TCCSĐT - Người dân thứ 1 tỉ trên trái đất xuất hiện vào năm 1804. Chỉ hơn một thế kỷ sau đó, dân số thế giới đã đạt 2 tỉ người năm 1927 và 3 tỉ người năm 1959, 4 tỉ người năm 1974, 5 tỉ người năm 1987, 6 tỉ người năm 1998 và 13 năm sau dân số thế giới tăng thêm 1 tỉ người. Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, ngày 31-10-2011 dân số thế giới sẽ đạt 7 tỉ người. Với quy mô dân số kỷ lục 7 tỉ người này, chúng ta đang đối mặt với cả những cơ hội và nhiều thách thức.

 

 Ngày 31-10-2011, dân số thế giới đạt mức 7 tỉ người.

Cứ mỗi giây lại có 5 em bé được sinh ra. Mỗi năm dân số thế giới tăng thêm khoảng 78 triệu người, và dự báo đạt 9,3 tỉ người vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là con người trên toàn thế giới ngày càng sống lâu hơn và nhiều trẻ em vượt qua được bệnh tật để tiếp tục sống. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, tuổi thọ bình quân của thế giới đã đạt 68 so với 48 tuổi (năm 1950), cao nhất từ trước đến nay. Tuổi thọ trung bình của nữ 71 tuổi, của nam là 67 tuổi. Người dân có tuổi thọ trung bình cao nhất là ở Bắc Âu (80 tuổi). Nhóm dân số trẻ cũng vì thế mà nhiều hơn trước, cùng với đó là khoảng một nửa dân số ở đô thị và chỉ trong vòng 35 năm tới, con số này sẽ tăng thêm 50% (khoảng 2/3 nhân loại sẽ sống ở khu vực đô thị).

Cùng với đó, số người ở tuổi vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi từ 10 - 24 sẽ chiếm hơn 1/4 dân số thế giới và 90% trong số họ hiện đang sinh sống ở các nước đang phát triển. Thế giới có cơ hội và trách nhiệm đầu tư vào 1,8 tỉ thanh niên và vị thành niên, bởi tất cả họ đều có quyền được học hành - bao gồm cả việc học các kiến thức về tình dục và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện. Nếu mỗi nước có những chính sách đúng đắn với sự đầu tư và hỗ trợ xã hội phù hợp thì thanh niên có thể tận hưởng cuộc sống mạnh khỏe hơn, không phải chịu cảnh đói nghèo đồng thời góp phần cải thiện hòa bình và ổn định chính trị.

Tuy nhiên, việc con người có thể sống lâu hơn, tránh được nhiều bệnh tật hơn không đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn. Với tốc độ tăng dân số như hiện tại, mỗi năm, dân số toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 78 triệu người, trong đó, 97% dân số tăng trưởng tại các nước kém phát triển. Mức tăng này sẽ làm tăng nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và tạo ra những áp lực ngày càng lớn cho hành tinh của chúng ta.

Thêm vào đó, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Chưa bao giờ lại có nhiều người trở nên dễ bị tổn thương với các vấn đề như mất an ninh lương thực, thiếu nước và thiên tai như hiện nay. Trong khi các nước đang phát triển lại lo lắng làm sao bảo đảm được chất lượng cuộc sống tốt cho từng người dân thì các nước giàu có và các nước có thu nhập trung bình lại đang lo lắng về tỷ lệ sinh thấp, suy giảm dân số và già hóa dân số. Bởi hiện nay với 893 triệu người từ 60 tuổi trở lên thì vào khoảng giữa thế kỷ này, con số đó sẽ tăng lên gấp 3 lần, khoảng 2,4 tỉ người.

Trong bối cảnh thế giới 7 tỉ người, với những vấn đề liên quan đến các vấn đề về đói nghèo, an ninh lương thực, bất bình đẳng về quyền và cơ hội vẫn tồn tại giữa nam giới và phụ nữ, trẻ em gái và trẻ em trai, sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản; môi trường; già hóa dân số và đô thị hóa, những khác biệt lớn vẫn tiếp tục tồn tại giữa các nước và trong nội bộ mỗi nước. UNFPA khuyến cáo tăng dân số sẽ làm tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giới và nguy cơ mất an ninh lương thực, thiên tai.

Chính vì vậy, xây dựng lộ trình phát triển giúp thúc đẩy bình đẳng và tránh làm gia tăng bất bình đẳng là công việc quan trọng hơn bao giờ hết. Giảm bất bình đẳng, tiếp cận tới nhóm dân số dễ bị tổn thương hay những người kém may mắn hơn, nâng cao điều kiện sống cho những người dân hiện tại và cho những thế hệ tương lai đòi hỏi phải có cách suy nghĩ mới và sự hợp tác trên toàn cầu mà trước đây chưa từng hiện hữu. Đây là thời điểm chúng ta cần phải hành động.

Giám đốc Điều hành của UNFPA, Babatunde Osotimehin cho rằng, vệc lập kế hoạch và đầu tư đúng đắn vào con người hiện nay sẽ giúp nâng cao năng lực để họ có thể tự lựa chọn. Điều này không chỉ tốt cho bản thân họ mà còn có ích cho toàn nhân loại. Nếu chúng ta làm được điều này thì thế giới 7 tỉ người của chúng ta sẽ phát triển với những thành phố thịnh vượng, lực lượng lao động dồi dào giúp phát triển nền kinh tế và nhóm dân số trẻ có thể mang lại cuộc sống hạnh phúc cho toàn xã hội”.

Trong thế giới 7 tỉ người, chúng ta cùng với nhau và dựa vào nhau cùng chung sống. Cùng với nhau, những đóng góp tưởng chừng như nhỏ bé của mỗi cá nhân chúng ta nếu được nhân rộng trên toàn thế giới sẽ tạo nên những thay đổi to lớn theo cấp số nhân. Và hành động của chúng ta bây giờ sẽ quyết định liệu chúng ta có một tương lai khỏe mạnh, bền vững, thịnh vượng hay là một tương lai suy thoái, bất bình đẳng và tụt hậu về kinh tế./.