Đồng hành cùng dân tộc với tinh thần ích nước, lợi dân

Theo: Báo Quân đội Nhân dân Điện tử
22:04, ngày 06-11-2011
Ngày 7-11-1981, sau 4 ngày làm việc thành tựu viên mãn, Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã quyết định thành lập Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội nghị, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã gửi Tâm thư lên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nội dung Tâm thư nêu rõ: “Ngày nay, nước nhà được độc lập, thống nhất, từ Lạng Sơn đến Minh Hải (nay là Cà Mau) quy về một mối. Trong niềm hân hoan chung của cả nước, Tăng ni và Phật tử Việt Nam lại có niềm hân hoan riêng thấy ước mơ bao đời nay của mình đã thành hiện thực. GHPG Việt Nam được thành lập, thống nhất tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam theo cùng một ý chí, một hiến chương và chương trình hành động, trong cùng cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, nhằm mục đích chung là duy trì chánh pháp, đề cao chánh tín, góp phần tích cực cùng toàn dân xây dựng CNXH, đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình cho dân tộc và cho nhân loại…”.

Bằng sự đoàn kết hòa hợp của Tăng ni, Phật tử, sau 30 năm thành lập xây dựng và phát triển, GHPG Việt Nam đã trưởng thành và vững bước theo con đường tiếp tục đồng hành cùng dân tộc với tinh thần ích nước lợi dân và đạt được những thành tựu đáng trân trọng. GHPG Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tập hợp được khối Tăng ni, Phật tử một lòng vì hạnh phúc của quảng đại chúng sinh; kêu gọi và tập hợp sức mạnh của mọi người vì đạo Pháp, vì đất nước và vì nhân dân.

Đặc biệt, trong xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc, GHPG Việt Nam luôn nỗ lực phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, đúng theo ý nghĩa phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật, trang nghiêm cho Thế gian tức là trang nghiêm Tịnh độ chư Phật tại thế gian. Với tư cách là thành viên trong khối Đại đoàn kết toàn dân, GHPG Việt Nam, Tăng ni, Phật tử Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Các Ban Trị sự tỉnh, Thành hội Phật giáo trong toàn quốc đã thường xuyên động viên Tăng ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trên địa bàn khu dân cư. Cùng với góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh, các Ban Trị sự còn góp nhiều ý kiến xây dựng báo cáo chính trị của Đảng ở Trung ương và địa phương, tham gia các đoàn thể, các hoạt động xã hội, vì lợi ích của đất nước và dân tộc như tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp từ Trung ương đến địa phương... 

Tinh thần hòa hợp đoàn kết của Giáo hội là một sức mạnh vạn năng, xóa bỏ và đẩy lùi mọi thế lực đối nghịch nhằm chia rẽ Giáo hội và Tăng ni, Phật tử Việt Nam. Có thể nói, nhiệm kỳ II và III của GHPG Việt Nam là hai nhiệm kỳ có nhiều biến động nhất cả về mặt khách quan cũng như chủ quan, trong nước cũng như ngoài nước. Đáng chú ý là những hiện tượng “Dẫn lửa về quê hương”, âm mưu “diễn biến hòa bình”... Từ đó, trong giới Phật giáo đã xuất hiện trở lại hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trước đây và thành lập “Tăng đoàn Bảo vệ Chính pháp” ở một số địa phương, có nhận tiền trợ cấp từ các thế lực thù địch ở nước ngoài nhằm gây bất ổn về an ninh chính trị, nhất là thông qua các phong trào từ thiện xã hội trong nước qua các đợt cứu trợ lũ lụt hằng năm... Mặc dù vậy, GHPG Việt Nam, Tăng ni, Phật tử cả nước, nhất là các tỉnh, Thành hội Phật giáo đã bình tĩnh sáng suốt nhận định, càng tin và thấy rõ lý nhân quả của đạo Phật, nên đã giữ lập trường kiên định về sự nghiệp thống nhất Phật giáo, phát triển Giáo hội ngày càng trang nghiêm và vững mạnh trong lòng dân tộc, tạo được niềm tin và sức mạnh tổng hợp của Phật giáo Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Hiện nay, trên các lĩnh vực hoạt động phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của GHPG Việt Nam được mọi tầng lớp Tăng ni, Phật tử trong nước cũng như thế giới càng tin tưởng và đặt trọn niềm tin vào vai trò của một tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. GHPG Việt Nam ngày càng hòa nhập với cộng đồng Phật giáo thế giới, góp phần xây dựng nhân gian tịnh lạc, củng cố hòa bình an vui cho nhân loại.

Có thể nói, với tinh thần đoàn kết hòa hợp, Tăng ni, Phật tử đã góp phần xây dựng và tăng cường các mục tiêu, tôn chỉ đúng đắn mà GHPG Việt Nam đã đề ra trong Hiến chương Giáo hội kể từ ngày thành lập. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là do sự chung tay, góp sức nhất tâm đoàn kết của Tăng ni, Phật tử không phân biệt tổ chức, hệ phái. Bộ máy lãnh đạo Phật giáo ngày càng được hoàn thiện, củng cố và mở rộng nhân sự, thể hiện trọn vẹn các nguyên tắc thống nhất đã đề ra. Những thành quả mà Giáo hội đạt được đã khẳng định một ưu điểm lớn, quyết định sự phát triển của GHPG Việt Nam, đó là tính đoàn kết hòa hợp cao độ, xem trọng sự nghiệp chung vì Đạo pháp và Dân tộc.

Tăng ni, Phật tử đã tiếp nối truyền thống của các bậc tiền bối, Tổ sư, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thân yêu. Trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh... đều có bóng dáng của Tăng ni, Phật tử, trong đó không hiếm những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc và nhân dân, rất xứng đáng với truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân của các bậc tiền bối trong chiều dài lịch sử 2000 năm của Phật giáo Việt Nam.  Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng, đánh giá cao những đóng góp của GHPG Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt của Tăng ni, Phật tử cả nước, nhiều người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Cố hòa thượng Thích Đức Nhuận, cố hòa thượng Thích Thiện Hào được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Quý cố hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thuận Đức, Hòa thượng Thích Thiện Siêu được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhì; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Hiển Pháp được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, ba và một số huân, huy chương khác; Cố hòa thượng Thích Định Quang được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba và một số Tăng ni, Phật tử, tự viện được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba như Bảo Giác Ngộ, Chùa Kỳ Quang II, Tịnh xá Ngọc Phương v.v… Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập GHPG Việt Nam, Trung ương Giáo hội đã đề nghị Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương và bằng khen cho Chư Tôn đức, Cư sĩ và tập thể Ban Trị sự các tỉnh, Thành hội Phật giáo và đặt tên đường mang tôn danh các bậc Cao tăng Việt Nam thời hiện đại có nhiều đóng góp về mọi mặt cho Giáo hội và xã hội.

Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế, đồng thời khẳng định niềm tin của Phật giáo Việt Nam vào chế độ XHCN Việt Nam. Một niềm tin đã được khai nguồn bởi các bậc chân tu yêu nước tiền bối trong giai đoạn cách mạng Việt Nam vừa mới ra đời, đã được tôi luyện qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và đã được thử thách trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước sau ngày chấm dứt chiến tranh và trong thời bình. Đây là một niềm tin sáng suốt, rất đáng tự hào bởi vì nó xuất phát từ lòng yêu nước, thấm nhuần tư tưởng từ bi và trí tuệ của Đạo Phật. Tinh thần "Khế lý, Khế cơ" của Giáo lý Đức Phật cũng là một trong những yếu tố quan trọng hướng dẫn Tăng ni, Phật tử trong sự thành lập và điều hành của Giáo hội. Tinh thần "Khế lý" dạy Tăng ni, Phật tử phải nắm vững chân lý, quy luật muôn đời của vũ trụ và nhân sinh. Tinh thần "Khế cơ" dạy Tăng ni, Phật tử phải biết vận dụng chân lý ấy cho thích hợp với tâm lý, căn cơ, hoàn cảnh thời đại phát triển của đất nước Việt Nam.

Tiếp nối tinh thần đoàn kết hòa hợp trong lòng dân tộc và sự lãnh đạo sáng suốt có kỷ cương của Giáo hội, cùng sự tích cực phục vụ Đạo pháp của tất cả Tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng lãnh đạo Trung ương, tỉnh, thành phố và địa phương, Giáo hội tiếp tục phát huy những thành quả, các tiền đề đã đạt được, thực hiện hữu hiệu lý tưởng bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc, kết thành những bông hoa tươi thắm trong tinh thần đoàn kết hòa hợp của người con Phật, để chào mừng Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành phố và Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII của GHPG Việt Nam - nhiệm kỳ của thế kỷ hòa bình, thịnh vượng và phát triển toàn cầu.