Cả nước tưng bừng ngày hội lớn của dân tộc
TCCSĐT - Đúng 7 giờ sáng 22-5, trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội lớn của cả nước, 91.438 khu vực bỏ phiếu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã long trọng tổ chức lễ chào cờ, mở đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngay từ đầu giờ, tại các địa phương trong cả nước, cử tri nô nức đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày hội lớn của đất nước. Không khí diễn ra sôi động, số lượng cử tri đi bầu đạt tỷ lệ cao ngay sau thời điểm khai mạc.
Cả nước có hơn 62 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu, bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và 301.954 đại biểu HĐND các cấp.
* Điểm mới của cuộc bầu cử lần này là lần đầu tiên cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 được tiến hành vào cùng một ngày. Cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2011. * Trong số 827 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII (gồm 182 người ở trung ương và 645 người ở địa phương), có 260 nữ (chiếm 31,44%), 133 người dân tộc thiểu số (16,08%), 118 người ngoài Đảng (14,27%), 183 người là đại biểu Quốc hội khóa XII tái ứng cử (22,13%), 183 người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), chiếm 22,13%, 15 người tự ứng cử (1,81%). Về trình độ, 304 người có trình độ trên đại học (36,76%); 492 người có trình độ đại học (59,49%); 31 người có trình độ cao đẳng trở xuống (3,74%). |
*Sáng 22-5, ngay sau các nghi lễ khai mạc của cuộc bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, sau khi đại diện người cao tuổi bỏ lá phiếu đầu tiên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử, đã bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài, ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ niềm vui, niềm tự hào được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình; được chứng kiến không khí hồ hởi, phấn khởi của cử tri đi bỏ phiếu bầu cử. Gửi thông điệp tới cử tri cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng và mong muốn, với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta, với ý chí và lòng yêu nước thiết tha, với tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vào thời điểm quan trọng này, cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Trung ương và ở địa phương, bầu đúng, bầu đủ theo luật định, để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp và thực sự là một ngày trọng đại - ngày hội lớn của dân tộc ta.
* Đúng 7 giờ ngày 22-5 - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là công dân đầu tiên của Khu vực bầu cử số 38, 24 đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016.
Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi, tự hào khi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình; nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày trọng đại này của dân tộc. Chủ tịch nước cho biết đã đọc kỹ tiểu sử của các ứng cử viên để lựa chọn bầu ra những người đủ đức, đủ tài, xứng đáng nhất đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước; đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và bầu ra các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND thành phố.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ân cần thăm hỏi cử tri đang thực hiện nghĩa vụ công dân tại khu vực bầu cử này và bày tỏ niềm tin tưởng rằng cử tri sẽ đi bầu đông, đủ, sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới…
* Cùng với cử tri cả nước náo nức tham gia ngày hội bầu cử, sáng 22-5, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân đã bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tại khu vực bầu cử số 3 thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng tin tưởng cử tri sẽ hăng hái, nô nức tham gia ngày hội bầu cử và lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân, đảm đương việc nước, tham gia xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước...
Sáng 22-5, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã cùng cử tri khu vực bầu cử số 7, đơn vị bầu cử số 1, Thành phố Hồ Chí Minh (phường Tân Định, quận 1) tham gia thực hiện quyền công dân của mình. Là người bỏ lá phiếu đầu tiên, đồng chí Trương Tấn Sang bày tỏ niềm vui và phấn khởi khi tham gia ngày hội bầu cử toàn dân.
Đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, ngày bầu cử 22-5 là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, là ngày hội non sông, ngày hội toàn dân, diễn ra vào đúng năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, với mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, sớm đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đồng chí nhấn mạnh mong muốn của nhân dân cả nước là kiện toàn cơ quan Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân, đặc biệt là Quốc hội với vị trí và vai trò hết sức quan trọng, là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, cũng như vai trò quan trọng của HĐND các cấp, vì vậy các đại biểu được trúng cử hãy thực hiện đúng lời hứa của mình với cử tri, hoàn thành trách nhiệm với dân để góp phần giúp Quốc hội làm đúng trách nhiệm của mình.
Đồng chí Trương Tấn Sang tin tưởng cử tri sẽ hăng hái, nô nức tham gia ngày hội bầu cử và lựa chọn những người xứng đáng nhất, đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân, đảm đương việc nước, tham gia xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, đáp ứng sự trông chờ của nhân dân. Đồng chí Trương Tấn Sang cũng đặc biệt gửi gắm niềm tin vào các ứng cử viên trẻ, các đại biểu trẻ khi được bầu hãy luôn phấn đấu làm tốt vai trò của mình, phát huy khả năng của tuổi trẻ đúng như những gì cử tri mong chờ, bởi tuổi trẻ là rường cột của đất nước.
* Khu vực bầu cử của Công an, Quân đội: Tại Thủ đô Hà Nội, đến 8 giờ, các khu vực bầu cử của công an, quân đội đã cơ bản hoàn thành việc bỏ phiếu.
* Nghệ An: Hơn 2,1 triệu cử tri tỉnh Nghệ An tham gia bầu cử thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Ngay từ sáng sớm, tiếng loa cổ động bầu cử đã vang lên trong các thôn làng, ngõ xóm. Lực lượng an ninh đã có mặt trên các tuyến phố chính, tại các điểm bỏ phiếu để bảo đảm trật tự cho ngày bầu cử.
Cử tri xã Kim Liên, huyện Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nô nức đi bầu cử với tinh thần và khí thế cao nhất. Tại điểm bầu cử số 1 của xã, ngay từ sáng sớm, người dân đã đem theo thẻ cử tri và kéo nhau về trụ sở nhà văn hóa xóm Sen 2 để chờ đến giờ khai mạc bỏ phiếu. Ông Nguyễn Như Ý, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 1 của xã cho biết, điểm bầu cử số 1 có 957 cử tri của 3 xóm (Sen 1, Sen 2, Sen 3) và cử tri đang công tác tại Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, Trường Tiểu học Làng Sen.
Xác định ngày bầu cử là ngày trọng đại nên trước đó, điểm bầu cử được trang trí gọn gàng, sạch đẹp, ảnh Bác, cờ Tổ quốc treo trang trọng. Có cả bàn ghế cho cử tri ngồi, nước uống… tất cả với mục đích tạo thuận lợi nhất để cử tri đến bầu cử. Xã Kim Liên có 9 tổ bầu cử, với trên 7.800 cử tri. Là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đến của du khách nên khác với những địa phương khác, yêu cầu rất cao với địa phương ngoài việc làm tốt công tác bầu cử còn phải bảo đảm tốt an ninh trật tự. Để làm tốt công tác bầu cử, xã triển khai sâu rộng việc tuyên truyền Luật bầu cử đến người dân, tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri, lên các phương án để ngày bầu cử diễn ra tốt đẹp với kết quả số cử tri đi bầu đạt cao nhất…
Tính đến 10 giờ, trên 65% cử tri tại 3.954 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi bầu cử. Theo một số huyện báo cáo, tình hình an ninh trật tự tại các điểm bỏ phiếu đều diễn ra an toàn, nghiêm túc.
* Kon Tum: Gần 260.000 cử tri trong toàn tỉnh Kon Tum đã nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở 613 tổ bầu cử trong tỉnh. Trước giờ bỏ phiếu, mọi người tranh thủ xem lại tiểu sử các ứng cử viên lần cuối trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tất cả cử tri đều mong muốn chọn được những đại diện ưu tú nhất, có đủ đức, đủ tài, đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. A Gia - Thôn trưởng Kon Gu I cho biết: Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị cho bầu cử như bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, phát thẻ cử tri, đồng thời tuyên truyền vận động, sáng nay mọi người đã gác lại các công việc để tham gia bầu cử.
Trong những ngày này, tại tất cả các địa phương trong tỉnh, không khí ngày hội bầu cử đã lan tỏa tận các thôn làng, đến từng hộ dân. Ở đâu cũng rợp cờ Tổ quốc, cùng băng rôn khẩu hiệu cổ động, hưởng ứng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Để công tác bầu cử được triển khai thành công, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho các cử tri và ứng cử viên tiếp xúc cử tri .
Trong cuộc bầu cử lần này, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 277.000 cử tri đi bầu ở 704 tổ bầu cử. Được sự đồng ý của Hội đồng Bầu cử Trung ương, sáng 21-5 tỉnh Kon Tum đã có 91 tổ bầu cử với hơn 17.400 cử tri đi bầu cử sớm. Đến 10 giờ ngày 22-5, toàn tỉnh Kon Tum đã có hơn 50% cử tri đi bầu cử.
* Lạng Sơn: Đúng 7giờ sáng 22-5, cử tri tỉnh Lạng Sơn đã phấn khởi đi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. 7 giờ 45 phút, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, khu vực Tổ bầu cử số 16 phường Chi Lăng, đã có 100% cử tri đi bỏ phiếu. Toàn bộ các khu vực bầu cử trên toàn tỉnh Lạng Sơn đã khai mạc đúng giờ, trong không khí an toàn, vui tươi phấn khởi.
* Thái Bình: Sáng 22-5, trong không khí tưng bừng của ngày hội bầu cử, đông đảo cử tri tỉnh Thái Bình đã đến các điểm bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân, góp phần xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Ngay từ sáng sớm, tại các điểm bầu cử nhiều cử tri đã có mặt đi bỏ phiếu.
Cụ Nguyễn Bá Hòe, 87 tuổi, người vinh dự được bỏ những lá phiếu đầu tiên, bày tỏ: Kể cả lần bầu cử này, tôi có cả thảy 13 lần bầu cử đại biểu Quốc hội. Mười ba lần được tự tay mình bỏ phiếu chọn người vào cơ quan quyền lực cao nhất của nước nhà và lần nào tôi cũng dậy thật sớm, đi sớm để bỏ phiếu. Tôi còn nhớ cách đây 65 năm, ngày 6-1-1946, lần đầu tiên tôi vinh dự được làm nghĩa vụ công dân, bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta. Nhớ lại cảm xúc khi đó tôi thấy rất sung sướng, tự hào. Tay cầm lá phiếu, hướng về nơi hòm phiếu đỏ thắm màu Quốc huy mà lòng tôi cứ rưng rưng xúc động. Vui vì được hưởng trọn vẹn quyền lợi công dân của một nước Việt Nam độc lập. Xúc động khi thấy được tầm quan trọng của lá phiếu mà mình đang cầm nơi tay.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Bầu cử tỉnh, đến 9 giờ sáng nay toàn tỉnh đã có trên 35% số cử tri đi bỏ phiếu. Tình hình bầu cử tại 1.946 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn và đúng luật.
* Nam Định: 1.743 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đồng loạt khai mạc với những nghi thức gọn nhẹ, trang trọng. Đến 8h00, nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn thành phố Nam Định đã đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu. Vào khoảng 6h45', Tổ bầu cử số 8 thuộc phường Cửa Bắc với khoảng 160 cử tri là cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã kết thúc công tác bỏ phiếu. Ngay sau đó, toàn bộ lực lượng của Bộ đội biên phòng tỉnh đã được triển khai về các địa bàn trọng điểm thuộc 3 huyện miền biển để kiểm tra, đôn đốc và nắm tình hình.
* Hải Dương: 1,3 triệu cử tri tỉnh Hải Dương đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tại 2.038 đơn vị bầu cử, 1.984 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh.
* Khánh Hòa: Đúng 7 giờ, trên 970 khu vực bỏ phiếu của tỉnh Khánh Hòa đã đồng loạt tiến hành lễ khai mạc và đón nhận những lá phiếu đầu tiên của cư tri tham gia bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016. Trước đó, được sự cho phép của Hội đồng Bầu cử Trung ương, 21 khu vực bầu cử thuộc thị trấn Trường Sa, các xã Song Tử Tây và Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã tiến hành bầu cử sớm hơn cả nước một tuần so với luật định.
* Bình Dương: Cùng với cử tri cả nước hơn 1.069.745 cử tri tỉnh Bình Dương, trong đó có hàng ngàn cử tri là công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
* Quảng Nam: Đến 8 giờ sáng, toàn tỉnh đã có 60% cử tri đi bỏ phiếu. Đặc biệt, một số tổ bầu cử tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Đông Giang, đến 7 giờ 10 phút, 100% cử tri đã đi bỏ phiếu. Đựoc biết, tỉnh có hơn 1 triệu cử tri đi bỏ phiếu tại 1.636 khu vực bỏ phiếu để bầu ra các đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
* Quảng Trị: Tại các điểm bỏ phiếu của tỉnh Quảng Trị người dân đã có mặt từ rất sớm. Khoảng 70% cử tri đã có mặt trước giờ bỏ phiếu (7giờ). Trong đợt bầu cử này, tỉnh Quảng Trị có 930 điểm bỏ phiếu với tổng số 414.258 cử tri tham gia bỏ phiếu. Do tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường nên ngoại trừ đảo Cồn Cỏ, cử tri Quảng Trị chỉ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2 cấp là đại biểu HĐND tỉnh và HĐND thành phố hoặc bầu đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND xã, thị trấn.
* Đồng Nai: Đúng 7 giờ, gần 1,9 triệu cử tri trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu đi bỏ những lá phiếu đầu tiên bầu Đại biểu Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.
* Điện Biên: 7 giờ ngày 22-5, tất cả 974 điểm bầu cử trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều tổ chức khai mạc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, một số điểm tại huyện Mường Nhé khai mạc từ lúc 6 giờ 30 phút. Tại tất cả các điểm bầu cử đều có rất đông cử tri đi bỏ phiếu.
* Hà Nam: Mặc dù 7 giờ sáng mới diễn ra lễ khai mạc chính thức, nhưng tại nhiều khu vực bỏ phiếu của tỉnh Hà Nam từ 6 giờ 30 phút đã rất đông cử tri đã có mặt. Hoà trong không khí tưng bừng của ngày hội lớn, 6h30 phút, 8 đơn vị bầu cử của thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, địa phương có hơn 50% là người Công giáo đã đồng loạt tổ chức khai mạc. Khoảng hơn 1 giờ sau lễ khai mạc bầu cử, theo thống kê sơ bộ tại nhiều khu vực bỏ phiếu của thành phố Phủ Lý, huyện Duy Tiên, Thanh Liêm đã có trên 50% cử tri đi bầu cử.
* Vĩnh Phúc: Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Vĩnh Phúc, 100% số tổ bầu cử đã khai mạc đúng thời gian quy định. Đến 8 giờ 15, có 3 tổ bầu cử tại xã Liên Hoà, huyện Lập Thạch đạt 100% cử tri đi bầu cử.
* Vĩnh Long: Tại Vĩnh Long, tất cả các tổ bầu cử thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt khai mạc bầu cử lúc 7 giờ sáng. Huyện vùng sâu Trà Ôn, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tận hộ dân nên đến 8 giờ đã có trên 65% cử tri đi bầu. Tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội tỉnh Vĩnh Long. Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc cho biết: đến 8 giờ, tổ bầu cử số 13 đơn vị bầu cử số 6 ấp Mỹ Phú 5 xã Tường Lộc, có trên 80% học viên đang cai nghiện và giáo dục tại đây đã hoàn thành việc bỏ phiếu, thực hiện nghĩa vụ công dân.
* Bà Rịa - Vũng Tàu: 6 giờ sáng 22-5, 843 khu vực bỏ phiếu phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và địa biểu HĐND các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khai mạc. Đến 8 giờ, trong điều kiện thời tiết nắng ráo, rất đông các cử tri đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu để tham gia bầu cử.
* Yên Bái: 1.248 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã trang trọng khai mạc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Hơn 500.000 cử tri Yên Bái thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Yên Bái đã làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, trong đó, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền vận động, tổ chức tiếp xúc cử tri và mạn đàm tiểu sử, cơ cấu đại biểu.
* Tuyên Quang: Không khí bầu cử ở tỉnh Tuyên Quang diễn ra rất sôi nổi, nhiều cử tri đến điểm bỏ phiếu sớm hơn dự định, phấn khởi thực hiện quyền bầu cử của mình. Đến 9 giờ ngày 22-5, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu toàn tỉnh Tuyên Quang đạt khoảng 40%. Trong đó, huyện miền núi Lâm Bình - huyện mới thành lập có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt cao nhất đạt khoảng 51%. Điều đáng chú ý, trong cuộc bầu cử sáng nay mặc dù điều kiện đi lại khó khăn nhưng cử tri xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên - nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống đi bỏ phiếu rất sớm, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu toàn xã Yên Lâm đạt rất cao trên 90%.
* Thanh Hóa: Đến 9 giờ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có 1.105.024 cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đạt 46,36%. Riêng huyện vùng núi Lang Chánh đã có 7 điểm bỏ phiếu cử tri đi bầu đạt 100%.
* Bình Định: 1.236 khu vực bầu cử và tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh Bình Định đã long trọng làm lễ khai mạc cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016. Ngay sau giờ khai mạc, hầu hết các địa điểm bầu cử, cử tri đã đi bầu cử tấp nập, hào hứng, trật tự... Kết quả bước đầu sơ bộ do các đơn vị bầu cử trong toàn tỉnh cho biết, đến 9 giờ sáng đã có 1.103.380 cử tri đã đi bầu cử, đạt 72% tổng số cử tri của toàn tỉnh. Trong đó đã có 50 khu vực và tổ bầu cử đã hoàn thành cử tri đi bầu cử 100%.
* Quảng Ngãi: Đến 9 giờ ngày 22-5 đã có trên 445.000 cử tri trong tỉnh Quảng Ngãi tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, đạt trên 50% lượng cử tri trong tỉnh. Trong đó, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn có gần 100% cử tri đi bầu, cử tri huyện đảo Lý Sơn đã đi bầu đạt hơn 60%; cử tri tại các nhà máy ở Khu Kinh tế Dung Quất như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất có số lượng cử tri đi bầu tập trung đạt 70%, cử tri thành phố Quảng Ngãi đạt trên 50%.
* Hậu Giang: Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh Hậu Giang, đến 8 giờ 30 phút ngày 22-5, toàn tỉnh đã có 57,16% cử tri đi bầu. Riêng phường Hiệp Thành của thị xã Ngã Bảy đã hoàn thành công tác bỏ phiếu với 100% cử tri đi bầu. Trước đó, sáng 21-5, 9/10 tổ bầu cử thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn Hậu Giang đã tổ chức thành công công tác bầu cử. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, ở tất cả 9 tổ bầu cử đã có số cử tri đi bầu đạt 100%.
* Sóc Trăng: Để tạo thuận lợi cho nhân dân đi bầu sớm, không ảnh hưởng đến công việc, nhiều điểm bầu cử tại thành phố Sóc Trăng đã khai mạc và tổ chức bầu cử từ 5 giờ sáng. Đến 9 giờ, cử tri đã đi bầu đạt tỷ lệ trên 65%, 19 tổ bầu cử đã đạt 100% cử tri đi bầu, riêng tại thành phố Sóc Trăng, tỷ lệ bầu đã đạt gần 85%, cao nhất trong 11 huyện, thành phố của tỉnh. Tình hình an ninh trật tự ở tất cả địa bàn bầu cử trong tỉnh được bảo đảm tốt. Trước đó, ngày 21-5, 12 tổ bầu cử thuộc khối lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng đã bầu cử sớm và chỉ sau 2 tiếng bầu cử, đến 8h30 phút sáng 21-5, 100% cử tri của các tổ bầu cử sớm này đã đi bầu xong, hoàn thành nghĩa vụ công dân.
* Hà Giang: Hòa chung với không khí tưng bừng ngày hội lớn của cả nước, đúng 7 giờ sáng 22-5, 455.144 cử tri tỉnh Hà Giang nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Dọc các trục đường, ngõ phố, từ thành phố đến các bản làng huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới cờ hoa, băng zôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích được trang hoàng rực rỡ. Tất cả các điểm bầu cử đều được trang trí khang trang, tạo nên bầu không khí tưng bừng của ngày hội.
Tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn - mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 87%, hôm nay bà con “diện” những bộ váy sặc sỡ, ai nấy đều phấn khởi. Băng qua những cánh rừng, đi bộ hàng chục cây số để có mặt tại trụ sở ủy ban nhân dân xã kịp dự lễ khai mạc ngày bầu cử.
Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, ở tất cả các điểm, tổ bầu cử trong toàn tỉnh mọi công tác bầu cử đều diễn ra suôn sẻ. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh luôn được đảm bảo, ổn định. Các huyện vùng cao phía Bắc trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã hoàn tất công tác bầu cử sớm. Mặc dù ở một số thôn, bản vùng sâu, xa, biên giới đường sá đi lại còn nhiều cách trở, đêm qua mưa to, song bà con các dân tộc thiểu số đã không quản ngại khó khăn đi bầu cử từ rất sớm. Tôi tin tưởng rằng cuộc bầu cử ở Hà Giang diễn ra an toàn, đúng Luật và sẽ hoàn tất việc bỏ phiếu với tỷ lệ số cử tri đi bầu cao.
* Cà Mau: Sáng sớm 22-5, mảnh đất cực nam Đất Mũi Cà Mau tưng bừng rợp trời cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, băng rôn phất phới tung bay từ thành thị cho tới nông thôn, hải đảo. Hơn 850.000 cử tri của tỉnh Cà Mau nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp tại 1.292 tổ bầu cử. Từ 5 giờ sáng, loa từ các trạm truyền thanh bắt đầu vang lên, kêu gọi bà con tích cực đi bầu cử sớm, chọn người tài đức để gửi gắm những niềm tin và hy vọng… Đúng 7 giờ, các tổ bầu cử bắt đầu Lễ khai mạc.
Tại các điểm bỏ phiếu, từ thành phố cho tới nông thôn xa xôi hẻo lánh, đâu đâu cũng được trang hoàng lộng lẫy. Cán bộ được phân công tổ chức bầu cử tại các địa điểm bỏ phiếu có mặt từ rất sớm, tích cực vận động bà con đi bầu sớm. Đối với người bệnh tật, già yếu, cán bộ phường, xã mang thùng phiếu đến tận nhà để tạo điều kiện cho bà con thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân.
* Theo đồng chí Phạm Minh Tuyên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử cho biết, đến 10h sáng nay (22-5) đã có 786/1.123 khu vực bầu cử có 100% cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Trong đó, có một số tỉnh có lượng cử tri đi bầu cao như tỉnh Trà Vinh, đến thời điểm này đã trên 72,18% cử tri đi bầu cử.
Tính trung bình, đến thời điểm này đã có trên 50% cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu. Đến thời điểm này, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử được thực hiện tuyệt đối tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, sẽ kết thúc lúc 19 giờ ngày 22-5-2011./.
Thông cáo báo chí số 1 về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp  (22/05/2011)
Đa dạng văn hóa với việc bảo đảm hòa bình và đoàn kết  (22/05/2011)
Gru-di-a: Biểu tình đòi Tổng thống Xa-a-ca-xvi-li từ chức  (22/05/2011)
Thái Lan và Campuchia dự định tổ chức cuộc họp GBC trước tháng 6-2011  (22/05/2011)
Biển Đen-thêm một “điểm nóng” nữa ở châu Âu  (22/05/2011)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay