Về sự hình thành ba xu thế lớn trên thế giới ngày nay
TCCS - Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin cùng với sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1995 ngày càng thúc đẩy xu thế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong gần ba mươi năm qua, diện mạo của thế giới đã có nhiều thay đổi cả về kinh tế, chính trị, an ninh, môi trường, xã hội…, khác xa với những dự báo đã được đưa ra trước đó và được thể hiện tập trung ở ba xu thế nổi bật.
Từ thế giới phân đôi và kinh tế tri thức tới toàn cầu hóa số và kinh tế số
Sự phân đôi thế giới thành hai hệ thống chính trị và kinh tế đối lập đã chấm dứt cùng với sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Bên cạnh yếu tố chính trị là nguyên nhân chính, cũng cần phải tính tới “tính tất yếu kinh tế tự mở đường đi”. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ (1972 - 1973) và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin đã thúc đẩy các nước phải chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, hướng vào phát triển theo chiều sâu để giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ và tăng cường liên kết kinh tế quốc tế trên cả hai bình diện khu vực và thế giới.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Mỹ triển khai chính sách kinh tế Reaganomics(1), đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia và hạ tầng thông tin quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Nhờ vậy mà trong tám năm cầm quyền (1992 - 2000) của Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn, nước Mỹ đã gặt hái được thành tựu về tăng trưởng kinh tế liên tục và lần đầu tiên đạt được thặng dư ngân sách. Nhật Bản cũng đạt được những thành quả kinh tế to lớn tới mức vào đầu những năm 1980 từng “muốn mua cả thế giới”, kinh tế các nước Tây Âu cũng phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, nền kinh tế của Liên Xô vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, mặc dù Liên Xô tiến hành cải tổ từ năm 1985 nhưng do mắc sai lầm nghiêm trọng về chính trị nên dẫn đến sụp đổ.
Sau khi Trung Quốc và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1972, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách, mở cửa và thực hiện bốn hiện đại hóa (công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng) từ năm 1978. Do tác động cộng hưởng của cách mạng khoa học - công nghệ và sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), toàn cầu hóa, theo cách nói của C. Mác là góp phần mở rộng thị trường thế giới thành một chỉnh thể thống nhất. Nhưng toàn cầu hóa cũng có tác động hai mặt vì các chủ thể kinh tế quốc tế luôn theo đuổi lợi nhuận tối đa. Phương châm “Tư duy toàn cầu và hành động địa phương” đã nhắc nhở các quốc gia phải biết cách hội nhập kinh tế quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, không nên vì sự tăng trưởng kinh tế trước mắt mà ảnh hưởng tới môi trường và an ninh quốc gia.
Trong thế giới toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin, đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế tri thức ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với bốn tiêu chí (trên 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là do các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao mang lại; trên 70% là kết quả của lao động trí óc trong cơ cấu giá trị gia tăng; trên 70% lực lượng lao động là lao động trí óc hoặc có thể gọi là công nhân tri thức; trên 70% nguồn vốn là nguồn vốn về con người). Với mức độ và phương thức khác nhau, các nước OECD đều tập trung vào xây dựng và củng cố thể chế “thượng tôn pháp luật”, đồng thời kiên trì phấn đấu kiến tạo xã hội “cạnh tranh minh bạch”, có “sức cuốn hút sáng tạo khoa học - công nghệ” và đạt “năng suất lao động xã hội cao”, còn dân cư thì “hài lòng và hạnh phúc”.
Toàn cầu hóa thúc đẩy hội nhập quốc tế phát triển. Sau khi gia nhập WTO vào cuối năm 2001, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ lớn này và đưa nền kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng hai con số liên tục. Năm 2009, Trung Quốc vượt Đức trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu và tới năm 2010, vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và trở thành “công xưởng thế giới”. Kết quả là cấu trúc ba trung tâm kinh tế thế giới Mỹ - Trung Quốc - Nhật Bản đã thay thế cấu trúc ba trung tâm Mỹ - Tây Âu - Nhật Bản từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX.
Năm 2011, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đã được nhen nhóm ở Hội chợ Công nghệ Hanovo (Đức) với các mũi nhọn, gồm trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt công nghệ na-no, dữ liệu lớn (Big Data), in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), công nghệ không dây thế hệ thứ 5, công nghệ in 3D và phương tiện vận tải không người lái...
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy phát triển kinh tế số (Digital Economy) và toàn cầu hóa số (Digital Globalization)(2). Khác với kinh tế tri thức (phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin), kinh tế số vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số. Công nghệ số tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa các chủ thể và chu trình vận hành kinh tế, giúp tối ưu hóa kết nối các quá trình xử lý vật liệu, năng lượng và thông tin, lược bỏ nhiều khâu trung gian và gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thúc đẩy toàn cầu hóa số. Công nghệ số hiện đang được nhiều quốc gia sử dụng cả trong phát triển kinh tế, xã hội, y tế như một phương thức tối ưu và hiệu quả nhằm đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19.
Xu thế phát triển kinh tế số và toàn cầu hóa số đòi hỏi phải tạo ra bước đột phá trong cải tổ WTO thành một thể chế thúc đẩy phát triển sáng tạo. Luật quốc tế về kinh tế và thương mại được phát triển từ nhu cầu của thực tiễn. Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ và tự do trong thương mại quốc tế (TRIPS) đã được ký kết tại Ma-ra-kếch (Ma-rốc) ngày 15-4-1994 và có hiệu lực từ ngày 1-1-1995. Hiệp định TRIPS là một trong những trụ cột quan trọng nhất của WTO và bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành một phần không thể tách rời trong hệ thống thương mại đa phương của WTO.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra những vấn đề pháp lý mới như vấn đề bảo hộ sáng chế theo Luật sở hữu trí tuệ hay vấn đề chống độc quyền công nghệ cao. Ngày 15-12-2020, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm tạo ra khung pháp lý buộc các doanh nghiệp công nghệ, như Google, Amazon và Facebook... phải tuân thủ nếu muốn hoạt động tại 27 quốc gia thành viên EU, để ngăn các tập đoàn công nghệ khổng lồ này thao túng thị trường công nghệ. Ngày 18-2-2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một bộ công cụ mới giúp hành động quyết đoán hơn trong quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc... và cải tổ WTO, trong đó có việc khôi phục hoạt động của Cơ quan phúc thẩm (SAB). SAB vốn chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của SAB đã bị tê liệt khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm từ chối bổ nhiệm các thành viên mới vào SAB. EC đề xuất WTO cải tổ theo hướng tăng cường tính minh bạch trong thực tiễn thương mại của các thành viên, cập nhật các quy tắc về thương mại kỹ thuật số và có các thỏa thuận đa phương để tạo thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán các thỏa thuận mới(3). Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hen-ri Pôn-sơn: “Vai trò của WTO là vô cùng quan trọng nhưng cơ quan giải quyết tranh chấp của tổ chức này hiện không thể hoạt động và các quy định của WTO cũng rất cần được cải cách. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn nên cùng các đối tác chủ chốt phát triển những chính sách củng cố và hiện đại hóa quy định trong các lĩnh vực như thương mại kỹ thuật số, hàng hóa và dịch vụ trong ngành công nghệ và bảo vệ môi trường”(4).
Từ trật tự đơn cực trở thành trật tự đa trung tâm, đa cấu trúc
Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới chứng kiến “khoảnh khắc trật tự đơn cực” dưới thời Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn. Nhưng do ảnh hưởng của sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 cùng chính sách chống khủng bố sai lầm trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ (từ tháng 1-2001 tới tháng 1-2009) và cuộc khủng hoảng tài chính (năm 2008), vị thế của Mỹ bị suy giảm tương đối và sự an toàn gần như tuyệt đối của Mỹ vốn có từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã bị “lung lay”. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho Trung Quốc và Nga vươn lên trong cục diện thế giới mới. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo ra khoảng trống quyền lực trên đại lục Á - Âu. Trung Quốc đã nhanh chóng thâm nhập và tăng cường sự hiện diện ở khu vực Trung Á - “vùng đất trái tim” của đại lục Á - Âu và gia tăng sức mạnh quốc phòng (bằng cách sử dụng chất xám và mua vũ khí từ Liên Xô). Có thể thấy rằng, việc Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến kéo dài ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc cùng khủng hoảng tài chính - kinh tế đã tạo ra “cơ hội vàng” cho Trung Quốc “trỗi dậy” và thực thi chiến lược cường quốc một cách quyết đoán, mạnh mẽ.
Năm 2011, khi Mỹ bắt đầu triển khai chính sách “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã không còn thực hiện phương châm “giấu mình chờ thời” mà ngày càng quyết đoán thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm cạnh tranh chiến lược với Mỹ và phấn đấu trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Điều này được thể hiện ở một số điểm như:
Một là, năm 2013, Trung Quốc triển khai đại dự án “nhất đới, nhất lộ”, sau đổi là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Đây được coi “là sự đáp trả chính thức đầu tiên của Trung Quốc trước sự xoay trục sang châu Á của Mỹ”(5). BRI không chỉ làm sống động các nền kinh tế gồm hơn 26 quốc gia và vùng lãnh thổ dọc hai tuyến đường chiến lược này với dân số khoảng 4,4 tỷ người, chiếm 63% dân số thế giới, mà còn tạo dựng hai vành đai an ninh xuyên qua và bao quanh đại lục Á - Âu nhằm cạnh tranh với các liên minh quân sự của Mỹ. Con đường tơ lụa trên biển không chỉ có quan hệ mật thiết với chiến lược Chuỗi Ngọc Trai (String of Pearls) mà còn vươn xa tới cả Đại Tây Dương (nơi có Dự án kênh đào Nicaragua) và Bắc Băng Dương. Các nhà phân tích nhận định, sáng kiến này sẽ mở rộng các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước đang phát triển và góp phần đưa Trung Quốc vào vị trí trung tâm của quyền lực thế giới.
Hai là, về tài chính, Trung Quốc vẫn thực hiện song song hai lộ trình, một mặt, Trung Quốc vẫn tích cực tham gia những thể chế hiện hành như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); mặt khác, Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để tạo ra các thể chế tài chính mới nhằm cạnh tranh với Mỹ, như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới (NDB). Ngoài ra, Trung Quốc cũng dự kiến sẽ đầu tư 1.250 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2025. Trong khi đó Kế hoạch Marshall của Mỹ cũng chỉ tương đương với 103 tỷ USD (tính theo giá USD hiện nay)(6).
Ba là, năm 2015, Trung Quốc công bố Kế hoạch “Made in China 2025” nhằm nâng cấp toàn diện nền công nghiệp Trung Quốc theo xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là tiền đề quan trọng bởi tính tới tháng 10-2017 - tròn một trăm năm từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố mục tiêu phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào năm 2050 và phổ biến “mô hình Trung Quốc” với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho các nước đang phát triển.
Bốn là, trong giai đoạn Tổng thống Mỹ Đ. Trăm từng bước chuyển sang đối đầu toàn diện với Trung Quốc thông qua triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phát động cuộc chiến thương mại (tháng 3-2018), Trung Quốc đã đáp trả bằng cách tới ngày 13-1-2020 mới ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ. Kết quả là năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ vẫn gia tăng còn ông Đ. Trăm thất cử vị trí Tổng thống Mỹ. Trong cuộc họp báo lần đầu tiên vào ngày 25-3-2021, về quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã tuyên bố: “Chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu, mặc dù chúng tôi biết rằng sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và khó khăn..., nhưng chúng tôi sẽ thúc giục Trung Quốc hành động theo các quy tắc quốc tế: cạnh tranh công bằng, thực hành công bằng và thương mại công bằng”(7). Sau một số phản ứng căng thẳng ban đầu, Trung Quốc đang bắt đầu “cài đặt lại” quan hệ với Mỹ thông qua động thái trả tự do cho hai công dân Ca-na-đa sau khi phía Ca-na-đa trả lại tự do cho bà Mạnh Vãn Chu. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn như khủng hoảng năng lượng và rối loạn thị trường bất động sản..., còn nền kinh tế Mỹ cũng phải đối mặt với không ít thách thức cơ cấu do mô hình kinh tế tiêu dùng, kết cấu hạ tầng (xếp thứ 13 thế giới) và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hơn nữa đại dịch COVID-19 đang làm kinh tế toàn cầu suy thoái, vì vậy cả hai bên đều cần giảm thiểu căng thẳng. Ông Tần Cương, tân Đại sứ Trung Quốc tại Oa-sinh-tơn đã thông báo: “Cánh cửa cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã mở ra và sẽ không thể đóng lại”.
Kể từ năm 1991, Nga kế thừa vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế, nhưng không còn sức mạnh toàn diện như Liên Xô thời hưng thịnh. Nước Nga dưới thời Tổng thống Bô-rít En-xin lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tới năm 2000, khi Tổng thống Nga V. Pu-tin lên nắm quyền, Nga vẫn tiếp tục bị Mỹ bao vây và phải đối diện với năm thách thức lớn, về kinh tế, chính trị, đối ngoại. Trong thập niên đầu, Tổng thống V. Pu-tin đã chèo lái con thuyền nước Nga để đạt được mục tiêu chiến lược là giữ cho nước Nga đứng vững và từng bước phục hồi nền kinh tế.
Để ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy, năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chủ trương “cài đặt lại” mối quan hệ với Nga. Tháng 4-2010, Mỹ và Nga đã ký kết Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới với thỏa thuận sau 7 năm, số lượng đầu đạn hạt nhân tối đa của mỗi nước giảm còn 1.550 đơn vị (giảm 30% so với hạn mức năm 2002) nhằm bảo đảm cân bằng chiến lược toàn cầu, cũng là tạo thế thuận lợi để Mỹ chuẩn bị thực hiện chiến lược “xoay trục”. Như vậy, mặc dù còn hạn chế về sức mạnh kinh tế, nhưng với sức mạnh quốc phòng và vị thế địa - chính trị quan trọng trên đại lục Á - Âu, Nga cũng đã khẳng định được vị thế của mình trong quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, năm 2014, nhằm đáp trả kế hoạch “Cách mạng Euromaidan” do Mỹ hậu thuẫn ở U-crai-na, Nga đã quyết định sáp nhập Crưm vào Nga và sau đó đã bị Mỹ trừng phạt kinh tế, bao vây cấm vận, nhưng cho tới nay, Nga vẫn trụ vững dù còn đối mặt với nhiều khó khăn. So với Mỹ và Trung Quốc, GDP của Nga vẫn còn rất thấp. Năm 1992, GDP của Mỹ, Trung Quốc và Nga lần lượt là: 6.520 tỷ USD, 426,9 tỷ USD và 460,3 tỷ USD, tới năm 2019 (trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19) GDP của ba nước này lần lượt tăng lên là: 21.427,7 tỷ USD, 14.342,9 tỷ USD và 1.699,8 tỷ USD(8).
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga tiếp tục được thúc đẩy gắn kết hơn, tới mức có thể gọi là “cận đồng minh”, điều này làm cho Mỹ khó có thể đối đầu cùng một lúc với cả hai đối thủ trên đại lục Á - Âu. Nga tuy hạn chế về kinh tế, nhưng lại có lợi thế ngang với Mỹ về vũ khí chiến lược và vẫn có ảnh hưởng lớn ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Cực. Chính vì vậy mà đã có cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Nga (năm 2018) và Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng đã gặp Tổng thống Nga V. Pu-tin vào tháng 6-2021 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ). Hai bên đã có vòng đàm phán ổn định chiến lược hiệu quả đầu tiên vào tháng 7-2021 và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Như vậy, kể từ năm 1991 tới năm 2021, tam giác chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga, từ cấu trúc đơn cực với sự thống trị của Mỹ đã chuyển thành cấu trúc ba trung tâm phi đối xứng về sức mạnh tổng hợp quốc gia nhưng tùy thuộc lẫn nhau: 1- Quan hệ Mỹ - Trung Quốc có vai trò chi phối cục diện thế giới và chuyển từ hợp tác nổi trội sang hợp tác có điều kiện, từ cạnh tranh chiến lược bộ phận sang cạnh tranh chiến lược toàn diện rồi trở thành đối đầu toàn diện và hiện nay đang được cài đặt lại; 2- Quan hệ Mỹ - Nga có ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược toàn cầu, Mỹ vẫn gia tăng kiềm chế chiến lược nhưng cũng duy trì hợp tác có mức độ với Nga; 3- Quan hệ Trung Quốc - Nga tiếp tục gia tăng hợp tác chiến lược để tạo thế cân bằng với Mỹ và cạnh tranh tùy từng vấn đề.
Sự thay đổi cấu trúc này đã thúc đẩy hình thành trật tự đa trung tâm với các chủ thể chính là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và EU cùng các cấu trúc chính trị - kinh tế, như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Nhóm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G-7), Nhóm các nền kinh tế lớn (G-20), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Phi (AU), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU)... Bên cạnh các cấu trúc “thương mại tự do”, đã xuất hiện các cấu trúc “thương mại giá trị” như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ phiên bản 2.0 (NAFTA 2.0) và Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Nhật Bản (JEFTA). Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Gian Clau-đơ Giăng-cơ, “thương mại không chỉ là thuế quan và rào cản, mà nó là giá trị”(9) đáp ứng yêu cầu về lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ châu Âu - Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Mỹ tiếp tục mở rộng NATO sang phía Đông, ép sát biên giới và đe dọa an ninh của Nga. Trong cuốn sách “Bàn cờ lớn”, Z. Brê-din-xki đã dự tính tới năm 2010, NATO sẽ thu nạp U-crai-na. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Nga đã phản công và vẫn trụ vững. Cuối cùng, Mỹ cũng phải coi Nga là một trong những trung tâm quyền lực thế giới. Đồng thời, do xu thế về các luồng đầu tư và thương mại dịch chuyển dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, cùng với sự trỗi dậy ngày một quyết đoán hơn của Trung Quốc cũng như sự tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ, đã dẫn đến một “Bán cầu châu Á mới - Sự chuyển giao tất yếu quyền lực toàn cầu sang phương Đông” đã xuất hiện(10).
Năm 2011, với cục diện thế giới mới, chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã triển khai thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tới năm 2016, Mỹ vẫn “tuột dốc chiến lược” do quá trình thực hiện “xoay trục” nửa vời. Khi Tổng thống Mỹ Đ. Trăm lên nắm quyền, ông đã đưa ra một tầm nhìn mới cho khu vực với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Cho đến nay, những di sản của Tổng thống Đ. Trăm về FOIP cùng cơ cấu “Bộ tứ” (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a) nhằm kiềm tỏa Trung Quốc đang được Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn kế thừa. Ngày 19-2-2021, tại Hội nghị an ninh Mu-nic (Đức), Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn khẳng định, Mỹ và EU “cần cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc”(11). Trong hai cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến và trực tiếp với các nước trong Nhóm “Bộ tứ”, Tổng thống G. Bai-đơn đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với Nhóm “Bộ tứ”,“Bộ ba” gồm ba nước Anh - Mỹ - Ô-xtrây-li-a (AUKUS) cũng mới được định hình thông qua Thỏa thuận quốc phòng ngày 15-9-2021.
Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm tới hơn 60% dân số thế giới và chiếm 1/3 thương mại thế giới, tạo ra 60% GDP toàn cầu và 2/3 tăng trưởng toàn cầu, tới năm 2030 có thể sẽ có bốn nền kinh tế hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản nằm trong khu vực này. Chính vì vậy mà Pháp (năm 2018), Đức (năm 2020), Hà Lan (năm 2020) đều đã công bố chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 16-4-2021, với tư cách là một “cường quốc đa phương”, EU đã đưa ra dự thảo chiến lược đầu tiên về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ngày 16-9-2021 đã chính thức tuyên bố về chiến lược này nhằm tối đa hóa lợi ích và phát huy ảnh hưởng vượt trội về chủ nghĩa đa phương và pháp quyền quốc tế ở khu vực này, nhất là khi Anh đã rời khỏi EU và cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời khởi động đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mối quan tâm chiến lược của EU tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải chỉ là “sự đồng thuận Washington” thuần túy mà còn là tầm nhìn chung của các quốc gia thành viên EU về tương lai của thế giới, như Ngoại trưởng Đức Hây-cô Mát nhấn mạnh: “Tương lai của chính trị thế giới đang nằm ở châu Á”(12).
Tính đến nay, Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU. Tháng 1-2021, Hiệp định đầu tư toàn diện giữa Trung Quốc và EU (CAI) đã chính thức ký kết. Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, CAI cần có sự chấp thuận của cả Nghị viện châu Âu và từng quốc gia thành viên trong khối. Mặc dù tồn tại những căng thẳng leo thang trong quan hệ Trung Quốc - châu Âu, nhưng châu Âu sẽ không thể từ bỏ thị trường đầu tư rộng lớn đầy tiềm năng như Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cần phải ưu tiên khôi phục nền kinh tế sau những tác động của đại dịch COVID-19. Năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và EU đạt 586 tỷ USD (tăng 8 lần trong vòng 20 năm), cao hơn kim ngạch thương mại hai chiều giữa EU - Mỹ (555 tỷ USD). Bên cạnh đó, đối với Ấn Độ, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2020, khối lượng giao dịch hàng hóa và dịch vụ giữa EU và Ấn Độ đạt 96 tỷ ơ-rô. Ngày 8-5-2021, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU - Ấn Độ đã diễn ra ở Poóc-tô, Bồ Đào Nha. Hai bên đã quyết định tái khởi động mối quan hệ đối tác song phương, trên cơ sở nối lại các cuộc đàm phán về thương mại, bảo hộ đầu tư và chỉ dẫn địa lý để thúc đẩy ký kết hiệp định thương mại tự do song phương. Tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi nhất trí rằng, với tư cách là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, EU và Ấn Độ có lợi ích chung trong việc bảo đảm an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững”(13). EU cũng là nhà đầu tư và là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển hàng đầu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự phát triển tới đây của khu vực chỉ có thể được duy trì lâu bền trong môi trường hòa bình và được kiến tạo trên cơ sở luật pháp quốc tế. Như vậy, có thể thấy rằng, cả về kinh tế và chính trị, nhu cầu xây dựng một trật tự pháp quyền, đa trung tâm và đa cấu trúc trên thế giới đã chín muồi.
Đại dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi thế giới. Cùng với những xu thế khác, ba xu thế lớn nêu trên đang tác động mạnh mẽ tới chiều hướng vận động và phát triển của thế giới trong những thập niên tới. Các quốc gia đã, đang điều chỉnh chiến lược và tận dụng tối đa những cơ hội mang tới từ ba xu thế nhằm bảo đảm an ninh toàn diện, trong đó có an ninh y tế và thúc đẩy phát triển bền vững với bối cảnh thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường./.
----------
(1) Bao gồm: cắt giảm thuế trên diện rộng, giảm chi tiêu xã hội, tăng chi tiêu quân sự và bãi bỏ quy định của thị trường nội địa
(2) Susan Lund and James Manyika: “Defending Digital Globalization - Let the Data Flow”, Foreign Affairs, ngày 20-4-2017
(3) Quang Đặng: “EU đề xuất các công cụ hành động “quyết đoán” hơn trong thương mại quốc tế”, htpp://congthuong.vn/bai-viet/eu-de-xuat-cac-cong-cu-hanh-dong-quyet-doan-hon-trong-thuong-mai-quoc-te-790, ngày 22-2-2021
(4) Henry M. Paulson Jr: “How American Free Trade Can Outdo China”, https://www.wsj.com/articles/how-american-free-trade-can-outdo-china-1614035718?mod=opinion_maor_pos5, ngày 22-2-2021
(5) China’s Alternative Diplomacy, The Diplomat, tháng 1-2015
(6) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 11-12-2015, tr. 3
(7) “Remarks by President Biden in Press Conference”, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/03/25/remarks-by-president-biden-in-press-conferenc, ngày 25-3-2021
(8) Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới
(9) Ánh Huyền: “FTA Nhật Bản-EU: Thông điệp rõ ràng phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại”, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/fta-nhat-baneu-thong-diep-ro-rang-phan-doi-chu-nghia-bao-ho-thuong-mai-662718.vov, ngày 19-7-2018
(10) K. Mahbubani: Bán cầu châu Á mới - Sự chuyển giao tất yếu quyền lực toàn cầu sang phương Đông, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010
(11) “Biden Declares “America Is Back” on International Stage”, https://www.nytimes.com live/2021/02/19/world/g7-meeting-munich-security-conference, ngày 19-2-2021
(12) Heiko Maas: Châu Âu cần một chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, https://vietnam.diplo.de/vn-vi/themen/chinhtri/maas-handelsblatt-indopacific/2454582, ngày 12-4-2021
(13) Vi Trân: “Ấn Độ - EU bắt tay trước thách thức Trung Quốc”, https://thanhnien.vn/an-do-eu-bat-tay-truoc-thach-thuc-trung-quoc-post1066114.html, ngày 13-5-2021
Thanh toán điện tử lên ngôi trong đại dịch COVID-19  (24/11/2021)
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Kết quả, thành tựu thực hiện công bằng về lĩnh vực xã hội trong gần 40 năm đổi mới đất nước và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trên lĩnh vực khoa học - công nghệ giai đoạn từ năm 2017 đến nay dưới góc nhìn của chủ nghĩa tân hiện thực
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng