TCCS - Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã xác định nhiệm vụ cốt lõi là phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vì nhân dân phục vụ. Đây chính là nhân tố hàng đầu quyết định sự ổn định và phát triển của Thủ đô.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa _ Ảnh: hanoimoi.vn

Chú trọng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới

Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Trung ương về công tác sắp xếp bộ máy, tổ chức cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy yêu cầu công việc, lợi ích của nhân dân và chất lượng cán bộ làm thước đo khi bố trí cán bộ, bảo đảm đoàn kết, tránh cục bộ địa phương. Quá trình sắp xếp, tổ chức, kiện toàn, tinh gọn bộ máy được thực hiện có nguyên tắc, với lộ trình cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu kỹ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, dự báo xu hướng phát triển để bảo đảm tính ổn định tương đối của tổ chức, bảo đảm hoạt động thuận lợi cho các tổ chức, nhân dân, doanh nghiệp gắn với đặc thù của từng địa bàn, từng loại hình, tập trung giải quyết các vấn đề khó của cơ sở. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Sau sắp xếp đã giảm gần 1/3 tổ dân phố (2.239 tổ dân phố) và 6 thôn. Chia tách, sáp nhập 1.008 chi bộ thôn, tổ dân phố để thành lập 503 chi bộ thôn, tổ dân phố và 24 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn. Các tổ chức đảng, đoàn thể được sắp xếp lại đã phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm, hoạt động ổn định, hiệu quả, đoàn kết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở trong tình hình mới.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015 - 2020), Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016 - 2020, 2020 - 2025. Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thành ủy Hà Nội chọn các chủ đề để tập trung lãnh đạo, như năm 2018 là Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị,... Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 14-7-2017, về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Sau 6 năm tập trung thực hiện, đã giải quyết được rất nhiều vụ, việc phức tạp vốn là “điểm nóng” trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đến nay, đã giảm được 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 110 đơn vị sự nghiệp trực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện,…

Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc, đến nay đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị gồm các ban đảng, đảng ủy khối, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; kiện toàn, sắp xếp giảm 5/17 ban chỉ đạo do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thành lập, giảm 74/102 ban chỉ đạo thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. Các phòng, ban chuyên môn thuộc các sở, ngành, giảm từ 204 phòng xuống 159 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Các quận, huyện, thị xã đã thực hiện triệt để việc sáp nhập, giảm đầu mối quản lý, sau sắp xếp giảm 128 đầu mối đơn vị trực thuộc. Toàn thành phố đã tinh giản được 2.108 biên chế. 

Công tác cán bộ được thực hiện ngày càng khoa học, dân chủ, công khai, đúng thực chất, theo phương châm “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình, rõ hiệu quả”. Cán bộ, công chức được chuẩn hóa theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh; đội ngũ cán bộ từ cơ sở tới thành phố có cơ cấu ngày càng hợp lý, có sự chuyển tiếp giữa các thế hệ, chất lượng ngày càng được nâng lên.

Thành phố xây dựng Đề án số 07 đào tạo 1.000 cán bộ nguồn làm công tác đảng và cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn; Đề án số 04 về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; ban hành Quy định tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo; sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Trong 10 năm, từ năm 2010 - 2020, có 3.597 cán bộ được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 19.824 cán bộ được đào tạo trung cấp lý luận chính trị; có 20 tiến sĩ, 185 thạc sĩ, 1.243 cán bộ được cử đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài; hoàn thành đào tạo 1.000 cán bộ nguồn cho thành phố.

Thành ủy đã hoàn thành mục tiêu đặt ra: 100% số cán bộ chủ chốt ở phường, thị trấn có trình độ đại học, 80% số cán bộ chủ chốt ở xã có trình độ đại học. Tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và diện quy hoạch Thành ủy có trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên tăng từ 48,2% lên 73,2%, có trình độ lý luận chính trị, cử nhân đạt 93,3%. Hệ số quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tăng lên 1,98 so với nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 1,49; tuổi bình quân đã giảm xuống 45,14 so với 47,35. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị.

Góp phần xây dựng Đảng về hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng bộ thành phố Hà Nội quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chương trình số 10-Ctr/TU, ngày 17-3/2021, của Thành ủy Hà Nội; với mục tiêu, nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt quan điểm “không thể”, “không dám”, “không muốn” và “không cần” tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, nhất là đội ngũ công chức, viên chức làm công tác phòng, chống tham nhũng thực sự trong sạch, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm trung thực, liêm chính, chí công vô tư; đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng.

Chỉ đạo thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, mở rộng phân cấp một số nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp huyện, sở, ngành trong đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý ngân sách, chi đầu tư phát triển; nhân rộng mô hình cải cách hành chính theo quy trình “một cửa” và “một cửa liên thông”. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04 khóa XIV, Chương trình số 08 khóa XV, Chương trình số 08 khóa XVI về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bộ thủ tục mẫu để thống nhất xây dựng trên toàn địa bàn; rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều thủ tục không phù hợp, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết trong đời sống xã hội. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện một số biện pháp mang tính đột phá, như lấy phiếu thăm dò của tổ chức, doanh nghiệp, của công dân đối với một số cơ quan hành chính; thực hiện lắp camera để kiểm tra việc thực thi công vụ...

Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới, đã lựa chọn trúng nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm để ban hành nghị quyết và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Công tác giám sát thực hiện nghị quyết được chú trọng, có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là việc thực hiện giám sát trực tiếp tại kỳ họp thông qua hoạt động chất vấn, thu hút sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của đông đảo cử tri.

Tổ chức bộ máy, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở thành phố Hà Nội không ngừng được củng cố, nâng cao, nhất là cấp cơ sở và trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện quy chế phản biện xã hội. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội giữa 3 cơ quan: Mặt trận Tổ quốc, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, tổ chức nhiều hội nghị phản biện liên quan đến đời sống nhân dân mang lại tác dụng thiết thực, hiệu quả cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Các cấp ủy thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình... và hoạt động theo quy chế, quy định, quy trình...; xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch công tác phù hợp thực tiễn, bảo đảm các điều kiện thực hiện và có tính khả thi. Đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy; tác phong, phong cách công tác của mỗi cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư, nêu gương sáng, nói đi đôi với làm, nêu cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất trên cơ sở kỷ luật nghiêm minh. Trong chỉ đạo, điều hành, chú trọng bám sát cơ sở, dựa vào nhân dân để phát hiện những cách làm hay, những gương điển hình, đồng thời nắm bắt nhanh nhạy những vấn đề bức xúc, cấp thiết nảy sinh từ thực tiễn để giải quyết. Ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính ngay trong Đảng bộ để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thực sự đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.

Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn bộc lộ sự lúng túng, thiếu các giải pháp thực sự mang tính đột phá. Nội dung và phương thức thực hiện công tác tư tưởng có lúc còn thiếu chiều sâu, thiếu tính hệ thống, dẫn tới việc nắm bắt, dự báo và định hướng tư tưởng còn hạn chế, nhất là trong đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng internet. Vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng còn yếu; chất lượng sinh hoạt, tự phê bình và phê bình của một số chi bộ, đảng bộ và đảng viên còn hạn chế, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.

Việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”” chưa đạt được kết quả như yêu cầu đề ra. Việc kiểm tra, giám sát những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả chưa cao; việc cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách còn chậm, có việc chưa sát thực tế; không ít bức xúc của người dân chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có nơi còn mang tính hình thức, cá biệt có nơi còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp chưa có sự đổi mới, thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Công tác quản lý, điều hành, giải quyết công việc ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo, có việc, có nơi, có lúc còn trì trệ. Chưa tập trung xây dựng được nhiều mô hình hay, điển hình mới, sáng tạo tiêu biểu. Sự phối hợp giữa các ngành, giữa các cấp trong điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực phân công, phân cấp, ủy quyền còn thụ động, thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là: 1- Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có việc chưa thật sâu sát, quyết liệt; 2- Một số địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu năng động, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn và sự chỉ đạo của thành phố; 3- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có việc chưa tốt; 4- Tình trạng trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý công việc, nhất là ở cơ sở và một số sở, ngành chưa được khắc phục triệt để; xem xét, xử lý trách nhiệm còn thiếu kiên quyết, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra sai phạm; 5- Phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý chưa gương mẫu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiêm vụ.

Một số bài học kinh nghiệm

Một là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là nhân tố quyết định sự phát triển của Thủ đô. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng bộ và chính quyền các cấp phải rất nhạy bén, chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, kịp thời đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với quá trình phát triển trong tình hình mới, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh từ thực tiễn.

Ba là, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, bám sát sự chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương; chủ động phối hợp, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ, hợp tác của các bộ, ban, ngành, của các cơ quan đơn vị, của các địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, sự ủng hộ đồng lòng của đội ngũ trí thức và nhân dân trong quá trình xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vũng mạnh, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vị thế, tầm cao mới./.