TCCSĐT - Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã vượt qua vòng bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng sau khi hứa hẹn sẽ tổ chức đàm phán chia sẻ quyền lực.

 

Thủ tướng Hy Lạp vượt qua vòng bỏ phiếu sau khi hứa hẹn chia sẻ quyền lực.

Trong bài phát biểu tại Nghị viện trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng George Papandreou cho rằng, bầu cử sớm là một “thảm họa”. Ông nói mình không quan tâm đến địa vị chính trị và sự lãnh đạo của bất kỳ chính phủ lâm thời nào cũng đều có thể thương lượng được.

Trước đó ít ngày, Thủ tướng George Papandreou đã khiến cả châu Âu phải sửng sốt và các thị trường lâm vào tình thế hỗn loạn sau khi kêu gọi Hy Lạp tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho nước này.

Theo Thủ tướng George Papandreou, Hy Lạp cần đón nhận thỏa thuận về gói cứu trợ hiện nay của EU và nếu để tuột mất cơ hội này đồng nghĩa với việc “vô trách nhiệm với lịch sử”. Ông G.Papandreou nói, bầu cử ngay lúc này sẽ là một “thảm họa” đối với thỏa thuận trên, bởi vậy ông đã đệ trình một liên minh mới lên nắm quyền cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng với EU.

Ông cũng đề xuất tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để bảo đảm an ninh quốc gia. Cuộc bỏ phiếu diễn ra vài giờ sau cuộc tranh luận của Nghị viện Hy Lạp. Hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập trên quảng trường Syntagma tại Athens để chờ kết quả bỏ phiếu. An ninh được thắt chặt tại khu vực xung quanh tòa nhà Nghị viện.

Các nhà lãnh đạo châu Âu quan ngại rằng, thất bại trong việc giải quyết khủng hoảng nợ ở Hy Lạp có thể khiến tình trạng bất ổn lan rộng sang các nền kinh tế khác, nhất là Italy.

Các thành viên Nghị viện Hy Lạp cho biết, Thủ tướng George Papandreou có thể lâm vào tình thế dễ bị tổn thương. Đảng cầm quyền của Thủ tướng George Papandreou tuy chiếm đa số nhưng lại rất mong manh tại Nghị viện với 152/300 ghế. Kết thúc cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, 153 nghị sĩ đã bỏ phiếu cho Chính phủ của Thủ tướng George Papandreou.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra đúng thời điểm các thị trường châu Âu và Mỹ đóng cửa do tính chất nhạy cảm của sự kiện này. Mặc dù Thủ tướng George Papandreou đã vượt qua được vòng bỏ phiếu song tình hình chính trị tại Hy Lạp vẫn chưa thể ổn định được.

Lãnh đạo đảng Dân chủ mới - đảng đối lập chính tại Nghị viện Hy Lạp, Antonis Samaras vẫn bác bỏ đệ trình thành lập một chính phủ liên minh của Thủ tướng George Papandreou, đồng thời yêu cầu đề nghị bầu cử sớm. Tuy nhiên ông G.Papandreou đã phủ quyết đề nghị trên.

Hôm thứ Sáu trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã phát biểu rằng, ông hy vọng Chính phủ liên minh sẽ được thiết lập ở Hy Lạp và những vấn đề về kinh tế của nước này cũng “được giải quyết”.

Cuộc khủng hoảng của Hy Lạp là chủ đề gây tranh cãi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa kết thúc hôm thứ sáu tại thành phố Cannes (Pháp). Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho biết, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý tăng ngân sách cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuy nhiên không nêu cụ thể số tiền là bao nhiêu.

Thủ tướng George Papandreou đã được triệu tập đến cuộc họp khẩn của G20 vào thứ tư vừa rồi. Tại đây, ông Papandreau nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý sẽ là lời đáp cho câu hỏi liệu Hy Lạp có muốn tiếp tục ở lại Eurozone hay không. Tiếp đó là Hy Lạp sẽ trả nợ được bao nhiêu sau khi nhận được khoản cứu trợ tới đây của EU. Nếu không có gói cứu trợ của EU, Hy Lạp có thể phá sản trước cuối năm nay.
 
Thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp được đưa ra tại Hội nghị EU tháng trước, các nước thành viên đã đồng ý cho Chính phủ Hy Lạp vốn đang ngập trong nợ nần vay 130 tỉ euro (tương đương 178 USD) và xóa 50% nợ cũ, đổi lại nước này phải thực thi các biện pháp khắc khổ như giảm chi tiêu công, giảm quỹ hưu trí, lương bổng và cắt giảm biên chế.

Mặc dù dân chúng Hy Lạp đã phản đối quyết liệt các biện pháp khắc khổ này, nhưng một cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy 70% dân chúng vẫn muốn Hy Lạp tiếp tục là thành viên của Eurozone./.