Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 4 đến ngày 10-1-2010)
1. Mỹ và phương Tây tăng cường các biện pháp an ninh chống khủng bố
Sau vụ đánh bom bất thành trên chuyến bay từ Am-xtéc-đam (Hà Lan) đến Đét-xtroy (Mỹ) ngày 25-12-2009, Oa-sinh-tơn đã phải đặt vấn đề an ninh quốc gia thành ưu tiên hàng đầu, hơn cả sức ép về mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức hai con số. Tổng thống Mỹ Ba- rắc Ô-ba-ma tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm tăng cường an ninh hàng không và đập tan mọi âm mưu tiến công khủng bố. Sau vụ khủng bố không thành này, tại các sân bay ở Mỹ, Anh, Hà Lan, I-ta-li-a, Ca-na-đa, Ni-giê-ri-a, người ta lắp đặt loại máy soi an ninh "quét toàn thân", có thể nhìn "xuyên thấu" hành khách. Mỹ công bố danh sách hạn chế nhập cảnh đối với công dân 14 nước bị Mỹ liệt vào danh sách "tài trợ khủng bố" và có liên quan. Nhiều hành khách than phiền bị xâm phạm bí mật riêng tư. Nhiều nước châu Âu phản đối biện pháp tăng cường "quá mức". Nhiều nước Hồi giáo đòi chấm dứt ngay biện pháp này và cáo buộc là hành động phân biệt đối xử, vi phạm nhân quyền.
2. Nhật Bản ưu tiên ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế
Ngày 4-1-2010, tại cuộc họp báo đầu năm 2010 ở Tô-ky-ô, Thủ tướng Nhật Bản Y. Ha-tô-y-a-ma khẳng định, ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ Nhật Bản là ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế nước này trở lại suy thoái, bằng nỗ lực thúc đẩy Quốc hội sớm thông qua dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2009 và ngân sách tài khóa 2010. Ngân sách bổ sung tài khóa 2009 (kết thúc vào tháng 3 tới) chi 7,2 nghìn tỉ yên cho gói kích thích kinh tế mới. Ngân sách 2010 dự kiến trị giá 92,3 nghìn tỉ yên. Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma khẳng định tiếp tục tiến hành cải cách hành chính, trong đó có việc cơ cấu lại các cơ quan hành chính nhà nước. Ông cũng cam kết tìm giải pháp được hai bên chấp nhận về những bất đồng với Mỹ trong việc bố trí lại căn cứ không quân Phu-ten-ma của Mỹ trên đảo Ô-ki-na-oa, miền nam Nhật Bản. Ông khẳng định, Nhật Bản mong muốn cùng Mỹ thúc đẩy quan hệ đồng minh cởi mở và thẳng thắn hơn, trong bối cảnh năm 2010 hai nước kỷ niệm 50 năm ký hiệp ước an ninh song phương.
3. Khó khăn trong việc thành lập chính phủ mới ở Áp-ga-ni-xtan
Căng thẳng gia tăng khi 17 trong số 24 ứng cử viên được Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai tiến cử đã bị Quốc hội nước này bác bỏ. Chỉ có 7 người thuộc các bộ Quốc phòng, Nông nghiệp, Nội vụ, Tài chính, Giáo dục, Văn hóa, Mỏ và các ngành công nghiệp được Quốc hội chấp thuận. Trong số các ứng cử viên bị bác, có ứng cử viên là Bộ trưởng các bộ Năng lượng, Tư pháp, Y tế, Kinh tế và Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề phụ nữ - thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ mới. Ngày 4-1-2010, phát biểu ý kiến trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki Mun nhấn mạnh, cần phối hợp các nỗ lực và quan tâm lớn hơn tới các ưu tiên chủ chốt để ổn định tình hình tại Áp-ga-ni-xtan. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế làm tất cả những gì trong vài tháng tới để giúp tái thiết kinh tế quốc gia Nam Á này. Ngày 9-1-2010, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H. Ca-dai đã trình danh sách bổ sung thành viên chính phủ mới lên Quốc hội. Danh sách lần này được Phó Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ka-rim Kha-li-li-li đọc trước Quốc hội, gồm 16 người trong tổng số 18 vị trí còn khuyết trong chính phủ mới của Tổng thống H. Ca-dai. Quốc hội sẽ có vài ngày để chất vấn các ứng cử viên, trước khi bỏ phiếu thông qua.
4. Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Bắc Ai-len
Ngày 6-1-2010, tại cuộc họp báo ở Ben-phát (Bắc Ai-len), nhóm chính trị của Hiệp hội Phòng vệ Ulster (UDA) tuyên bố hoàn thành việc hạ vũ khí, sớm hơn thời hạn chót vào tháng 2 tới. UDA là nhóm bán vũ trang theo đường lối "trung thành" lớn nhất ở Bắc Ai-len và cũng là nhóm cuối cùng giao nộp vũ khí theo Hiệp định hòa bình Ngày thứ sáu tốt lành năm 1998. Ðây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hòa bình ở khu vực này của Anh. Hiệp định hòa bình năm 1998 đã chấm dứt tình trạng bạo lực hoành hành nhiều thập kỷ ở Bắc Ai-len, do mâu thuẫn giữa những người "trung thành", theo đạo Tin lành, muốn Bắc Ai-len tiếp tục là một phần của Anh, với những người "cộng hòa", theo đạo Thiên chúa, chủ trương đưa Bắc Ai-len trở thành một phần của Cộng hòa Ai-len. Quy chế tự trị được thiết lập ở tỉnh này sau thỏa thuận lịch sử năm 2007 giữa hai cộng đồng nói trên. Quân đội Cộng hòa Ai-len (IRA) và nhóm bán vũ trang lớn của những người "cộng hòa" cũng đã hoàn thành việc phá hủy kho vũ khí.
5. Các chuyên gia Mỹ kêu gọi tăng hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam
Ngày 6-1-2010, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), Tạp chí Oa-sinh-tơn và Tổ chức Quỹ nước Mỹ mới đã phối hợp tổ chức hội thảo về vấn đề nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo và cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cho rằng, sự hỗ trợ của phía Mỹ đối với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của Việt Nam là chưa đủ. Các đại biểu nêu rõ, chất độc da cam/đi-ô-xin vẫn là mối đe dọa sinh mạng nhiều người dân Việt Nam, trong khi sự hợp tác của phía Mỹ với Việt Nam xử lý hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin mới chỉ là bước đi đầu tiên. Thời gian gần đây, chính phủ hai nước đã hợp tác tìm giải pháp hỗ trợ những người bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin, cũng như tẩy độc các khu vực bị nhiễm độc tại Việt Nam. Tuy nhiên, mối quan tâm của Chính phủ Mỹ là chưa thỏa đáng và Oa-sinh-tơn cần tăng tài trợ cho Việt Nam để giải quyết những hậu quả lâu dài của chất độc này.
6. Cam-pu-chia kỷ niệm Ngày lật đổ chế độ Khmer đỏ
Ngày 7-1-2010, tại trụ sở Ðảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) ở Thủ đô Phnôm Pênh, hàng nghìn người Cam-pu-chia dự mít-tinh kỷ niệm 31 năm Ngày Chiến thắng (7-1-1979 - 7-1-2010), lật đổ chế độ Khmer đỏ. Chủ tịch CPP kiêm Chủ tịch Thượng viện Chea Xim, Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin; các bộ trưởng, tướng lĩnh quân đội cùng đại diện Ðoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Cam-pu-chia tới dự. Ðại sứ nước ta tại Cam-pu-chia Ngô Anh Dũng dự lễ kỷ niệm và trao lẵng hoa chúc mừng. Trong bài diễn văn, Chủ tịch Chea Xim khẳng định, đất nước Cam-pu-chia mãi mãi khắc sâu trong tim sự giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện và nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đã kịp thời đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Cam-pu-chia trong lật đổ chế độ diệt chủng và bảo vệ sự hồi sinh của đất nước Cam-pu-chia. Chủ tịch Chea Xim khẳng định, CPP ủng hộ tiến trình xét xử của Tòa án xét xử tội ác Khmer đỏ (ECCC), nhưng phản đối bất kỳ mưu toan nào lợi dụng ECCC vào những mục đích xấu, ảnh hưởng tới hòa bình, hòa giải dân tộc và phát triển đất nước Cam-pu-chia.
7. Dấu hiệu cải thiện quan hệ Nga - Gru-di-a
Ngày 8-1-2010, Hãng hàng không Airzena của Gru-di-a thực hiện chuyến bay thẳng từ Thủ đô Tbi-li-xi tới Thủ đô Mát- xcơ-va của Nga. Đây được xem là dấu hiệu làm tan băng trong mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Nga và Gru-di-a, mở ra những niềm hy vọng cho người dân hai nước láng giềng này. Hãng hàng không Airzena cho biết, các chuyến bay thẳng từ Tbi-li-xi đến Mát-xcơ-va và ngược lại trong hai ngày 9 và 10-1, bằng máy bay Boeing-737 đều đã bán hết vé. Hãng này hy vọng, Mát-xcơ-va sẽ cho phép thực hiện các chuyến bay thẳng tiếp theo vào các ngày 16, 20 và 24-1 tới cũng như hai bên sẽ tiến hành đàm phán về việc nối lại các chuyến bay thường xuyên giữa hai nước trong thời gian sớm nhất. Trước đó, hai nước cũng đạt thỏa thuận mở lại cửa khẩu biên giới Véc-khơ-ni-u Lác-xơ, cho phép đi lại giữa hai nước sau ba năm đóng cửa. Giới quan sát cho rằng, việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Nga và Gru-di-a hiện chưa nằm trong chương trình nghị sự của hai nước lúc này. Bởi lẽ, Nga vẫn chưa rút lại tuyên bố sẽ không đối thoại với Tổng thống Gru-di-a Mi-khai-in Xa-a-ka-xi-vi-li, người đã ra lệnh tấn công Nam Ô-xê-ti-a, tàn phá thủ phủ Tskhin-va-li và làm chết một số dân thường Nga, cùng một số binh sỹ Nga trong thành phần lực lượng gìn giữ hòa bình. Song với những động thái tích cực thời gian gần đây, quan hệ giữa hai nước láng giềng từ thế đối đầu sẽ từng bước được cải thiện trên nhiều lĩnh vực.
8. Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới
Số liệu do cơ quan thống kê Liên bang Ðức công bố ngày 8-1-2010 cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2009, Trung Quốc đã vượt Ðức, trở thành nước xuất khẩu số một thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 1,07 nghìn tỉ USD, trong khi Ðức đạt 1,05 nghìn tỉ USD. Mặc dù năm 2009, xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến giảm 16%, nhưng nước này vẫn tin tưởng giành được danh hiệu đứng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009. Ðài Phát thanh quốc tế Trung Quốc cho biết, năm 2009 lượng tiêu thụ ô-tô của Mỹ, thị trường tiêu thụ ô-tô lớn nhất thế giới, đạt 10,43 triệu chiếc, giảm gần 2,8 triệu chiếc so với năm 2008. Trong khi đó, lượng sản xuất và tiêu thụ ô-tô của Trung Quốc vượt 13,5 triệu chiếc, tăng hơn 40% so với năm 2008, đưa Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ ô-tô lớn nhất toàn cầu./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-12-2009 đến ngày 3-1-2010)
Hoạt động bảo hiểm, tiền gửi Việt Nam góp phần bảo đảm an sinh xã hội  (12/01/2010)
Tổng sản phẩm trong nước năm 2009 theo giá so sánh năm 1994 (%)  (11/01/2010)
Xây dựng quân đội của dân, do dân và vì dân  (11/01/2010)
Sản xuất công nghiệp  (11/01/2010)
Kết quả điều tra dân số, lao động năm 2009  (10/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên