Kinh nghiệm trong nước về liên kết phát triển kinh tế du lịch và bài học cho vùng đồng bằng sông Hồng

TS Trần Thị Ngọc Minh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
11:18, ngày 03-03-2025

TCCS - Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nước ta, trong đó có ngành kinh tế du lịch. Nhiều quốc gia đã đầu tư rất lớn cho phát triển kinh tế du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn và cạnh tranh, đẩy mạnh các chiến dịch xúc tiến quảng bá nhằm mở rộng thị phần. Chính vì thế, liên kết để cùng phát triển là vấn đề bức thiết đặt ra trong quá trình phát triển của ngành kinh tế du lịch Việt Nam nói chung, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng trong giai đoạn tới.

Kinh nghiệm trong nước về liên kết phát triển kinh tế du lịch

Liên kết phát triển kinh tế du lịch là sự thiết lập các mối quan hệ giữa các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong vùng hoặc giữa vùng này với vùng khác trong cả nước, liên kết, hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế du lịch, nhằm mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) liên địa phương, liên vùng. Ở Việt Nam, các vùng kinh tế trên cả nước đã có nhiều chính sách, biện pháp liên kết để phát triển kinh tế du lịch, đạt được những kết quả nhất định và để lại một số kinh nghiệm.  

Thứ nhất, liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững của vùng Trung du và miền núi phía Bắc(1).

(i) Các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đều chọn phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn hoặc quan trọng, là khâu đột phá để phát triển KT-XH, góp phần phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa.

(ii) Cơ chế liên kết, hợp tác và hội đồng điều phối chung của toàn vùng bước đầu được thiết lập. Quyết định số 975/QĐ-TTg, ngày 19-8-2023, của Thủ tướng Chính phủ, về thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và miền núi phía Bắc(2). Trong đó có nhiệm vụ điều phối liên kết các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng. Điều này làm cho các hoạt động liên kết du lịch của các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đi vào thực chất hơn, tạo đà cho quá trình liên kết vùng của lĩnh vực du lịch các địa phương này phát triển. Tiếp theo đó, Quyết định số 55/QĐ-HĐĐPTDMNPB, ngày 7-9-2023, của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc(3). Quy chế quy định cụ thể phương thức điều phối về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng các cơ chế, chính sách; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

(iii) Các mô hình liên kết và chuỗi sản phẩm du lịch nội vùng được xây dựng và đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả cao. Mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong chương trình “Du lịch về cội nguồn” (năm 2005); sự kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch “Cội nguồn đất Tổ”, “Đất ngọc Lục Yên”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao” (năm 2008). Mô hình liên kết giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng hình thành để phát triển du lịch bằng dự án “Cung đường Tây Bắc”; chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” khám phá “tứ đại đèo” ở Tây Bắc; Những nẻo đường Tây Bắc; Tây Bắc mùa hoa nở; tour về miền đất Tổ - Cội nguồn dân tộc(4).

(iv) Các địa phương trong vùng đã mở rộng liên kết liên vùng trong hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động liên kết các trung tâm xúc tiến du lịch miền Bắc được tổ chức và ký kết biên bản ghi nhớ về liên kết phát triển du lịch giữa 16 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hòa Bình về các nội dung: thúc đẩy sự trao đổi thông tin về các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, liên hoan, hội chợ về du lịch; hỗ trợ trong các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; kết nối, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng vùng, miền. Năm 2022, đã tổ chức “Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội”(5). Các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc coi trọng liên kết giữa vùng với các vùng khác trong cả nước và liên kết quốc tế; đặc biệt chú trọng đến liên kết nội vùng giữa các tỉnh Chiến khu Việt Bắc; liên kết giữa các cơ quan Trung ương, các cơ quan đã đóng quân ở Việt Bắc trong kháng chiến.

Tuy nhiên, trong quá trình liên kết phát triển vẫn còn gặp những hạn chế nhất định. Cơ chế hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng đa số chỉ nằm ở các cuộc hội thảo, bản ghi nhớ; chưa có một quy chế cụ thể cho riêng lĩnh vực liên kết du lịch. Liên kết phát triển sản phẩm du lịch còn đơn điệu, manh mún, trùng lặp, chưa phát huy lợi thế riêng có của vùng du lịch cộng đồng đặc trưng gắn với văn hóa dân tộc và các điểm du lịch đặc thù. Liên kết vi mô và liên kết nội vùng còn yếu và thiếu. Hợp tác và liên kết du lịch trong vùng không thực sự cân xứng, do phát triển không đồng đều của du lịch các tỉnh trong vùng.

Thứ hai, liên kết du lịch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung(6).

(i) Các địa phương trong vùng và 3 tiểu vùng thường xuyên trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch ngắn và dài hạn, tình hình hoạt động du lịch, tình hình thị trường, phát triển sản phẩm, kế hoạch xúc tiến và các chính sách đối với cộng đồng, doanh nghiệp; kinh nghiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ du lịch. Xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, minh bạch, bình đẳng; không ngừng làm mới và bổ sung các sản phẩm du lịch có chất lượng, có đặc trưng riêng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế về du lịch của từng địa phương.

(ii) Các tỉnh thuộc tiểu vùng Bắc Trung bộ đã hình thành tổ chức phối hợp chung trong xây dựng chiến lược và phát triển sản phẩm du lịch cụm liên kết 4 tỉnh, gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trên cơ sở liên kết, bước đầu đã hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính liên vùng dựa trên kết hợp giữa sản phẩm du lịch các địa phương trong vùng. Tập trung đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của Quảng Trị với các địa phương lân cận để hình thành những tuyến, điểm du lịch đặc trưng(7).

(iii) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thống nhất xác định các nội dung ưu tiên liên kết, trong đó có liên kết du lịch. Liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, liên kết trong lĩnh vực vận tải; xây dựng Đề án cơ chế đặc thù phát triển du lịch miền Trung. Các tour du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Ba địa phương một điểm đến” đã được hình thành(8). Liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

(iv) Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thực hiện liên kết với khu vực và quốc tế thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), đi qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, là một trong 3 hành lang kinh tế chính thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS)37; tại Việt Nam, bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và tới thành phố Đà Nẵng. Hoạt động tuyến EWEC đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, giao thông vận tải, du lịch(9).

(v) Phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong điều phối liên kết phát triển du lịch vùng. Hội đồng điều phối vùng chủ trì, điều phối việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thứ bậc và tính tích hợp giữa các quy hoạch. Xác định các lĩnh vực chủ yếu cần phối hợp gồm: hệ thống giao thông kết nối; logistics; hạ tầng công nghệ thông tin; phát triển các khu du lịch; giáo dục; các bệnh viện,… Nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm hình thành các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh. Phân định rõ nhiệm vụ của từng địa phương và các tiểu vùng; xác định và xây dựng được sản phẩm đặc trưng của vùng, lựa chọn những dự án để tạo ra những động lực và tạo sự lan tỏa.

Tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền, quảng bá giữa các địa phương chưa có sự đồng bộ và liên tục. Liên kết du lịch vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; các hình thức liên kết vùng chỉ dừng lại ở mức độ xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết. Nội dung liên kết chú trọng đến liên kết lĩnh vực kinh tế, mà chưa chú trọng nhiều đến giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội.

Thứ ba, liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ(10).

Kinh nghiệm về hoạt động liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ có thể kể đến gồm: Một là, thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025 đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng ký kết(11). Từ việc ký kết này, giúp các địa phương trong vùng thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin về các sản phẩm du lịch; thông tin về thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa, quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương. Hiệp hội Du lịch vùng Đông Nam bộ (Nhóm STA) được thành lập nhằm liên kết du lịch các tỉnh trong vùng và mở rộng liên kết với một số tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai là, nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức hiệu quả tại các hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức và trên các phương tiện truyền thông. Công tác đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm. Các chuyên đề về hướng dẫn viên du lịch tại điểm; quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch; quản lý mô hình khách sạn nhỏ và homestay được tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong công tác quản lý nhà nước, các tỉnh, thành thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin sản phẩm du lịch; thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch. Ba là, nhiều tour, tuyến du lịch liên kết các điểm đến ở nhiều tỉnh với nhau đã tổ chức được tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cụ thể, tour Thành phố Hồ Chí Minh - Hồ Tràm - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo, Thành phố Hồ Chí Minh - Củ Chi - núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh); tuyến du lịch “Hương sắc Tây Ninh” hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - núi Bà Đen; tour “Về nguồn” Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam; tuyến du lịch “Tình đất đỏ miền Đông” theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; tour “Thiên nhiên xanh mát - Sắc biển hòa ca” theo hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu(12)… Các tỉnh trong vùng thực hiện hoán vị các dịch vụ, điểm đến để hình thành nhiều tour, tuyến mới mẻ, đồng thời gắn kết sự khác biệt để tạo sức mạnh cho toàn vùng. Bốn là, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc phối hợp triển khai các nội dung liên kết phát triển du lịch với nhiều hoạt động sáng tạo, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch. Tạo ra các sản phẩm du lịch cụ thể của từng tỉnh thành, đặc trưng, khác biệt, không trùng lắp ở các vùng khác. Tìm kiếm và chọn lọc những điểm đến nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, bao gồm AI vào hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến, xây dựng sản phẩm mới, đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, trong quá trình đó, việc liên kết vẫn mang tính chất phong trào, chưa có chiều sâu, chưa tạo được sức mạnh toàn diện trong cộng đồng doanh nghiệp toàn vùng. Toàn vùng chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu về lượng khách, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ, điểm đến mới nên khó có cái nhìn tổng thể trong dự báo, xây dựng chiến lược cho vùng. 

Thứ tư, liên kết du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long(13).

Liên kết du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch đồng bằng sông Cửu Long và và Kiên Giang đã được tổ chức; Thành lập các cụm hợp tác phía Đông (6 tỉnh) và phía Tây (7 tỉnh, thành phố) và giữa các hội viên Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng các tour, tuyến du lịch đặc thù. Thực hiện kết nối chặt chẽ du lịch giữa đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Bắc, cùng khai thác những lợi thế cạnh tranh của các địa phương, để du lịch của hai vùng ngày càng phát triển nhanh và bền vững. Liên kết về du lịch của các địa phương trong vùng với các tổ chức quốc tế, chủ yếu dưới dạng hợp phần nhỏ thuộc các dự án, như CIDA Sóc Trăng, Trà Vinh; AMD Bến Tre, Trà Vinh, và một số dự án, chương trình đào tạo khác. Tuy nhiên, việc liên kết phát triển du lịch còn có những hạn chế, như hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch còn thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.

Bài học kinh nghiệm cho vùng đồng bằng trong liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững

Trong những năm qua, việc liên kết phát triển kinh tế du lịch đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức, tư duy về liên kết phát triển kinh tế du lịch của các cấp lãnh đạo, quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương và người dân vùng đồng bằng sông Hồng dần được nâng cao. Nhiều địa phương trong vùng tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm kết nối và lan tỏa rộng khắp chuỗi sản phẩm du lịch. Liên kết giữa doanh nghiệp du lịch, người dân địa phương với du khách, giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, liên kết du lịch giữa các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với một số địa phương khác ngoài vùng đã được đẩy mạnh. Hợp tác, liên kết quốc tế về du lịch cũng đã được triển khai và đạt được hiệu quả nhất định.

Từ những hoạt động liên kết phát triển kinh tế du lịch của một số vùng trong cả nước, có thể rút ra một số kinh nghiệm mà vùng đồng bằng sông Hồng có thể nghiên cứu, vận dụng trong liên kết phát triển kinh tế du lịch, đó là:

Một là, nâng cao nhận thức, tư duy về liên kết phát triển kinh tế du lịch bền vững trong trong các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong vùng, trước hết là lãnh đạo, chính quyền các địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch. Coi liên kết là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng, gỡ bỏ tư duy “khép kín” trong phát triển kinh tế du lịch.

Hai là, chú trọng đến xây dựng các chương trình, kế hoạch liên kết phát triển du lịch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trên cơ sở phát triển KT-XH của từng địa phương và toàn vùng, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương trong chương trình liên kết, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch.

Ba là, phát huy tính chủ động trong liên kết du lịch vùng, liên kết cần đi vào thực chất, có chiều sâu, tạo được sức mạnh toàn diện; khắc phục tính lỏng lẻo, lúng túng, bị động, tính chất phong trào trong liên kết.

Bốn là, thiết lập cơ chế liên kết, hợp tác, phát huy vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong điều phối liên kết phát triển du lịch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối, liên kết du lịch vùng.

Năm là, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện các nội dung, hình thức liên kết phát triển kinh tế du lịch vùng; xây dựng các mô hình liên kết và chuỗi sản phẩm du lịch cụ thể trong từng giai đoạn để mang lại hiệu quả cao về KT - XH và môi trường.

Sáu là, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch, của mọi người dân trong thực hiện liên kết du lịch. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch có vai trò trụ cột trong hoạch định mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, tăng cường liên kết để nâng tầm du lịch của địa phương, của vùng. Hiệp hội du lịch vùng là chỗ dựa cho doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý về du lịch.

Bảy là, coi trọng cả liên kết du lịch giữa các địa phương trong vùng, liên kết giữa vùng với các vùng khác trong cả nước và liên kết, hợp tác quốc tế./.

---------------------

(1) Các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ
(2) Quyết định số 975/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc
(3) Quyết định số 55/QĐ-HĐĐPTDMNPB, ngày 7-9-2023, về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc
(4) Yên Hoa: Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng, baohagiang.vn,  ngày 29-10-2023
(5) Văn phòng Tỉnh ủy: Thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương, http://tinhuyhaiduong.vn, ngày 27-5-2024
(6) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được chia ra thành 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 5 tỉnh và thành phố: Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định
(7) Võ Văn Lợi: Giải pháp liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, https://kinhtevadubao.vn, ngày 9-7-2024
(8) Võ Văn Lợi: Giải pháp liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, https://kinhtevadubao.vn, ngày 9-7-2024
(9) Võ Văn Lợi: Giải pháp liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, https://kinhtevadubao.vn, ngày 9-7-2024
(10) Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển
(11) Gia Huy: Tăng cường liên kết, phục hồi du lịch vùng Đông Nam Bộ, https://dangcongsan.vn, ngày 30-11-2022
(12) Gia Huy: Tăng cường liên kết, phục hồi du lịch vùng Đông Nam Bộ, https://dangcongsan.vn, ngày 30-11-2022
(13) Đồng bằng sông Cửu Long gồm địa phận 13 tỉnh, thành phố là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau