Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5
TCCS - Trong 2 ngày 19 và 20-8-2020, đã diễn ra Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự phiên khai mạc của hội nghị và tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn và các đại biểu Quốc hội: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là diễn đàn đối thoại nghị viện cấp cao nhất ở quy mô toàn cầu với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới. Kể từ hội nghị lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000, đến nay, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần.
Thúc đẩy các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới
Hội nghị lần này được thực hiện theo hình thức trực tuyến do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên hợp quốc (UN) và Quốc hội Áo phối hợp tổ chức từ ngày 19 đến ngày 20-8-2020.
Chủ đề tổng quát của Hội nghị lần này là: Sự lãnh đạo của nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.
Trước thềm hội nghị, với vai trò là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu qua video (video message), trong đó nội dung nhấn mạnh sự tham gia của Quốc hội Việt Nam vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt, nhất là đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội.
“Những thách thức này cho thấy hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gia tăng nguồn lực quốc gia, phát huy sức mạnh tập thể nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những vấn đề mang tính toàn cầu”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tại phiên thảo luận: "Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt coi trọng và ủng hộ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Tháng 5-2017, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với IPU đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”.
Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Với những trọng trách đó, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn.
Để thúc đẩy hơn nữa hành động của nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp do biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một số đề xuất tại phiên thảo luận.
Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, các nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về Biến đổi khí hậu của IPU phù hợp với trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.
Cần thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, đồng thời ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Đề xuất của Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến nghị viện các nước tiếp tục phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng nhấn mạnh kênh ngoại giao nghị viện đa phương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin, mở rộng hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác vì một nền hòa bình bền vững và sự thịnh vượng cho tất cả các nước.
Cơ hội hướng tới tương lai tốt đẹp hơn
Trong nội dung phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho biết, hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mọi khía cạnh trong cuộc sống nhưng cũng tạo ra cơ hội để hướng tới đích đến chung là phục hồi và tái thiết mạnh mẽ hơn, về tương lai tương đẹp hơn.
COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế đã biến thành khủng hoảng về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống của tất cả người dân toàn cầu. Theo đánh giá của tổ chức Oxfam, có khoảng nửa tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo do tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 và rất nhiều người buộc buộc phải rời bỏ nhà cửa trở thành những người di cư. Thực trạng này đòi hỏi các đại biểu cần phải lắng nghe mong mỏi của người dân và theo sát họ. Quốc hội cần biến các thỏa thuận quốc tế trở thành hiện thực.
Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cũng nêu rõ, trách nhiệm của quốc hội/nghị viện trong giám sát hoạt động của Chính phủ, thực hiện cam kết hướng đến thế giới không có vũ khí hạt nhân, nỗ lực đạt được nhiều kết quả hơn trong bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em...
Nhấn mạnh hội nghị này cơ hội để các Chủ tịch Quốc hội thực hiện trọng trách của mình để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron bày tỏ mong muốn các ý kiến thảo luận tại hội nghị sẽ góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, đưa ra các giải pháp rộng lớn giải quyết những thách thức toàn cầu và kết quả từ hội nghị sẽ được trình bày trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay.
Trong nội dung phát biểu của mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng bày tỏ quan ngại đối với khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra khi hơn 700 nghìn người thiệt mạng và con số này ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trước khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ... Tuy nhiên, đại dịch này cũng chỉ làm lộ rõ thêm những lỗ hổng và mảng tối trong xã hội.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đề xuất các vấn đề mà các quốc gia cần quan tâm thực hiện. Theo đó cần xây dựng xã hội tiến bộ hơn, phát triển bền vững, những ngành công nghiệp phù hợp với thỏa thuận về biến đổi khí hậu.
Trước những vấn đề ảnh hưởng tới tương lai như bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia xây dựng khế ước xã hội mới với những chính sách mới, trong đó có bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục tạo ra cơ hội học tập, xây dựng luật pháp quốc gia phù hợp các mục tiêu phát triển bền vững. Cần có những thỏa thuận toàn cầu mới nhằm bảo đảm chia sẻ lợi ích của tăng trưởng toàn cầu và dành tiếng nói mạnh mẽ cho các nước đang phát triển. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi bảo đảm các quyền con người và kỳ vọng các quốc hội/nghị viện thúc đẩy bình đẳng giới.
Cùng với đó là các chính phủ, các nhà lập pháp hợp cùng với các tổ chức quốc tế hay thể chế khác hợp tác với nhau và hợp tác xuyên biên giới thông qua chủ nghĩa đa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Liên hợp quốc đã và sẽ luôn hợp tác chặt chẽ với IPU để cùng nhau thảo luận, định hình tương lai; trong đó thông qua thảo luận giữa các nghị sĩ, nghị viện để có thể hiện thực hoá các mục tiêu chung...
Tại hội nghị, đại biểu là các nhà lãnh đạo quốc hội các nước, tổ chức quốc tế thảo luận về các báo cáo và các chủ đề: "Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện"; "Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: Từ lời nói đến hành động"; "Thập kỷ hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững"; "Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu"; "Dịch chuyển thể nhân để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn: Các thách thức, cơ hội và giải pháp"; "Dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ 21"; "Khoa học, công nghệ và đạo đức: Những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách"... và nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận và dự kiến thông qua tuyên bố về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.
