Bàn về chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm
TCCS - Ngày 08-11-2016, cử tri Mỹ đã lựa chọn ông Đô-nan Trăm - một tỷ phú và là người “ngoại đạo” trên chính trường, trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Đầu tháng 01-2017, ông Đ. Trăm nhậm chức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến vô cùng phức tạp, không chỉ đe dọa đến vị thế toàn cầu và an ninh quốc gia của nước Mỹ, mà còn tác động mạnh mẽ tới cá nhân tân Tổng thống về các vấn đề quốc tế cũng như chính sách đối ngoại của nước này, nhất là chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương - một địa bàn chiến lược của Mỹ.
Tầm nhìn về đối ngoại của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm
Quan điểm của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm về đối ngoại được thể hiện rõ nhất trong bài phát biểu của ông khi vận động tranh cử vào ngày 26-4-2016, với 6 điểm cơ bản sau:
Một là, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cụm từ này đã được sử dụng để vận động phiếu bầu của cử tri khi tranh cử. Đây là một khẩu hiệu tranh cử mang tính dân tộc chủ nghĩa, báo hiệu xu hướng quay vào bên trong. Hiện nay, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã trở thành mục tiêu chiến lược của Mỹ cả về đối nội và đối ngoại.
Hai là, cho rằng nước Mỹ bị thách thức bởi nhiều mối đe dọa, trong đó nghiêm trọng nhất là mối đe dọa đến từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nguy cơ khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Do vậy, Chính phủ sẽ tăng đầu tư cho quân đội, sử dụng sức mạnh để bảo đảm hòa bình, an ninh quốc gia, cả ở bên trong và bên ngoài nước Mỹ.
Ba là, cắt giảm một số cam kết quốc tế bởi cho rằng, nước Mỹ đã gánh vác quá nhiều trách nhiệm quốc tế, trong khi không ít đồng minh, đối tác của Mỹ “được bảo đảm an ninh mà không phải trả tiền”, đồng thời yêu cầu các đồng minh, đối tác phải tăng chi phí, tăng đóng góp và gánh vác trách nhiệm nhiều hơn.
Bốn là, đặc biệt lo ngại về các khoản thâm hụt thương mại khổng lồ trong quan hệ với nhiều nước, chủ yếu là với các nước láng giềng, như Mê-hi-cô, Ca-na-đa, các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Vì thế, Mỹ sẽ rút khỏi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà tân Tổng thống cho là bất công đối với Mỹ hoặc là phải đàm phán lại để bảo đảm “thương mại công bằng”.
Năm là, chỉ trích làn sóng người nhập cư, bởi cho rằng nước Mỹ bị suy yếu, người Mỹ bị mất việc làm là do người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới ồ ạt nhập cảnh vào Mỹ. Do vậy, cần phải tăng cường kiểm soát biên giới, tiến hành ngăn chặn, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp để tạo thêm các cơ hội việc làm cho người Mỹ.
Sáu là, xem xét lại nhiều thỏa thuận, hiệp định quốc tế mà chính quyền tiền nhiệm đã tham gia, hoặc đã đàm phán ký kết, như Thỏa thuận hạt nhân với I-ran, Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu, việc bình thường hóa quan hệ với Cu-ba, Mi-an-ma...
Cách nhìn nhận, tư tưởng rất khác biệt và không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích vốn đã định hình từ lâu trong nền chính trị Mỹ của Tổng thống Đ. Trăm đã có ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách đối ngoại nói chung và chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nói riêng. Do vậy, đến nay, sau 9 tháng cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm vẫn chưa ổn định được bộ máy nhân sự cả trong Nhà trắng, Bộ Ngoại giao lẫn trong nhiều cơ quan liên quan tới công tác đối ngoại. Thực tế trên cho thấy, nước Mỹ dường như đang phản ứng bị động và chạy theo tình hình thực tế hơn là có một đường lối và chính sách đối ngoại chủ động, nhất quán. Điều này đã tác động không nhỏ tới lòng tin và quan hệ của các đồng minh, đối tác chủ chốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với Mỹ.
Ưu tiên và ủng hộ đồng minh nhưng yêu cầu phải chia sẻ nhiều hơn
Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã có những điều chỉnh chính sách theo hướng tiếp tục ủng hộ đồng minh nhưng đồng thời cũng gia tăng sức ép để buộc các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương phải tăng chi phí, gánh vác trách nhiệm lớn hơn.
Trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã có ít nhất hai chuyến thăm Mỹ, trực tiếp trao đổi với Tổng thống Đ. Trăm và nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ về quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ và sự cần thiết phải duy trì quan hệ đồng minh này. Về phía Mỹ, lần lượt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Mát-ti (James Mattis) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rếch Tin-lơ-xơn (Rex Tillerson) đã thăm Nhật Bản, khẳng định các cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản và coi Nhật Bản là đồng minh quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi bản sửa đổi Định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật Bản hoàn thành, đến nay chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm vẫn nghiêm chỉnh thực thi các cam kết về hợp tác toàn diện với Nhật Bản. Tuy nhiên có hai điểm đáng lưu ý là: 1- Mỹ “bật đèn xanh” trong việc Nhật Bản gánh vác trách nhiệm an ninh lớn hơn, đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong các vấn đề an ninh khu vực; 2- Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đã cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chất lượng cao ở Mỹ, tạo ra hàng vạn việc làm cho người Mỹ trong tương lai.
Với Hàn Quốc, các quan chức của cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay liên minh Mỹ - Hàn Quốc đang đứng trước nhiều thử thách mới, như việc xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD), chia sẻ chi phí phòng thủ, chuyển giao quyền chỉ huy lực lượng liên hợp (OPCON); việc đàm phán lại FTA Mỹ - Hàn Quốc,... Vấn đề THAAD đã trở thành tâm điểm đấu tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Ban đầu dư luận Hàn Quốc rất ủng hộ việc nước này triển khai THAAD (tháng 02-2016), nhưng sau khi Trung Quốc công khai phản đối và trả đũa Hàn Quốc về THAAD, sự ủng hộ của dư luận đã giảm mạnh (đầu năm 2017). Gần đây, khi Triều Tiên thử tên lửa ICBM (tháng 9-2017), dư luận ủng hộ triển khai THAAD lại tăng mạnh. Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in trước đây có xu hướng muốn xem xét lại tác động môi trường của vấn đề THAAD và muốn Quốc hội Hàn Quốc phải bàn cũng như bỏ phiếu thông qua việc triển khai THAAD(1), nay đã thay đổi lập trường, cho phép triển khai mạnh mẽ các khẩu đội THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Quan hệ đồng minh Mỹ - Ô-xtrây-li-a cũng bị tác động không nhỏ và đã xuất hiện một số trục trặc ban đầu, chẳng hạn như về thỏa thuận tiếp nhận người nhập cư gốc Trung Đông vào Mỹ từ Ô-xtrây-li-a. Tổng thống Đ. Trăm muốn xóa bỏ thỏa thuận đã đạt được từ thời Tổng thống tiền nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Giu-li-a Bi-sốp (Julia Bishop) đã nhiều lần phát biểu khẳng định giá trị của đồng minh Ô-xtrây-li-a - Mỹ và cam kết hợp tác lâu dài của Ô-xtrây-li-a với Mỹ nhằm duy trì hòa bình, trật tự khu vực và luật pháp quốc tế.
Quan hệ của Mỹ với hai đồng minh ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Á - Thái Bình Dương là Phi-líp-pin và Thái Lan thời gian qua cũng có những biểu hiện chưa thật sự rõ nét. Quan hệ Mỹ - Phi-líp-pin không còn gần gũi như trước do Tổng thống Phi-líp-pin Rô-đri-gô Đu-tê-tê, sau khi lên nhậm chức, đã tỏ ra không mặn mà với Mỹ và quay sang điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ - Thái Lan chưa có nhiều tiến triển thực chất kể từ khi diễn ra đảo chính lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Thạc-xỉn Xin-vắt. Mặc dù hiện nay quan hệ Mỹ - Thái Lan đang có dấu hiệu khởi động trở lại, nhưng giữa hai bên vẫn còn một chặng đường dài và nhiều việc cần phải giải quyết.
Cứng rắn hơn với Trung Quốc
Quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ chủ chốt nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, có thể thấy rõ quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn trong khuôn khổ vừa hợp tác, vừa đấu tranh, nhưng là mối quan hệ có nhiều sóng gió nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực. Ngay từ khi còn đang tranh cử, ông Đ. Trăm đã coi Trung Quốc chủ yếu là đối tượng, chứ không phải là đối tác. Từ khi lên cầm quyền, chính quyền của ông Đ. Trăm đang dần định hình một chính sách ngày càng cứng rắn hơn với Trung Quốc trên hầu hết các vấn đề song phương cũng như các vấn đề an ninh khu vực, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề Biển Đông. Cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ. Trăm dựa trên nhận thức về “mối đe dọa từ Trung Quốc” và rằng cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Cuộc điện đàm bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Đ. Trăm và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (tháng 12-2016) báo hiệu sự cứng rắn hơn của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù sau đó tình hình đã hạ nhiệt, nhưng những động thái, như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, hay gần đây nhất là việc Mỹ và Đài Loan dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận về việc Đài Loan sẽ cung cấp hậu cần, tiếp nhiên liệu cho các lực lượng Mỹ hoạt động ở biển Hoa Đông sẽ tác động mạnh tới quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan và tình hình an ninh khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, Mỹ không ngừng gây sức ép với Trung Quốc trên nhiều vấn đề, như vấn đề dư thừa công suất, thâm hụt thương mại, quyền sở hữu trí tuệ... Đặc biệt, Mỹ đã lên danh sách 16 quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó Trung Quốc đứng vị trí số 1 với tổng thặng dư thương mại hằng năm đạt mức rất cao là 357 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Đ. Trăm cũng đã ký lệnh điều tra một số doanh nghiệp Trung Quốc, trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc với lý do có quan hệ hợp tác với các công ty của Triều Tiên...
Sau cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung Quốc (tháng 5-2017), quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã có phần dịu hơn khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình xây dựng được quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ Đ. Trăm. Hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc nâng cấp cơ chế đối thoại cấp cao và tách Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung Quốc (S&ED) thành bốn cơ chế đối thoại riêng rẽ. Trung Quốc cũng đã có những nhượng bộ Mỹ về vấn đề Triều Tiên, như gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, ngừng nhập khẩu than và nhiều loại sản phẩm, khoáng sản của Triều Tiên,... Mỹ và Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận 100 ngày về việc giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ... Tuy nhiên, hợp tác Mỹ - Trung Quốc trên các lĩnh vực khác, như quốc phòng - an ninh, các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm không có bước tiến thực chất. Ông Đ. Trăm gần đây còn công khai bày tỏ thất vọng đối với sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tóm lại, quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang đi dần vào ổn định hơn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và về cơ bản không có nhiều thay đổi về chất.
Ưu tiên cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh”
Mặc dù chính quyền Mỹ hiện nay tuyên bố công khai từ bỏ chính sách tái cân bằng của người tiền nhiệm, nhưng đến nay chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm vẫn chưa định hình một chiến lược hoàn chỉnh khác ở châu Á - Thái Bình Dương để thay thế. Thay vào đó, cá nhân ông Đ. Trăm và những quan chức hàng đầu của Mỹ hiện mới chỉ tập trung vào một số điểm chính then chốt như:
Thứ nhất, ở khu vực Đông Bắc Á, từ khi Triều Tiên liên tục thử tên lửa, đặc biệt là vụ thử tên lửa ICBM, vấn đề Triều Tiên đã trở thành thách thức an ninh hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mỹ đang bố trí lại lực lượng quân sự ở khu vực theo hướng tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chiến lược, như máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược và cũng không loại trừ sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Hàn Quốc bên cạnh việc triển khai hệ thống THAAD giai đoạn cuối... Bên cạnh đó, Mỹ gia tăng tối đa sức ép chính trị, ngoại giao lên Triều Tiên ở tất cả các cấp độ, từ Liên hợp quốc cho tới quan hệ song phương và tại các cơ chế đa phương khu vực.
Thứ hai, ở khu vực Đông Nam Á, các quan chức Mỹ vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định, trật tự dựa trên luật pháp ở khu vực. Ở Biển Đông, Mỹ đã nối lại các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trên biển, thậm chí tiến vào trong phạm vi 12 hải lý của nhiều thực thể mà Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Mỹ cũng gia tăng sự hiện diện của các lực lượng quân sự trên Biển Đông, kể cả biển Hoa Đông, khu vực biển Xê-lê-bê (Celebes) và eo biển Ma-lắc-ca.
Cách tiếp cận hiện nay của Mỹ ở trên các vùng biển trong khu vực cho thấy rõ xu hướng ưu tiên quân sự và chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về “hòa bình thông qua sức mạnh”.
Chưa thể hiện rõ chính sách đối với các cấu trúc đa phương của khu vực
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang tồn tại song song hai hệ thống cấu trúc khu vực về kinh tế - thương mại và chính trị an ninh, có tác dụng bổ sung và tương hỗ cho nhau nhằm duy trì hòa bình, ổn định và trật tự khu vực. Hai hệ thống này có đặc điểm là đa tầng nấc, đa chủ thể tham gia với sự đan xen lợi ích dày đặc của các nước trong và ngoài khu vực. Một số cấu trúc do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt với sự tham gia sâu rộng của tất cả các nước lớn, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc. Một số cấu trúc, đặc biệt là các liên minh của Mỹ ở khu vực, chủ yếu tập trung vào vấn đề quốc phòng - an ninh, được thiết lập từ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Dưới thời của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, Mỹ rất tích cực tham gia các cơ chế nêu trên và ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Tuy nhiên, từ khi lên cầm quyền đến nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm vẫn chưa có những biểu hiện rõ rệt trong chính sách đối với các cấu trúc đa phương khu vực.
Trong lĩnh vực kinh tế, lợi ích của Mỹ ở khu vực là rất lớn. Tuy nhiên, ông Đ. Trăm có cách tiếp cận và quan điểm khác với quan điểm của người tiền nhiệm. Theo đó, ông Đ. Trăm đã chỉ đạo rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây sức ép đàm phán lại FTA với Hàn Quốc... Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Mỹ tỏ ra thận trọng hơn trong việc đề ra các ý tưởng, muốn thúc đẩy thương mại “công bằng” theo kiểu Mỹ.
Trong lĩnh vực an ninh, tuy Mỹ vẫn cam kết với các đối tác khu vực, nhưng đến nay vẫn chưa rõ Tổng thống Đ. Trăm có tham dự các cơ chế khu vực quan trọng, như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN... dự kiến diễn ra vào tháng 11-2017 tại Phi-líp-pin hay không. Do ngân sách bị cắt giảm, do chưa tìm được trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á mới để thay thế ông Đa-ni-en Rút-xen (Daniel Russe), nên dư luận cho rằng, Mỹ sẽ ít quan tâm hơn tới các vấn đề, các cơ chế của Đông Nam Á và ASEAN; sẽ cắt giảm hỗ trợ cho các nước ASEAN trong các vấn đề an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, nguồn nước sông Mê Công... tạo ra khoảng trống quyền lực, dễ đẩy các nước ASEAN xích lại gần các nước lớn khác đang muốn gia tăng vai trò và ảnh hưởng ở khu vực.
Các thách thức đặt ra ngày càng lớn
Nước Mỹ hiện đang có quá nhiều thách thức, cả ở bên trong và bên ngoài. Bên trong nội bộ Mỹ là sự mâu thuẫn, đấu tranh giữa các lực lượng chính trị khác nhau, đặc biệt là giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, giữa hành pháp và lập pháp, giữa chính quyền với giới truyền thông... Sự hụt hẫng về nhân sự làm công tác đối ngoại, việc đường lối chưa định hình rõ nét, chưa có một quy trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại hợp lý đã và đang đặt ra những thách thức lớn đối với niềm tin của các đối tác khu vực vào vai trò và vị thế của Mỹ. Tính bất định và yếu tố khó lường trong quan hệ với Mỹ đang tăng lên.
Đối với bên ngoài nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, có không ít đồng minh, đối tác tuy vẫn hợp tác nhưng tỏ ra không hài lòng với quan điểm và cách ứng xử của chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm. Cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là nguy cơ hình thành sự đối đầu và cạnh tranh giữa một bên là Mỹ - Nhật Bản và một bên là Trung Quốc - Nga, có thể buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn bên này hoặc bên kia. Điều đó nếu xảy ra sẽ không có lợi cho bất cứ ai.
Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, sự nóng lên đột ngột của nhiều “điểm nóng” ở khu vực... không thể được giải quyết chỉ bằng các giải pháp quân sự thuần túy. Mỹ không thể làm ngơ trước các thách thức nêu trên, nhưng Mỹ cũng không còn đủ sức để tự mình giải quyết mọi vấn đề. Nước Mỹ rất cần sự hợp tác của các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, các đối tác ở khu vực, như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ... đang buộc phải điều chỉnh chính sách, tăng cường vai trò và sức mạnh quốc phòng. Điều này làm cho tình hình khu vực ngày càng trở nên khó đoán định.
Dư luận cho rằng, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang thiếu một “nhạc trưởng” về đối ngoại, thiếu sự cân bằng và phối hợp chính sách, thiên về khả năng sử dụng sức mạnh quân sự là chính. Tuy vẫn cam kết với khu vực, nhưng trên thực tế Mỹ chưa có những bước triển khai thực chất. Những điều chỉnh trên đây tác động mạnh tới an ninh khu vực, đặt ra nhiều thách thức hơn là cơ hội. Nhiều khả năng trong thời gian tới, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm sẽ còn tiếp tục điều chỉnh chính sách đối với khu vực, chính vì vậy các nước vẫn theo dõi rất sát sao để có thể đánh giá đầy đủ về những thay đổi và tác động của những thay đổi này, từ đó có những đối sách kịp thời, phù hợp./.
-------------------------------------------------------------------------
(1) 63,7% số người dân Hàn Quốc được hỏi đồng ý với quan điểm của ông Mun Chê-in về vấn đề này
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến ngày 17-12-2017)  (20/12/2017)
Một số giải pháp lãnh đạo sản xuất kinh doanh hiệu quả: Kinh nghiệm từ Đảng bộ Công ty Điện lực Tuyên Quang  (20/12/2017)
Một số giải pháp lãnh đạo sản xuất kinh doanh hiệu quả: Kinh nghiệm từ Đảng bộ Công ty Điện lực Tuyên Quang  (20/12/2017)
Cái sự... chọn người  (20/12/2017)
Đồng chí Phạm Gia Túc làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương  (20/12/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên