lực sẽ bị lãng phí, đồng thời sẽ xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội mà nguyên nhân là do thất nghiệp gây ra.

Trong các tiêu chí cạnh tranh về nguồn nhân lực với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì tiêu chí nguồn nhân lực dồi dào và giá rẻ là ưu điểm nổi bật của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tiêu chí này không còn là một lợi thế tuyệt đối của chúng ta nữa. Chúng ta phải cạnh tranh với nguồn nhân lực các nước trong khu vực như Trung Quốc, bên cạnh đó là xu hướng đề cao chất lượng nguồn nhân lực, đã làm giảm sức cạnh tranh về nhân lực của nước ta trong những năm gần đây.

Như vậy, xét về yếu tố số lượng nhân lực thì bên cạnh những thời cơ lớn, nguồn nhân lực Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để cạnh tranh trên thị trường nhân lực thì không chỉ có yếu tố số lượng đông, giá lao động rẻ mà yếu tố vô cùng quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực.

Về chất lượng nguồn nhân lực: Thông thường khi đánh giá chất lượng nguồn nhân lực chúng ta chỉ xem xét thông qua hệ thống giáo dục quốc dân, thông qua số người được đào tạo, qua bằng cấp mà người lao động có được, tuy nhiên, nếu chỉ xem xét như vậy thì chưa đủ. Khi đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia phải được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau như thể lực, trí lực của lực lượng lao động.

Về thể lực: Yếu tố quan trọng nhất của thể lực là sức khỏe, một người có thể lực nghĩa là có sức khỏe tốt. Song sức khỏe không chỉ đơn thuần là chuyện có bệnh hay không có bệnh mà bao gồm cả yếu tố tinh thần và xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì “sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật”. Như vậy sức khỏe là sự phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần và xã hội của con người. Về thể chất đó là sự cường tráng cơ bắp và khả năng vận động chân, tay; về tinh thần đó là sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, khả năng vận động của trí tuệ, khả năng tư duy; về xã hội đó là sự thoải mái, vui vẻ, giao tiếp thân thiện, không có những áp lực từ môi trường.

Khi có sức khỏe tốt, năng suất lao động sẽ cao hơn nhờ sự bền bỉ dẻo dai và khả năng tập trung trong công việc. Do đó, việc nâng cao sức khỏe cho toàn dân nói chung, lực lượng lao động nói riêng luôn được Đảng quan tâm và được xác định là mục đích và là điều kiện cho sự phát triển.

Để đánh giá thể lực của mỗi quốc gia có nhiều tiêu chí khác nhau nhưng có hai tiêu chí cơ bản là: Chiều cao trung bình của thanh niên từ 18 đến 35 tuổi (đơn vị cm); Cân nặng trung bình của thanh niên từ 18 đến 35 tuổi (đơn vị kg).

Từ thời kỳ đổi mới đến nay, thể lực của nguồn nhân lực Việt Nam được cải thiện đáng kể. Sau hơn 25 năm đổi mới chiều cao trung bình của nam thanh niên 18-19 tuổi tăng 4,5 cm và nữ thanh niên tăng 4 cm. Chiều cao của người Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện trong thế kỷ 21 nhờ việc tăng cường chế độ dinh dưỡng và cải thiện mức sống. Cùng với các biện pháp để phát triển thể chất, chúng ta cũng quan tâm đến việc phát triển và làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người lao động như xây dựng các khu vui chơi giải trí, đẩy mạnh phong trào toàn dân tập thể dục, thể thao, hướng đến một lối sống lành mạnh, trong sáng, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đối chiếu với tiêu chuẩn quốc tế thì thể lực của nguồn nhân lực Việt Nam còn có rất nhiều hạn chế. Nếu xem xét hai yếu tố này thì nguồn nhân lực Việt Nam thuộc hạng “thấp bé, nhẹ cân”, sức bền bỉ thấp.

Để cải thiện chiều cao, cân nặng, sức bền của nguồn nhân lực là một thách thức lớn, bởi muốn làm được điều đó phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường…

Về trí lực: Yếu tố trí lực được đánh giá thông qua trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng lao động và khả năng vận dụng tri thức vào các công việc, tình huống cụ thể.

Trình độ văn hóa là khả năng về tri thức và kỹ năng có thể tiếp nhận những kiến thức cơ bản, thực hiện được những công việc đơn giản. Trình độ văn hóa được trang bị thông qua hệ thống giáo dục quốc dân với các hình thức giáo dục chính quy, không chính quy, phi chính thức. Trình độ văn hóa của một quốc gia thường được xem xét qua hệ thống các chỉ tiêu như tỷ lệ dân số biết chữ, số năm đi học trung bình của dân số tính từ 25 tuổi trở lên. Cũng theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 thì tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đã tăng từ 90,3%, năm 1999 lên 94,0%, năm 2009. Trong số 19,2 triệu người đang đi học có 87,6% đang theo học các bậc học phổ thông, 2,7% đang theo học nghề, 3,2% đang theo học cao đẳng và 6,6% đang theo học đại học trở lên. Đây là một điều kiện quan trọng và là chỉ báo về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để đánh giá thực chất chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia còn cần phải xem xét đến trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Trình độ chuyên môn kỹ thuật là những kiến thức kỹ năng cần thiết để đảm đương các chức vụ trong quản lý kinh doanh và các hoạt động nghề nghiệp. Trình độ chuyên môn được xác định từ công nhân kỹ thuật bậc 3 trở lên cho đến trình độ trên đại học. Trong những năm qua, chất lượng đội ngũ nhân lực Việt Nam không ngừng tăng: năm 1998 tỷ lệ những người qua đào tạo trong độ tuổi lao động là 13,3%, năm 1999 là 13,8 %, năm 2005 là 24,8%, năm 2010 tăng lên 40%, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ là 70%. Yếu tố quyết định đến tỷ lệ nhân lực qua đào tạo là hệ thống giáo dục đại học, dạy nghề. Năm 1987, cả nước có 101 trường đại học, cao đẳng đến tháng 9-2009 con số này đã là 376 trường (tăng gấp 3,7 lần), có 159 cơ sở đào tạo trên đại học. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nhân lực, bởi hiện nay số người trong độ tuổi lao động qua đào tạo còn thấp; tỷ lệ lao động có bằng cấp công nhân từ kỹ thuật trở lên chỉ đạt 7,83%; chất lượng đào tạo chưa cao, đào tạo không đạt chuẩn, không theo nhu cầu của xã hội. Một tỷ lệ rất lớn (khoảng 60%) sinh viên ra trường không làm được việc ngay, nhất là làm việc cho các công ty liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp phải đào tạo bổ túc và đào tạo lại; mất cân đối giữa các cấp bậc đào tạo (sơ cấp 1/ trung cấp 1,8/ cao đẳng, đại học 2,3) diễn ra ở nhiều ngành nhiều lĩnh vực, từ đó dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo...

Về phẩm chất tâm lý - xã hội của nguồn nhân lực: Quá trình thực hiện công việc không chỉ cần sức khỏe, trí tuệ, sự khéo léo mà còn cần tính kỷ luật, sự tự giác, tinh thần hợp tác, tác phong chuyên nghiệp… Nguồn nhân lực Việt Nam được thừa hưởng từ cha ông tinh thần làm việc hăng say, sự chịu thương, chịu khó, cần cù chăm chỉ, yêu lao động, mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử… Tuy nhiên, có những đặc điểm tâm lý nếu ở điều kiện hoàn cảnh này thì phù hợp nhưng điều kiện khác thì không phù hợp. Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay mang nhiều đặc điểm đó. Do ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông của một xã hội nông nghiệp cộng với hoàn cảnh lịch sử trong một giai đoạn dài của chế độ tập trung bao cấp đã tạo cho lực lượng lao động Việt Nam những phẩm chất tâm lý - xã hội với nhiều hạn chế như sự tùy tiện, tâm lý ỷ lại, không hợp tác chặt chẽ với nhau trong công việc, thiếu sự đồng nhất và cộng cảm… Những hạn chế đó đã gây ra rất nhiều trở ngại trong quá trình hội nhập.

Một số khuyến nghị nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam

Để nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện nhiều biện pháp, nhiều chính sách đồng bộ ở nhiều cấp độ khác nhau của cả hệ thống chính trị, của chính người lao động, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến phát triển, sử dụng nguồn nhân lực xã hội: Nguồn nhân lực xã hội là một loại nguồn lực quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển, là nguồn lực chính để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, chúng ta đang có “cơ hội vàng về nguồn nhân lực, do đó cần phải có những chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp để tận dụng cơ hội này. Trong những năm qua, Đảng đã ra nhiều chủ trương về sử dụng, phát huy nguồn nhân lực của quốc gia, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng như Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Quyết định đã xác định rất rõ mục tiêu cụ thể về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động cho giai đoạn này. Tuy vậy thực tiễn cũng đang đòi hỏi là cần phải có Nghị quyết chuyên đề của Đảng về vấn đề nguồn nhân lực xã hội cho giai đoạn này. Nghị quyết Chuyên đề sẽ là “cây gậy chỉ đường” một cách có hiệu quả xã hội cao nhất.

Thứ hai, nâng cao thể lực cho người lao động, cải thiện giống nòi: Thể lực của người lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như di truyền, chất dinh dưỡng, môi trường sống, thể dục thể thao… Do đó, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt nhằm cải thiển thể lực cho người Việt Nam.

Trước mắt, cần tập trung cải thiện đời sống vật chất cho người dân, nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em. Hiện nay, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tuy được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức khá cao. Theo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi  suy dinh dưỡng (cân nặng/tuổi) là 31,9% năm 2001, năm 2007 con số này là 21,2% và vẫn còn một tỷ lệ nhỏ trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng và rất nặng.

Tiếp đó, cần cải thiện giống nòi, cải thiện chiều cao cân nặng từ yếu tố di truyền sinh học. Một số quốc gia do không kiểm soát tốt việc thụ tinh trong ống nghiệm và việc mua bán tinh trùng nên đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giống nòi. Để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn nữa việc thụ tinh trong ống nghiệm, việc mua, bán và lưu gửi tinh trùng ở các ngân hàng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe, nâng cao sự dẻo dai và sức chịu đựng, từ đó cải thiện thể lực cho nguồn nhân lực. Đây là biện pháp ít tốn kém nhưng có tác dụng rất lớn đến việc cải thiện thể lực cho lực lượng lao động.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chất lượng nguồn nhân lực được quyết định bởi chất lượng đào tạo, do đó cần tập trung đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo hướng đến việc đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Muốn làm được việc này cần có cơ chế phối hợp ba bên giữa nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp. Hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế ràng buộc giữa các bên với nhau, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đào tạo không đạt chuẩn, không theo nhu cầu dẫn đến lãng phí và thiếu cục bộ. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các bên.

Thứ tư, cải thiện phẩm chất tâm lý xã hội cho người lao động: Để nguồn nhân lực có thể cạnh tranh thành công trên thị trường, đòi hỏi người lao động phải có sự chuyển biến một cách căn bản về phẩm chất tâm lý xã hội. Những gì là đặc trưng văn hóa tích cực và phù hợp như chịu thương, chịu khó trong công việc, sự cần mẫn chăm chỉ, ham học hỏi… của người lao động cần được phát huy. Những yếu tố cũ lạc hậu, không phù hợp như tác phong lề mề, ý thức kỷ luật kém, tùy tiện… cần được loại bỏ. Người lao động cần được giáo dục về ý thức trách nhiệm đối với công việc và lối sống văn hóa, đối với tổ chức, có đạo đức nghề nghiệp, năng động sáng tạo, khả năng thích ứng cao... trong một xã hội công nghiệp hiện đại. Việc cải thiện yếu tố tâm lý xã hội cho người lao động cần được lồng ghép ngay từ các bậc học phổ thông, trong cuộc sống, trong gia đình. Cải thiện phẩm chất tâm lý xã hội, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cần được đưa thành nội dung bắt buộc ở các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề./.