TCCSĐT - Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 29-11-2006, có hiệu lực từ ngày 01-7-2007. Qua 10 năm triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Luật Bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành quan tâm tuyên truyền, triển khai thực hiện với những hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Qua đó, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới và vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao.

Nỗ lực đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống

Để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Bình đẳng giới ở tất cả các cấp, các ngành, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Luật, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Các cấp, các ngành đã tiến hành nhiều phương thức tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tại các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội thi; phát hành 15.000 cuốn tài liệu, sổ tay và 30.000 tờ rơi thông tin những nội dung cơ bản trong Chiến lược quốc gia, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, về quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới,… Tính đến tháng 8-2017, theo thống kê của Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ thành phố Cần Thơ, khoảng 77% số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, người trong lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh các cấp và hơn 60% người dân ở các cụm dân cư đã được truyền thông để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; 95% phụ nữ là đại biểu dân cử, cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp, cán bộ trong diện quy hoạch (từ cấp phòng trở lên) đã được trang bị kiến thức về bình đẳng giới.

Cùng với công tác tuyên truyền, Thành phố chú trọng công tác kiện toàn tổ chức, biên chế; đào tạo bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới. Đến nay, các quận, huyện của thành phố đều đã bố trí cán bộ và chuyên viên phụ trách bình đẳng giới trực thuộc Phòng Lao động - Thương bình và Xã hội; 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp đã được tập huấn, cập nhật kiến thức bình đẳng giới.

Hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về thực hiện pháp luật bình đẳng giới ở các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp,… Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị, địa phương đều triển khai thực hiện khá tốt pháp luật về bình đẳng giới. Đặc biệt, từ khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực thi hành đến nay, trên địa bàn Thành phố không có trường hợp nào phải xử lý vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực

Những nỗ lực đồng bộ để quán triệt, triển khai thực hiện, đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống trong 10 năm qua đã mang lại những kết quả khả quan.

Trong lĩnh vực chính trị:

Hằng năm, Thành phố tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn chuyên đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; chia sẻ các kỹ năng, giải pháp thực hiện bình đẳng giới và quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực chính trị cho phụ nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, là ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các sở, ngành có liên quan đã tổ chức kiểm tra, khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý các cấp, qua đó tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ; đề xuất thực hiện chính sách thu hút nhân tài là phụ nữ, hỗ trợ kinh phí đặc biệt cho cán bộ nữ được đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nhờ đó, tỷ lệ nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp ngày càng tăng.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có 15,09% số ủy viên là nữ (tăng 4,19% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ các quận, huyện là 18,76% (tăng 4,48%). Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp thành phố là 23,64% (giảm 6,69%); cấp quận, huyện là 29,07% (tăng 4,59%); cấp xã, phường là 26,15% (tăng 4,96%); 68% Ủy ban nhân dân các cấp và 70% cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Trong lĩnh vực lao động:

Cùng với việc tổ chức thường niên các cuộc hội thảo chuyên đề về quyền Bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động - việc làm, những năm gần đây, Thành phố chú trọng tổ chức các cuộc hội thảo, họp mặt nữ doanh nhân tiêu biểu; kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ và thực hiện bình đẳng giới ở một số doanh nghiệp trên địa bàn có sử dụng nhiều lao động nữ. Được sự tài trợ của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc, mô hình Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam tại thành phố Cần Thơ đã được triển khai thực hiện, giúp cho nhiều phụ nữ có thêm cơ hội học nghề, tìm kiếm và tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Hằng năm, trên địa bàn Thành phố bình quân có khoảng 50.000 lao động nữ được giải quyết việc làm, chiếm 49% tổng số lao động được giải quyết việc làm; khoảng 2.850 lao động nữ khu vực nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật, chiếm 48,72% tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề; gần 9.100 lao động nữ nghèo ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi từ các Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, giảm nghèo, chiếm 80% số phụ nữ được vay vốn. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố hiện chiếm khoảng 25%.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế:

Trong giai đoạn 2005-2011, thực hiện Đề án 150, Thành phố có 65 nữ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo sau đại học ở nước ngoài (chiếm 57,31% số nữ cán bộ, công chức, viên chức trong kế hoạch đào tạo theo Đề án 150). Song song đó, Sở Nội vụ cũng đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tuyển chọn đào tạo sau đại học cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là nữ. Hiện nay, tổng số nữ thạc sĩ và tương đương chiếm 34,38% tổng sổ thạc sĩ; tổng số nữ tiến sĩ và tương đương chiếm 30,36% tổng số tiến sĩ và tương đương trong toàn Thành phố.

Trong lĩnh vực y tế, những năm qua, Thành phố tăng cường đầu tư để ngày càng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, bệnh viện, phòng khám; đẩy mạnh đào tạo, bố trí cán bộ ngành y về cơ sở để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe sinh sản của các bà mẹ. Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao. Riêng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm 100%.

Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ:

Từ năm 2007 đến nay, có 188 cán bộ nữ tham gia nghiên cứu, làm chủ nhiệm các đề tài, dự án khoa học - công nghệ cấp thành phố trong các lĩnh vực: khoa học xã hội, y dược, nông nghiệp,… Tuy tỷ lệ cán bộ nữ tham gia nghiên cứu khoa học - công nghệ chưa cao nhưng, theo nhận định của Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ thành phố Cần Thơ, hầu hết các cán bộ nữ này đều thể hiện được năng lực chuyên môn, tính chuyên cần, chủ động trong nghiên cứu. Đặc biệt, các cán bộ khoa học nữ và nam đều được bình đẳng tham gia vào công tác tư vấn, xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, trực tiếp giao và đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học - công nghệ của thành phố. Phần lớn các cán bộ nữ đã phát huy được tính tích cực, khả năng sáng tạo trong nghiên cứu, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ của Thành phố.

Trong lĩnh vực gia đình:

Một trong những kết quả nổi bật là việc gắn kết thực hiện Luật Bình đẳng giới với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Những năm gần đây, Trung tâm Tư vấn và hôn nhân gia đình - Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ đã tăng cường các hoạt động tư vấn pháp lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Riêng những nạn nhân bị buôn bán trở về, bên cạnh được tư vấn pháp lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe còn được Trung tâm hỗ trợ kinh phí để tái hòa nhập cộng đồng. Trong khuôn khổ Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình thành phố Cần Thơ”, đến nay, thành phố đã xây dựng được 31 Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình và 470 địa chỉ tin cậy ở các địa phương để đảm nhiệm vai trò tuyên truyền, tư vấn, hòa giải, can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Các hoạt động này đã giúp nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình, thông qua việc chủ động tạo ra thu nhập, chủ động tham gia vào các quyết định quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động xã hội,...

Để Luật Bình đẳng giới ngày càng phát huy vai trò trong cuộc sống

Nhìn chung, qua 10 năm nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí của phụ nữ và mức độ thực hiện bình đẳng giới giữa nam và nữ trong nhiều lĩnh vực ngày càng được nâng cao. Ở nhiều địa phương, đơn vị, gia đình, nam giới ngày càng biết chia sẻ, gánh vác công việc cơ quan, gia đình với phụ nữ; quan tâm cùng nuôi dạy, chăm sóc con cái; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các công tác xã hội. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát huy tốt vai trò; không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng, vươn lên khẳng định năng lực của mình trong các mặt công tác, trong xây dựng cuộc sống gia đình, góp phần quan trọng vào sự phát triển thành phố và đất nước.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ thành phố Cần Thơ, quá trình triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, Chiến lược và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới thời gian qua trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Cụ thể là:

- Một số hoạt động nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Bình đẳng giới chưa được hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan Trung ương; một số thông tin, số liệu liên quan đến các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới chưa được quy định cụ thể trong Bộ Chỉ số của từng ngành; kinh phí phân bổ cho hoạt động bình đẳng giới còn hạn chế;… Thực trạng này đã gây nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện Luật và Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới ở nhiều địa phương.

- Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan nhà nước, cơ quan dân cử trên địa bàn thành phố trong nhiệm kỳ 2015-2020 tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu, nhất là ở cấp cơ sở, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ ở đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương.

- Đội ngũ cán bộ, nhân sự làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, nhất là ở cơ sở, biến động liên tục; kiến thức về giới và năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới chưa đồng đều ở các địa phương. Nhiều nơi còn xem bình đẳng giới là hoạt động phong trào, là hoạt động riêng của Ban Nữ công, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ.

- Hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ ở một số phường, xã còn nặng tính hình thức, chưa thiết thực, chưa hiệu quả. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở phường, xã hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, phần lớn thiếu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, do đó từng lúc, từng nơi vẫn còn tình trạng triển khai thực hiện kế hoạch công tác chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra.

- Ở một số địa phương, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng lồng ghép giới và bình đẳng giới chưa được triển khai rộng khắp. Sự phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ với các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ thiếu tính gắn kết sâu rộng, thường xuyên.

- Số phụ nữ nông thôn thiếu việc làm xuất phát quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và di cư tự phát đến khu vực trung tâm thành phố ngày càng tăng. Trong khi đó các điều kiện, cơ hội học nghề - giải quyết việc làm, thu nhập, tiền lương đối với lao động nữ ở các doanh nghiệp,… còn hạn chế; các chính sách, cơ chế có tính đặc thù để bảo vệ lực lượng lao động này khi gặp bất bình đẳng trong đối xử, trong phân phối thu nhập chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập.

Để tiếp tục thực hiện Luật Bình đẳng giới đạt hiệu quả cao hơn, đưa Luật ngày càng đi sâu vào cuộc sống, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trên địa bàn trên địa bàn thành phố Cần Thơ (ngày 29-8-2017), Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Thành phố và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các quận, huyện, xã, phường, thị trấn của thành phố đã thống nhất trong thời gian tới cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ các cấp tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới với những hình thức và nội dung đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về quan điểm, định hướng, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phát huy tốt nhiệm vụ tham gia khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ nữ và vai trò tham mưu cho Thành ủy về công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong cơ cấu nhân sự của hệ thống chính trị.

Thứ ba, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo nhiều điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò, vị thế và năng lực hoạt động, cống hiến của mình trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời tăng cường công tác ở cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ, kịp thời có những giải pháp và đề xuất giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên và quần chúng phụ nữ.

Thứ tư, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp tăng cường tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình công tác hằng năm của Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ; chú trọng lồng ghép hoạt động của Ban vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, trong đó ưu tiên cho hoạt động và sự phát triển của phụ nữ, nhất là ở những lĩnh vực mà phụ nữ còn tham gia hạn chế.

Thứ năm, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ từ cấp quận, huyện đến phường, xã, thị trấn; rà soát, bổ sung, điều chỉnh Quy chế hoạt động của Ban cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn về kiến thức bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ này ở các tất cả các cấp, các ngành.

Thứ sáu, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới ở các cấp, các ngành; qua đó phổ biến, nhân rộng các mô hình, các gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Luật và các hoạt động bình đẳng giới để các địa phương, đơn vị học tập và làm theo. Trong đó, chú trọng hỗ trợ nguồn kinh phí từ ngân sách và có giải pháp huy động từ nhiều nguồn khác để triển khai những mô hình hay ở các phường, xã, thị trấn.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và pháp luật, chính sách đối với phụ nữ. Qua đó, kịp thời kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những hạn chế, yếu kém, sai phạm, đưa pháp luật về bình đẳng giới và pháp luật, chính sách đối với phụ nữ ngày càng đi sâu vào cuộc sống; tăng cường vai trò, vị thế, quyền và trách nhiệm của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội./.