Phòng, chống dịch bệnh COVID-19: Một số kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu và gợi ý chính sách với Hà Nội
TCCS - Việc giãn cách xã hội tại Hà Nội bước vào giai đoạn mới với việc thực hiện phân vùng theo mã màu trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Đây là giải pháp hữu hiện được áp dụng hiện nay giống như kinh nghiệm của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua.
Kinh nghiệm phân vùng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Liên minh châu Âu
Phân vùng dịch COVID-19 hay hiển thị mức độ nguy cơ đối với từng địa phương bằng “mã màu” không chỉ là biện pháp của Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng. Khuyến nghị này đã được Ủy ban châu Âu (EC) công bố cho các quốc gia thành viên nhằm kiểm soát việc đi lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bao gồm hệ thống mã hóa màu “đèn giao thông” của các khu vực bị ảnh hưởng từ ngày 4-9-2020. Dựa trên ý tưởng từ Chủ tịch EU của Đức, một “mã màu” có thể phản ánh về các khu vực rủi ro, cũng như một cách tiếp cận chung về việc trở về từ các khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh COVID-19. Ủy viên Tư pháp Đức Didier Reynders nhấn mạnh, không thể coi việc di chuyển tự do là đương nhiên khi dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nghiêm trọng, rõ ràng là chúng ta cần phối hợp nhiều hơn thông qua việc phân vùng trong nội khối cũng như ở từng quốc gia thành viên. Theo Stella Kyriakides - Ủy viên phụ trách sức khỏe của EU - khuyến nghị này nhằm mục đích “tránh sự gián đoạn thêm của các nền kinh tế vốn đã mong manh và tránh gây thêm tâm lý bất ổn cho người dân”(1).
Trong khi các quốc gia thành viên EU chủ yếu thực hiện các biện pháp quốc gia đơn lẻ kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, đề xuất của EC được đưa ra dựa trên “cách tiếp cận khu vực” mới. Đây được cho là đề xuất lý tưởng bởi nó bao gồm các biên giới khu vực nội khối của các quốc gia thành viên EU. Theo đó, EC mong muốn các quốc gia EU cung cấp cho Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) số lượng ca mắc mới trên 100.000 dân trong vòng 14 ngày, cùng với các xét nghiệm được thực hiện trên 100.000 người trong khoảng thời gian 7 ngày/lần. Trên cơ sở đó, ECDC xây dựng bản đồ phân vùng được cập nhật hàng tuần dựa trên mã màu chung để “bảo đảm rằng bất kỳ quyết định nào của các quốc gia thành viên là nhất quán và được phối hợp tốt” theo khuyến nghị của EC.
Đề xuất phân vùng dịch bệnh COVID-19 được gọi là hệ thống “đèn giao thông” bởi các vùng dịch tại châu Âu được triển khai theo ba mã màu: xanh, vàng và đỏ. Như vậy, với tỷ lệ xét nghiệm là hơn 250 ca nhiễm trên 100.000 người, các vùng “xanh” sẽ là những khu vực đáp ứng các xét nghiệm kép với tỷ lệ lây nhiễm dưới 25 trường hợp trên 100.000 dân và tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 3%. Trong khi đó, các vùng “vàng” sẽ là những khu vực có ít hơn 50 trường hợp nhiễm bệnh COVID-19 trên 100.000 người và tỷ lệ xét nghiệm dương tính từ 3% trở lên, hoặc từ 25 đến 150 trường hợp trên 100.000 người nhưng tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 3%. Vùng “đỏ” sẽ được sử dụng cho những khu vực có hơn 50 ca nhiễm COVID-19 trên 100.000 người và tỷ lệ xét nghiệm dương tính hơn 3%, hoặc hơn 150 trường hợp trên 100.000 người. Cơ quan điều hành EU cũng đề xuất thêm vùng “xám” khi không có đủ thông tin để đánh giá tình hình hoặc tỷ lệ xét nghiệm dương tính thấp hơn 250 trường hợp trên 100.000 người.
Theo kế hoạch, việc hạn chế đi lại chỉ áp dụng cho các khu vực màu đỏ và màu xám, mặc dù các quốc gia thành viên EU vẫn có thể yêu cầu những người đến từ khu vực được phân loại là đỏ, vàng hoặc xám phải nộp giấy xác nhận vị trí của họ, đặc biệt là đối với những người di chuyển bằng phương tiện hàng không. Hơn nữa, các quốc gia thành viên EU sẽ buộc phải loại bỏ dần các hạn chế áp dụng cho tất cả các khu vực không bị phân loại là màu đỏ hoặc màu xám sau bảy ngày kể từ khi thông qua khuyến nghị này.
Các nước thành viên EU sẽ cập nhật thông báo cho các quốc gia thành viên khác và EC trước khi đưa ra bất kỳ hạn chế mới nào đối với khách du lịch đến từ các khu vực màu đỏ hoặc màu xám. Chẳng hạn như, khách du lịch có thể chỉ phải kiểm dịch, xét nghiệm COVID-19 sau khi đến. Tuy nhiên, theo EC, các quốc gia EU phải thống nhất công nhận lẫn nhau về kết quả xét nghiệm được thực hiện ở các quốc gia thành viên khác bởi các cơ quan y tế được chứng nhận. Ngoài ra, Giám đốc điều hành EU cảnh báo các quốc gia thành viên không nên áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với những người đi đến hoặc đi từ khu vực màu đỏ trừ khi họ áp đặt các hạn chế tương tự đối với khu vực màu đỏ trên lãnh thổ của họ. Bên cạnh đó, EC sẽ cập nhật trang web ReOpen-EU dành riêng để thông báo cho công dân về những lệnh hạn chế được áp dụng ở các nước EU khác nhau.
Phân vùng chống dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội
Khi đợt bùng phát dịch thứ tư xảy ra từ cuối tháng 4-2021, Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao nhất cả nước. Trước tình thế đó, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở đã vào cuộc. Hà Nội đã lập hệ thống phòng, chống dịch chặt chẽ, nhiều lớp, nhiều vòng tới tận ngõ, phố. Để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh COVID-19, Thành phố đã nhanh chóng áp dụng biện pháp mạnh ngay từ đầu. Thực hiện bốn đợt giãn cách liên tục trong 60 ngày vô cùng vất vả, nhưng quân, dân Thủ đô đã đạt được kết quả khả quan. Qua mỗi đợt giãn cách, số lượng ca mắc, nhất là ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, đều giảm(2). Trong số các biện pháp được áp dụng, Thành phố ghi nhận kết quả từ việc phân vùng chống dịch thông qua bốn bước, bao gồm: 1- Phân vùng thành các khu vực nhỏ hơn; 2- Ghi nhãn các khu vực là màu xanh, màu đỏ, hoặc màu vàng tùy thuộc vào việc nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 có được kiểm soát hay không, sử dụng các tiêu chí dịch tễ học khách quan chung; 3- Áp dụng các biện pháp y tế công cộng tùy thuộc vào mã màu của các khu vực; 4- Cho phép đi lại giữa các khu vực màu xanh, đồng thời áp dụng yêu cầu đối với việc đi lại ở các vùng khác đến vùng xanh (như yêu cầu các cá nhân có xét nghiệm âm tính với virus SARS CoV-2 hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng khi đi từ vùng đỏ sang vùng xanh).
Việc áp dụng bước 1, 2 và 3 đã được nhiều quốc gia và EU áp dụng, trong đó phổ biến là việc lựa chọn thêm nhiều mã màu. Tuy nhiên, các lệnh hạn chế đi lại (bước 4) là chìa khóa để thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, do đó, cần duy trì và bảo vệ vùng xanh. Bước 4 này cần được lưu ý vì nếu không các vùng xanh sẽ bị tái nhiễm, từ đó ảnh hưởng đến sự an toàn của mạng lưới các vùng xanh. Trong suốt thời gian thế giới gồng mình chống dịch bệnh COVID-19, ngày càng có nhiều bằng chứng kinh tế và dịch tễ học cho thấy, khoanh vùng xanh là một chiến lược hiệu quả để hạn chế sự lây lan của virus SARS CoV-2 và hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phân vùng chống dịch, Hà Nội nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 để thành phố là nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế. Thành phố quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất nhằm rút ngắn thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố và giảm áp lực an sinh, sản xuất cũng như áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp. Việc phân vùng hình thành các lớp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở khu vực nguy cơ cao, đồng thời tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao nhằm đạt mục tiêu “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”. Cụ thể, ngày 3-9-2021, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố đến ngày 21-9-2021. Theo đó, việc giãn cách xã hội được tiếp tục áp dụng cho vùng 1 (màu đỏ) theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19”cùng một số biện pháp ở mức cao hơn. Vùng 2 (màu vàng) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27-3-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19” cùng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt. Vùng 3 (màu xanh) thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg cùng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ thông điệp 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch(3).
Với quyết tâm cao, để giữ vững thành quả chống dịch bệnh COVID-19, từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, Hà Nội nêu cao ngọn cờ đi đầu cả nước, vừa từng bước tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội căn cứ trên thực tiễn của Thành phố, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả đối với dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, ngày 12-10-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hà Nội tích cực triển khai các quy định tới các quận, huyện, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đến nay, cuộc sống của người dân Thủ đô về cơ bản đã trở về trạng thái bình thường với ý thức cao của mỗi cá nhân đóng góp vì sự an toàn của mỗi người dân và của cả toàn xã hội./.
Ngày 12-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Quy định nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do dịch bệnh COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021. Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Hà Nội cũng như cả nước được thực hiện trên cơ sở phân loại 4 cấp độ dịch: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
-----------------------
(1) Elena Sasnchez Nicolás: “EU unveils Covid-19 'colour-code' travel zones”, https://euobserver.com/coronavirus/149344
(2) Nguyễn Văn Cảnh: “Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Động lực xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp”, https://news.vnanet.vn/?created=7%20day&keyword=H%C3%A0%20N%E1%BB%99i&servicecateid=1&scode=1&qcode=17, ngày 10-10-2021
(3) Trần Quang Vinh, “Phân luồng” chống COVID-19 ở Hà Nội và kinh nghiệm từ EU Phân luồng" chống COVID-19 ở Hà Nội và kinh nghiệm từ EU, https://news.vnanet.vn/?created=30%20day&keyword=H%C3%A0%20N%E1%BB%99i&servicecateid=1&scode=1&qcode=17, ngày 6-9-2021
Phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam  (12/10/2021)
Phát huy bản sắc văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến  (11/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá điểm đến du lịch  (10/10/2021)
Khát vọng “Rồng bay”: Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, bền vững  (10/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển