Để phát triển mạnh mẽ và bền vững kinh tế biển ở Hải Phòng

Trần Minh Tuấn TS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
17:17, ngày 09-11-2011
TCCS - Được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế về biển, nhưng đến nay, kinh tế biển của Hải Phòng vẫn chưa tận dụng và phát huy triệt để thế mạnh vốn có, phát triển chưa song hành với bảo vệ môi trường, việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển vẫn còn một số bất cập cần khắc phục.
Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm rất năng động, nhất là kinh tế biển của Việt Nam, với 126km bờ biển và hơn 4.000km2 diện tích mặt biển nội hải. Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong 536 cảng biển ở khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế so sánh rõ rệt: nằm trong 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, nằm trong khu vực “Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ”, có vị trí quan trọng đối với giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực… Hải Phòng hội tụ đủ năm trục kinh tế trọng tâm của kinh tế biển: 1 - Khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; 2 - Cảng, dịch vụ cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển, hậu cần logistics; 3 - Kinh tế thủy sản, nuôi trồng, khai thác, chế biến; 4 - Du lịch biển đảo; 5 - Năng lượng biển, dầu khí.

Phát triển kinh tế biển của Hải Phòng và những vấn đề đặt ra

Do tận dụng và phát huy lợi thế, Hải Phòng đã nhanh chóng trở thành một địa điểm đầu tư an toàn và hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế. Vốn FDI vào Hải Phòng tăng nhanh trong nhiều năm qua. Đến nay, vốn FDI đăng ký đạt trên 4,3 tỉ USD với 280 dự án từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2000 đến nay, Hải Phòng liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, GDP tăng bình quân 11,1%/năm. Công nghiệp - dịch vụ chiếm 90% GDP, trong đó 52% thuộc về dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm.

Hiện nay, Hải Phòng có 30 doanh nghiệp cảng biển với tổng chiều dài cầu cảng trên 7.200m, hệ thống cảng được quan tâm đầu tư, bước đầu hiện đại hoá các thiết bị xếp dỡ, nâng cấp đường giao thông, luồng ra vào cảng, nâng cao năng lực thông tàu. Lượng hàng hóa qua cảng từ năm 2005 đến nay tăng bình quân hơn 20%/năm.

Tuy nhiên, hệ thống cảng ở Hải Phòng còn nhiều hạn chế: mạng lưới cảng manh mún, phân tán, hiệu quả sử dụng đất đai thấp; luồng lạch dài và độ sâu không tốt, nên phải phụ thuộc nhiều vào các cảng trung chuyển quốc tế khác; chưa có cảng trung chuyển và cảng cửa ngõ cho toàn khu vực; kết nối đường sắt, đường bộ và đường thủy với hệ thống cảng còn thiếu đồng bộ, hệ thống cảng cạn (ICD) chưa đầy đủ để hỗ trợ tăng cường hiệu quả; trang thiết bị của các cảng hầu hết còn cũ kỹ, lạc hậu, năng suất xếp dỡ thấp, sức cạnh tranh kém; năng lực quản lý còn hạn chế; hệ thống kho bãi chưa tốt, thiếu đồng bộ.

Ngành vận tải biển Hải Phòng phát triển với tốc độ nhanh, cao hơn tốc độ tăng trung bình của vận tải biển cả nước và vùng Vịnh Bắc Bộ. So với cả nước, vận tải biển của Hải Phòng chiếm gần 50% về phương tiện và trên 40% về khối lượng hàng hoá vận tải. Tuy nhiên, tỷ trọng vận tải bằng công-ten-nơ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; đội tàu biển mới chủ yếu đảm nhận các tuyến nội địa và quanh khu vực Đông Nam Á; trình độ quản lý yếu, hầu hết các doanh nghiệp còn nhỏ bé, thiếu kinh nghiệm tham gia thị trường vận tải quốc tế.

Lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng tăng nhanh, số lượt tàu biển cập cảng để bốc dỡ hàng hóa nhiều hơn, tạo điều kiện cho các hoạt động dịch vụ hàng hải có điều kiện phát triển mạnh. Hai loại hình dịch vụ hàng hải thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động nhất là dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ đại lý vận tải đường biển. Các hoạt động dịch vụ hàng hải tại Hải Phòng ngày càng phát triển nhanh, đa dạng về chủng loại và có nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia. Tỷ trọng dịch vụ hàng hải so với nhu cầu phục vụ tương đối cao so với các địa phương khác trong cả nước.

Mặc dù vậy số doanh nghiệp tham gia đầy đủ dịch vụ logistics còn ít (chỉ chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp), dịch vụ chưa phong phú, hiệu quả chưa cao. Nhiều doanh nghiệp năng lực yếu, không đủ sức cạnh tranh; thị trường một số loại dịch vụ hàng hải chưa lớn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh...

Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển được xem là thế mạnh của Hải Phòng và đã được đầu tư lớn về thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Từ năm 2001 đến nay, ngành đóng mới và sửa chữa tàu biển đã có bước phát triển đột biến, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 48,2%. Hải Phòng đã xuất khẩu được tàu biển sang các nước như Xin-ga-po, Nhật Bản, Đan Mạch, Hy Lạp, I-rắc và đặc biệt là xuất khẩu sang Anh. Tuy nhiên, mức độ đầu tư còn thấp, trang thiết bị và trình độ công nghệ còn lạc hậu; tỷ lệ nội địa hoá thấp làm hạn chế sức cạnh tranh; trình độ chuyên môn hoá, đa dạng hoá sản phẩm còn thấp, năng lực tài chính thiếu vững chắc làm chậm tốc độ phát triển.

Phát triển du lịch biển: Doanh thu du lịch biển tuy tăng nhanh nhưng đầu tư du lịch còn thiếu quy hoạch và nhất là đầu tư tư nhân còn tự phát, quy mô nhỏ, manh mún, ít các dịch vụ bổ trợ; phương tiện vận chuyển khách du lịch chất lượng thấp, hạ tầng du lịch còn thiếu; sản phẩm du lịch mang tính đặc sắc của Hải Phòng còn nghèo nàn; doanh nghiệp lữ hành chưa mạnh, năng lực cạnh tranh yếu, chưa đủ sức vươn ra các thị trường khác; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hệ thống, thiếu bài bản; du lịch biển chưa gắn kết được với các khu bảo tồn biển độc đáo của Hải Phòng; lao động ngành du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế.

Nuôi trồng thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, đối tượng, hình thức và sản lượng, được lồng ghép khá hiệu quả với phát triển du lịch. Tuy nhiên, năng suất khai thác giảm, hiệu quả khai thác ­ xa bờ thấp. Hệ thống cung cấp dịch vụ cho khai thác, nhất là khai thác xa bờ chưa được tổ chức tốt, còn mang tính tự phát. Chưa giải quyết triệt để tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về ngư trường và thị trường tiêu thụ, môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản vẫn tiếp tục giảm.

Một số khu, cụm công nghiệp ven biển đã phát triển kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn FDI. Những khu công nghiệp phát triển nhanh và điển hình là các khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng, Đình Vũ, Đồ Sơn. Bên cạnh 33 khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch với tổng diện tích là 4.616ha, Hải Phòng còn có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng diện tích là 21.640ha. Đây là khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trong tương lai sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của vùng Bắc Bộ và là động lực quan trọng để Hải Phòng phát triển.

Mặc dù vậy, quy hoạch còn một số bất cập, điều kiện hạ tầng ngoài hàng rào còn khó khăn; việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng nhiều khu công nghiệp còn chậm; kết quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp ven biển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; chưa thu hút được nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao; các công trình hạ tầng thiếu đồng bộ, chắp vá, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do thiếu các công trình xử lý.

Một số kiến nghị nhằm phát huy hiệu quả kinh tế biển của Hải Phòng

Một là, đánh giá đúng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vị trí và vai trò của kinh tế biển trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.

Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, thành phố Hải Phòng định hướng xây dựng vùng biển và ven biển thành trung tâm kinh tế biển của Vịnh Bắc Bộ và cả nước, thực sự là một động lực quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo đó, mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế biển và ven biển Hải Phòng đến năm 2020 phải tăng trưởng bình quân gấp khoảng 1,2 - 1,3 lần mức tăng trưởng của toàn dải ven biển Vịnh Bắc Bộ (10 tỉnh thành) và khoảng 1,4 - 1,6 lần vùng ven biển của cả nước, đưa tỷ trọng GDP của vùng ven biển Hải Phòng trong tổng GDP của Hải Phòng  trong giai đoạn 2011 - 2020 là 16% năm, đến năm 2020 tăng lên khoảng 35% - 40%.

Hải Phòng nhanh chóng phát triển hệ thống cảng tiến ra biển, với quy mô lớn, hiện đại có chức năng trung chuyển quốc tế với cảng Đình Vũ; mở luồng mới qua kênh Hà Nam, Lạch Huyện... Hải Phòng tiếp tục khẳng định là một trung tâm cơ khí tàu thuyền lớn nhất của cả nước, có vị trí ngày càng lớn, vươn ra khu vực và thế giới. Hướng phát triển cơ bản là đóng những tàu có trọng tải lớn và các loại tàu chuyên dùng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Hải Phòng cần tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cho các hạng mục, các dây chuyền, các khâu có tính đột phá, quyết định đến việc nâng cao năng lực chế tạo. Những năm trước mắt, coi nguồn lực trong nước là chính, nhưng về lâu dài phải tranh thủ được nguồn lực từ nước ngoài.

Hai là, triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể, xây dựng kết cấu hạ tầng và các điều kiện cần thiết để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế biển.

Để khai thác lợi thế vùng ven biển, bên cạnh việc đầu tư chiều sâu và mở rộng quy mô các ngành kinh tế biển truyền thống, thành phố Hải Phòng chủ trương xây dựng hành lang đô thị - công nghiệp ven biển, xứng đáng là một trọng điểm kinh tế mạnh của vùng Vịnh Bắc Bộ. Mở rộng không gian thành phố về phía Đồ Sơn, khu vực tây - bắc thành phố, Minh Đức - Thủy Nguyên và Kiến An trong phạm vi khoảng 15km - 20km từ nội thành. Xây dựng một số khu phố mới ở bắc sông Cấm.  Đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu vực nội thành, cải tạo cảnh quan môi trường văn minh và hiện đại.

Hải Phòng tiếp tục di dân chất lượng cao ra các đảo; đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng bằng các loại hình vốn khác nhau, trong đó sử dụng tốt nguồn vốn Biển Đông hải đảo.  Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về biển thông qua việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về quản lý biển trên địa bàn thành phố, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về biển và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý biển, phối hợp trong công tác quản lý biển với các tỉnh, thành phố khác thuộc vùng vịnh Bắc Bộ.

Ba là, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực (vốn, công nghệ, lao động, kỹ thuật...) trong và ngoài thành phố tham gia đầu tư phát triển trên địa bàn biển và ven biển thành phố Hải Phòng theo các mục tiêu đã đề ra. Phát huy sự năng động, sáng tạo, tự chủ của các cá nhân, đơn vị kinh tế trên địa bàn, khuyến khích và hướng họ tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của vùng biển và ven biển theo các mục tiêu. Bảo đảm sự phối hợp thống nhất, có trật tự trong việc quản lý điều hành của các ngành, các cấp đối với các hoạt động kinh tế biển trên địa bàn.

Bốn là, tập trung giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế biển. Phát triển các lĩnh vực kinh tế biển hầu hết đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, có tri thức khoa học, công nghệ, trong một số lĩnh vực như vận tải biển, khai thác biển đòi hỏi thể lực tốt./.