An ninh lương thực của Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
TCCS – Mặc dù là nước sản xuất nông nghiệp, nhưng Trung Quốc vẫn phải dựa nhiều vào nguồn lương thực nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến về lương thực do dân số ngày càng tăng, sự sụt giảm đất canh tác, thiếu nước và các nguồn tài nguyên khác. Cuộc chiến thương mại với Mỹ, sự biến đổi khí hậu, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 càng đẩy Trung Quốc vào nguy cơ thiếu hụt lương thực.
Vai trò của việc bảo đảm an ninh lương thực đối với Trung Quốc
An ninh lương thực có vai trò rất quan trọng, là một trong những yếu tố để đạt được những Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng. An ninh lương thực cũng là chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia, tạo điều kiện để các quốc gia hội nhập hiệu quả hơn vào thị trường khu vực và quốc tế. Đối với Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới - vấn đề an ninh lương thực được coi là một trong những thách thức và nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ.
Với dân số gần 1,4 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của Trung Quốc cần khoảng 700 triệu tấn/năm, trong khi năng lực sản xuất lương thực của Trung Quốc hiện chỉ khoảng hơn 500 triệu tấn (1). Hiện nay, diện tích đất canh tác bình quân đầu người của Trung Quốc chưa đến 0,3ha, chỉ bằng 43% mức bình quân của thế giới. Dân số gia tăng, đất canh tác giảm, tài nguyên đất canh tác hạn chế dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng lớn. Vì vậy, Trung Quốc coi việc duy trì nguồn cung lương thực ổn định và đầy đủ cho người dân là vấn đề quan trọng cốt lõi để bảo đảm ổn định chính trị, xã hội và kinh tế đất nước
Với diện tích đất canh tác hạn chế, tác động của dịch bệnh COVID-19 buộc Trung Quốc tăng cường tích trữ lương thực, thu mua gạo từ các nguồn sản xuất trong nước, giúp bình ổn giá và hạn chế số lượng xuất khẩu lương thực sang các nước khác trong khu vực. Do giá cả của các mặt hàng thực phẩm tăng cao, cùng với việc áp dụng lệnh phong tỏa xã hội, biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 nên đã gây nhiều trở ngại đối với ngành vận tải và dịch vụ hậu cần logistics. Các biện pháp giãn cách xã hội cũng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực, trở thành vấn đề “đáng báo động” đối với nền kinh tế mới nổi và đang trên đà phát triển như Trung Quốc.
Dịch bệnh COVID-19 và nguy cơ an ninh lương thực ở Trung Quốc
Theo đánh giá của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, dịch bệnh COVID-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp, từ 135 triệu người (năm 2019) lên tới 265 triệu người (năm 2020). Trên thực tế, tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới đã gia tăng từ năm 2019 và tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình. Đối với Trung Quốc, nguy cơ an ninh lương thực do dịch bệnh COVID-19 thể hiện ở một số điểm:
Một là, sụt giảm nguồn thu ngoại hối. Sách Trắng về an ninh lương thực của Trung Quốc có những lo ngại về nguy cơ bất ổn an ninh lương thực do cuộc chiến thương mại với Mỹ (2). Nếu cuộc chiến này tiếp diễn, nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ giảm và Trung Quốc có nguy cơ phải đối diện với khủng hoảng lương thực. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, nguồn dự trữ lớn nhất thế giới, đã sụt giảm mạnh, mất hơn 46 tỷ USD trong tháng 3-2020, xuống chỉ còn xấp xỉ 3.061 nghìn tỷ USD (3) - mức thấp nhất trong vòng 17 tháng do tác động toàn cầu của dịch bệnh COVID-19. Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đã giảm 1,7% so với đồng USD.
Hai là, hạn chế về xuất khẩu lương thực. Nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và nông sản do sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực để ưu tiên cung cấp trong nước. Bên cạnh đó, việc đóng cửa biên giới có thể dẫn đến nguy cơ gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu vì sự thiếu hụt nguồn cung và giá thành gia tăng.
Do dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu thực phẩm để ưu tiên cung cấp trong nước. Khi toàn bộ chuỗi sản xuất bị gián đoạn và tình trạng thất nghiệp gia tăng, những người dễ bị ảnh hưởng nhất chính là công nhân, người lao động, người buôn bán nhỏ và lao động phi chính thức.
Ba là, sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng. Lương thực là một trong những ngành hàng giao thương mạnh nhất trên thế giới. Dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lệnh phong tỏa và cách ly xã hội đối với 1/5 số dân thế giới. Việc các cửa khẩu đóng cửa và giao thương đường biển bị gián đoạn khiến các chuỗi cung ứng bị phá vỡ và nguồn lương thực tới thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này bị cản trở.
Dịch bệnh COVID-19 cũng gây ra những vấn đề phức tạp khác đối với an ninh lương thực, như ảnh hưởng của lệnh phong tỏa, hạn chế di chuyển và vấn đề thiếu nhân lực ngành nông nghiệp đang làm tổn hại đến ngành lương thực, thực phẩm. Giá lương thực tăng đột biến ở các thành phố chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn ở khâu hậu cần, trong khi các nguồn tài nguyên bị xâm hại khiến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực của Trung Quốc đang trở thành mối lo lớn. Giá lương thực, thực phẩm ở Trung Quốc tăng 14,8% (tháng 4-2020) (4) cùng với sự suy giảm kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ bất ổn.
Trung Quốc ứng phó đối với vấn đề an ninh lương thực ở Trung Quốc
Năm 2020, nhu cầu lương thực của Trung Quốc cần khoảng 700 triệu tấn, nhưng nước này chỉ tự sản xuất được 554 triệu tấn, gần 200 triệu tấn phải nhập khẩu. Theo các chuyên gia, nếu mức độ thiếu hụt lương thực khoảng 10%, xã hội có thể rơi vào tình trạng bất an. Tỷ lệ thiếu hụt lương thực lên tới 30%, tình trạng rối loạn xã hội có thể sẽ xảy ra. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực càng trở nên quan trọng và cấp bách trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trung Quốc đưa ra ba mục tiêu chính trong an ninh lương thực: một là, bảo đảm sản xuất đủ số lượng thực phẩm; hai là, bảo đảm tối đa hóa sự ổn định của việc cung cấp thực phẩm; ba là, bảo đảm tất cả những người cần thực phẩm đều có thể nhận được thực phẩm. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp ứng phó đối với dịch bệnh COVID-19, tránh cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ở nước này.
Thứ nhất, tích trữ và xây dựng kho dự trữ lương thực. Thiếu lương thực sẽ có thể dẫn tới bất ổn xã hội, do đó Chính phủ Trung Quốc đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo đảm lương thực: bảo đảm diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm, tăng cường khả năng dự trữ, nêu cao tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực. Chính phủ cam kết mua nhiều gạo từ vụ mùa nội địa, dự trữ gạo và lúa mì đủ cho một năm tiêu thụ.
Khởi động lại ngành công nghiệp thực phẩm, từ sản xuất đến phân phối. Xóa bỏ hạn chế sự di chuyển của người và hàng hóa để thiết lập lại chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc đã đưa ra chương trình cơ bản để cung cấp thực phẩm và vật tư y tế cần thiết có tên “Lối xanh”. Chương trình này đã giúp giảm nhiệt giá lương thực tại nhiều vùng, địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng các kho dự trữ lương thực khổng lồ tại các khu vực đông dân cư. Cơ quan dự trữ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền các địa phương bảo đảm có đủ gạo và lúa mì cho cả năm và khi cần thiết sẽ sử dụng số lượng hàng dự trữ. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tăng cường dự trữ các loại ngũ cốc và hạt có dầu, bao gồm ngô và đậu tương trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu tái bùng phát, khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng.
Thứ hai, ưu tiên các chính sách đầu tư vào chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm. Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc và Cơ quan Quản lý lương thực và dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc đã chỉ đạo ban hành các chính sách về bảo đảm sản xuất đầy đủ lương thực và thực phẩm để giảm mức độ tác động từ dịch bệnh COVID-19 đối với chuỗi cung ứng và kiểm soát giá lương thực tăng. Các hệ thống cung cấp thực phẩm địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực cho người dân, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, duy trì sản lượng thực phẩm cũng như hậu cần trên cả nước. Những chính sách trên đều nhằm tránh một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, năng lượng sau dịch bệnh COVID-19, cũng như giúp Trung Quốc tiếp tục bảo đảm được cuộc sống cho người dân một thời gian dài trong bối cảnh thiếu nguồn cung lương thực, khiến Chính phủ Trung Quốc cần phải tính đến vấn đề an ninh lương thực trong dài hạn.
Thứ ba, bảo vệ các chuỗi cung ứng thực phẩm và hạn chế xuất khẩu. Sự đổ vỡ của các chuỗi cung ứng thực phẩm vì hàng loạt quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đã khiến sự lo ngại về việc bảo đảm an ninh lương thực của Trung Quốc ngày càng tăng. Trong giai đoạn ngắn và trung hạn, tuy chưa phải đối mặt với vấn đề cấp bách về thiếu lương thực nhưng Trung Quốc đã tìm cách đa dạng hóa thị trường nhập khẩu lương thực thông qua các dự án hợp tác nông nghiệp ở Nga, các nước Đông Âu, châu Phi và Nam Mỹ và đang có xu hướng mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á.
Để bảo đảm cách ly xã hội không gây gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng thực phẩm, những người nông dân Trung Quốc đã tự xoay xở để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bằng cách mở một “kênh xanh” cho các sản phẩm nông nghiệp tươi sống và hạn chế được các rào cản như nhiều kênh vận chuyển hàng nông sản truyền thống bị ùn tắc. Sáng kiến bán hàng qua mạng để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và thúc đẩy tiêu dùng cũng được áp dụng. Các công ty thương mại điện tử và giao hàng hiện đóng một vai trò hậu cần quan trọng. Các biện pháp cách ly đã làm gia tăng nhu cầu giao hàng tại nhà, do vậy, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, công ty thương mại điện tử đã sử dụng ứng dụng để giao hàng không tiếp xúc, cho phép các đơn vị chuyển phát để lại một bưu kiện tại một điểm thuận tiện cho khách hàng nhận.
Trung Quốc không những hạn chế xuất khẩu gạo mà còn tăng cường thu mua một số lượng lớn lương thực. Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch mua 40 đến 50 tỷ USD hàng nông nghiệp Mỹ trong vòng hai năm trong giai đoạn ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ. Động thái tăng thu mua lương thực của Trung Quốc có thể khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao.
Thứ tư, giữ vững “giới hạn đỏ” đất canh tác. Diện tích đất canh tác của Trung Quốc chiếm 9% toàn cầu, nhưng phải nuôi sống 1/5 dân số thế giới. Trung Quốc phải duy trì ít nhất hơn 100 triệu héc-ta đất canh tác trồng cây lương thực thì mới đủ nuôi sống 1,4 tỷ người. Tuy nhiên, “giới hạn đỏ” này đã bị phá vỡ. Do nhu cầu của công nghiệp hóa và đô thị hóa, một số lượng lớn đất canh tác đã được sử dụng để xây dựng nhà máy và nhà ở, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Diện tích đất canh tác của Trung Quốc hiện còn chưa tới 93 triệu héc-ta, 1/3 trong số đó lại bị ô nhiễm do hiện tượng mưa a-xít.
Trung Quốc đã chỉ đạo tất cả các địa phương trong năm 2020 đều phải giữ ổn định diện tích đất gieo trồng và sản lượng ngũ cốc ngang bằng so với năm 2019, đồng thời đã đưa ra nhiều chính sách để đạt được mục tiêu. Tháng 3-2020, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc đã cung cấp 22,67 tỷ NDT (khoảng 3,19 tỷ USD) (5) để hỗ trợ nông dân gieo trồng vụ xuân, trong đó 6,92 tỷ NDT dành hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, như hạt giống, phân bón, máy móc nông nghiệp và khoa học - kỹ thuật công nghệ nông nghiệp.
Trên cơ sở diện tích đất canh tác được quy hoạch lâu dài, Trung Quốc thiết lập 70 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp trọng điểm và 5,3 triệu héc-ta đất nông nghiệp năng suất cao; đồng thời, đề ra mục tiêu quy hoạch 66 triệu héc-ta đất nông nghiệp năng suất cao vào năm 2022. Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD cho kỹ thuật tưới tiêu, nuôi giống, tự động hóa nhằm nâng cao năng suất nông nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu lương thực.
Thứ năm, hợp tác mang tính toàn cầu giữa các doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức nông dân. Mặc dù chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước để đáp ứng nhu cầu lương thực nội địa, song Trung Quốc tích cực hợp tác với các nước và các khu vực trên thế giới nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu lương thực của Trung Quốc khi các mức thuế cho hàng hóa nông sản nhập khẩu sẽ được hưởng những ưu đãi lớn. Để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực đi liền với suy thoái kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, cần sự hợp tác toàn cầu, cả trong chống biến đổi khí hậu, bảo đảm sản xuất lương thực cũng như phát triển các ngành kinh tế. Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng nhằm bảo đảm công tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19 không gây ra sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu./.
-------------------------
1. Lý Quốc Tường: Phân tích mức độ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và năng lực sản xuất ngũ cốc năm 2020 của Trung Quốc, Tạp chí Kinh tế nông thôn Trung Quốc, số 9-2018.
2. Toàn văn Sách trắng An ninh lương thực Trung Quốc http://www.scio.gov.cn/zfbps/32832/Document/1666192/1666192.htm,ngày 14-10-2019
3. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cuối tháng 3 xấp xỉ 3,061 nghìn tỷ USD, giảm hơn 46 tỷ USD, http://finance.sina.com.cn/roll/2020-04-07/doc-iimxyqwa5544829.shtml, ngày 7-4-2020
4. Tháng 4-2020 chỉ số CPI quốc gia tăng 3,3% so với cùng kỳ, http://economy.caijing.com.cn/20200512/4663866.shtml, ngày 12-5-2020
5. Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp đã cho vay 22,67 tỷ NDT để hỗ trợ canh tác vụ Xuân, http://finance.eastmoney.com/a/202003201426614461.html, ngày 20-3-2020
Tác động của biến đổi khí hậu đến hòa bình, an ninh quốc tế hiện nay và đề xuất đối với Việt Nam  (22/08/2020)
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5  (21/08/2020)
Bảo vệ môi trường từ bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập  (20/08/2020)
MB đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam chống dịch COVID-19  (20/08/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển