Thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay
TCCS - Là một trung tâm văn hóa lớn của cả nước, sở hữu hệ thống di sản văn hóa đặc sắc, phong phú, thời gian qua, Hà Nội đã phát huy lợi thế đó trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Một số kết quả đáng ghi nhận
Trên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đã có những hoạt động tích cực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Nguồn lực chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa thông tin của toàn thành phố từ năm 2017 đến nay là: 5.207.995 triệu đồng, bình quân chiếm tỷ trọng 1,9% trong tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương, trong đó năm 2019 chi 844.659 triệu đồng (chiếm 1,8% trong tổng chi ngân sách địa phương); năm 2020 chi 854.579 triệu đồng (chiếm 1,8% trong tổng chi ngân sách địa phương); năm 2021 chi 838,033 triệu đồng (chiếm 1,8% trong tổng chi ngân sách địa phương); năm 2022 chi 891.444 triệu đồng (chiếm 1,7% trong tổng chi ngân sách địa phương).
Ở lĩnh vực du lịch, giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch đến thành phố Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm 2016 đạt 21,83 triệu lượt, năm 2017 đạt 23,83 triệu lượt, năm 2018 đạt 26,30 triệu lượt và năm 2019 đạt 28,945 triệu lượt khách. Tốc độ tăng bình quân về khách du lịch đạt 10,1%/năm, hoàn thành vượt chỉ tiêu về tốc độ tăng trung bình từ 8-10%/năm. Khách quốc tế đến thành phố Hà Nội năm 2016 đạt 4,02 triệu lượt, năm 2017 đạt 4,94 triệu lượt, năm 2018 đạt 6,005 triệu lượt, năm 2019 đạt 7,025 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng. Từ năm 2020, lượng khách quốc tế đến Hà Nội giảm sâu do đại dịch COVID-19. Sau đó, với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch bao gồm du lịch quốc tế và nội địa, từ ngày 15-3-2022, du lịch Hà Nội đã bắt đầu đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 15,38 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế đạt khoảng 990 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.
Ở lĩnh vực điện ảnh, thành phố triển khai xây dựng Quy hoạch hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ Trung tâm Văn hóa thành phố; hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thủ tục về quy hoạch kiến trúc lập phương án bố trí rạp chiếu phim tại một số khu vực tập trung đông dân cư của thành phố. Năm 2018, tổng số buổi chiếu đạt 5.938 buổi/ 903.849 lượt người xem, doanh thu đạt 4.035.375.000 triệu đồng; năm 2019, tổ chức 3.300 buổi chiếu phim, phục vụ gần 167.900 lượt khán giả. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm 2021 đã tổ chức 1.022 buổi chiếu phim với tổng số người xem là 10.020 lượt khán giả. Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội vào các năm 2016, 2018, 2020 và 2022. Đây là sự kiện văn hóa lớn được tổ chức 2 năm một lần tại Thủ đô Hà Nội, thu hút sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên xuất sắc đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thành phố Hà Nội đã xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các loại hình văn hóa, nghệ thuật cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và các câu lạc bộ trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội. Các đơn vị nghệ thuật trực thuộc thành phố đã tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô với tổng số buổi biểu diễn là gần 8.800 buổi; tổng doanh thu ước đạt trên 260 tỷ đồng. Thành phố cũng tổ chức lựa chọn, thẩm định kịch bản và dàn dựng vở diễn mới theo kế hoạch hằng năm; tham gia các liên hoan, cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, các đoàn nghệ thuật của thành phố Hà Nội đạt tổng số 16 huy chương các loại, trong đó có 3 huy chương vàng). Thành phố ưu tiêu bảo tồn và phát huy một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp nghệ thuật đương đại; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình nghệ thuật có yếu tố xã hội hóa, như Chương trình “Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert”, Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”... Ngoài ra, triển khai thực hiện Kế hoạch số 250/KH-UBND, ngày 5-11-2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình ca kịch truyền thống của Thủ đô, thành phố Hà Nội tập trung bảo tồn và phát huy giá trị của 4 loại hình chính là nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch.
Ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại khu vực Hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh; thực hiện trưng bày 477 cuộc triển lãm, mỹ thuật, nhiếp ảnh theo giấy phép của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Về lĩnh vực xuất bản: Với mục tiêu phát triển văn hóa đọc, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành xuất bản, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của xuất bản trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, thành phố Hà Nội tổ chức thường niên Hội sách Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10). Đây là một hoạt động ý nghĩa, góp phần tôn vinh văn hóa đọc, tạo nét đẹp trong đời sống văn hóa - xã hội của Thủ đô. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã triển khai và xây dựng công trình Phố Sách Hà Nội tại phố 19/12 (quận Hoàn Kiếm). Phố Sách Hà Nội không chỉ là địa chỉ giao lưu văn hóa, tọa đàm, giới thiệu sách, phát triển văn hóa đọc ở Thủ đô mà còn là không gian phục vụ cộng đồng, tổ chức các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật, là một điểm đến văn hóa của du khách và nhân dân cả nước. Doanh thu từ các hoạt động Hội Sách Hà Nội và Phố Sách xuân (từ năm 2016 - 2022) đạt khoảng 29 tỷ đồng. Từ tháng 10-2016, thành phố Hà Nội lần đầu tiên tổ chức gian trưng bày sách tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức). Sau 4 lần tham gia, quy mô tổ chức, số lượng các đơn vị xuất bản tham gia và các hoạt động tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt của Hà Nội ngày càng tăng và đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản cũng phát triển với nhiều tác phẩm có giá trị về lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Việt Nam, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, thông tin đối ngoại của thành phố và đất nước. Tổng số bản sách được tổ chức xuất bản từ năm 2018 đến năm 2020 là 5.500 bản.
Về lĩnh vực phát thanh truyền hình: Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 21/38 doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (phạm vi cung cấp dịch vụ là toàn quốc hoặc Hà Nội và một số tỉnh lân cận) và 1 đài phát thanh và truyền hình (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội); trong đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội là cơ quan báo chí thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hiện có 25 phòng, ban, đơn vị với tổng số 587 lao động; hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ một phần về tài chính. Các đơn vị này có những bước phát triển nhất định, góp phần phản ánh thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội sinh động của thành phố và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Về trò chơi điện tử trên mạng: Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 101 doanh nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, 69 doanh nghiệp đã được cấp giấy chúng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.400 điểm cung cấp dịch vụ cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Theo số liệu của Cục Thuế thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến năm 2021, doanh thu của các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn là 270,9 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, góp phần ngày càng quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Một số giải pháp thời gian tới
Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thì sự phát triển các ngành văn hóa của thành phố Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Số lượng các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất của thành phố Hà Nội khá lớn, song công năng sử dụng còn hạn chế, chưa thể tạo lực đẩy để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thành phố chưa có nhà triển lãm quy mô tầm cỡ để tổ chức các sự kiện tầm vóc quốc gia. Nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhiều về số lượng, nhưng còn chưa đạt chất lượng cao. Tiềm năng tài nguyên du lịch văn hóa lớn, tuy nhiên việc đầu tư khai thác, phát huy giá trị, chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ - thương mại còn hạn chế, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp trong lao động. Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, các đơn vị xuất bản, in, phát hành phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hoạt động xuất bản, in, phát hành (như ưu đãi về vay vốn, thuế thuê nhà, thuê đất...). Bên cạnh đó, những năm gần đây, ngoài những trò chơi điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, các trò chơi điện tử xuyên biên giới không có phép, nhiều trò chơi có nội dung không lành mạnh, bạo lực, có những trò chơi có dấu hiệu cờ bạc... đã phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play và có tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến người chơi, đặc biệt là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trước thực trạng đó, thời gian tới cần có những giải pháp khắc phục các hạn chế trên để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô ngày càng phát triển. Cụ thể như sau:
Một là, tăng cường sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tình hình mới. Chú trọng đầu tư các nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tiến tới việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) (dự kiến được thông qua cuối năm 2023), trong đó có đề xuất đưa quy định Hà Nội dành 2% chi thường xuyên cho văn hóa.
Hai là, tiếp tục tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng của Thủ đô, như du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí; đồng thời quan tâm phát triển các ngành quảng cáo, kiến trúc, điện ảnh, truyền hình và phát thanh, xuất bản, thời trang… Tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá năng lực thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, dự báo xu hướng phát triển mới của thị trường nội địa và quốc tế để có hướng quản lý, điều chỉnh chính sách phát triển của thành phố Hà Nội phù hợp, đồng thời cung cấp thông tin, định hướng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Từng bước hình thành, phát triển cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố, ở trong và ngoài nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng. Chú trọng nâng cao năng lực xuất khẩu, bảo đảm các sản phẩm xuất khẩu phải đạt trình độ nghệ thuật cao, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, của Thủ đô.
Ba là, xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và công nghiệp văn hóa có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước, các chuyên gia quốc tế có đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô; hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành, một số hoạt động khác có liên quan trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong việc quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành, nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đẩy mạnh giáo dục sáng tạo trên địa bàn thành phố. Chú trọng tạo lập môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo - công dân toàn cầu.
Bốn là, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển, xác định cơ chế hợp tác công - tư để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững, như chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà, biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới; phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống... Có cơ chế, chính sách khuyến khích, xúc tiến đầu tư quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa. Chú trọng cơ chế bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả việc thực thi và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đúng pháp luật. Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị… phù hợp với lợi thế và điều kiện của thành phố.
Năm là, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với UNESCO của thành phố Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Tổ chức các sự kiện thường niên tầm cỡ khu vực, như các lễ hội ẩm thực, liên hoan phim quốc tế, tuần lễ thời trang, triển lãm mỹ thuật..., tích cực tham dự các sự kiện văn hóa nổi bật trên thế giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm nhìn xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” gắn với truyền thống văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến, danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội, cảm hứng sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển của mỗi người dân, cộng đồng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội với công tác đối ngoại nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (12/07/2023)
Hà Nội đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới  (12/07/2023)
Hà Nội nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (10/07/2023)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm