Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá giữa Thái Lan và các nước Tiểu vùng sông Mekong

Nguyễn Quế Thương
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
09:04, ngày 10-10-2023

TCCS - Phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá là một trong những chiến lược quan trọng mà các nước Tiểu vùng sông Mekong hiện đang tập trung thực hiện, nhằm hỗ trợ tăng trưởng cho ngành du lịch. Chiến lược này góp phần phát triển du lịch, đem lại lợi ích kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao ngày càng tốt đẹp, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau và gắn kết về văn hóa - xã hội, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Là quốc gia có ngành du lịch phát triển nhất trong các nước Tiểu vùng sông Mekong, Thái Lan đặc biệt chú trọng hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch với các nước trong tiểu vùng.

Một số thành tựu trong phát triển du lịch của Thái Lan những năm gần đây

Trong Tiểu vùng sông Mekong, Thái Lan được đánh giá là quốc gia phát triển nhất về du lịch, trong đó hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch được coi là điểm mấu chốt của sự thành công và đưa ngành công nghiệp du lịch nước này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thái Lan liên tục đưa ra sáng kiến, xúc tiến và thực hiện một loạt các chương trình hợp tác song phương cũng như đa phương với tất cả các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong, như chương trình: “Ba quốc gia - một điểm đến” với Lào và Việt Nam, “hai vương quốc - một điểm đến” với Campuchia, “hai quốc gia - một điểm đến” với Myanmar, “Thái Lan - Trung Quốc sự kết hợp tuyệt vời” hay “ngao du trên dòng sông Mekong”...

Từ năm 2010 đến nay, Thái Lan không ngừng thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành “công nghiệp không khói”; nếu năm 2008, đón 14,5 triệu lượt khách, năm 2009, 2010 là 14,1 và 15,9 triệu lượt khách, với doanh thu hơn 16 tỷ USD(1), thì tới năm 2019, số khách quốc tế du lịch tới Thái Lan đã tăng lên 39,8 triệu lượt khách và doanh thu 92,6 tỷ USD(2). Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, du lịch các nước Tiểu vùng sông Mekong phần lớn bị đóng băng, tuy nhiên, năm 2020, Thái Lan vẫn thu hút được lượng khách du lịch quốc tế là 6,7 triệu lượt với doanh thu gần 10 tỷ USD và năm 2021 là 180 nghìn lượt khách, doanh thu 300 triệu USD(3). Năm 2022, du lịch Thái Lan hoạt động trở lại và đón 11,15 triệu lượt du khách quốc tế. Tính riêng từ tháng 1-2023 đến tháng 5-2023, Thái Lan đã đón tiếp 9,47 triệu lượt du khách quốc tế, chủ yếu là du khách từ các nước khu vực Đông Nam Á, minh chứng cho sự phục hồi ngoạn mục của “ngành công nghiệp không khói” của Thái Lan.

Thủ đô Bangkok (Thái Lan) - điểm đến đứng đầu danh sách 10 thành phố hàng đầu ở Đông Nam Á được du khách lựa chọn_Ảnh: Tư liệu 

Theo xếp hạng “Thành phố điểm đến toàn” cầu 2019 (Global Destination Cities Index) mới được Mastercard Inc công bố, Thủ đô Bangkok của Thái Lan là điểm đến số một toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019, khi thu hút hơn 22 triệu lượt khách quốc tế ở qua đêm. Đây là năm thứ tư liên tiếp Bangkok chiếm được vị trí hàng đầu trong chỉ số toàn cầu, xếp hạng các thành phố về số lượng khách du lịch qua đêm quốc tế, chi tiêu xuyên biên giới. Năm 2021, theo đánh giá của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Bangkok đứng vị trí thứ 3 châu Á - Thái Bình Dương (sau Tokyo và Beijing). Ngoài Bangkok, hai điểm đến khác của Thái Lan là Phuket và Pattaya năm 2020 lọt vào top 10 điểm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho du khách quốc tế, hai thành phố này lần lượt đứng ở vị trí thứ 7 và thứ 8 với 9,9 triệu và 9,4 triệu khách quốc tế qua đêm, là quốc gia duy nhất có ba thành phố trong top 10 điểm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương(4). Năm 2022, theo kết quả khảo sát do tập đoàn truyền thông BBC của Anh, Thái Lan đã trở thành điểm đến được du khách quốc tế ưa thích nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cùng năm, kết quả bình chọn do website du lịch nổi tiếng Travel & Leisure thực hiện, Thủ đô Bangkok của Thái Lan trở thành điểm đến đứng đầu danh sách 10 thành phố hàng đầu ở Đông Nam Á được du khách lựa chọn và Phuket, Samui chiếm hai vị trí đầu trong hạng mục “Những hòn đảo du lịch tốt nhất Đông Nam Á” năm 2022(5).

Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá của Thái Lan với các nước Tiểu vùng sông Mekong

Về phát triển sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch được hiểu là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách trong chuyến du lịch. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng quyết định khả năng thu hút khách đến với khu du lịch và điểm tham quan. Giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong có điều kiện thuận lợi để hình thành nhiều sản phẩm du lịch chung, cũng như nối tour, trao đổi đoàn khách, như các tuyến đường bộ xuyên quốc gia, đường thủy chung dòng Mekong, tập quán sinh hoạt sông nước của người dân, nền văn hóa Phật giáo, cũng như sự tương đồng và đa dạng về văn hóa trong khu vực… Nhờ đó, nhiều tour du lịch đã được kết nối, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đã ra đời. Trong đó, du lịch văn hóa, di sản, du lịch tự nhiên, du lịch cộng đồng, du lịch tàu biển, du lịch sông nước... là những loại hình sản phẩm được tập trung phát triển từ năm 2010 đến nay của Tiểu vùng sông Mekong và ASEAN nói chung.

Ngày 15 đến 18-6-2015, trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (sáu quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng gồm: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc), các nước đã cùng hợp tác triển khai Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2025, hướng tới mục tiêu đưa Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Các chiến lược phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và ASEAN đều nhấn mạnh vấn đề cần đa dạng sản phẩm du lịch trong vùng, mang nét độc đáo riêng có của từng quốc gia. Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong tiểu vùng, các quốc gia đã thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch vốn có trong tiểu vùng và tiếp tục thực hiện các hoạt động tiếp thị cả trong và ngoài khu vực; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch mới; hỗ trợ nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng các địa điểm du lịch. Thực hiện kết nối giữa các điểm du lịch trong tiểu vùng với nhau và sau đó mở rộng kết nối cả khu vực ASEAN(6).

Thái Lan cùng với các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam tiến hành hợp tác với nhau nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đồng thời thỏa thuận đưa ra các tiêu chí để công nhận lẫn nhau về các sản phẩm du lịch. Sau đó các sản phẩm du lịch đã được công nhận đủ tiêu chuẩn này được đưa ra giới thiệu và bán các gói tour. Ngoài ra, Thái Lan phối hợp với Việt Nam xây dựng các dự án du lịch, trong đó nổi bật là sản phẩm du lịch làng quê với sự trợ giúp của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Thái Lan và Việt Nam còn phối hợp với Lào tiến hành khảo sát tuyến du lịch đường bộ liên hoàn xuất phát từ Đông Bắc Thái Lan qua Lào, vào Việt Nam bằng cửa khẩu đường bộ Lao Bảo (đường 9) và Lạc Sao (đường 8), theo quốc lộ 1 đến Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng bằng đường bộ và từ Đà Nẵng ra Hà Nội bằng đường hàng không(7). Thái Lan hợp tác với Việt Nam, Lào, Campuchia tổ chức nhiều tour du lịch caravan từ Thái Lan qua Lào vào Việt Nam, đi tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rồi sang Campuchia, từng bước mở rộng tuyến du lịch đường bộ nối thông các nước tiểu vùng. Bên cạnh đó, Campuchia, Lào và Thái Lan tổ chức chương trình “Tam giác di sản” nhằm thúc đẩy du lịch tại các tỉnh biên giới của ba nước từ tháng 6-2000 đến nay(8). Đây là hợp tác giống mô hình tam giác kinh tế của ba nước có biên giới chung nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, du lịch mà không làm tổn hại đến môi trường. Ba nước cùng hợp tác phát huy và giới thiệu các sản phẩm du lịch vốn có của vùng, như du lịch sinh thái, du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa..., nâng cấp kết cấu hạ tầng, chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn chung của nhóm nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và bắt kịp với tiêu chuẩn quốc tế.

Về xúc tiến quảng bá du lịch

Mục tiêu của chương trình xúc tiến quảng bá du lịch là khuyến khích việc phát triển du lịch đa quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng bằng cách kích thích nhu cầu từ thị trường, thông qua các hoạt động xúc tiến chung, như Chiến lược marketing du lịch ASEAN giai đoạn 2011 - 2015: Đông Nam Á cảm nhận sự ấm áp và Kế hoạch marketing du lịch Tiểu vùng giai đoạn 2015 - 2020; quảng cáo trên các tập đoàn truyền thông lớn, như CNN, BBC, in ấn và phát hành các tài liệu quảng bá chung, tái bản bản đồ du lịch các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, tham gia các hội chợ du lịch tại một số thị trường trọng điểm.

Những năm gần đây, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã hợp tác chặt chẽ với các văn phòng đại diện du lịch các nước Tiểu vùng sông Mekong trong việc trao đổi thông tin, tăng cường mối quan hệ, hợp tác du lịch; tổ chức đoàn caravan khảo sát du lịch liên quốc gia, đón đoàn Famtrip Thái Lan, hội thảo quốc tế và phát triển du lịch đường bộ. Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức rất nhiều hội chợ về du lịch, như hội chợ Thailand International Travel Fair, Thailand Travel Mart Plus để giới thiệu các điểm đến của du lịch Thái Lan và mời công ty du lịch các nước Tiểu vùng Mekong tham gia và bán các tour du lịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành lớn của Thái Lan cũng đã tổ chức các chương trình khảo sát tại các nước Tiểu vùng sông Mekong nhằm thu hút khách du lịch nội khối và xây dựng các nhóm liên kết bán tour; khai thác các sản phẩm du lịch, như “Một ngày ăn cơm ba nước’’ Việt - Lào - Thái, con đường di sản miền Trung, tuyến đường du lịch vàng Côn Minh - Bangkok.

Hằng năm, Tổng cục Du lịch Thái Lan tổ chức chương trình “Thailand Best Friends Forever Mega Fam Trip” chú trọng tới khách mời quốc tế, các hãng truyền thông khu vực và quốc tế để trải nghiệm trực tiếp với các hoạt động kinh doanh du lịch ở Thái Lan; chương trình Amazing Thailand Grand Sale thu hút sự tham gia của hơn 15.000 trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa, các thương hiệu nổi tiếng ở Thái Lan và nhà hàng tại 7 thành phố du lịch hàng đầu để cung cấp những chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách du lịch.

Thái Lan, Việt Nam và Campuchia cũng tăng cường liên kết khai thác tiềm năng phát triển du lịch giữa ba nước. Từ năm 2012 đến nay, hằng năm, cả ba nước đều tổ chức hội thảo bàn về hợp tác liên kết này với tên gọi “Ba quốc gia - Một điểm đến”. Tại hội thảo, hơn 60 công ty lữ hành của 3 nước Thái Lan, Việt Nam và Campuchia trao đổi thông tin, cách thức tổ chức tour, tuyến du lịch, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển các loại hình dịch vụ mới nhằm thu hút du khách. Thái Lan và các nước Tiểu vùng sông Mekong cùng phối hợp tìm kiếm các thị trường mới, như các nước ASEAN, các nước châu Âu. Trong thời gian tới, nhiều tour du lịch hấp dẫn hơn giữa các nước được khai thác, tạo điều kiện cho các nước Tiểu vùng sông Mekong thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã mở các văn phòng đại diện ở châu Âu (8 văn phòng), châu Á (18 văn phòng), châu Mỹ (3 văn phòng)(10). Nhiều văn phòng đại diện ở nước ngoài có website riêng. Thông qua các văn phòng đại diện tại nước ngoài đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tại các nước sở tại. Bên cạnh đó, các cuộc phỏng vấn khách du lịch cũng được đầu tư thực hiện và đăng tải trên mạng internet.

Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá giữa Thái Lan và Việt Nam

Tiềm năng hợp tác du lịch giữa Thái Lan - Việt Nam là rất lớn và có nhiều triển vọng. Du lịch là một trong những ngành được cả hai nước cùng quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chiến lược marketing du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Thái Lan đến năm 2030 đều xác định thị trường truyền thống Đông Nam Á, trong đó khu vực Tiểu vùng sông Mekong là thị trường quan trọng cần tập trung khai thác, hướng tới các phân khúc khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên.

Du khách khám phá văn hoá Tuồng cổ ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Hiện nay, cả Thái Lan và Việt Nam đều chú trọng tới công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch, cùng các hoạt động quảng bá. Tổng cục Du lịch Thái Lan và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các địa phương tổ chức đón nhiều đoàn doanh nghiệp, báo chí của Việt Nam, Thái Lan, các nước ASEAN và quốc tế để khảo sát các sản phẩm du lịch, mở ra cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh, thúc đẩy trao đổi khách giữa hai nước và đón khách từ thị trường nguồn chung. Ngoài ra, hai nước cũng thường xuyên tổ chức các chương trình phát động thị trường tại các thành phố phát triển, có tiềm năng du lịch như Bangkok, Udon Thani, Phuket, Chieng Mai... của Thái Lan; Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... của Việt Nam. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng thường xuyên tham dự các hội chợ, lễ hội du lịch quốc tế, quốc gia của Việt Nam, như Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội, Triển lãm Du lịch quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch biển tại Đà Nẵng, Festival Huế, Carnaval Hạ Long, Lễ vinh danh các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hàng đầu của Việt Nam… Ngược lại, Việt Nam cũng tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế, Triển lãm Du lịch MICE của Thái Lan.

Bên cạnh hợp tác, phối hợp giữa hai cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và đại sứ quán hai nước ngày càng chặt chẽ, hai nước còn duy trì kết nối thông qua hợp tác song phương và các cơ chế đa phương trong các hoạt động, như Diễn đàn Du lịch ASEAN, Hội nghị bộ trưởng du lịch ASEAN, Hội nghị bộ trưởng du lịch APEC.

Trong thời gian tới, Thái Lan cùng Việt Nam tăng cường thúc đẩy hợp tác trong việc hình thành các tuyến du lịch văn hóa giữa hai nước nhằm đẩy mạnh quảng bá các điểm du lịch văn hóa trên các tuyến chính và phụ của từng địa danh; xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ và kết cấu hạ tầng du lịch tại Việt Nam cũng như xây dựng chương trình hành động chung về hợp tác du lịch giữa hai nước; xúc tiến, thúc đẩy dự án Tam giác di sản thế giới “Ban Chiang, tỉnh Udon Thani - Luang Prabang - vịnh Hạ Long”. Từ đó, chuẩn bị cho việc kết nối các đường hàng không tới những tỉnh nằm trong dự án này, sau đó mở rộng tới các tỉnh khác có tiềm năng du lịch của Việt Nam và Thái Lan(11).

Nhìn chung, hợp tác du lịch Việt Nam - Thái Lan hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đây là cơ hội để hai nước có thể khai thác hết tiềm năng du lịch của mình, trao đổi, học hỏi thêm những kinh nghiệm của mỗi nước. Việc hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho mà còn là cơ hội để quảng bá về hình ảnh đất nước, con người với các nước khác trên thế giới, đồng thời sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương về du lịch giữa các quốc gia trong khu vực phát triển, nhất là các nước trong Tiểu vùng sông Mekong.

Những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển ngành công nghiệp du lịch Thái Lan gợi mở cho Việt Nam một số giải pháp để phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá du lịch đến du khách trong và ngoài nước.

Một là, Thái Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thực hiện chính sách “Bầu trời mở” với những biện pháp để đơn giản hóa thủ tục visa cho công dân các nước vào du lịch. Vì vậy, Việt Nam nghiên cứu xây dựng chính sách đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho khách du lịch, như thông qua mạng internet và cấp thị thực trực tiếp tại các cửa khẩu quốc tế như Thái Lan đang áp dụng.

Hai là, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong xã hội, có thể tăng cường phối hợp với hiệp hội du lịch, khách sạn và các doanh nghiệp du lịch khảo sát, nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn cao. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và các nước trong khu vực cần kết hợp với nhau tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip sang khảo sát du lịch dọc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và Tiểu vùng sông Mekong nhằm xây dựng sản phẩm du lịch liên quốc gia, phục vụ thị trường khách du lịch.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với du lịch như xử lý kiên quyết và triệt để tình trạng lộn xộn chèo kéo, bắt chẹt khách. Ngoài ra, các khu du lịch cần tăng cường công tác bình ổn giá và nâng cao chất lượng dịch vụ, nên thành lập đường dây nóng để các tổ chức, công dân và khách du lịch phản ánh kịp thời những sai phạm về giá, chất lượng dịch vụ giúp các cơ quan quản lý có biện pháp xử lý kịp thời./.

-----------------------

(1) Hà Văn Hội: “Chính sách phát triển du lịch của Thái Lan: một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 3 (179)/2011.
(2) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam, cập nhật ngày 21-4-2020,...
(3) Ngọc Quang: “Ngành du lịch Thái Lan phát đi những dấu hiệu khả quan”, ngày 12-11-2021, https://bnews.vn/nganh-du-lich-thai-lan-phat-di-nhung-dau-hieu-kha-quan/220736.html
(4) Phương Linh: “Bangkok tiếp tục là điểm du lịch hút khách nhất thế giới”, báo nhân dân điện tử, ngày 5-9-2019, https://nhandan.vn/bangkok-tiep-tuc-la-diem-du-lich-hut-khach-nhat-the-gioi-post370708.html và “100 điểm đến đô thị tốt nhất thế giới”, Báo nhandan.vn, ngày 15-12-2021.
(5) Ngọc Quang: “Bangkok được chọn là thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á”, báo Vietnam+, ngày 5-7-2022
(6) Ban thư ký ASEAN: “แผนยุทธศาสตร์ด้านการท่องเที่ยวอาเซียน พ.ศ.2559 – 2568” (Kế hoạch chiến lược ngành du lịch ASEAN 2016 - 2025), Bangkok, tháng 11-2015
(7) Bộ Văn hóa thể thao và du lịch - Tổng cục du lịch: “Đẩy mạnh thu hút thị trường khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đến năm 2015”, Hà Nội, 2012
(8) Chiradet Huaihongthong “แนวทางการส่งเสริมความร่วมมีือด้านการท่องเที่ยวของประเทศไทยกับกลุ่มประเทศ CLMV” (Phương hướng thúc đẩy hợp tác du lịch của Thái Lan với các nước CLMV), Bangkok, 2022
(9) Hồ Hạ: Mở văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài: “Át chủ bài” hút khách quốc tế, Báo Đầu tư online, ngày 13-4-2023, https://baodautu.vn/mo-van-phong-dai-dien-du-lich-o-nuoc-ngoai-at-chu-bai-hut-khach-quoc-te-d187393.html
(10) Bộ Ngoại giao Vương quốc Thái Lan: ไทย-เวียดนามส่งเสริมความร่วมมือด้านวัฒนธรรม การท่องเที่ยว และการกีฬาภายหลังวิกฤตโควิด-๑๙ (Thái Lan-Việt Nam thúc đẩy hợp tác văn hóa du lịch và thể thao sau cuộc khủng hoảng COVID-19), ngày 30-11-2022