Với hơn 46 nghìn nghị sĩ trên toàn thế giới thì vai trò của các đại biểu, các quốc hội là rất lớn và cần được phát huy để đem lại những thay đổi lâu dài và bền vững. Với những nỗ lực đó, kỳ vọng tương lai sẽ đạt được bình đẳng giới, mở đường tham gia chính trị cho thế hệ trẻ, định nghĩa lại đoàn kết nhân loại, thúc đẩy đa phương, xóa bỏ đói nghèo và hận thù. Hiện tại là nền tảng cho tương lai, thay đổi lịch sử tạo nên những điều khác biệt...
** Ngày 20-8-2020, Hội nghị trực tuyến Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 đã bế mạc sau hai ngày làm việc. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.
Đoàn kết quốc tế quan trọng hơn bao giờ hết
Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ hai của Hội nghị, các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày các báo cáo về "Dân chủ và vai trò thay đổi của nghị viện trong thế kỷ XI"; "Khoa học, công nghệ và đạo đức: những thách thức mới nổi và giải pháp cấp bách'... Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế tưởng nhớ và tưởng nhớ các nạn nhân khủng bố ngày 21-8, Hội nghị tổ chức sự kiện đặc biệt: "Chống khủng bố và bạo lực cực đoan: Góc nhìn của các nạn nhân". Sự kiện này tập trung vào các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và những gì có thể làm, đặc biệt là từ phía các nghị sĩ, để hỗ trợ họ một cách thỏa đáng.
Trong phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Về sự lãnh đạo nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.
Thông qua Tuyên bố chung, các Chủ tịch Quốc hội cùng Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới khẳng định sát cánh cùng các nghị sĩ và người dân trong thời điểm mang tính lịch sử toàn cầu đối mặt với đại dịch COVID-19; nhắc nhở rằng đại dịch này là khủng hoảng không có biên giới, tác động của nó được cảm nhận ở mọi cấp độ. Đại dịch đã phát triển thành một trong những những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt với tư cách là một cộng đồng các quốc gia kể từ cuộc Đại suy thoái và Chiến tranh thế giới thứ hai.
Các Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng những thách thức toàn cầu yêu cầu các giải pháp toàn cầu, trong đó tăng cường chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế quan trọng hơn bao giờ hết; khẳng định bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất niềm tin và sự ủng hộ của các Chủ tịch Quốc hội cùng các mục đích và nguyên tắc được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; tin tưởng rằng Liên hợp quốc ngày càng cần thiết hơn bao giờ hết và là nền tảng của các hành động mang tính toàn cầu mạnh mẽ, hiệu quả.
Thập kỷ hành động vì các mục tiêu phát triển bền vững
Năm 2020 đánh dấu sự bắt đầu của Thập kỷ Hành động các mục tiêu phát triển bền vững, do đó, các Chủ tịch Quốc hội thế giới kêu gọi các quốc gia ở khắp mọi nơi để thực hiện những bước đi mạnh mẽ và mang tính chuyển đổi nhằm biến Chương trình nghị sự này thành hiện thực. Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết nhân đôi nỗ lực của mình để giúp thực hiện các mục tiêu này một cách đầy đủ và hiệu quả thông qua hoạt động nghị viện.
Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cũng cho rằng để đối phó với đại dịch cần phải nỗ lực gấp đôi để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn hợp tác quốc tế tốt về phương pháp thử nghiệm, điều trị, vắc xin và nghiên cứu phát triển y tế; đồng thời kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển. Về giải quyết các hậu quả kinh tế của đại dịch, cần ưu tiên ngăn chặn nền kinh tế thế giới tiếp tục rơi vào suy thoái; tăng cường điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và duy trì thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời bảo vệ việc làm và tiền lương. Về trung và dài hạn, nền kinh tế phải được tạo ra việc làm cho tất cả mọi người để vượt qua sự bất bình đẳng ngày càng tăng, chống lại biến đổi khí hậu nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bao trùm và công bằng xã hội.
Các Chủ tịch Quốc hội thế giới khẳng định tầm quan trọng của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris, kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo nhanh chóng tiến hành việc thực hiện, bao gồm thông qua các chiến lược thích ứng và giảm thiểu phù hợp.
Khuyến khích người trẻ tuổi tham gia Quốc hội
Các Chủ tịch Quốc hội thế giới nhấn mạnh rằng bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết cho hòa bình thế giới, thịnh vượng và bền vững. Bày tỏ lo ngại thế giới có thể đang phải đối mặt với những thất bại trong thúc đẩy bình đẳng giới, các Chủ tịch Quốc hội thế giới kêu gọi tất cả các quốc gia, kêu gọi cộng đồng quốc tế tận dụng kỷ niệm 25 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh để đấu tranh bảo vệ bình đẳng giới dưới mọi hình thức.
Các Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Liên minh Nghị viện (IPU) khẳng định với tư cách của mình sẽ hoạt động để đạt được sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và bình đẳng của phụ nữ trong các nghị viện và tất cả các nhà nước, các tổ chức, kể cả ở các vị trí lãnh đạo và cố gắng hết sức để bảo đảm sự hiện hữu bình đẳng giới trong cơ cấu, hoạt động và phương pháp làm việc của Quốc hội. Phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương hơn do Covid-19, các Chủ tịch Quốc hội thế giới kêu gọi cần thực hiện khