Sáng 21-11, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 14 nhằm đánh giá kết quả kỳ họp thứ tư; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XII; đồng thời xem xét, thảo luận và thông qua một số Pháp lệnh, Nghị quyết, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, nêu rõ: Ðây là kỳ họp cuối năm có nhiều nội dung quan trọng, trong đó, có nội dung phức tạp, các điều kiện bảo đảm còn những khó khăn nhất định; với tinh thần dân chủ, trách nhiệm và quyết tâm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng và hiệu quả; cách thức tổ chức và điều hành kỳ họp tiếp tục được cải tiến hợp lý, tạo được dấu ấn tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XII, Tờ trình của Văn phòng Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết: Kỳ họp thứ V dự kiến khai mạc vào khoảng đầu tháng 5-2009, diễn ra trong vòng một tháng, với việc trình Quốc hội thông qua 13 dự án luật, cho ý kiến chín dự án luật khác và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Kỳ họp thứ V dự kiến xem xét Báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, hầu hết các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với đánh giá về kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII; đồng thời cho rằng, kỳ họp này có những đổi mới và thành công nổi bật, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, đối với một số dự án luật quan trọng, Quốc hội cần dành nhiều thời gian thảo luận hơn nữa, tránh tình trạng dự án luật cần nhiều ý kiến góp ý thì lại có quá ít thời gian. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn chưa thật sự hiệu quả bởi cách thức tiến hành mới chỉ là việc các đại biểu hỏi những vấn đề quan tâm và các thành viên Chính phủ trả lời, giải thích về vấn đề đó. Phương thức đặt câu hỏi chất vấn chưa hiệu quả bởi nhiều đại biểu có câu hỏi trùng lặp, gây mất thời gian. Nhiều ý kiến đề nghị trong những kỳ họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần có báo cáo về những công việc đã làm được để các đại biểu Quốc hội góp ý kiến. Bên cạnh đó, khi cần, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những công việc đã thực hiện.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII, số đông các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với Tờ trình; tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ về hai dự án Luật Lý lịch tư pháp và Luật Bồi thường Nhà nước vì còn rất nhiều ý kiến khác nhau về sự cần thiết ban hành và những điều khoản quy định. Thời gian dự kiến để góp ý và thông qua các dự án Luật theo Tờ trình là không đủ, cần được kéo dài hơn; Báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần trình bày tại hội trường để các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý kiến.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua Pháp lệnh Công an xã và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Ðiều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên; xem xét, thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tên Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội, Tòa án Quân sự khu vực Quân khu Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về việc điều chỉnh tên Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội và Viện Kiểm sát Quân sự khu vực Quân khu Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu./.