Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc: Những giá trị thực tiễn
TCCS - Văn hóa Hàn Quốc nói chung và văn hóa truyền thống Hàn Quốc nói riêng được truyền bá ở nhiều cấp độ khác nhau và tới nhiều đối tượng đa dạng đã góp phần không nhỏ đưa Hàn Quốc trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế. Đóng góp vào thành công này, không thể không nhắc tới Luật Ngoại giao công chúng, một nền tảng pháp lý quan trọng thúc đẩy hoạt động ngoại giao công chúng của Hàn Quốc từ năm 2016 đến nay.
Trước năm 2010, Hàn Quốc chủ yếu thực hiện ngoại giao văn hóa thông qua làn sóng Hallyu (Hàn lưu). Tại thời điểm này, mặc dù Hàn Quốc đã triển khai ngoại giao công chúng dưới nhiều hình thức khác nhau song ngoại giao công chúng thường bị “đánh đồng” với ngoại giao văn hóa. Đến năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc chính thức đưa ra khái niệm ngoại giao công chúng và một năm sau đó, lần đầu tiên Hàn Quốc bổ nhiệm Đại sứ ngoại giao công chúng. Vì vậy, ngoại giao công chúng được nâng cấp và trở thành một trong ba trụ cột ngoại giao, cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị. Quyết tâm nâng tầm ngoại giao công chúng của Chính phủ Hàn Quốc là một trong những nhân tố dẫn tới sự ra đời của Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, do sự chồng chéo, trùng lặp trong các vấn đề của ngoại giao công chúng và ngoại giao văn hóa, cùng với sự thiếu hụt một cơ quan điều phối hoạt động tổng thể, nên việc ban hành Luật Ngoại giao công chúng trở nên thật sự cần thiết. Ngày 3-2-2016, Luật Ngoại giao công chúng được ban hành ở Hàn Quốc và chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2016.
Một số nét cơ bản về Luật Ngoại giao công chúng Hàn Quốc
Luật Ngoại giao công chúng Hàn Quốc bao gồm 13 điều khoản, không chỉ đưa ra các quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc về lĩnh vực ngoại giao công chúng, mà còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các bước cần thiết để triển khai các hoạt động ngoại giao công chúng một cách hiệu quả nhất.
Thứ nhất, tại Điều 2 của Luật Ngoại giao công chúng, khái niệm ngoại giao công chúng của Hàn Quốc được xác định là mọi hoạt động ngoại giao trực tiếp của Chính phủ Hàn Quốc hoặc hợp tác với chính quyền địa phương, khu vực tư nhân trong lĩnh vực văn hóa, tri thức, chính sách... nhằm nâng cao hiểu biết và lòng tin của bạn bè quốc tế đối với Hàn Quốc. Như vậy, hoạt động ngoại giao công chúng của Hàn Quốc có phạm trù khá rộng, gồm ngoại giao văn hóa, ngoại giao tri thức, ngoại giao chính sách… với cách thức tiến hành có sự phối hợp giữa chính quyền trung ương, địa phương và khu vực tư nhân.
Thứ hai, các chủ thể tham gia công tác ngoại giao công chúng bao gồm Nhà nước và Ủy ban Ngoại giao công chúng đóng vai trò chính, quyết định phần lớn tới việc xây dựng kế hoạch, chiến lược ngoại giao công chúng và phân bổ ngân sách, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân đóng vai trò phối hợp và thực hiện các chương trình ngoại giao công chúng. Trong đó, trách nhiệm của Nhà nước được cụ thể hóa gồm: 1- Xây dựng, xem xét toàn diện các chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao công chúng và nâng cao hiệu quả của hoạt động ngoại giao công chúng; 2- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ hành chính, tài chính cần thiết để thực hiện các chiến lược và chính sách; 3- Triển khai những công tác cần thiết như thiết lập nền tảng hợp tác với các chính quyền địa phương và khu vực tư nhân nhằm thực hiện ngoại giao công chúng một cách hiệu quả; 4- Triển khai những hoạt động cần thiết nhằm tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về tầm quan trọng của ngoại giao công chúng, cũng như tăng cường sự tham gia của người dân vào ngoại giao công chúng.
Hoạt động của Ủy ban Ngoại giao công chúng được thành lập dưới quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao với mục đích xem xét và điều phối các vấn đề chính nhằm theo đuổi chính sách ngoại giao công chúng một cách hệ thống và toàn diện. Nhiệm vụ chính của Ủy ban là xem xét các vấn đề liên quan đến việc tạo lập, thay đổi và triển khai kế hoạch tổng thể; các vấn đề liên quan đến hợp tác, phối hợp trong công tác ngoại giao công chúng giữa các bộ của Chính phủ; các vấn đề liên quan đến sự tham gia của người dân, hợp tác công - tư,… trong ngoại giao công chúng. Thành viên của Ủy ban không quá 20 người, trong đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Chủ tịch, có quyền bổ nhiệm hoặc ủy nhiệm các thành viên trong số các thứ trưởng hoặc công chức cấp thứ trưởng của các cơ quan hành chính trung ương có liên quan và những người có kiến thức chuyên môn sâu, kinh nghiệm trong ngoại giao công chúng, theo quy định của nghị định của Tổng thống. Bên cạnh đó, các vấn đề khác cần thiết như thành phần, hoạt động của Ủy ban sẽ do nghị định của Tổng thống quy định.
Như vậy, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình bản sắc ngoại giao công chúng của Hàn Quốc thông qua xây dựng chính sách, chiến lược toàn diện về ngoại giao công chúng. Ngoài ra, Nhà nước cũng bảo đảm những nỗ lực cần thiết góp phần xây dựng nền tảng hợp tác với chính quyền địa phương, khu vực tư nhân trong quá trình triển khai các hoạt động. Một trong những trách nhiệm của Nhà nước chính là thúc đẩy sự tham gia của người dân vào hoạt động ngoại giao công chúng nhằm tăng cường sự hiểu biết của xã hội về ngoại giao công chúng. Trong khi đó, Ủy ban Ngoại giao công chúng là cơ quan hành chính có nhiệm vụ xem xét, cân nhắc và quyết định mọi hoạt động liên quan đến xây dựng, đánh giá, thay đổi kế hoạch; hoạt động phối hợp giữa các bộ và sự tham gia của người dân…, cũng như các vấn đề phát sinh khác trong ngoại giao công chúng. Đặc biệt, để khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào ngoại giao công chúng, Nhà nước có thể hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí trong ngân sách hoặc có những hỗ trợ về mặt hành chính.
Căn cứ theo Luật Ngoại giao công chúng, có 6 bước cụ thể triển khai ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc:
Một là, xây dựng kế hoạch tổng thể.
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình triển khai ngoại giao công chúng, được quy định tại Điều 6 của Luật Ngoại giao công chúng. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch tổng thể 5 năm một lần với sự tham khảo ý kiến từ người đứng đầu các cơ quan hành chính trung ương liên quan, các thị trưởng thành phố, thị trưởng các đô thị đặc biệt, thống đốc các tỉnh và thống đốc tỉnh tự trị (1). Về cơ bản, kế hoạch tổng thể cần bao gồm các nội dung chính: Định hướng chính sách; mục tiêu triển khai; thiết lập các vấn đề liên quan; phối hợp với các chính sách lớn về ngoại giao công chúng; huy động kinh phí và cách thức triển khai các hoạt động. Sau khi được Ủy ban Ngoại giao công chúng thông qua, kế hoạch tổng thể sẽ gửi tới lãnh đạo các cơ quan hành chính trung ương, thị trưởng các thành phố và thống đốc các tỉnh.
Hai là, xây dựng kế hoạch hành động.
Khi kế hoạch tổng thể được thông qua, các cơ quan hành chính trung ương và chính quyền địa phương trên cả nước sẽ phải xây dựng kế hoạch hành động. Theo đó, hằng năm, lãnh đạo các cơ quan hành chính trung ương liên quan phải xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phù hợp với kế hoạch tổng thể, sau đó đệ trình kế hoạch hành động cũng như kết quả hoạt động của từng cơ quan và từng chính quyền địa phương tới Bộ Ngoại giao. Dựa trên kế hoạch hành động, Bộ Ngoại giao sẽ xây dựng và thực hiện một kế hoạch hành động toàn diện, trong đó lồng ghép các kế hoạch hành động với kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao. Ngoài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các cơ quan hành chính trung ương, thị trưởng và thống đốc chịu trách nhiệm về kế hoạch hành động toàn diện, còn có lãnh đạo cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Khoản 3, Điều 7 của Luật quy định: Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài hằng năm sẽ xây dựng và thực hiện theo kế hoạch hoạt động trong giới hạn phạm vi quyền hạn của mình và phù hợp với kế hoạch tổng thể.
Ba là, khảo sát, điều tra thực tế.
Để bảo đảm quá trình triển khai kế hoạch hành động phù hợp với kế hoạch tổng thể, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng triển khai ngoại giao công chúng nhằm xây dựng và triển khai chính sách ngoại giao công chúng một cách hiệu quả và hợp lý. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan tới phương pháp, đối tượng điều tra sẽ do nghị định của Tổng thống về ngoại giao công chúng quy định.
Bốn là, thiết lập và vận hành hệ thống cổng thông tin về ngoại giao công chúng.
Nhằm bảo đảm cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ về tình hình triển khai ngoại giao công chúng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể yêu cầu lãnh đạo các cơ quan hành chính trung ương, thị trưởng các thành phố, thống đốc các tỉnh… cung cấp những dữ liệu cần thiết để đăng tải trên hệ thống cổng thông tin, qua đó, các thông tin này sẽ được chia sẻ tới các cơ quan liên quan.
Năm là, chỉ định, điều phối một cơ quan, tổ chức thực hiện.
Điều 12, khoản 1 của Luật Ngoại giao công chúng quy định, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thể chỉ định một cơ quan thực hiện ngoại giao công chúng và hỗ trợ các kinh phí phát sinh trong quá trình triển khai (2). Cơ quan, tổ chức được chỉ định thực hiện ngoại giao công chúng sẽ có trách nhiệm thực hiện các hoạt động sau: 1- Hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động và kế hoạch hành động toàn diện; 2- Thiết lập nền tảng hợp tác với các tổ chức, cơ quan liên quan đến hoạt động ngoại giao công chúng trong và ngoài nước; 3- Thiết lập và vận hành hệ thống thông tin ngoại giao công chúng toàn diện; 4- Thực hiện các dự án hỗ trợ liên quan đến các hoạt động của ngoại giao công chúng, như giáo dục, tham vấn, quan hệ công chúng,…
Sáu là, báo cáo kết quả lên Quốc hội.
Đây là bước cuối cùng trong quá trình thực hiện ngoại giao công chúng, Chính phủ cần báo cáo về tình hình, quá trình thực hiện và kết quả của công tác triển khai kế hoạch tổng thể, kế hoạch hành động và kế hoạch hành động toàn diện, sau đó trình lên Quốc hội Hàn Quốc trước kỳ họp thường kỳ hằng năm.
Một số kết quả đạt được
Tính tới nay, Luật Ngoại giao công chúng của Hàn Quốc đã được thực thi gần 7 năm. Với mục đích góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Hàn Quốc trong cộng đồng quốc tế thông qua việc thiết lập nền tảng, cung cấp những hướng dẫn cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động ngoại giao công chúng, Luật Ngoại giao công chúng đã đóng góp không nhỏ vào hiệu ứng lan tỏa ngoại giao công chúng mang đậm bản sắc Hàn Quốc.
Một là, Luật Ngoại giao công chúng là cơ sở pháp lý quan trọng, cung cấp các quan điểm chính thống của Hàn Quốc về ngoại giao công chúng. Nhờ vậy, các bước cơ bản trong quá trình triển khai, thực hiện ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc được xây dựng và tiến hành một cách hợp lý, hiệu quả. Cùng với đó, căn cứ theo Điều 6 của Luật, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch tổng thể về ngoại giao công chúng lần thứ nhất (giai đoạn 2017 - 2022), đưa ra kế hoạch hành động ngoại giao công chúng hằng năm của các bộ và chính quyền thành phố, địa phương ở Hàn Quốc. Dựa trên kế hoạch tổng thể, kinh phí ngân sách, chương trình của ngoại giao công chúng trong kế hoạch hành động mỗi năm sẽ có sự điều chỉnh phù hợp trên cơ sở bám sát kế hoạch tổng thể của Bộ Ngoại giao. Năm 2017, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc công bố Kế hoạch tổng thể về ngoại giao công chúng lần thứ hai (giai đoạn 2018 - 2022) cùng kế hoạch hành động cụ thể trong từng năm.
Hai là, Luật Ngoại giao công chúng tái định hình về chủ thể, cách thức hoạt động ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc trong thời gian qua, thúc đẩy ngoại giao công chúng Hàn Quốc mở rộng.
Ba là, Luật Ngoại giao công chúng góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Hàn Quốc trong mắt bạn bè quốc tế, truyền tải văn hóa Hàn Quốc phổ biến toàn cầu. Năm 2018, theo kết quả khảo sát trực tuyến do Trung tâm Văn hóa và Thông tin Hàn Quốc (KOCIS) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, thực hiện với 8.000 người ở 16 quốc gia (bao gồm cả Hàn Quốc) cho thấy, hình ảnh về Hàn Quốc đã được nâng cao. Trong số những người trả lời phỏng vấn, có 76,7% người nước ngoài và 64,8% người Hàn Quốc có nhận thức tích cực về Hàn Quốc (3). Trong đó, đa số lựa chọn văn hóa đại chúng là lý do tạo nên hình ảnh tích cực của Hàn Quốc, với 38,2% chọn K-pop, phim ảnh và văn học; 14% chọn di sản văn hóa; 11,6% chọn các sản phẩm và thương hiệu. Có thể thấy, văn hóa và làn sóng Hallyu vẫn là những động lực hàng đầu tạo nên hình ảnh tích cực của Hàn Quốc ở nước ngoài. Năm 2022, trong một khảo sát do Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF) công bố cho thấy, số lượng người yêu thích văn hóa Hàn Quốc gia tăng đáng kể trên toàn cầu. Tính đến cuối năm 2021, số lượng người hâm mộ làn sóng Hallyu tại 116 quốc gia trên thế giới đã lên tới 156,6 triệu người, tăng gấp 17 lần so với năm 2012 (9,26 triệu người) (4).
Từ thực tiễn triển khai Luật Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc, có thể rút ra một số kinh nghiệm tham khảo đối với Việt Nam:
Thứ nhất, cần xây dựng và thiết lập khuôn khổ pháp lý về ngoại giao công chúng. Sau hơn 35 năm đổi mới, vị thế và thực lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Việt Nam đã bước sang giai đoạn có “nguồn lực”, “năng lực” và “nhu cầu” để triển khai ngoại giao công chúng (5) nhằm đáp ứng hiệu quả những yêu cầu mới đặt ra. Trước đây, việc sử dụng các công cụ văn hóa, thông tin đối ngoại, đẩy mạnh giao lưu nhân dân… đã được Đảng và Nhà nước ta triển khai thực hiện hiệu quả, là những bằng chứng sinh động của ngoại giao công chúng. Tuy vậy, với ba trụ cột đối ngoại là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, thì ngoại giao công chúng vẫn chưa được chính thức thể chế hóa bằng văn bản. Chính vì thế, việc ban hành một khuôn khổ pháp lý về ngoại giao công chúng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Thứ hai, việc nghiên cứu tìm hiểu cơ sở pháp lý liên quan tới ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc, cũng như thực tế triển khai luật này ở Hàn Quốc sẽ cung cấp kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong quá trình triển khai ngoại giao công chúng. Ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc là một khái niệm bao gồm ngoại giao văn hóa, ngoại giao tri thức và ngoại giao chính sách, có nguồn tài sản đa dạng và được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau: chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan hành chính trung ương, khu vực tư nhân và người dân. Trong một thế giới đầy biến động, với sự thay đổi liên tục từ công nghệ, khoa học, tình hình khu vực và thế giới…, thì việc triển khai chính sách ngoại giao công chúng một cách hiệu quả là cách thức quan trọng để hiện thực hóa lợi ích quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên toàn cầu. Vì vậy, việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, người dân vào hoạt động ngoại giao công chúng ở Hàn Quốc có giá trị tham khảo, nhất là khi Việt Nam có nhiều di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc và phong phú.
Thứ ba, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2022), quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ. Tháng 10-2009, hai nước đã nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược dựa trên nền tảng tin cậy chính trị trên cả ba kênh: quan hệ nhà nước, quan hệ đảng và giao lưu nhân dân. Tháng 12-2022, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mở ra chương hợp tác mới, cao hơn, sâu rộng hơn giữa hai nước.
Tại Hàn Quốc, dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (2008 - 2013), ngoại giao công chúng chính thức trở thành một trong ba trụ cột ngoại giao. Đến thời kỳ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye (2013 - 2017), Luật Ngoại giao công chúng được ban hành, các mục tiêu ngoại giao công chúng được xác định rõ trong chính sách của Chính phủ Hàn Quốc. Đến giai đoạn cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (2017 - 2022), ngoại giao công chúng tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngoại giao công chúng chưa được định hình rõ. Do vậy, việc tìm hiểu Luật Ngoại giao công chúng Hàn Quốc sẽ là cơ sở để hiểu thêm về đường lối đối ngoại của Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, có thể đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp để thúc đẩy ngoại giao công chúng của Việt Nam hướng tới người dân và Chính phủ Hàn Quốc, góp phần tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Hàn Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong lĩnh vực ngoại giao công chúng. Việc ban hành Luật Ngoại giao công chúng và triển khai trong thực tiễn ở Hàn Quốc là những kinh nghiệm có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện, triển khai các chính sách ngoại giao. Trải qua chặng đường 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đang tiếp tục phát triển sâu rộng. Thúc đẩy ngoại giao công chúng là giải pháp hữu ích góp phần thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian tới./.
----------------------------
* Bài viết là sản phẩm của Dự án nghiên cứu "Củng cố và tăng cường ngoại giao công chúng hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Hàn Quốc" (Strengthening and Enhancing a New Public Diplomacy Toward a Comprehensive Strategic Partnership Between Vietnam and South Korea), do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) tài trợ.
(1), (2) Ministry of Foreign Affairs: “Public Diplomacy Act, Article 6: Formulation of a Master Plan for Public Diplomacy” (Tạm dịch: Luật Ngoại giao công chúng, Điều 6: Xây dựng Kế hoạch tổng thể về Ngoại giao công chúng), 2016, Hàn Quốc, tr. 2, 4-5
(3) Ministry of Culture, Sports and Tourism: “Results of 2019 KOCIS survey on Korea’s national image announced” (Tạm dịch: Công bố kết quả cuộc khảo sát KOCIS năm 2019 về hình ảnh quốc gia Hàn Quốc), ngày 4-2-2020, https://www.mcst.go.kr/english/policy/pressView.jsp?pSeq=13
(4) KBS World: “Số người yêu thích văn hóa Hallyu trên thế giới tăng 17 lần trong 10 năm”, ngày 4-3-2022, https://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=53550
(5) Lê Thị Thu Hằng: “Ngoại giao công chúng trong triển khai một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 25-9-2019, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/-oi-ngoai2/-/2018/812605/ngoai-giao-cong-chung-trong-trien-khai-mot-nen-ngoai-giao-viet-nam-toan-dien.aspx
Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đón, hội đàm, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo  (19/01/2023)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp nhà nước Đại Hàn Dân Quốc  (08/12/2022)
Châu Âu đối mặt với những thách thức lịch sử  (22/11/2022)
An ninh mạng ở Liên minh châu Âu: Thực trạng và giải pháp chiến lược  (26/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển