TCCSĐT - Ngày 8-11-2011, tại thành phố Lubmin ở Đông Bắc nước Đức, với sự chứng kiến của Tổng thống Nga D. Medvedev, Thủ tướng Đức A. Merkel, Thủ tướng Pháp F. Fillon, Thủ tướng Hà Lan M. Rutte và Cao ủy EU về năng lượng G.Oettinger, hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga xuyên ngầm qua Biển Bantic sang thẳng nước Đức, còn được gọi là North Stream, đã chính thức đưa vào sử dụng.

 

Lãnh đạo các nước tại buổi khánh thành tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc

Đây là hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt quy mô nhất thế giới và dự án lớn nhất về kết cấu hạ tầng cho năng lượng đã từng được triển khai thực hiện ở châu Âu.

Sự kiện này được coi là một bước ngoặt về cung ứng năng lượng ở châu Âu. Với ý nghĩa to lớn và lâu dài mang tính chiến lược thể hiện trên hai phương diện.

Thứ nhất, North Stream cung ứng khí đốt của Nga cho EU mà không phải quá cảnh qua bất cứ quốc gia nào như từ trước tới nay, loại trừ được tác động tiêu cực có thể có từ mối quan hệ giữa EU hay Nga với các nước trung gian.

Thứ hai, dưới tác động của thảm họa hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản), nhiều quốc gia ở châu Âu đã quyết định đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân, thay vào đó tăng mức độ năng lượng tái tạo và mới, cũng như sử dụng khí đốt. Vì thế khí đốt hiện đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng của các quốc gia.

Bên cạnh đó, hệ thống đường ống dẫn khí đốt này không chỉ mang tính chất là dự án kinh tế và thương mại, mà đó còn thể hiện chất lượng quan hệ mới, có tác động chính trị to lớn giữa EU và Nga.

North Stream được khởi công tháng 4-2010 với tổng vốn đầu tư là 7,4 tỉ euro do các công ty của Nga, Đức và Hà Lan đóng góp, có chiều dài 1224 km, công suất thiết kế là chu chuyển hàng năm 55 tỉ km3 khí đốt từ Nga sang Tây Âu.

North Stream là một trong những dự án tuyến đường ống cung cấp khí đốt từ Nga và một số quốc gia Trung Á sang Tây và Nam Âu. Ngoài North Stream, Nga cùng với một số quốc gia khác đã triển khai xây dựng tuyến South Stream nối từ Nga vượt qua Biển Đen sang Bulgaria, từ đó đi tiếp sang Áo, Hy Lạp và Italy.

Để giảm bớt sự lệ thuộc vào cung ứng khí đốt từ Nga, EU cũng đầu tư xây dựng tuyến Nabucco từ Biển Caspia sang châu Âu dài 3300 km, không đi qua lãnh thổ Nga, dự kiến ban đầu hoàn thành năm 2014. Tuy nhiên, vấn đề vốn đầu tư cho dự án đến nay vẫn chưa được xử lý ổn thỏa./.