Chọn một hướng tiếp cận khác về Cách mạng Tháng Mười so từ trước đến nay, bài viết này muốn gợi cho bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ những điều mới mẻ xung quanh diễn biến khái quát của Cách mạng Tháng Mười để tìm ra những giá trị dường như còn tiềm ẩn...

Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở ra một thời đại mới trên trái đất. Đó là sự kiện có ý nghĩa quốc tế lớn nhất trong thế kỷ XX, ảnh hưởng rộng nhất tới tiến trình cách mạng thế giới, cổ vũ và thúc đẩy cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ. Những giá trị mà cuộc cách mạng vĩ đại ấy đem lại không chỉ làm rạng rỡ ánh hào quang của quá khứ mà còn hiển hiện mãi như những giá trị trường tồn, soi tỏ thêm những “khúc quanh” của lịch sử.

Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Và khó khăn chủ yếu là ở trong lĩnh vực kinh tế

Luận đề này được rút ra từ trong chính quá trình chuyển biến cách mạng sôi động. Đó là thời kỳ chuyển tiếp giữa 2 thế kỷ XIX và XX, chủ nghĩa tư bản thế giới bước vào giai đoạn phát triển cao nhất của nó là chủ nghĩa đế quốc với các mâu thuẫn đặc trưng của xã hội tư bản trở nên gay gắt chưa từng thấy. Ở nước Nga, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XX, đã dẫn đến tình huống đặc biệt được V.I. Lê-nin tóm tắt trong một công thức ngắn gọn: “... chế độ chiếm hữu ruộng đất lạc hậu nhất, nông thôn hoang dã nhất bên cạnh chủ nghĩa tư bản trong công nghiệp và tài chính tiên tiến nhất!”(1). Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp vẫn vấp phải những tàn tích của chế độ phong kiến, còn trong công nghiệp đã đạt tới giai đoạn cuối cùng; và cách mạng xã hội chủ nghĩa trở thành vấn đề thời sự nóng hổi. Như vậy là nước Nga vào đầu thế kỷ XX đã đứng trước những biến chuyển lớn. Năm 1905, cách mạng Nga lần thứ nhất đã làm lung lay những cơ sở của chế độ chuyên chế; nhưng giai cấp vô sản chưa thắng nổi chế độ Nga hoàng. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này đã đào luyện được đội ngũ những chiến sỹ cách mạng chuẩn bị cho những ngày Tháng Mười năm 1917.

Mặc dù các thế lực phản động đã giành được thắng lợi tạm thời, những người Bôn-sê-vich vẫn tin tưởng chắc chắn rằng, cuộc cách mạng mới sẽ tới. Bởi vì, tình hình mỗi ngày càng trở nên bức xúc. Năm 1914, nước Nga tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nền kinh tế tiêu điều càng đẩy đất nước lâm vào cảnh cực kỳ khốn khó; những mâu thuẫn giai cấp vốn có gay gắt thêm. Bối cảnh đó đồng thời giúp mở rộng hơn phong trào cách mạng. Và tháng 2-1917, cách mạng dân chủ tư sản đã nổ ra, lật đổ chế độ Nga hoàng. Trong nước xuất hiện tình huống được gọi là: thời kỳ 2 chính quyền song song tồn tại: Chính phủ lâm thời đại diện cho chuyên chính của giai cấp tư sản; Các Xô-viết * tiêu biểu cho chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân. Lãnh tụ tinh thần của các Xô-viết không phải ai khác chính là Vla-đi-mia I-lích Lê-nin.

Sau 10 năm buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, tháng 4-1917, V.I. Lê-nin trở về Nga. Người trình bày với các công nhân Pê-trô-grat** “Luận cương tháng Tư” nổi tiếng. Luận cương đã phác thảo kế hoạch đấu tranh mở rộng cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên, Luận cương cũng nêu rõ Chương trình kinh tế của Đảng Bôn-sê-vích. Chương trình này dự kiến tổ chức kiểm tra sản xuất và phân phối sản phẩm xã hội, hợp nhất tất cả các ngân hàng trong nước thành ngân hàng quốc gia và đặt chế độ kiểm tra nó từ phía các Xô-viết, tịch thu và quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất của địa chủ. Nhưng chính phủ lâm thời đâu chịu giao nộp các vị trí của mình bằng thương lượng hòa bình mà vừa ngấm ngầm vừa công khai chống đối hết sức quyết liệt. Tiên liệu được trước tình hình nên tháng 9-1917, V.I. Lê-nin gửi hai bức thư cho ủy ban Trung ương Đảng, Thành ủy Pê-trô-grat và Thành ủy Mát-xcơ-va, mà sau này được công bố dưới nhan đề: “Chủ nghĩa Mác và khởi nghĩa”, “Những người Bôn-sê-vích phải giành chính quyền”. Người cho rằng, các Xô-viết dưới sự lãnh đạo của những người Bôn-sê-vích có thể và phải giành chính quyền nhà nước bằng đấu tranh vũ trang khi khả năng chuyển biến hòa bình chấm dứt.

Cuộc khởi nghĩa bắt đầu ở Pê-trô-grat ngày 24-10-1917. Các đội công nhân cách mạng, binh sĩ và thủy thủ đã chiếm những cơ quan chính phủ quan trọng nhất, các cây cầu bắc qua sông Nê-va, nhà ga đường sắt, tổng đài bưu điện. Đêm 25 rạng ngày 26-10 (7-11 theo dương lịch), Cung điện Mùa đông bị đánh chiếm, dinh lũy cuối cùng của Chính phủ tư sản sụp đổ, các bộ trưởng của chính phủ này bị bắt. Giai cấp vô sản giành được quyền lực chính trị và thiết lập Nhà nước Xô-viết.

Rõ ràng, Cách mạng Tháng Mười Nga là cả một quá trình vận động và tiếp biến cách mạng không ngừng, tới lúc cao trào diễn ra trong khoảng “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Thực tế như thế chứ không hề có chuyện “xuôi chèo mát mái” như một vài luận điệu người ta đã tung ra sau này. Việc giai cấp vô sản giành được chính quyền mới chỉ là mở đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin viết: “Chúng ta đã thiết lập được một kiểu nhà nước mới, kiểu Xô-viết, nó tạo khả năng cho quần chúng lao động và bị áp bức có thể tham gia hết sức tích cực và chủ động vào công cuộc xây dựng xã hội mới, nhưng như thế, chúng ta chỉ mới giải quyết được một phần nhỏ của một nhiệm vụ khó khăn. Khó khăn chủ yếu là ở trong lĩnh vực kinh tế (TG nhấn mạnh - LN): thực hiện ở khắp mọi nơi và hết sức nghiêm ngặt sự kiểm kê và kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm, tăng năng suất lao động, thật sự xã hội hóa sản xuất” (2). Nói một cách khác, xác định kinh tế là trung tâm; kiểm kê, kiểm soát và phân phối sản phẩm là nhiệm vụ trước mắt; điều chính yếu và cơ bản lâu dài nhất đối với thắng lợi của chế độ xã hội mới là tạo ra được năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản. V.I. Lê-nin và Chính phủ mới (Hội đồng Bộ trưởng dân ủy) của nước Cộng hòa trẻ tuổi đã sớm đặt tiền đề về con đường và phương pháp xây dựng cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Đây thực sự là một giá trị không chỉ có ý nghĩa đối với nước Nga.

Mở ra bước ngoặt mới, biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng thành hiện thực, tạo ra một xung lực mạnh mẽ làm thay đổi thế giới

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, ngay từ những ngày đầu sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười chính quyền Xô-viết đã tuyên bố những sắc lệnh nổi tiếng: Sắc lệnh về Hòa bình và Sắc lệnh về Ruộng đất; đồng thời đã ban hành hàng loạt chính sách như: ngày làm 8 giờ, giáo dục không mất tiền, bảo hiểm xã hội, tự do tín ngưỡng, nam nữ bình đẳng, tách nhà thờ khỏi nhà trường và nhà trường khỏi nhà thờ, xóa bỏ ngay các hiệp ước mà Sa hoàng đã ký kết với các nước...

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và những thành tựu của công cuộc xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa trên nước Nga Xô-viết đã chứng tỏ sức sống của học thuyết Mác- Lê-nin về chủ nghĩa xã hội. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848), C.Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra rằng, con đường từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện và hoàn thành thông qua những cải tạo căn bản trong quan hệ sở hữu và trong toàn bộ hệ thống các quan hệ sản xuất. Muốn vậy, phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và giai cấp vô sản phải vươn lên nắm lấy chính quyền. Hai ông dự báo: sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đều là tất yếu như nhau.

Kế tục sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, phát triển toàn diện học thuyết Mác trong điều kiện mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại, V.I. Lê-nin nói rõ: Chúng ta hoàn toàn đứng trên cơ sở lý luận của C.Mác, lý luận đầu tiên biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học, lý luận đó đã dựng nên những cơ sở vững chắc cho khoa học ấy và vạch rõ con đường mà chúng ta cần phải theo... Cũng chính V.I. Lê-nin với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã trở thành người đầu tiên biến chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý tưởng thành hiện thực - hiện thực phổ biến. Ước mơ muôn thuở của loài người thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột, bất công; có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.. đã thành sự thật, thành cuộc sống mới của hàng trăm triệu con người. Đó là chủ nghĩa xã hội hiện thực thế kỷ thứ XX.

Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thành công trên một đất nước rộng lớn với diện tích gần một phần sáu địa cầu, trải dài từ Âu sang Á, có vị trí địa - chiến lược vô cùng quan trọng. ở đó, thiết lập Nhà nước công - nông đầu tiên trên thế giới và đã tiến tới thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, thành trì vững chắc cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Trong hơn 70 năm (1917 - 1991) xây dựng và phát triển, đất nước Liên Xô, con đẻ của Cách mạng Tháng Mười, từ một nước tư bản trung bình nhanh chóng khẳng định sức sống mãnh liệt của một chế độ xã hội mới, ưu việt, liên tiếp lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang. Tăng trưởng kinh tế đã từng phát triển với tốc độ bình quân hằng năm hàng chục phần trăm và trong nhiều năm là cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 - 1945 ), Liên Xô đã đập tan chủ nghĩa phát-xít, giải phóng dân tộc mình; đồng thời góp phần chủ yếu cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa phát-xít, tạo điều kiện cho một loạt nước ở Đông Âu và châu á, sau đó là Tây bán cầu tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Liên Xô cũng từng chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao đáng tự hào, đặc biệt là về năng lượng hạt nhân, chinh phục vũ trụ, văn hóa xã hội chủ nghĩa - một nền văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc đã từng chinh phục khối óc, trái tim của hàng triệu triệu con người trên trái đất. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong hơn 80 năm tồn tại đã giành được nhiều thành tựu vẻ vang, tạo nên sức mạnh tổng lực hùng cường, đưa tới sự cân bằng lực lượng trên thế giới; thúc đẩy các dòng thác cách mạng cùng phát triển. Đó là: phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào độc lập dân tộc và phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó còn là phong trào cuốn hút hàng tỉ người trên hành tinh đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống xâm lược và âm mưu nô dịch của các thế lực đế quốc, thực dân. Như thế, Cách mạng Tháng Mười còn khẳng định một giá trị trường tồn là đặt nền móng cho một chế độ xã hội phù hợp nhất với các lợi ích cơ bản của con người.

Tạo nên một mẫu hình đầy tính khả thi về con đường và phương pháp tiến hành cách mạng trong thời đại mới

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là minh chứng hùng hồn và sinh động cho sự khám phá lớn, hiện thực lớn và sáng tạo lớn. Cuộc cách mạng này đã đặt ra và giải quyết được những vấn đề lý luận cơ bản nhất của cách mạng vô sản: vấn đề chuyên chính vô sản; xây dựng chủ lực quân của cách mạng và lực lượng đồng minh của giai cấp vô sản; vấn đề dân tộc và thuộc địa; vấn đề chiến tranh và hòa bình; vấn đề chính đảng cách mạng; về mối quan hệ giữa cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước và cách mạng thế giới...

Có thể nói, khi cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra, ở nước Nga đã chín muồi các điều kiện chủ quan, khách quan và tình thế cho một cuộc cách mạng xã hội - cuộc cách mạng của đông đảo công nhân, nông dân và trí thức, những lực lượng không chỉ có ý chí và quyết tâm lật đổ ách chuyên chế Nga hoàng, xóa bỏ chế độ nông nô mà còn tiến lên lật đổ nhà nước tư sản, thiết lập nhà nước Xô-viết công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích (B). Nói khác đi, mục đích ấy - mục đích giành chính quyền, bảo vệ chính quyền và trấn áp các thế lực chống đối - đã được thực hiện bằng hành động cách mạng bạo lực của quần chúng, công nông, những người lao động dưới sự lãnh đạo của đội tiên phong chính trị được trang bị vũ khí tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin sáng tạo.

Sau khi có chính quyền, việc sử dụng chính quyền đó để xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa là một chức năng chủ yếu của nhà nước vô sản. Đây là một vấn đề cơ bản, phức tạp, không thể nhận thức giản đơn. Đúng như V.I. Lê-nin từng xác định: “ Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó (con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội - LN) và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó; còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”(3). Trước thực trạng một nền kinh tế vốn lạc hậu đã bị chiến tranh (1914 - 1918) tàn phá nặng nề; nhưng cận kề là cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc và nội chiến; khiến cho một trong những nhiệm vụ của nước Nga ngay sau cách mạng trở thành vấn đề sống còn là phải bảo vệ những thành quả vừa giành được trước sự tấn công quyết liệt của cả thù trong lẫn giặc ngoài. Song, nếu nghiên cứu về những ứng xử của V.I. Lê-nin và Chính phủ mới thời gian này, người ta không khỏi ngạc nhiên về khả năng tự bảo vệ trong muôn trùng nguy hiểm, cam go. Và càng ngạc nhiên hơn khi chính trong điều kiện đó, mà V.I. Lê-nin lại viết và quan tâm rất nhiều về kinh tế, cả lý luận và tổ chức thực tiễn. Từ đề cương, bản sơ thảo lần đầu đến khi hoàn thành tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết”, Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề năng suất lao động. Bởi nó là yếu tố, xét đến cùng, quyết định thắng lợi hoàn toàn của chế độ mới. Theo V.I. Lê-nin, để có thể đạt được năng suất lao động cao, chủ nghĩa xã hội phải thâu thái cho được những thành tựu mới, tiêu biểu trong các lĩnh vực mà nhân loại đã đạt được. Người chỉ ra rằng: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc.=++S(1) = chủ nghĩa xã hội” (TG nhấn mạnh - LN)(4). Những chỉ dẫn của V.I. Lê-nin như vậy rất có giá trị về cả mô hình và bước đi cụ thể để tiến tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

Những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga còn hiển hiện trong cuộc sống hiện nay

1- Mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô sụp đổ năm 1991. Thực tế ấy, một lần nữa lại minh xác luận đề mà chính V.I. Lê-nin sớm cảnh tỉnh chúng ta từ trong quá trình cách mạng : Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn. Có lẽ, chỉ trừ những kẻ cố tình phủ định, còn ai cũng biết đó chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, cụ thể. Nguyên do là sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, rập khuôn, chủ quan duy ý chí, cơ chế bao cấp kéo dài, với cả những biến thái của chủ nghĩa quan liêu, cực quyền, xa rời quần chúng; kẻ thù lợi dụng một số người lãnh đạo thoái hóa, biến chất làm phân rẽ từ chính trong nội bộ... Và phải chăng còn ẩn khuất ở đằng sau sự đồ sộ của các công trình xây dựng nguy nga, kết cấu hạ tầng quốc gia hoành tráng, của những vật dụng bền chắc mà ít tính đến kiểu dáng hàng hóa, hiệu quả kinh tế, bàng quan đối với giá trị giao thương giữa lúc “thế giới thị trường” chiếm đến đa phần nhân loại. Như vậy, hẳn có một nguyên nhân là sự trì trệ, thiếu thích ứng trong một thế giới đang biến động. Sự đổ vỡ thật đáng tiếc. Song, nếu xét ở tầm lịch sử, đó chỉ là một bước lùi tạm thời. Chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển đã trải qua vô số lần khủng hoảng, thụt lùi như vậy mới đánh bại được các thế lực phong kiến châu Âu, phát triển thành thế lực thống trị thế giới. Hãy nhớ lại và suy nghĩ mới về điều thiết kỷ mà V.I. Lê-nin đã nhiều lần nhắc nhở ngay trong những ngày Tháng Mười sục sôi cách mạng: Phải tăng năng suất lao động, thật sự xã hội hóa sản xuất. Cần hiểu điều đó như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Phải chăng là xã hội hóa càng rộng càng tốt. Trong hầu khắp các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, và các dịch vụ công... càng giải phóng sức lao động, giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất càng tốt. Phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, mọi thiên hướng sáng tạo. Khơi động nhân dân sáng tạo tối đa, nhà nước chỉ can thiệp tối thiểu. Đó cũng là điều chúng ta đã làm, đang làm và cần tiếp tục với cả lòng tự tôn, tự trọng về con đường mà lịch sử và nhân dân đã chọn, đã giao phó cho những người cách mạng. Không chấp nhận nghèo, hèn; phải phấn đấu với xung lực mới, đột phá mới, thiết thực hơn để phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững.

2 - Những diễn biến sôi động trên thế giới gần đây về năng lượng, lương thực, tài nguyên, môi trường,... thậm chí có nơi đã phải giải quyết với nhau bằng vũ lực; thường có căn nguyên sâu xa là kinh tế và những vấn đề lợi ích. Do nhạy bén, năng động, thích ứng và điều chỉnh nhanh hơn, lại tranh thủ trước được những tiến bộ mới của cách mạng kỹ thuật và công nghệ nên chủ nghĩa tư bản còn mạnh và có tiềm năng kinh tế. Vì thế, ngay trong vòng vây của 14 nước đế quốc, V.I. Lê-nin đã sớm khuyên những người cộng sản: Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài. Cái tốt ấy là gì? V.I. Lê-nin đã nêu cụ thể (và bài viết này cũng đã dẫn nguyên văn trong câu trích số 4). Vấn đề là nên hiểu và vận dụng luận điểm đó như thế nào trong điều kiện hiện nay? Phải chăng suy rộng ra, theo V.I. Lê-nin, chủ nghĩa xã hội phải là tiêu biểu (tổng hòa, tổng số) của những thành tựu mới, có giá trị như những đỉnh cao. Đó là, chính quyền đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến + tính kỷ luật nghiêm, chặt chẽ + kỹ thuật và cách tổ chức, quản lý khoa học + nền giáo dục chất lượng cao v.v.. Công thức hóa như thế để dễ hiểu. Nhưng việc phát hiện, đánh giá, thâu nhận, và vận dụng những thành tựu đỉnh cao tiêu biểu ấy với chân giá trị đích thực của nó hẳn là cả một vấn đề khó. Song không thể bó tay.

Ngày nay, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa; mỗi người, nhất là lớp trẻ cần nỗ lực học tập, vận dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại và tư duy quản lý doanh nghiệp của các nước phát triển kết hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội nước ta, với bản sắc và truyền thống của dân tộc, nuôi lớn khát vọng vươn tới, chiếm lĩnh những đỉnh cao để tạo ra nhiều giá trị mới của Việt Nam trong thế giới hiện đại.

3 - Thế giới còn đổi thay, và còn nữa những “khúc quanh” của lịch sử; nhưng Cách mạng Tháng Mười còn mãi là một thành tựu vĩ đại trong lịch sử phát triển của nhân loại với ý nghĩa đột phá, mở đường. Những lý tưởng tốt đẹp và những tiền đề hiện thực của một chế độ xã hội phù hợp nhất với các lợi ích cơ bản của con người, thuộc về “CON NGƯờI” sẽ mãi mãi cổ vũ chúng ta đi tới trên con đường thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
 

 
(1) Dẫn theo Iuri Vaxlirev: Chúng tôi đã học cách xây dựng kế hoạch, Nxb APN, Mát-xcơ-va, 1989, tr 5
* Sau này được gọi là các Chính quyền Xô-viết - (T.G)
** Nay là Xanh Pê-téc-bua
(2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 36, tr 208
(3) V.I. Lê-nin: Sđd, t 34, tr 152 - 153
(4) V.I. Lê-nin: Sđd, t 36, tr 684