Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Nghị quyết về “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn” với mục tiêu: Trong những năm tới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; bảo đảm và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, để không thua kém xa so với các đô thị.

Phóng viên (PV) Tạp chí Cộng sản đã có cuộc trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia quan tâm đến lĩnh vực này.

Ths Trần Sinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế miền Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

PV: Ông nhìn nhận thế nào về hướng phát triển của đồng bằng sông Cửu Long - vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước trong thời kỳ hội nhập?

Ông Trần Sinh: Trong tiến trình Việt Nam đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nông nghiệp luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm và dễ tổn thương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Nếu nhìn vào con số ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ thấy vai trò và vị trí của nông nghiệp quan trọng và nhạy cảm đến thế nào.

Nước ta là nước nông nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp sinh thái, vì thế, trong thời kỳ hội nhập, hướng phát triển của vùng vẫn là tập trung vào nông nghiệp, phát huy những sản phẩm mà vùng đã có truyền thống lâu đời và thế mạnh như cây lúa, thủy hải sản, cây ăn trái... và du lịch sinh thái vùng ngập mặn - một trong những vùng sinh thái rất quý hiếm còn duy trì trên thế giới hiện nay. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở đây cũng phải phục vụ cho phát triển nông nghiệp, cho những giống cây trồng và vật nuôi là thế mạnh của vùng.

Hiện nay, tuy là vùng trồng lúa có sản lượng cao nhất nước, nhưng so với các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan thì sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa bằng. Vùng chưa có những sản phẩm nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng để có thể cạnh tranh với khu vực và thế giới trong xuất khẩu. Các vùng trồng lúa tuy nhiều, nhưng lúa đặc sản, chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chưa phát triển; các vùng trồng cây chuyên canh, hàng hóa xuất khẩu... còn nhỏ và manh mún. Vì thế, hướng đi cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long là tập trung vào công nghệ sinh học, tạo ra các vùng chuyên canh sản phẩm hàng hóa đủ tiêu chuẩn, chất lượng và có khối lượng lớn, có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

PV: Theo ông, đồng bằng sông Cửu Long trước mắt cần tập trung khắc phục những điểm yếu, khiếm khuyết nào?

Ông Trần Sinh: Khác với tất cả các vùng, miền trong cả nước, vùng nông nghiệp sinh thái đồng bằng sông Cửu Long có cơ cấu sản xuất không ổn định do bị chi phối bởi thị trường tự do, người nông dân thường hay chuyển đổi tự phát phương thức canh tác. Những năm gần đây, nhiều nơi người dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm trên diện rộng. Việc chuyển đổi tự phát, thiếu quy hoạch này đã phá vỡ cân bằng sinh thái. Hiện giờ, khi giá lúa trên thế giới lên cao, đã có nơi người dân lại quay về trồng lúa, nhưng phải mất nhiều thời gian, công sức để khôi phục, ngọt hóa lại đất đai... Thực tế này cho thấy, nhất thiết phải có sự can thiệp từ cấp vĩ mô, Chính phủ phải điều phối chung trong quy hoạch, định hướng phát triển vật nuôi, cây trồng sao cho phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và trong quy hoạch chung của cả nước; đồng thời, phải giải quyết khâu “đầu ra” cho sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

Một điểm yếu của vùng thường được nhắc đến trong các hội nghị kinh tế địa phương từ lâu nhưng cho đến nay vẫn không mấy cải thiện. Đó là sự gắn kết giữa các địa phương trong vùng. Sự liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học) còn khá lỏng lẻo. Các hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được thế mạnh và vai trò phản biện xã hội trong phát triển kinh tế. Sự gắn kết ở đây không có nghĩa là đồng nhất mà mỗi địa phương phải biết phát huy lợi thế, các sản phẩm đặc trưng của mình. Các sản phẩm du lịch sinh thái cũng phải đa dạng, độc đáo. Nét độc đáo của vùng sinh thái ngập mặn châu thổ sông Mê Kông và môi trường tự nhiên quý hiếm của vùng cần được giữ gìn, bảo vệ, không thể để tình trạng ô nhiễm do đầu tư tràn lan, phát triển tự phát tàn phá. Mục tiêu phát triển của vùng, hệ thống giao thông phải tuân theo điều kiện tự nhiên sẵn có, tuân theo dòng chảy của các con sông, chú trọng tới hệ thống đê mở, khác biệt với đê bao của đồng bằng Bắc Bộ. 

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
Chi nhánh Cần Thơ 

PV: Ông có những suy nghĩ gì về các vấn đề lớn đang đặt ra với đất nước trong thời kỳ hội nhập: an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, nông thôn?

Ông Võ Hùng Dũng: An ninh lương thực ngày nay đã trở thành vấn đề của toàn cầu chứ không riêng gì của Việt Nam. Vai trò nông nghiệp trong nền kinh tế thế giới đang thay đổi. Nông nghiệp không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người mà còn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp năng lượng. Đây là cơ hội mà nền nông nghiệp nước ta cần hết sức tận dụng, đặc biệt là làm cho nó kết nối với chuỗi chế biến thực phẩm. An ninh lương thực cần được hiểu và phải bao gồm: đủ lương thực cho xã hội để không ai bị đói; người làm ra lương thực không bị nghèo đi, dù là nghèo đi một cách tương đối so với mặt bằng xã hội. An ninh lương thực chỉ được bảo đảm khi lợi ích của người trồng lúa được tính đến.

Lạm phát ở Việt Nam từ trước đến nay đều có dấu ấn của lương thực và nhiên liệu. Khi cả hai yếu tố trùng hợp thì lạm phát dễ bộc phát và càng bị thúc đẩy tăng cao. Nhiên liệu là yếu tố từ bên ngoài, chúng ta không thể kiểm soát được. Nhưng với lương thực, đất nước chúng ta cho đến nay có đủ khả năng giải quyết. Đây là một ưu thế mà không phải nước nào trong khu vực cũng có. Nền công nghiệp gia công đã bộc lộ những nhược điểm lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, giá dầu và nhiều loại nguyên liệu gia tăng. Trong khi đó, sức mạnh của nền công nghiệp chế biến thực phẩm gắn liền với thế mạnh nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư và có kế sách phát triển lâu dài, hiệu quả.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta?

Ông Võ Hùng Dũng: Đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta đã thấp, nhưng lại giảm trong mấy năm gần đây. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) về chi tiêu công ở Việt Nam giai đoạn 1997 - 2002, phần chi cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% tổng chi của ngân sách, nhưng 60% trong số đó dành cho thủy lợi, phần chi cho nghiên cứu chỉ chiếm không đầy 2%. Các số liệu gần đây cũng cho thấy đầu tư vào nông nghiệp chưa có sự chuyển biến. Năm 2006, đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư, giảm 11,4% so với năm 2000.

Đầu tư lớn vào nông nghiệp và nông thôn là kế sách lâu dài, chống đỡ lạm phát hữu hiệu và tạo lập nền tảng cho công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển mạnh. Nông nghiệp cần được quan tâm lưu ý trên cả hai mặt: gia tăng đầu tư và tạo ra thể chế cho môi trường kinh doanh mới trong nông nghiệp và nông thôn. Biện pháp mang ý nghĩa dài hạn hơn là đầu tư cải thiện hiệu quả của kinh tế nông nghiệp, bao gồm cả công nghệ sau thu hoạch. Chính phủ cần có sự hỗ trợ đầu tư với lãi suất bằng không cho nông dân để tăng cường năng lực dự trữ. Hệ thống dự trữ quốc gia sẽ bao gồm dự trữ của Nhà nước và dự trữ của nông gia. Điều này sẽ giúp người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn khi giá lúa tăng và giảm bớt bất lợi bởi yếu tố mùa vụ. Khả năng dự trữ của nông dân bị hạn chế bởi thiếu kho chứa và nhu cầu tiền mặt để hoàn trả các khoản nợ chi phí sản xuất, vì thế một hệ thống tín dụng tốt ở nông thôn có thể giúp cho việc này. Ngay cả trong thời kỳ lạm phát, biện pháp trợ cấp trực tiếp cho người nghèo cũng không hiệu quả bằng việc cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng nông nghiệp và hàng hóa dịch vụ đến được khu vực nông thôn một cách thuận lợi.

Cải cách thể chế ở nông thôn là cực kỳ quan trọng cho công cuộc đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường khả năng nhận biết các dấu hiệu thị trường và năng lực kinh doanh của nông dân và ở khu vực nông thôn. áp lực này sẽ buộc các cấp chính quyền địa phương, xã, huyện quan tâm hơn đến các vấn đề phức tạp trong thể chế vi mô, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Trong bối cảnh mới từng nông hộ riêng lẻ sẽ không thể canh tác có hiệu quả trên mảnh đất nhỏ và cũng không thể đối phó các vấn đề từ toàn cầu hóa một cách hiệu quả. Tăng thu nhập bền vững cho nông dân chính là đầu tư vào hạ tầng, nguồn lực, thể chế, tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận thông tin mới, gia nhập thị trường, tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp và chế biến thực phẩm toàn cầu. Cần có làn sóng mới đầu tư vào nông nghiệp mới có thể làm giàu được cho khu vực nông thôn.

TS Nguyễn Hữu Nguyên
Viện Nghiên cứu Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

PV: “Ruộng đất là nguyện vọng ngàn đời của nông dân”, như Bác Hồ đã từng nói, được thể hiện như thế nào trong nền kinh tế thị trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nguyên: Từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, nông dân đi theo Đảng và trở thành lực lượng chủ yếu trong hai cuộc kháng chiến, vì mục tiêu của cách mạng là “người cày có ruộng”. Thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã giành lại độc lập dân tộc và đem lại ruộng đất cho nông dân. Như vậy, Đảng đã thực hiện đúng trách nhiệm lịch sử của mình đối với dân tộc và với giai cấp nông dân. Nhưng trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nông dân không dừng lại ở việc đem lại ruộng đất mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất nông nghiệp, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc.

Trong nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc, trách nhiệm của Nhà nước đối với nông dân là xây dựng các công trình thủy lợi, cung cấp vật tư nông nghiệp như: phân hóa học, thuốc trừ sâu, hướng dẫn thâm canh, tăng năng suất trong trồng trọt và chăn nuôi... Làm tốt những công việc ấy là nông dân hài lòng và yên tâm sản xuất.

Trong nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và hội nhập quốc tế với quy mô thị trường toàn cầu như hiện nay thì trách nhiệm của Nhà nước đối với nông dân cũng có sự thay đổi. Cụ thể là Nhà nước không can thiệp quá sâu vào quá trình sản xuất của nông dân và điều quan trọng hơn là phải tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cho các loại nông sản, hướng dẫn nông dân điều tiết sản lượng nông sản cho phù hợp với tiềm năng của thị trường nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho nông dân.

PV: Đó là quan điểm của Đảng về mặt lý luận, còn theo ông trên thực tế tình hình có như chúng ta mong đợi?

Ông Nguyễn Hữu Nguyên: Về chính sách ruộng đất, trong quá trình đô thị hóa, nông dân bị nhiều thiệt thòi so với giới kinh doanh địa ốc do quy định giá đền bù quá thấp so với giá mà các doanh nghiệp bán ra thị trường. Người nông dân cảm thấy hụt hẫng, thậm chí mang tâm trạng bị chiếm ruộng đất, từ đó dẫn đến tình trạng nông dân từ các tỉnh kéo lên các thành phố lớn để khiếu kiện tập thể, kéo dài nhiều ngày. Khi mâu thuẫn bùng nổ, kẻ xấu đã lợi dụng để kích động thêm sự khiếu kiện. Đây là vấn đề trách nhiệm của Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi thiết thực của nông dân vì giá đền bù là do chính quyền quy định, chứ không phải do nông dân thỏa thuận với các doanh nghiệp.

Đối với sản xuất nông nghiệp, báo chí đã phản ánh tình trạng kéo dài từ hằng chục năm nay là người nông dân không thoát khỏi cái vòng thua thiệt: “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Không những thế, tuy Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới, nhưng nông dân được hưởng lợi rất ít mà phần lớn lợi nhuận lại thuộc về các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều đó dễ hiểu vì nông dân không có thông tin về thị trường thế giới và không thể điều tiết kinh tế đối ngoại và kinh tế vĩ mô nên chính họ cũng không biết mức độ thua thiệt của họ là bao nhiêu. Vì vậy, vấn đề nắm tình hình thị trường thế giới và điều tiết lợi nhuận giữa người sản xuất và người kinh doanh là trách nhiệm của Nhà nước, mà trực tiếp là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện trách nhiệm với nông dân ngày nay mang ý nghĩa chính trị rất lớn vì đó là sự thể hiện quan điểm của Đảng đối với một giai cấp đã từng là lực lượng chủ yếu chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc; đồng thời có ý nghĩa kinh tế lớn trong bối cảnh thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực và ngày nay, nông dân vẫn chiếm phần lớn dân số của đất nước.

PV: Rất cám ơn những ý kiến trao đổi thẳng thắn và chân thành của các ông!