Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

Chu Phạm Ngọc Hiển Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
15:29, ngày 31-10-2011
TCCSĐT: Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Nhiệt độ trái đất tăng, thiên tai, bão lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai. Vì vậy, không một quốc gia, một cộng đồng nào có thể đứng ngoài sự đe dọa và thách thức của biến đổi khí hậu.

Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là cơ hội cho sự thay đổi các mô hình phát triển, mẫu hình tiêu thụ, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, tăng năng lực cạnh tranh, mở ra các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ phát thải ít các-bon, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thiết chế tài chính quốc tế về biến đổi khí hậu.

Trong thời gian vừa qua, trên thế giới cũng như ở nước ta đã có nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai mạnh mẽ. Mặc dù những tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng nghiêm trọng nhưng thiệt hại gây ra đã ngày một giảm nhẹ hơn nhờ công tác dự báo chính xác cùng với những biện pháp phòng tránh kịp thời. Chúng ta cũng đã và đang tiếp tục xây dựng những chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách căn cơ, hệ thống và lâu dài. Trong những thành công bước đầu ấy, vai trò của công tác nghiên cứu khoa học nhằm nhận diện kịp thời và đầy đủ các tác động của biến đổi khí hậu, xu thế diễn biến, các tác động và đề xuất các giải pháp thích ứng là vô cùng quan trọng. Những kết quả nghiên cứu khoa học đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành trong mọi lĩnh vực, cả ở trung ương và địa phương.

Những kết quả nghiên cứu quan trọng

Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nguy cơ ngập ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5oC và mực nước biển trung bình đã tăng khoảng 20cm.

Biến đổi khí hậu phụ thuộc chủ yếu vào mức độ phát thải khí nhà kính, tức là phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Vì vậy, các kịch bản biến đổi khí hậu được xây dựng dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu gồm những yếu tố cơ bản như: (1) Sự phát triển kinh tế ở quy mô toàn cầu; (2) Dân số thế giới và mức độ tiêu dùng; (3) Chuẩn mực cuộc sống và lối sống; (4) Tiêu thụ năng lượng và tài nguyên năng lượng; (5) Chuyển giao công nghệ; (6) Thay đổi sử dụng đất.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Việt Nam, kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam có những điểm chính như sau:

Về nhiệt độ: vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình tăng 2 - 3oC trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Nhiệt  độ cao nhất có thể cao hơn so với kỷ lục hiện nay từ 4 - 5oC. Số ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35oC tăng 10-20 ngày ở vùng thấp thuộc Bắc Bộ, Tây Nguyên và hầu hết diện tích Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Về lượng mưa: lượng mưa hằng năm tăng trên hầu khắp lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 10 - 20%, riêng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ từ 5 - 10%. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm (có nơi đến 30%) và lượng mưa mùa mưa tăng (có nơi từ 20 đến 30%). Khả năng có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay.

Về nước biển dâng: vào cuối thế kỷ XXI, nước biển dâng cao nhất ở vùng từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 60cm đến 105cm, thấp nhất ở vùng Móng Cái cũng ở trong khoảng từ 46cm đến 85cm; trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 59,3cm đến 95,3cm

Kết quả xác định vùng có diện tích bị ngập do nước biển dâng trong tương lai theo Kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam cho thấy: nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và khoảng 3% diện tích thuộc các tỉnh ven biển còn lại sẽ bị ngập, trong đó diện tích Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập trên 20%. Khi đó sẽ có khoảng 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng; 10% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh bị ảnh hưởng trực tiếp. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7% và các tỉnh ven biển miền Trung khoảng 9%. Hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt ở các tỉnh ven biển cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo tính toán thì có khoảng 15% hệ thống đường sắt, 50% đường quốc lộ và 50% hệ thống tỉnh lộ sẽ bị ảnh hưởng nếu mực nước biển dâng 1m, hệ thống giao thông của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung chịu tác động khoảng 30% và hơn 10% so với toàn bộ hệ thống giao thông ven biển.

Tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong nhóm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai cập) và đồng bằng sông Ganges (Băng-la-đét). Theo những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với nước ta khá nghiêm trọng, bao gồm những tác động chính như sau:

Về tác động của nước biển dâng

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, và hàng ngàn đảo, quần đảo. Nhiều vùng đất thấp ven biển hằng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nói trên, làm tăng diện tích ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, tăng xói lở bờ biển và nhiễm mặn nguồn nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, gây rủi ro lớn đối với các công trình xây dựng ven biển như đê biển, đường giao thông, bến cảng, các nhà máy, các đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư ven biển. Mực nước biển dâng và nhiệt độ nước biển tăng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven bờ, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động kinh tế biển ven bờ.

Về tác động của sự nóng lên toàn cầu

Nhiệt độ tăng lên ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm dịch chuyển các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và hệ sinh thái nước ngọt, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật ở một số vùng, một số loài có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới có thể bị mất đi dẫn đến suy giảm tính đa dạng sinh học.

Đối với sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ có thể bị thay đổi ở một số vùng, trong đó vụ đông ở miền Bắc có thể bị rút ngắn lại hoặc thậm chí không còn vụ đông; vụ mùa kéo dài hơn. Nhiệt độ tăng cùng với biến động của các yếu tố thời tiết khác và thiên tai làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh dẫn đến giảm năng suất và sản lượng, tăng nguy cơ và rủi ro đối với nông nghiệp và đe dọa nền an ninh lương thực.

Nhiệt độ tăng, độ ẩm cao làm gia tăng sức ép về nhiệt đối với cơ thể con người, nhất là người già và trẻ em, làm tăng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm thông qua sự phát triển của các loài vi khuẩn, các côn trùng và vật chủ mang bệnh; chế độ dinh dưỡng và vệ sinh môi trường suy giảm.

Sự gia tăng của nhiệt độ cũng sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như: năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, du lịch, thương mại,… liên quan đến chi phí gia tăng cho việc làm mát, thông gió, bảo quản và vận hành thiết bị, phương tiện, sức bền vật liệu…

Về tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai

Sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, cả về tần suất xuất hiện và cường độ do biến đổi khí hậu là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng và các cộng đồng. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố lốc là thiên tai xảy ra hằng năm ở nhiều vùng trong cả nước, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

Biến đổi khí hậu có khả năng sẽ làm cho các thiên tai nói trên trở nên ác liệt hơn và có thể trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xóa đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển, trong đó có những thành quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Những vùng/khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan nói trên ở Việt Nam là dải ven biển đồng bằng Trung Bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Trước những hiểm họa và thách thức lớn nêu trên đối với nhân loại, 155 lãnh đạo Nhà nước/Chính phủ đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Ri-ô đờ Gian-nơ-rô, Bra-xin vào tháng 6-1992. Cho đến nay, 189 nước trên thế giới đã phê chuẩn, phê duyệt, chấp nhận hoặc gia nhập Công ước này.

Nhận thức rõ nhũng tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tháng 12-2008, “Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện “Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ như: xây dựng thể chế, chính sách và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam phục vụ yêu cầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với từng lĩnh vực, khu vực; triển khai “Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia” về biến đổi khí hậu.

Công tác đàm phán, kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đẩy mạnh và thu được kết quả khả quan. Đã triển khai được các chương trình hỗ trợ của chính phủ các nước Đan Mạch, Nhật Bản, Pháp, Na-uy,  Hà Lan, Ca-na-đa và các tổ chức quốc tế như Cơ quan phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số chương trình, dự án khác đang trong thời gian vận động, đàm phán.

Thời gian tới cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số việc cụ thể, tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo như: hoàn thành xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch thực hiện Chiến lược cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể như thủy lợi, phòng tránh thiên tai, nông nghiệp, năng lượng, giao thông... Kế hoạch phải thể hiện được trọng tâm, trọng điểm, các dự án cấp bách cần làm trước.

Bên cạnh đó, cũng cần tập trung triển khai ngay một số dự án như: điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long, củng cố nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; chống ngập các thành phố lớn. Tranh thủ hỗ trợ Quốc tế để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, quan tâm phát triển nền công nghiệp xanh, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.

Ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam đòi hỏi có sự thay đổi trong tư tưởng, chiến lược và quan điểm về biến đổi khí hậu nhằm xây dựng một nền tảng phù hợp với sự thay đổi trong hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, môi trường, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, công tác nghiên cứu, dự báo trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng, không chỉ là để cung cấp thông tin và giải pháp cho công tác phòng tránh thiên tai được kịp thời, hiệu quả mà còn bảo đảm các căn cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách lâu dài trong nước cũng như quan hệ quốc tế để thích ứng hiệu quả với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chung tay, góp sức cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất./.