Sau hai ngày họp với 8 phiên thảo luận trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã kết thúc vào chiều 5-11.
8 phiên thảo luận với 31 tham luận và hơn 70 ý kiến thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi về các chủ đề liên quan đến tầm quan trọng của Biển Đông trên thế giới và trong khu vực, lợi ích của các bên liên quan, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, các khía cạnh pháp lý quốc tế của tranh chấp và nỗ lực của các bên liên quan nhằm giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột, cũng như những phương cách và biện pháp thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu cho rằng, với các giá trị kinh tế tiềm năng, với các tuyến thương mại hàng hải quan trọng, Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới. Một môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông có tác dụng tích cực đối với việc mở rộng giao lưu về văn hóa, xã hội, thúc đẩy liên kết thương mại, kinh tế và chính trị giữa các nước. Trong bối cảnh Biển Đông có những diễn biến phức tạp như hiện nay đòi hỏi các bên liên quan trực tiếp và gián tiếp nỗ lực ngoại giao, tăng cường hợp tác, trao đổi lòng tin lẫn nhau để cùng tìm tiếng nói chung giải quyết những khúc mắc.

Đại sứ Haji, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Indonesia cho rằng: “Chúng ta đang có những lo lắng về tình hình biển Đông hồi đầu năm nay, nhưng gần đây tình hình đã tạm lắng xuống. Tôi tin rằng, diễn biến tích cực này sẽ tiếp tục trong tương lai. Đó là nhờ những nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Tại cuộc hội thảo này, chúng ta đã có một bức tranh toàn cảnh về những mâu thuẫn, tranh chấp ở Biển Đông, từ đó chúng ta sẽ tìm cách quản lý và kiểm soát những xung đột này. Chúng tôi nghĩ rằng, để làm được việc này, không có cách nào khác là chúng ta phải tăng cường hợp tác, tạo cơ chế phối hợp vì lợi ích của tất cả các bên, xây dựng môi trường ổn định trên cơ sở xây dựng lòng tin lẫn nhau”.

Các đại biểu cũng cùng nhau thảo luận về khía cạnh pháp lý đối với vấn đề Biển Đông, theo đó cùng nhấn mạnh đến vai trò của Công ước về Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 trong việc kiềm chế và quản lý các mối đe dọa đối với an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Giáo sư Jonh Vane Daker, Trưởng khoa Luật Đại học Hawaii, Mỹ, điều hành phiên thảo luận về vấn đề pháp lý tại Biển Đông cho biết: “Các bài tham luận tại phiên thảo luận đã chỉ ra rằng, việc hiểu và giải thích về Luật Biển của Liên Hợp Quốc cần phải chặt chẽ hơn nhằm làm sáng tỏ yêu sách chủ quyền của các bên tranh chấp, từ đó hạn chế việc chiếm giữ và xây dựng các công trình nhân tạo trên một số bãi chìm. Việc giải thích và áp dụng đúng đắn luật Biển của Liên Hợp Quốc sẽ giúp kiềm chế và kiểm soát các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải trên Biển Đông”.

Cũng tại cuộc hội thảo, các đại biểu cùng nhất trí, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các bên cần nỗ lực xây dựng các cơ chế hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Các đại biểu hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đã đạt được một thỏa thuận về Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời khẳng định vai trò của khu vực ASEAN cần phải thúc đẩy hơn nữa.

Đây là cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 do Việt Nam tổ chức. Điểm thành công của Hội thảo lần này chính là tính thẳng thắn và gợi mở trong các phiên thảo luận. Theo Đại sứ Đặng Đình Qúy, Giám đốc Học viện ngoại giao Việt Nam, Hội thảo về Biển Đông lần thứ 3 đã thành công trên mọi phương diện, từ số lượng đại biểu tham gia đến chất lượng các phiên thảo luận.

Đại sứ Đặng Đình Qúy khẳng định: “Trong tất cả các phiên thảo luận, các phương thức thảo luận thẳng thẳn, khách quan và khoa học đã được tôn trọng. Đa số ý kiến thống nhất về tầm quan trọng của Biển Đông và cần giữ gìn hòa bình ổn định và phát triển ở Biển Đông”.

Các đại biểu đã đưa ra rất nhiều các đề xuất thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, trong đó đáng chú ý là sáng kiến xây dựng cơ chế quản lý nghề cá ở cấp độ khu vực, kiểm soát ô nhiễm biển, thiết lập mạng lưới bảo tồn biển song phương hoặc đa phương như một giải pháp thay thế cho lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hiện nay. Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại hòa bình, hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế, kiềm chế vũ lực cũng như minh bạch hóa các yêu sách về chủ quyền biển đảo. Các đại biểu bày tỏ tin tưởng, các đề xuất này sẽ được xem xét, đánh giá và thực hiện trong tương lai gần./.