An ninh lương thực ở châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
TCCS - Theo các tổ chức quốc tế, dịch bệnh COVID-19 có thể gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu Phi, nơi đang phải vật lộn trước các tác động từ thảm họa thiên nhiên và các cuộc xung đột. Do vậy, bảo đảm an ninh lương thực cho các nước châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là vấn đề được thế giới đặc biệt quan tâm.
Tác động của dịch bệnh COVID-19 đến an ninh lương thực ở châu Phi
Trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, an ninh lương thực luôn là vấn đề nghiêm trọng ở châu Phi. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong năm 2018, có đến 239 triệu người dân châu Phi cận Xa-ha-ra bị suy dinh dưỡng(1). Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cho đến nay, khủng hoảng lương thực ở châu Phi diễn ra trầm trọng hơn. An ninh lương thực là vấn đề nóng ở các khu vực hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, như vùng Sừng châu Phi và miền Nam châu Phi. Ở Đông Phi, tình trạng bạo lực và các cuộc xung đột vũ trang cũng đang gây ra tình trạng căng thẳng và bất ổn, đẩy một số lượng lớn người tị nạn sang các nước láng giềng. Ở Ni-giê-ri-a, nước đông dân nhất châu Phi, số người bị suy dinh dưỡng ước tính lên tới 25 triệu người trong năm 2018, tăng khoảng 180% trong một thập niên qua(2).
Năm 2020, nạn châu chấu chưa từng có đã tàn phá nhiều nơi ở vùng Sừng châu Phi, khiến khoản thu từ sản lượng vụ mùa và chăn nuôi gia súc mất đến 8,5 tỷ USD. Thu hoạch vụ mùa sụt giảm nghiêm trọng gây ra tình trạng khan hiếm lương thực trên thị trường. Không chỉ có vậy, hậu quả thiên tai trong những năm gần đây cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Các cuộc khủng hoảng đa chiều này xảy ra đồng thời, đe dọa làm gia tăng số lượng người dân châu Phi lâm vào cảnh đói khát. Trong bối cảnh đó, dịch bệnh COVID-19 đặt ra những thách thức lớn chưa từng có. Việc đóng cửa biên giới, phong tỏa và giới nghiêm nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp vốn đã khó khăn trước đây. Việc gián đoạn này tác động lớn đến nền kinh tế châu Phi khi lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 60% lực lượng lao động. Thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp ở châu Phi có thể bị thu hẹp từ 2,6% đến 7% nếu hoạt động trao đổi thương mại vẫn bị phong tỏa. Chưa kể, phần lớn các nước châu Phi phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu lương thực, do vậy, khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề trước các lệnh cấm xuất khẩu mà một số nước xuất khẩu lương thực áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, sự mất giá đồng tiền, đi cùng với dự trữ ngoại hối thấp, giá nông sản hàng hóa và xuất khẩu sụt giảm, lợi nhuận của các ngành công nghiệp như dầu mỏ và du lịch bị rớt xuống thảm hại, đang ảnh hưởng đến sức mua lương thực của một số nước. Các nước châu Phi đã phải đưa ra báo cáo về sự thiếu hụt lương thực và sự tăng giá mạnh đối với các vụ mùa lương thực trong nước, nhất là đối với các mặt hàng nông sản như kê, cao lương và ngô.
Việc đóng cửa, phong tỏa biên giới, đóng cửa thị trường và hạn chế đi lại cũng làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh lương thực và thiếu hụt dinh dưỡng ở châu Phi, do nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Thứ nhất là nông nghiệp. Việc ngưng trệ các hoạt động nông nghiệp dẫn đến mùa vụ bị thất bát và thiếu hụt lương thực, ảnh hưởng đến người dân khu vực. Thứ hai là chế biến. Lĩnh vực chế biến hiện diện ở tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm cả sản xuất lương thực, đã bị tác động mạnh. Sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn kinh doanh, dẫn đến “hiệu ứng domino” đối với nền kinh tế: các chủ doanh nghiệp gặp phải khó khăn về tài chính, buộc phải sa thải nhân công, thậm chí phải đóng cửa hoàn toàn các doanh nghiệp. Mất việc làm khiến người dân phải chịu những khó khăn về tài chính, cản trở việc tiếp cận dịch vụ lương thực đầy đủ, có chất lượng. Thứ ba là phân phối. Một cản trở chủ yếu đối với an ninh lương thực là sự lựa chọn kênh phân phối bị giới hạn. Dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung cấp lương thực, bao gồm cả dịch vụ logistic có liên quan đến xử lý và phân phối lương thực. Thậm chí khi có nguồn cung cấp lương thực, vẫn có các rào cản khiến người tiêu dùng khó tiếp cận, chủ yếu do việc hạn chế đi lại để làm giảm sự lây lan của virus. Sự gián đoạn nhập khẩu lương thực do những hạn chế về dịch vụ logistic cũng gây ra sự thiếu hụt lương thực khi châu Phi phụ thuộc nhiều vào lương thực nhập khẩu.
Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 đang tác động tiêu cực đến an ninh lương thực châu Phi, làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo khổ cùng cực của khu vực, dẫn đến tình trạng kết cấu hạ tầng kém phát triển, đầu tư không hiệu quả cùng với các nguồn, kỹ năng, kiến thức thiếu hụt và các chính sách thiếu hợp lý về lương thực và nông nghiệp. Để giải quyết các vấn đề này, theo các nhà phân tích, châu Phi cần thực hiện các giải pháp khẩn cấp bằng phương pháp tiếp cận đồng bộ của chính phủ, các thành phần kinh tế công - tư cùng sự đóng góp của các nguồn hỗ trợ, chia sẻ kiến thức với mục tiêu giảm nhẹ tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Thêm vào đó, cần nâng cao năng lực của ngành công nghiệp chế biến lương thực và nông nghiệp để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực của châu lục.
Những cam kết của việc thay đổi chính sách
Ở cấp độ trong nước, ngày 16-4-2020, bộ trưởng nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) cam kết sẽ giảm sự gián đoạn hệ thống lương thực và bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả người dân, nhất là ở những nơi nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong và sau dịch bệnh COVID-19. Các bộ trưởng kêu gọi các chính phủ tập trung vào hệ thống lương thực và nông nghiệp như một dịch vụ thiết yếu, đồng thời xem xét lại tất cả các loại hình hệ thống lương thực (hiện đại, truyền thống, các thị trường mở, các cửa hàng nhỏ,…). Để làm được điều này, các nước, các tổ chức, như Nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần có các bước đi thiết yếu để nguồn lương thực được lưu thông ổn định trong thời điểm đặc biệt này.
Các bộ trưởng cũng kêu gọi các đối tác đẩy nhanh sự hỗ trợ để tránh thảm họa nhân đạo. Tuy nhiên, để giúp các nước châu Phi đối phó với cuộc khủng hoảng và củng cố các hệ thống lương thực của châu lục trong dài hạn, cần có một loạt hành động trực tiếp và lâu dài. Các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ thu nhập cho người dân thông qua các mạng lưới an toàn mở rộng và các chương trình hiệu quả như một ưu tiên hàng đầu. Các nhà hoạch định chính sách cần dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi liên kết giữa người nông dân và thị trường.
Ứng phó với các tình huống lương thực khẩn cấp, bảo đảm nhu cầu lương thực được đáp ứng đầy đủ và khôi phục cuộc sống bình thường của người dân là những vấn đề cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm hàng đầu. Ở một số nước, các nhà hoạch định chính sách đã và đang thực hiện những bước đi thiết thực, hiệu quả. Chẳng hạn như ở Cộng hòa Sát, một dự án chính phủ với sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển đang cung cấp các trang thiết bị lương thực, thiết lập các ngân hàng ngũ cốc và phân phối hạt giống cho các vụ mùa tương lai để giúp đỡ các hộ gia đình có nguy cơ lâm vào cảnh đói khát do dịch bệnh COVID-19. Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết không chỉ nhu cầu tức thời về lương thực mà còn bảo đảm hiệu quả năng lực của các hộ nông dân. Ở Dăm-bi-a, Chính phủ nước này đang gặp thuận lợi từ vụ mùa bội thu ngô mới đây để tăng cường dự trữ lương thực khẩn cấp. Cơ quan dự trữ lương thực của Dăm-bi-a sẽ thu mua khoảng 1 tỷ tấn ngô từ những người nông dân, gấp hơn hai lần so với mức mua trung bình hằng năm trong vài năm qua, để tạo ra một nguồn cung cấp tin cậy đối phó với các tình huống lương thực khẩn cấp.
Về dài hạn, điều mấu chốt là các nước cần thực hiện những bước đi linh hoạt. Ở U-gan-đa, một dự án chính phủ đang được tái thiết lập để cung cấp thiết bị, máy móc, gia súc cho các cộng đồng có truyền thống dựa vào việc cày cấy thủ công thuê. Ở Xê-nê-gan, một chương trình đặt mục tiêu vào xây dựng khả năng đối phó của người nông dân trước tình trạng biến đổi khí hậu và các thay đổi của thị trường bằng cách làm tăng năng suất của các loại cây thân củ, dựa trên các hệ thống nông nghiệp. Chương trình cũng đặt mục tiêu vào việc đa dạng hóa nông nghiệp bằng cách hỗ trợ phát triển của các chuỗi giá trị khác. Ở Kê-ni-a, công nghệ số hiện đang được đẩy mạnh thông qua chương trình đối tác với 15 doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ nông nghiệp nhằm hỗ trợ một số hoạt động, như vận chuyển, xét nghiệm đất, bảo hiểm vụ mùa, tín dụng, tư vấn mở rộng và liên kết thị trường. Các dự án này có thể giúp người nông dân khắc phục tạm thời những trở ngại liên quan đến dịch bệnh COVID-19, bảo đảm đặt mục tiêu tốt hơn và hiệu quả hơn đối với vận chuyển dịch vụ, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Bằng cách hành động nhanh chóng, các nước có thể xây dựng các hệ thống lương thực hiệu quả hơn, hỗ trợ cho an ninh lương thực trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 và cả sau này.
Ở cấp độ quốc tế, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đang thực hiện những biện pháp để ứng phó với tình huống hiện tại, bao gồm cung cấp nguồn, như hạt giống cho nông dân, bảo đảm các chuỗi cung cấp bằng việc mua và tích trữ sản phẩm, bảo đảm các tuyến giao thương luôn thông suốt. IFAD cũng phối hợp chặt chẽ với các chính phủ để bảo đảm các chính sách được thực hiện hiệu quả.
Gần đây, IFAD đã ban hành chương trình Cơ sở khuyến khích nông thôn nghèo (Rural poor stimulus facility) để giải quyết hiệu quả hơn nhu cầu trực tiếp của những hộ nông dân sản xuất nhỏ. Chương trình hiện đã huy động được 40 triệu USD và dự kiến sẽ huy động được ít nhất 200 triệu USD từ các quốc gia thành viên và những nhà tài trợ khác để tăng quy mô hỗ trợ cho những nước và những người nông dân bị tổn thương nhất từ dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, FAO đã thành lập lực lượng đặc nhiệm để chống hậu quả tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng của châu Phi. Lực lượng đặc nhiệm bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng phát triển châu Phi (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Chương trình lương thực thế giới (WEP) và Cơ quan phát triển Liên minh châu Phi (AUDA - NEPAD). Tại cuộc họp đầu tiên của Lực lượng đặc nhiệm, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu cho rằng: “Điều mấu chốt là giữ cho biên giới luôn mở đối với thương mại để bảo đảm mọi người tiếp cận được lương thực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và để đạt được mục tiêu phát triển bền vững”(3).
Vai trò chính của Lực lượng đặc nhiệm là giúp điều phối các hành động được thiết lập trong Tuyên bố chính trị chung của các bộ trưởng nông nghiệp châu Phi (tháng 4-2020) với sự hỗ trợ của FAO và AU, về bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Trong Tuyên bố chung này, các bộ trưởng cam kết giảm thiểu các rào cản hệ thống lương thực trong khi bảo đảm thực hiện các biện pháp để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn cho an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Lực lượng đặc nhiệm cũng sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho bất kỳ điểm nóng an ninh lương thực mới nào do dịch bệnh COVID-19 gây ra, đặc biệt tập trung vào các nước phải đối mặt với các mối đe dọa đa chiều, chẳng hạn như nạn châu chấu sa mạc ở Đông Phi. FAO nhấn mạnh cần hỗ trợ cho các nước tổn thương nhất ở châu Phi và cần thực hiện điều này thông qua sự đổi mới chuỗi cung cấp lương thực, kể cả chấp nhận các công nghệ nông nghiệp số. Tổng Giám đốc chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn EU Wolfgang Burtscher cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại và sự đáp ứng kịp thời để bảo đảm các chuỗi cung cấp không bị phá vỡ, để cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay không trở thành một cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi.
Những biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Các nhà phân tích cho rằng, để khắc phục hiệu quả những thách thức về an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các nước châu Phi cần thực hiện đồng bộ các chương trình nghiên cứu và các biện pháp đối với các lĩnh vực: trồng trọt, nông nghiệp và các chính sách tín dụng nông nghiệp; các hệ thống giáo dục chế biến lương thực và nông nghiệp; các chính sách dinh dưỡng và lương thực; các chính sách hỗ trợ tài chính của chính phủ liên quan đến dinh dưỡng và nông nghiệp; các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ địa phương cho các ngành công nghiệp lương thực và nông nghiệp; trợ giúp kinh tế - xã hội và lương thực cho các cộng đồng trong và sau dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, theo các nhà phân tích, để có những thay đổi to lớn và có tác động mạnh mẽ, các chính phủ châu Phi cần thực hiện các mục tiêu lương thực, nông nghiệp như sau:
Bảo hộ chuỗi cung cấp: Nhấn mạnh vào việc bảo hộ các chuỗi cung cấp trước bất kỳ những trở ngại nào trong ngắn hạn. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước đang phải trải qua sự phong tỏa do dịch bệnh COVID-19, có nhu cầu giao lưu biên giới thuận lợi thông qua cách tiếp cận phối hợp về thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và xét nghiệm.
Bảo hộ đầu tư tư nhân: Thực hiện các biện pháp triệt để để bảo hộ đầu tư tư nhân là vấn đề mấu chốt cho quá trình phục hồi hiện tại và trong tương lai.
Phát triển thị trường: Thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để bảo hộ và phát triển các thị trường là biện pháp cần thiết trong trung hạn để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.
Các nỗ lực xây dựng không gian tài khóa: Các nền kinh tế châu Phi cần tái đàm phán nợ nước ngoài để tạm hoãn việc trả nợ trong vòng ít nhất 1 năm. Điều này sẽ bảo đảm khả năng thanh toán tiền mặt/chi phí và hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách tài khóa, giúp phần lớn các nền kinh tế châu Phi vượt qua các cú sốc hiện nay.
Dự trữ lương thực: Một phương pháp then chốt mà các nước châu Phi có thể xây dựng tính thích ứng để giảm nhẹ và xử lý các cú sốc là tạo ra những “giảm xóc” đối với sự an toàn sống còn, đó là dự trữ lương thực chiến lược. Đây là một biện pháp hiệu quả để hỗ trợ những tình huống khủng hoảng.
Công nghệ số và đổi mới: Sử dụng công nghệ số và không gian số nhằm đưa các hoạt động doanh nghiệp tiến lên phía trước. Hiện nay ở phần lớn các nước, sự phát triển và sử dụng công nghệ số trong các dịch vụ tài chính, các dịch vụ chính phủ điện tử và học trực tuyến đã hỗ trợ cho phần lớn các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), điều này đặc biệt trở nên hữu ích khi được áp dụng vào tình hình dịch bệnh COVID-19. Cho đến nay, công nghệ số đã được các chính phủ sử dụng vào các chương trình bảo trợ xã hội. Ở các nước áp dụng thành công mô hình này, một loạt dịch vụ được cuộc cách mạng dịch vụ tài chính thúc đẩy, tăng khả năng cho các chính phủ cung cấp tốt hơn một loạt dịch vụ và cơ hội cho các chương trình phúc lợi xã hội, kinh doanh, người đóng thuế và nhà đầu tư, cũng như tăng động lực cho thành phần tư nhân.
Trong khi góp phần vào tăng cường năng lực quốc gia, cuộc cách mạng công nghệ số cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với nhà nước để củng cố các thành công trong hiện tại và tương lai. Một số yêu cầu đó bao gồm cải thiện sự kết nối trong nước và xuyên lục địa, bảo đảm một cơ sở thanh toán điện tử tương thích hoàn toàn và thực hiện các biện pháp để củng cố sự bảo hộ người tiêu dùng. Theo cách này, sự phục hồi thể chế và kinh tế tương lai và khắc phục những tiêu cực sau dịch bệnh COVID-19 sẽ được thúc đẩy ở châu Phi thông qua cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với những cơ sở vững chắc. Albert Zeufack, nhà kinh tế trưởng châu Phi của WB nhận định: “Ngoài các biện pháp kiềm chế chúng ta đã được chứng kiến trong cách thức ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các nước châu Phi đang lựa chọn một sự kết hợp các hoạt động chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa khẩn cấp với việc rất nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực thực hiện các hoạt động quan trọng, như cắt giảm lãi suất và cung cấp sự hỗ trợ tiền mặt. Tuy nhiên, điều quan trọng là bảo đảm rằng chính sách tài khóa được xây dựng để tham gia vào bảo trợ xã hội, đặc biệt đặt mục tiêu vào người lao động trong các thành phần không chính thức, giúp tăng sự thích nghi trong tương lai của các nền kinh tế”(4).
Các biện pháp bền vững và dài hạn bao gồm xây dựng năng lực cấp độ châu lục, vùng, quốc gia, góp phần thúc đẩy việc hoạch định chính sách hiệu quả liên quan đến các vấn đề nông nghiệp, lương thực và dinh dưỡng ở châu Phi. Bên cạnh đó là xây dựng năng lực nhằm xây dựng, củng cố các thể chế cho các chính sách tài khóa và tiền tệ dài hạn, an ninh lương thực hoặc phát triển các thị trường. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, giúp châu Phi bảo đảm được an ninh lương thực trong và sau dịch bệnh COVID-19./.
------------------------------
(1), (2) “Protecting food security in Africa during Covid-19”, www.brookings.edu/blog/africa-in-focus/
(3) “Task force focusing on impacts of Covid-19 on Africa’s food security begins work”, www.foo.org/director-general/news/news-article/en/c/1274052
(4) “The impact of Covid-19 on food security in Africa”, mns.com/en-za/news/other/the impact-of…
Fitch Ratings nâng triển vọng của PVN lên “tích cực”, xếp hạng tín dụng độc lập ở mức “BB+”  (13/04/2021)
Văn hóa là gốc của công tác chuyển đổi số  (07/04/2021)
VietinBank eFAST đồng hành cùng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu 2021 vượt qua đại dịch COVID-19  (17/03/2021)
Petrovietnam: Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng trong 2 tháng đầu năm 2021  (08/03/2021)
Chuyển đổi số là chìa khóa thành công của Vietcombank  (03/03/2021)
Doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực sáng tạo trong giai đoạn COVID-19  (03/03/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển