Về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế
Việt Nam nằm ở vị trí phía Tây Biển Đông - một vùng biển rộng tới 3,5 triệu ki-lô-mét vuông và có ý nghĩa địa - chính trị vô cùng quan trọng, bởi đây là đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và chiếm tới một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới.
Với đường bờ biển dài 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển trên cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam(1)... đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước khác trong việc mở cửa, giao lưu và thương mại quốc tế qua đại dương.
Với một vị trí địa lý thuận lợi như thế, việc hoạch định một chiến lược kinh tế biển phù hợp là hoàn toàn cần thiết để có thể khai thác tối đa lợi ích kinh tế chính đáng từ biển cũng như bảo đảm an ninh quốc gia.
Hiện nay, kinh tế biển Việt Nam mang lại nguồn thu hơn 10 tỉ USD/năm. GDP kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47%- 48% GDP cả nước. Trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 20% - 22% tổng GDP cả nước. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển). Hầu hết các tập đoàn khai thác cảng biển và vận tải biển hàng đầu thế giới với nhiều dự án xây dựng và khai thác cảng công-ten-nơ đã có mặt tại Việt Nam như HIT (Hồng Công, Trung Quốc), SSA (Mỹ), CMA-CGM (Pháp), K-Line (Nhật Bản)…(2). Sự đầu tư của các tập đoàn cảng biển lớn trên thế giới tại Việt Nam góp phần làm cho hệ thống cảng biển Việt Nam hiện đại hơn, đồng thời tạo ra lực hút đối với thị trường bên ngoài do tầm ảnh hưởng mang tính quốc tế.
Du lịch biển với các địa điểm du lịch ven biển nổi tiếng thế giới như Vịnh Hạ Long, Lăng Cô, Nha Trang, Vũng Tàu… đã thu hút hàng triệu khách quốc tế mỗi năm. Trong tương lai, tiềm năng này còn lớn hơn nhiều bởi tại vùng biển và ven biển tập trung tới 3/4 khu du lịch tổng hợp và 10/17 khu du lịch chuyên đề.
Việc xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất ven biển gắn với các đô thị ven biển là một trong năm lĩnh vực ưu tiên mang tính chiến lược để phát triển kinh tế biển. Các khu kinh tế biển cùng với các thành phố lớn ven biển sẽ tạo nên những trung tâm kinh tế biển mạnh, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay cũng như yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Quan điểm và mục tiêu về phát triển kinh tế biển
Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước xác định cần đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, cùng với xu hướng chung về tăng cường phát triển kinh tế biển của các quốc gia có biển trên thế giới và để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển phục vụ yêu cầu phát triển, Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) của Đảng đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Từ những văn kiện này, quan điểm chung về phát triển kinh tế biển của Việt Nam trong những năm tới được xác định như sau:
Một là, xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, có cơ cấu kinh tế hiện đại, thực sự làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển. Tạo ra một sự kết hợp giữa kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo với các khu vực nội địa để đưa đất nước phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Hai là, tiếp tục mở cửa, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để phát triển kinh tế biển và vùng ven biển một cách toàn diện. Phát huy triệt để và có hiệu quả các nguồn lực bên trong, kết hợp với tranh thủ sự hợp tác và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài theo nguyên tắc cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, hội nhập.
Ba là, coi phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Kinh tế biển và vùng ven biển là "hạt nhân" tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và vùng ven biển với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tái tạo và phát triển các nguồn tài nguyên biển, bảo đảm sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sống của vùng biển, ven biển và các hải đảo.
Từ chủ trương đó, những mục tiêu chủ yếu của kinh tế biển được xác định:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi khai thác biển, nhằm góp phần đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và vùng ven biển. Mở rộng quy mô và nâng cao hơn tỷ trọng GDP của kinh tế biển và ven biển, qua đó đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế vững mạnh về biển với tỷ trọng kinh tế biển đạt từ 53% - 55% GDP(3). Xây dựng cơ cấu ngành nghề hiện đại, phát triển công nghiệp và dịch vụ, tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển và vùng ven biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ hai, nâng tỷ trọng xuất khẩu của kinh tế biển và vùng ven biển trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hình thành một số ngành và sản phẩm mũi nhọn, tạo nguồn tích lũy lớn cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời có giá trị xuất khẩu cao và ổn định.
Thứ ba, phát triển nhanh kinh tế - xã hội ở một số trung tâm đô thị ven biển và hải đảo, làm căn cứ hậu cần đủ mạnh để khai thác các vùng biển khơi. Trên cơ sở đó, nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá của cư dân vùng biển, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, kinh tế hàng hải sẽ đứng thứ hai và sau năm 2020, sẽ đứng đầu trong 5 lĩnh vực phát triển kinh tế biển và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh(4). Riêng khu kinh tế ven biển đóng góp vào tổng GDP của cả nước khoảng 15% - 20% và tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 - 1,5 triệu người.
Một số định hướng và giải pháp chủ yếu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển
Nhận thức được lợi thế "mặt tiền" hướng biển với công cuộc giao thương và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn có quan điểm nhất quán trong định hướng phát triển kinh tế biển. Năm 2007, Chính phủ Việt Nam xây dựng lộ trình “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đưa đất nước trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Đại hội XI của Đảng nêu rõ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội hài hòa giữa các vùng, đô thị và nông thôn, trong đó, đối với các vùng biển, ven biển và hải đảo, việc phát triển kinh tế được thực hiện theo định hướng “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Một là, phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Hai là, phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi-măng, chế biến thủy sản chất lượng cao...
Ba là, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao, như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải...
Bốn là, phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển... Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo(5).
Để bảo đảm chiến lược kinh tế biển trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần xây dựng một hệ thống các giải pháp trọng yếu để vừa khai thác lợi thế so sánh tĩnh, vừa hướng đến các lợi thế so sánh động, qua đó tạo ra lợi thế chiến lược.
Những giải pháp này bước đầu được xác định như sau:
- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển và kinh tế biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong điều kiện hội nhập vừa hợp tác, vừa cạnh tranh hiện nay.
- Kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh trên biển.
- Phát triển khoa học - công nghệ biển; đẩy mạnh điều tra cơ bản, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu để đánh giá đúng và đầy đủ tiềm năng của biển.
- Triển khai công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển.
- Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về biển và kinh tế biển. Nhà nước thực hiện vai trò hoạch định chiến lược, quy hoạch, quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế (nhất là về thể chế kinh tế)… Nhà nước không phải là người trực tiếp kinh doanh.
- Xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển và vùng ven biển, bao gồm các chính sách bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động kinh tế biển; chính sách khuyến khích người dân ra biển làm kinh tế; tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế biển; chính sách liên quan đến đầu tư; xây dựng và đẩy mạnh phát triển các trung tâm kinh tế biển ở mỗi vùng miền; quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển.
Ngoài các giải pháp trên, để phát triển lâu dài và bền vững kinh tế biển trong bối cảnh hội nhập với thế giới, trên cơ sở các định hướng chung cần có một kế hoạch hành động toàn diện về tài nguyên và môi trường biển(6) và việc quy hoạch cần được đi trước một bước, đồng thời không làm phát sinh mâu thuẫn về lợi ích trong phát triển./.
(1)“Phát triển kinh tế biển trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhìn từ thực tiễn thành phố Hải Phòng”, nguồn: http://biengioilanhtho.gov.vn, ngày 18-2-2011
(2) “Kinh tế biển: Cần quyết sách lớn, mang tính đột phá”, nguồn: http://www.vfej.vn, ngày 17-1-2011
(3) “Making Vietnam a strong marine-based economy”, nguồn: http://www.vietnamnewstoday.com.
(4) Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, số 1601/QĐ-TTg, Hà Nội ngày 15-10-2009
(5) Xem: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020”, Nxb. Chính trị
quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.122
(6) “Để phát triển kinh tế biển bền vững” nguồn: http://biengioilanhtho.gov.vn, ngày 14-2-2011
Bổ nhiệm hai Phó Tổng Thanh tra Chính phủ mới  (09/11/2011)
Cơ hội của Việt Nam khi tham dự Hội nghị APEC 19  (09/11/2011)
Nga phóng tàu để lấy mẫu đất từ vệ tinh sao Hỏa  (09/11/2011)
Vốn trái phiếu chính phủ thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 không quá 225.000 tỉ đồng  (09/11/2011)
Quốc hội thông qua 3 nghị quyết quan trọng  (09/11/2011)
Khởi đầu “bàn cờ lớn” ở Afghanistan  (09/11/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay