TCCSĐT - Tối 25-10-2011, tại thủ đô San Salvador của El Salvador, Hội nghị thượng đỉnh bất thường các quốc gia thành viên Hệ thống hội nhập Trung Mỹ (SICA) đã thông qua Tuyên bố Comalapa, kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp tái thiết khu vực sau đợt mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng tại phần lớn lãnh thổ các nước trong vùng.

1. Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN

Ngày 24-10-2011 tại Bali, Indonesia đã diễn ra Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp). Hội nghị đã đánh giá các hoạt động hợp tác quốc phòng - an ninh trong năm 2011 và đề xuất phương hướng hợp tác tiếp theo; đồng thời trao đổi các vấn đề an ninh khu vực mà các nước ASEAN cùng quan tâm. Người đứng đầu Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) của Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN, đã trình bày bản Báo cáo kết quả các hoạt động hợp tác quốc phòng - quân sự đa phương năm 2011. Hội nghị cũng đã xem xét việc đề xuất rút ngắn thời gian họp Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) từ 3 năm/lần như hiện nay xuống 2 năm hoặc 1 năm/lần nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác của ADMM+ trong tương lai. Nhiệm vụ này được giao lại cho Campuchia, nước Chủ tịch ADMM vào năm 2012 tiếp tục thực hiện. Vấn đề an ninh biển cũng là mối quan tâm lớn của tất cả các quốc gia trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đều thể hiện mong muốn xây dựng Biển Đông trở thành khu vực biển hoà bình, hợp tác và phát triển, giải quyết mọi tranh chấp trên nguyên tắc đàm phán hoà bình, dựa vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và theo tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

2. Các nước Trung Mỹ kêu gọi trợ giúp sau thiên tai

 
 Chú thích ảnh: Đợt mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng
tại phần lớn lãnh thổ các nước trong khu vực Trung Mỹ.

Tối 25-10-2011, tại thủ đô San Salvador của El Salvador, Hội nghị thượng đỉnh bất thường các quốc gia thành viên Hệ thống hội nhập Trung Mỹ (SICA) đã thông qua Tuyên bố Comalapa, kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp tái thiết khu vực sau đợt mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng tại phần lớn lãnh thổ các nước trong vùng. Theo tuyên bố này, Tổng thống nước chủ nhà Mauricio Funes và những người đồng cấp Laura Chinchilla của Costa Rica, Alvaro Colom của Guatemala, Porfirio Lobo của Honduras cùng đại diện chính phủ Nicaragua, Belize và Panama đã đề nghị triệu tập một hội nghị các nhà tài trợ, trong đó có các tổ chức và thể chế tài chính khu vực, quốc tế và Liên hợp quốc, dự định tổ chức vào tháng 12-2011 tại San Salvador nhằm cụ thể hóa những cam kết về tài chính hướng tới mục đích trên. Hội nghị trên cũng đưa ra đề xuất thành lập một nhóm tư vấn làm nhiệm vụ phối hợp những nỗ lực, lập kế hoạch và thực hiện các sáng kiến, đánh giá thiệt hại và lập dự án kêu gọi sự tài trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước công nghiệp phát triển. Hội nghị cho rằng sự phát triển công nghiệp tại những nước này từ năm 1850 cho đến nay là một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu hiện đang de dọa toàn cầu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước Trung Mỹ vừa trải qua đợt mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng, trong khi cơn bão nhiệt đới Rina với sức gió 175km/giờ đang tiến sát khu vực, đe dọa ảnh hưởng tới một loạt quốc gia như Honduras, Belize, Cuba, Mexico.

3. Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ nhất tại Luân Đôn

Ngày 26-10-2011, phiên họp Đối thoại chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ nhất do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Jeremy Browne đồng chủ trì đã được tổ chức tại thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh. Tại phiên họp, hai bên đã bàn và tổng kết những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện kế hoạch hành động theo Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời định hình phương hướng thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới. Hai bên cũng tập trung bàn về các vấn đề song phương, trong đó có quốc phòng, tội phạm quốc tế có tổ chức, chống khủng bố, cũng như các vấn đề an ninh khu vực. Hai bên cũng thảo luận vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hạt nhân và các thách thức an ninh phi truyền thống. Việt Nam và Anh nhất trí hợp tác trong các sáng kiến quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân và Sáng kiến Toàn cầu về chống khủng bố hạt nhân. Anh cam kết hợp tác với Việt Nam phát triển năng lực hạt nhân dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng phát triển năng lượng sạch phục vụ nền kinh tế đang phát triển. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, và khuyến khích các bên đạt được một thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

4. Liên hợp quốc nhất trí tăng cường cuộc chiến chống cướp biển

Ngày 27-10-2011, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết do Ấn Độ soạn thảo và được 10 nước thành viên Hội đồng Bảo an bảo trợ, nhằm tăng cường cuộc chiến chống cướp biển không chỉ giới hạn ở ngoài khơi Somalia. Theo Nghị quyết, Hội đồng Bảo an yêu cầu truy tố các phần tử cướp biển không chỉ về hành động cướp biển, mà cả tội bắt giữ con tin, truy tố không chỉ những kẻ lên kế hoạch, tổ chức hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cướp biển, kể cả các nhân vật chủ chốt của mạng lưới tội phạm liên quan đến cướp biển, mà cả những kẻ tài trợ và được hưởng lợi từ các hoạt động cướp biển. Khẳng định phạm vi cướp biển đã vượt ra khỏi khu vực bờ biển Somalia, tác động đến không chỉ các nước trong khu vực này, mà cả các nước ở các khu vực khác của thế giới, Nghị quyết kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin nhằm tăng cường thực thi luật pháp và truy tố tội phạm cướp biển. Nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh khuôn khổ pháp lý quốc tế cho cuộc chiến chống mối đe dọa cướp biển và bắt cóc con tin. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu các nước chưa hình sự hóa tội phạm cướp biển trong luật quốc gia cần nhanh chóng triển khai các phương pháp truy tố loại tội phạm này để phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, đồng thời, nhấn mạnh sự cấp bách của việc thiết lập các tòa án chuyên về chống cướp biển ở Somalia và các nước khác trong khu vực này.

5. UNESCO: Hơn 50% người dân các nước nghèo sẽ được tiếp cận Internet băng thông rộng vào năm 2015

Hơn 50% người dân tại các nước đang phát triển, trong đó ít nhất 15% người dân tại các nước chậm phát triển nhất, có thể tiếp cận mạng Internet băng thông rộng vào năm 2015. Đây là nhận định trong nghiên cứu vừa công bố của Ủy ban về phát triển kỹ thuật số băng thông rộng thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Nghiên cứu nhấn mạnh, thông tin không chỉ là nhu cầu mà còn là quyền của con người. Vì vậy, thế giới cần bảo đảm rằng không ai có thể bị tước mất quyền này trong xã hội tri thức. Tất cả các nước cần thúc đẩy chương trình phát triển băng thông rộng quốc gia để giá thành sử dụng công nghệ thông tin hiện đại này chỉ chiếm chưa đầy 5% thu nhập trung bình tối thiểu hằng tháng của mỗi công dân. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện nay có khoảng 2,3 tỉ người trên thế giới đã sử dụng mạng Internet. Trong 5 năm qua, tỷ lệ số người sử dụng Internet của thế giới đang phát triển đã tăng từ 44% lên 62%. Các nước phát triển băng thông rộng hàng đầu thế giới chủ yếu tập chung ở châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương. Công nghệ băng thông rộng đang làm biến đổi mạnh mẽ cuộc sống của con người và ngày càng đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế và tạo việc làm mới.

6. Liên hợp quốc duyệt nghị quyết chấm dứt sứ mệnh áp đặt vùng cấm bay ở Libya

Ngày 27-10-2011, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua việc chấm dứt sứ mệnh áp đặt vùng cấm bay tại Libya, qua đó khép lại một chương nữa trong cuộc chiến chống chế độ của cố lãnh đạo nước này Muammar Gaddafi. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã ra lệnh chấm dứt sứ mệnh áp đặt vùng cấm bay và hành động bảo vệ dân thường Libya kể từ 23 giờ 59 phút ngày 31-10 theo giờ Libya. Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan hoạch định chính sách của NATO, trong ngày 28-10 cũng nhóm họp ở Brussels để chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch không kích kéo dài bảy tháng qua của liên minh này. Thêm vào đó, Nghị quyết 2016 của Hội đồng Bảo an cũng quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya để Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) có thể tiếp cận các loại vũ khí và thiết bị để bảo vệ an ninh quốc gia. Liên hợp quốc đồng thời kết thúc việc phong tỏa các tài sản của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya và gần như tất cả những hạn chế đối với ngân hàng trung ương và các thể chế chủ chốt khác của quốc gia Bắc Phi này.

7. NATO tuyên bố dừng sứ mệnh quân sự ở Libya

Ngày 28-10-2011, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tuyên bố sẽ chính thức chấm dứt sứ mệnh tại Libya vào ngày 31-10. Tại cuộc họp ở thủ đô Brussels (Bỉ), đại sứ 28 nước thành viên liên minh quân sự này đã chính thức nhất trí "chấm dứt Chiến dịch Người bảo vệ Thống nhất (OUP) vào ngày 31-10," bảy tháng sau khi tiến hành các chiến dịch quân sự trên không và trên biển trong khuôn khổ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt vùng cấm bay tại Libya. Tuần trước, NATO đã quyết định sơ bộ chấm dứt các chiến dịch quân sự tại Libya vào ngày 31-10, sau khi nhận định rằng người dân Libya về cơ bản đã được an toàn sau cái chết của nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gaddafi. Quyết định này được công bố chính thức sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27-10 nhất trí thông qua nghị quyết chấm dứt áp đặt vùng cấm bay tại Libya từ 23 giờ 59 phút (21 giờ 59 phút GMT) ngày 31-10. NATO bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya từ ngày 31-3, sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1973 cho phép lập vùng cấm bay tại nước này để bảo vệ dân thường, trong cuộc xung đột giữa lực lượng chống đối và lực lượng của ông Gaddafi. Kể từ khi chiến sự nổ ra, NATO đã tiến hành trên 9.500 vụ không kích ở Libya. Tuy nhiên, nhiều nước NATO đã rút khỏi chiến dịch quân sự này và tới nay chỉ còn 8/28 nước thành viên NATO tham gia.

8. Hội nghị Mỹ La-tinh - Iberia đề cao vai trò nhà nước

Ngày 29-10-2011, với chủ đề "Biến đổi nhà nước và quá trình phát triển", Hội nghị thượng đỉnh Mỹ La-tinh - Iberia lần thứ 21 đã bế mạc tại thủ đô Asuncion của Paraguay với việc ra Tuyên bố chung, khẳng định vai trò quan trọng của nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển và công bằng xã hội trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Cùng với Tuyên bố chung gồm 57 điểm, các nhà lãnh đạo 22 nước tham dự diễn đàn liên khu vực này cũng đã thông qua 13 văn kiện chính thức, trong đó nêu bật những yêu cầu lịch sử của Mỹ La-tinh như kêu gọi Mỹ chấm dứt bao vây cấm vận kinh tế đối với Cuba, kêu gọi Anh và Argentina nối lại đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền quần đảo Mavinas, mà phía Anh gọi là Folkland, ủng hộ quyền sử dụng lá côca theo các phong tục truyền thống... Hội nghị cũng phản đối tình trạng "tội phạm hóa người nhập cư" tại một số nước và yêu cầu các nước này thừa nhận đóng góp của người nhập cư trong phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố... Được coi là một trong những diễn đàn quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ La-tinh và châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ La-tinh - Iberia được thành lập năm 1991 và hiện có 22 nước thành viên chính thức. Từ năm 2009, Philippines và Guinea Xích đạo cũng tham dự với tư cách đối tác, trong khi Timor Leste, Haiti, Belize, Morocco, Bỉ và Italy cũng đang đề nghị được tham gia cuộc gặp cấp cao này.

9. Nam Sudan là thành viên thứ 194 của UNESCO

Ngày 29-10-2011, quyết định chính thức công nhận Cộng hòa miền Nam Sudan là thành viên thứ 194 của UNESCO được công bố tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris của Pháp nhân cuộc họp lần thứ 36 của Đại hội đồng UNESCO đang được tổ chức. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thanh niên và Thể thao Cộng hòa miền Nam Sudan Cirino Hiteng Ofuho cho biết, nước này sẽ tiếp tục những nỗ lực trong việc bảo tồn di sản quốc gia, phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học… Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng UNESCO, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova nhấn mạnh, hiện nay Nam Sudan đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Việc Nam Sudan trở thành thành viên chính thức của UNESCO sẽ tăng cường hỗ trợ của tổ chức này với người dân trong việc cải thiện hệ thống giáo dục, hỗ trợ đào tạo giáo viên và các chuyên gia giáo dục. Theo Báo cáo về giáo dục của UNESCO mới công bố, tại Cộng hòa miền Nam Sudan có tới hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi bậc tiểu học không đến trường (chiếm gần một nửa trẻ em trong độ tuổi này). Cộng hòa miền Nam Sudan cũng là nước có tỷ lệ thấp nhất trên thế giới về giáo dục trung học, đặc biệt là chỉ có 8% phụ nữ biết đọc và viết.

10.  Hội nghị cấp cao các nước Khối Thịnh vượng chung

Từ ngày 28 đến 30-10-2011, Hội nghị cấp cao các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung (CHOGM) diễn ra tại thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Australia, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và ngoại trưởng 54 nước thành viên. Tại Hội nghị CHOGM lần này, các nhà lãnh đạo đã thông qua biện pháp điều phối các nỗ lực viện trợ khẩn cấp toàn cầu để đối phó với các cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm thanh toán bệnh bại liệt.. Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết, Hội nghị đã đạt được nhất trí trên cả ba mục tiêu gồm: cải cách và củng cố Khối thịnh vượng chung; đặt trọng tâm vào các vấn đề phát triển; đưa ra tiếng nói đồng thuận trong các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên lề Hội nghị CHOGM cũng diễn ra một số hoạt động như Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn nhân dân, Diễn đàn thanh niên và các lễ hội. Khối Thịnh vượng chung, bao gồm Anh và các thuộc địa cũ của nước này, gồm cả các quốc gia phát triển và đang phát triển trên tất cả các lục địa, có tổng dân số khoảng 2 tỉ người./.