Hà Nội tích cực xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong bối cảnh mới
TCCS - Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của khu vực phòng thủ cũng như vị trí chiến lược quan trọng của Thủ đô trong thế trận phòng thủ chung của cả nước, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng toàn dân của Thủ đô ngày càng vững chắc.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh
Đảng ta đã xác định, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh là hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng, là một chỉnh thể thống nhất trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương, giúp đỡ nhau cùng phát triển, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để bảo vệ vững chắc địa phương nói riêng và Tổ quốc nói chung trong mọi tình huống, yêu cầu khách quan phải gắn chặt xây dựng nền quốc phòng toàn dân với nền an ninh nhân dân; đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Khi quốc phòng - an ninh vững mạnh sẽ tạo ra một hành lang an toàn để nhân dân trên địa bàn yên tâm phát triển kinh tế.
Quán triệt quan điểm của Đảng, lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của Thủ đô phát triển. Với chủ trương mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có bước đổi mới, chính trị ổn định, trật tự kỷ cương xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân được cải thiện.
Cùng với xây dựng tiềm lực chính trị và tiềm lực kinh tế - xã hội, Hà Nội tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quân sự, công an, đã thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Một số nét nổi bật trong xây dựng khu vực phòng thủ của Hà Nội
Trong thời gian qua, với sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy thành phố Hà Nội, nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ của Thủ đô đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Hà Nội ngày càng vững chắc. Điều đó thể hiện rõ trong việc Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân thành phố về “Xây dựng khu vực phòng thủ thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về quốc phòng trên địa bàn được tăng cường; kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Chương trình 06 của Thành ủy về xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội (ban hành năm 2009); Chương trình 05 về tăng cường công tác quốc phòng - an ninh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác quốc phòng - an ninh đến năm 2016; Quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo của Ủy ban nhân dân thành phố… đã tạo sự đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh được thể hiện rất rõ trong xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều công việc quan trọng liên quan đến công tác phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh đã được thành phố triển khai, như: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ thành phố (2010 - 2015)…
Để xây dựng tiềm lực quốc phòng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, trong nhiệm kỳ qua, thành phố đã không ngừng xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có phẩm chất chính trị và sức chiến đấu cao, là lực lượng nòng cốt bảo vệ Thủ đô. Lực lượng vũ trang Thủ đô luôn nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phối hợp chặt chẽ các lực lượng làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Công tác giáo dục quốc phòng được đổi mới bằng việc đưa vào chương trình chính khóa tại các trung tâm giáo dục bồi dưỡng chính trị địa phương và hệ thống trường học. Qua đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đúng nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở.
Đặc biệt, thực hiện Đề án đào tạo cán bộ Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã nâng cao chất lượng cán bộ. Tính đến năm 2015, 100% cán bộ quân sự cấp xã trên địa bàn thành phố có trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở, trong đó 41% đạt trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành. Hà Nội phấn đấu trong những năm tới, 80 % cán bộ quân sự cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện Luật Dân quân tự vệ. Tỷ lệ dân quân nòng cốt đạt 1,31% dân số, biên chế theo hướng “tinh - gọn - mạnh”. Hằng năm, 100% đơn vị dân quân tự vệ hoàn thành nội dung huấn luyện gắn với thực hiện công tác dân vận, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo. Công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên của Hà Nội luôn đạt yêu cầu. Công tác huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ được chú trọng chỉ đạo, cơ chế hoạt động quốc phòng - an ninh được vận hành tốt. Mỗi năm có 25% xã, phường, thị trấn tổ chức diễn tập chiến đấu trị an; 20% quận, huyện, thị xã diễn tập phòng thủ. Ngoài ra, các hoạt động diễn tập phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn… được tổ chức thường xuyên, thể hiện rõ trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô trước tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Nét nổi bật trong công tác quốc phòng của thành phố Hà Nội là công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Thành phố ban hành chỉ thị về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ với mục tiêu phấn đấu từ 30% trở lên tân binh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; chỉ đạo các địa phương thực hiện chặt chẽ việc đăng ký, nắm nguồn, sơ tuyển tại chỗ từ cấp xã, phường đến công tác khám tuyển. Do vậy, trong nhiều năm nay, thành phố Hà Nội hoàn thành 100% chỉ tiêu, bảo đảm đúng luật định, công khai, dân chủ.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ đột xuất khác. Năm năm qua đã có hơn 150.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia dập tắt 1.396 vụ cháy và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô đã góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của nhân dân; được cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá cao. Cụ thể hóa phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô chung sức xây dựng nông thôn mới”, lực lượng vũ trang Thủ đô đã giúp đỡ nhân dân hàng chục nghìn ngày công, hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn nhiều tỷ đồng, góp phần xóa đói - giảm nghèo…
Để tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc
Để tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 25-10-2013, “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, của Bộ Chính trị khóa X, ngày 22-9-2008, “Về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 24-NQ/TƯ, ngày 16-4-2018, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về chiến lược quốc phòng Việt Nam”; Luật Quốc phòng năm 2018; Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội, “Về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020”; Chương trình số 09-Ctr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội, “Về tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025”…, Hà Nội xác định tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ, trọng tâm là Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-2-2019, của Chính phủ, ”Về khu vực phòng thủ”..., thông qua việc tổ chức tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; trong đó, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Đồng thời, tích cực tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và Thủ đô bằng các chuyên mục, phóng sự, tin, bài, ảnh,… Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm; huy động sức mạnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng trong xây dựng khu vực phòng thủ.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường quốc phòng - an ninh; quốc phòng - an ninh với kinh tế, tạo nguồn lực vật chất, kỹ thuật xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc trên địa bàn thành phố.
Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Đây là nguyên tắc, vấn đề quan trọng hàng đầu, nhân tố quyết định bảo đảm cho việc xây dựng khu vực phòng thủ tiến hành đúng hướng, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của thành phố, cấp ủy, chính quyền kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, xây dựng chương trình hành động, triển khai hướng dẫn thực hiện tới các cấp, các ngành và toàn dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, coi trọng giáo dục truyền thống để mọi cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tự hào sâu sắc, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng và Nhà nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong xây dựng khu vực phòng thủ. Để thực hiện tốt giải pháp này, cấp ủy, chính quyền thành phố cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền gần dân, bám sát nhân dân, hiểu dân, chăm lo cho nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện nghiêm chế độ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu; chủ động nắm chắc và dự báo đúng tình hình, kịp thời xử trí hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống căn cứ chiến đấu, bổ sung, hoàn thiện thế trận khu vực phòng thủ phù hợp với thực tiễn nhằm tăng cường tiềm lực, thế trận, sức mạnh của khu vực phòng thủ; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, đồng thời làm tốt công tác dân vận, thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng về công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ ở các cấp trên địa bàn thành phố./.
Công tác dân vận với việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội  (01/11/2022)
Xây dựng mô hình “một cửa” đồng bộ, hiện đại - Điểm sáng trong giải quyết thủ tục hành chính ở thành phố Hà Nội  (30/10/2022)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm