TCCS - Vào đầu tháng 1-2022, Nga, Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có cuộc đàm phán về dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - Mỹ và dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - NATO. Tuy nhiên, trong khi Nga khẳng định những yêu cầu của Nga đối với Mỹ và NATO chỉ nhằm bảo đảm an ninh công bằng giữa các bên, thì Mỹ và NATO lại bác bỏ những nội dung then chốt trong các bản dự thảo này.

Những nội dung cơ bản

Để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tại Genève (Thụy Sĩ) và Brussel (Bỉ), ngày 15-12-2021, Bộ Ngoại giao Nga trao cho phía Mỹ và NATO toàn văn dự thảo hai Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - Mỹ và Nga - NATO. Tiếp đến, ngày 17-12-2021, Nga công bố trên các phương tiện truyền thông toàn văn nội dung của hai văn kiện quan trọng này. Nội dung đầu tiên khẳng định, cơ sở pháp lý quốc tế của hai hiệp ước này đều dựa vào các văn kiện như Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc luật pháp quốc tế về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia theo Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên bố Helsinki của Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu năm 1975, Tuyên bố Manila năm 1982 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, Hiến chương An ninh châu Âu năm 1999, Định ước cơ bản về quan hệ hợp tác và an ninh giữa Nga và NATO ký kết năm 1997.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh màn hình) trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7-12-2021_Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - Mỹ gồm các điều khoản chính: (1) Nga và Mỹ cần phải hành động trên cơ sở các nguyên tắc an ninh của hai bên là không tách rời và bình đẳng; (2) Nga và Mỹ không sử dụng lãnh thổ của nước khác để chuẩn bị hoặc tiến hành các hành động tấn công quân sự nhằm vào nhau; (3) Mỹ cam kết không tiếp tục mở rộng NATO về phía Đông và không kết nạp thêm các nước đã từng là thành viên của Liên Xô vào NATO; (4) Mỹ cam kết không thiết lập căn cứ quân sự ở các nước đã từng là thành viên Liên Xô nhưng chưa phải là thành viên NATO, cũng không sử dụng kết cấu hạ tầng quân sự của những quốc gia này để tiến hành các hoạt động quân sự; không phát triển hợp tác quân sự với những quốc gia này; (5) Các bên không tiến hành các cuộc tập trận quân sự với kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân và không tạo điều kiện cho các nước phi hạt nhân sử dụng vũ khí hạt nhân; (6) Hai bên cam kết không triển khai các lực lượng vũ trang và vũ khí ở những khu vực mà việc triển khai đó sẽ bị bên kia coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, kể cả trong khuôn khổ nghĩa vụ đã từng ký kết với các tổ chức quốc tế, các đồng minh quân sự hoặc các liên minh; (7) Hai bên hạn chế máy bay ném bom hạng nặng được trang bị vũ khí hạt nhân, cũng như phi hạt nhân hoạt động ở những khu vực bên ngoài không phận quốc gia có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của phía bên kia; (8) Các bên hạn chế sự hiện diện của tàu chiến ở những khu vực bên ngoài lãnh hải quốc gia - nơi có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của phía bên kia; (9) Nga và Mỹ cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài, đồng thời thu hồi vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở nước ngoài; dỡ bỏ các kết cấu hạ tầng được sử dụng cho việc triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia; (10) Các bên không triển khai vũ khí và lực lượng ở những khu vực mà bên kia coi đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ; (11) Các bên không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở nước ngoài và ở những khu vực có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của phía bên kia.  

Trong khi đó, dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - NATO gồm 9 điều khoản chính: (1) NATO cam kết sẽ không tiếp tục mở rộng, bao gồm cam kết không kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên; (2) Các bên cam kết sẽ không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở những khu vực được coi là có thể tấn công các mục tiêu lãnh thổ của nhau; (3) Nga và NATO thỏa thuận giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và hạn chế sử dụng vũ lực; (4) Các bên cam kết không tạo ra các điều kiện mà bên kia có thể coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ; (5) Nga và NATO không coi nhau là đối thủ; (6) NATO cam kết không tiến hành các hành động quân sự ở Ukraine, ở Đông Âu, khu vực bên ngoài Kavkaz và Trung Á; (7) NATO cam kết không triển khai thêm lực lượng quân sự và vũ khí bên ngoài các quốc gia Đông Âu mà họ đã từng hiện diện ở đó vào thời điểm tháng 5-1997 trước khi kết nạp các nước trong khu vực này, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ khi có được sự đồng thuận của Nga và các thành viên NATO; (8) Các bên không tiến hành các cuộc tập trận và các hoạt động quân sự có quy mô lực lượng lớn hơn lữ đoàn trong các khu vực biên giới đã được thỏa thuận trước và thường xuyên trao đổi thông tin về các cuộc diễn tập quân sự; (9) Thiết lập đường dây liên lạc để các bên có thể liên hệ trong tình huống khẩn cấp.

Từ trái sang: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tại cuộc họp Hội đồng Nga - NATO ở Brussels (Bỉ), ngày 12-1-2022_Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân sâu xa

Nội dung chính của hai bản dự thảo xoay quanh việc Nga yêu cầu NATO không tiếp tục mở rộng và không kết nạp Ukraine. Nguyên nhân sâu xa xuất phát điểm từ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Năm 1989, với chủ trương Liên bang Xô viết sẽ cùng với các nước xây dựng “Ngôi nhà chung châu Âu”, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Gorbachev đồng ý dỡ bỏ Bức tường Berlin và chấp nhận thống nhất nước Đức. Đáp lại chủ trương này của nhà lãnh đạo Liên Xô, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Hans-Dietrich Genscher cam kết, bất kể các sự kiện tiếp theo sau khi dỡ bỏ Bức tường Berlin diễn ra như thế nào trong các nước thuộc Hiệp ước phòng thủ Warszawa, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. Thủ tướng Đức Helmut Kohl lúc đó cũng cam kết, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. Đối với Đức, điều này có ý nghĩa và giá trị như một đạo luật. Còn Ngoại trưởng Mỹ James Baker tuyên bố, sau khi nước Đức thống nhất, NATO sẽ không mở rộng thêm về phía Đông. Tuy nhiên, những lời bảo đảm này đã không được xác nhận bằng văn kiện có giá trị pháp lý được các bên ký kết chính thức. Do vậy, đến năm 1989, Tổng thống Mỹ G. Bush tuyên bố: “Sẽ không khôn ngoan nếu từ chối mở rộng NATO về phía Đông, vì đây là tổ chức duy nhất có khả năng bảo đảm an ninh cho thế giới phương Tây”(1).

Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, sự mở rộng NATO về phía Đông luôn là chủ đề nhức nhối trong quan hệ Nga - Mỹ. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Mỹ Bill Clinton, bất chấp việc Nga sẵn sàng tăng cường hợp tác với phương Tây, Mỹ đã đánh mất niềm tin chiến lược của Nga. Năm 1995, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đề nghị Mỹ đưa ra cam kết bằng văn bản về việc NATO không mở rộng về phía Đông, song phía Mỹ cho rằng, Mỹ sẽ không cần xác nhận lời bảo đảm đó vì NATO sẽ sớm trở thành một tổ chức chính trị chứ không còn là liên minh quân sự. Trong bối cảnh đó, năm 1997, NATO và Nga ký kết Định ước cơ bản về quan hệ hợp tác và an ninh Nga - NATO, trong đó có điều khoản NATO sẽ không kết nạp các nước đã từng là nước xã hội chủ nghĩa và là thành viên của Hiệp ước phòng thủ Warsawa. 

Tuy nhiên, hành động thực tế của Mỹ lại chứng tỏ điều ngược lại. Sự kiện Mỹ và NATO tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Liên bang Nam Tư năm 1999 đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng của Nga rằng, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. Cũng trong năm 1999, NATO bắt đầu thực hiện “cuộc thập tự chinh” về phía Đông bằng cách kết nạp các cựu thành viên Hiệp ước phòng thủ Warszawa là Ba Lan, Séc và Hungary.

Năm 2001, sau khi Mỹ và NATO phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan, để tạo niềm tin rằng Nga luôn mở rộng cánh cửa hợp tác với phương Tây, Nga đồng ý giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến này. Theo đó, Nga đồng ý cho Mỹ xây dựng căn cứ trung chuyển ở thành phố Ulyanovsk để NATO vận chuyển hàng hóa hậu cần đến Afghanistan. Một năm sau, năm 2002, Hội đồng Nga - NATO được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là cơ chế thường trực để NATO và Nga tham vấn kịp thời về các vấn đề bảo đảm an ninh. Ngoài ra, Nga còn tham gia các cuộc tập trận với NATO và tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, năm 2001, cơ chế đối thoại Nga - NATO đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo mà Mỹ từng ký kết với Liên Xô để xây dựng hệ thống tên lửa đánh chặn ở châu Âu nhằm vào các hệ thống tên lửa hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ Nga. Trong tháng 3-2004, NATO đã kết nạp các nước Latvia, Litva, Estonia, Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia. Những hành động này của Mỹ và NATO chứng tỏ họ không hành động như đã từng cam kết.

Trước hàng loạt hành động của Mỹ phớt lờ lợi ích an ninh của Nga và hoàn toàn đi ngược lại các cam kết của họ, trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich năm 2007, Tổng thống Nga V. Putin cho rằng Nga có quyền chính đáng đưa ra câu hỏi: Sự mở rộng NATO nhằm chống lại ai? Điều gì đã xảy ra với những cam kết của phương Tây rằng NATO sẽ không mở rộng sau khi Hiệp ước Warsawa bị giải thể? Những cam kết đó hiện giờ có còn hiệu lực không? Tổng thống Nga V. Putin cho biết, Nga chủ trương thiết lập quan hệ bình thường với các đối tác có trách nhiệm để cùng nhau xây dựng một trật tự thế giới công bằng và dân chủ, bảo đảm an ninh và sự thịnh vượng cho mọi quốc gia.

Giới phân tích chính trị quốc tế coi bài phát biểu của Tổng thống Nga V. Putin tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich năm 2007 là lời đáp trả cuộc “Chiến tranh lạnh mới” do Mỹ và NATO phát động để chống phá Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Phớt lờ cảnh báo của Tổng thống Nga V. Putin, năm 2008, Mỹ và NATO ủng hộ toàn diện Gruzia phát động chiến dịch quân sự tấn công  lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở nước Cộng hòa tự trị Nam Ossetia. Tuy nhiên, chiến dịch này sau đó đã bị thất bại. Quan hệ Nga - NATO bắt đầu một giai đoạn leo thang căng thẳng mới. Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2008, NATO thông qua quyết định đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine và Gruzia. Để thực hiện quyết định đó, năm 2014, Mỹ và NATO đã đứng đằng sau cuộc đảo chính ở Kiev với toan tính đưa Ukraine gia nhập NATO và đẩy Nga ra khỏi căn cứ hải quân ở Sevastopol thuê của Ukraine đến năm 2042. Để làm thất bại toan tính chiến lược này, Tổng thống Nga V. Putin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea trên cơ sở cuộc trưng cầu ý dân với hơn 97% số phiếu bày tỏ nguyện vọng được trở về Liên bang Nga. Thất bại trong toan tính ở Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận và cô lập Nga. Trong bối cảnh đó, NATO và Nga chấm dứt mọi hình thức hợp tác giữa hai bên.

Sau cuộc đảo chính năm 2014, Mỹ dựng lên ở Kiev chính quyền nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của Mỹ, lợi dụng Ukraine để chống phá Nga và tiếp tục đưa quốc gia này gia nhập NATO. Động thái này khiến Nga đặc biệt lo ngại trong bối cảnh ngày 16-12-2021, Mỹ và Ukraine là hai quốc gia bỏ phiếu chống lại dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc do Nga đề xuất về việc cấm vinh danh chủ nghĩa quốc xã đã từng gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai(2).

Thời điểm lựa chọn

Vì sao Nga đề nghị đàm phán để ký kết Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ - Nga và NATO - Nga vào lúc này? Trong Thông điệp liên bang năm 2021, Tổng thống Nga V. Putin nêu rõ: “Cũng như bất kỳ nước nào trên thế giới, Nga có những lợi ích quốc gia và sẽ kiên quyết bảo vệ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Nếu ai đó phớt lờ thực tế hiển nhiên này, không muốn tiến hành đối thoại và hành xử theo lối ích kỷ và ngạo mạn, thì Nga sẽ luôn tìm cách bảo vệ quan điểm của mình”. Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh, Nga cư xử hết sức kiềm chế và khiêm nhường trước những hành động thù địch và ngang ngược vì muốn có quan hệ tốt với tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế. Nhưng nếu ai đó hiểu lầm cách hành xử của Nga thể hiện sự yếu đuối thì họ nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ nhanh chóng và quyết liệt(3)

Bình luận về hai Hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - Mỹ và Nga - NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Riabkov cho biết, Nga không có ý định mặc cả hay thỏa hiệp với Mỹ và NATO về các điều khoản đưa ra trong bản dự thảo hai hiệp ước này. Vì thế, giới phân tích cho rằng, các yêu cầu của Nga đưa ra đối với Mỹ và NATO có ý nghĩa như là “tối hậu thư”. Tuy nhiên, tại Hội nghị mở rộng của Bộ Quốc phòng Nga ngày 21-12-2021, Tổng thống Nga V. Putin khẳng định, bản dự thảo các hiệp ước bảo đảm an ninh Nga - Mỹ và Nga - NATO hoàn toàn không phải là tối hậu thư mà chỉ là yêu cầu bảo đảm an ninh chính đáng của Nga để xây dựng cấu trúc an ninh chung ổn định và bền vững ở châu Âu. Theo Tổng thống Nga V. Putin, Mỹ và NATO cần hiểu rằng, Nga không còn đường lùi và sẽ có biện pháp phản ứng quyết liệt trước những bước đi không thân thiện từ phía đối phương. Tổng thống Nga V. Putin lưu ý, Mỹ và NATO đã bố trí lực lượng quân sự và tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn sát biên giới Nga. Ngoài ra, Mỹ đã triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ở Romania và Ba Lan. Nếu hệ thống này được bố trí ở Ukraine thì thời gian bay của tên lửa siêu vượt âm của Mỹ đánh chặn các mục tiêu trên lãnh thổ Nga là rất ngắn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergay Shoygu cho biết, mặc dù Ukraine chưa gia nhập NATO nhưng Mỹ đã trang bị các loại vũ khí tấn công và huấn luyện cho quân đội nước này. Ngoài ra, các công ty quân sự tư nhân của Mỹ đã hiện diện ở miền Đông Ukraine(4). Do đó, Nga cần nhận được sự bảo đảm lâu dài và có tính ràng buộc pháp lý rằng, Mỹ và NATO không kết nạp Ukraine và không sử dụng lãnh thổ của Ukraine vào mục đích chống phá Nga. Tổng thống Nga V. Putin hy vọng, các cuộc đàm phán mang tính xây dựng và có ý nghĩa với kết quả cuối cùng có thể nhìn thấy được trong một khung thời gian nhất định để bảo đảm an ninh bình đẳng cho tất cả các bên(5).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ), ngày 16-12-2021_Ảnh: AFP/TTXVN

Mục tiêu bao trùm các cuộc đàm phán Nga - Mỹ và Nga - NATO là nhằm tái cấu trúc hệ thống an ninh châu Âu sau Chiến tranh lạnh. Các đề xuất ​​của Nga chỉ là nhằm ký kết một văn kiện có giá trị tương tự như Định ước Helsinki năm 1975, trong đó 59 quốc gia cam kết về nguyên tắc của hệ thống an ninh ở châu Âu sau Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, yêu cầu của Nga là Định ước Helsinki mới này phải được phê chuẩn và có giá trị ràng buộc về pháp lý. Cho đến nay, văn kiện quan trọng duy nhất quy định sự tham gia của Nga trong hệ thống an ninh châu Âu chỉ còn là Định ước cơ bản về quan hệ hợp tác và an ninh Nga - NATO. Khi ký kết Định ước này năm 1997, Nga hy vọng văn kiện này sẽ khẳng định vai trò của Nga trong hệ thống an ninh châu Âu, còn Hội đồng Nga - NATO sẽ trở thành diễn đàn chính thức và quan trọng nhất để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ và NATO coi Định ước chỉ là cơ chế để củng cố và khẳng định vai trò trung tâm của NATO trong hệ thống an ninh châu Âu(6).

Kết quả đàm phán

Trong cuộc họp báo được tổ chức sau khi kết thúc cuộc đàm phán Nga - Mỹ ở Genève (Thụy Sĩ), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhấn mạnh: “Không ai có thể áp đặt ý kiến của họ về chính sách đối ngoại của Mỹ, NATO hay bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục chính sách mở cửa của NATO. Chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định thay cho Ukraine về việc quốc gia này có gia nhập NATO hay không, cũng không đưa ra quyết định thay cho NATO mà không có sự tham dự của họ”. Bà W. Sherman nêu lý do Mỹ bác bỏ các đề xuất về bảo đảm an ninh của Nga, đó là Nga là “kẻ chiến bại” và do đó phải tuân theo sự sắp đặt của “những người chiến thắng” trong Chiến tranh lạnh(7).

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Tất cả các đồng minh của NATO đều đoàn kết theo nguyên tắc của liên minh là mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn con đường của mình. Chỉ có Ukraine và 30 thành viên NATO mới có thể quyết định thời điểm Ukraine trở thành thành viên của liên minh. Nga không có quyền phủ quyết việc Ukraine có thể tham gia liên minh này hay không. Các đồng minh sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trên con đường trở thành thành viên NATO. Sự mở rộng của NATO đã và vẫn là nền tảng trong việc truyền bá tự do và dân chủ ở châu Âu”(8).

Ngày 16-1-2022, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg có cuộc thảo luận về các bước tiếp theo trong quan hệ với Nga sau cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO vào ngày 12-1-2022 và cho biết Mỹ và NATO sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán với Nga(9). Tuy nhiên, trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “Phía Nga cần nhận được những bảo đảm rằng Ukraine và Gruzia sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO chứ không phải là những lời hứa nửa vời”(10). Do đó, Nga sẽ quyết định có tiếp tục các cuộc đàm phán với Mỹ và NATO hay không chỉ sau khi nhận được câu trả lời bằng văn bản. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết: “Nga sẽ áp dụng nhiều biện pháp hợp pháp một khi nhận thấy bị đe dọa thực sự đối với an ninh quốc gia của Nga để vô hiệu hóa các mối đe dọa đó. Khi đó, quan hệ giữa Nga và NATO sẽ đứng trước những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và khó lường đối với an ninh của châu Âu”(11)./. 

-------------------------

(1), (2) Галия Ибрагимова: “Победили мы, а не они. Как НАТО обманула Россию”” (Galia Ibragimova: “Chúng tôi là người chiến thắng, chứ không phải họ. NATO đã lừa dối Nga như thế nào”),  https://ria.ru/20190312/1551696625.html, ngày 12-3-2019
(3) Ria Novosti: “Это ультиматум Западу. Чем запомнилось послание Владимира Путина”  (Ria Novosti: “Đây là tối hậu thư với phương Tây. Thông điệp liên bang của Vladimir Putin nói gì),  https://ria.ru/20180301/1515561055.html, ngày 1-8-2013
(4) Kremlin: “Расширенное заседание коллегии Минобороны” (Kremlin: “Hội nghị mở rộng của Bộ quốc phòng Nga”), http://kremlin.ru/events/president/news/67402, ngày 21-12-2021
(5) Кира Латухина: “Владимир Путин объяснил позицию России по гарантиям безопасности Kira” (Latukhina: “Vladimir Putin giải thích quan điểm của Nga về bảo đảm an ninh”), https://rg.ru/2021/12/21/vladimir-putin-obiasnil-poziciiu-rossii-po-garantiiam-bezopasnosti.html, ngày 21-12-2021
(6) Дмитрий  Новиков: Новый Заключительный акт шансы есть? (Dmirty Novikov: Định ước mới liệu có cơ hội thành công?), https://globalaffairs.ru/articles/novye-helsinki/, ngày 9-1-2022
(7), (8), (9), (10), (11) Сергей Латышев: Россия предлагает мир - Запад выбирает войну (Sergey Latyshev: Nga đề xuất hòa bình - Phương Tây chọn chiến tranh), https://bazaistoria.ru/blog/43618712511/rossiya-predlozhila-mir-zapad-vyibral-voynu?utm_referrer=mirtesen.ru, ngày 15-1-2022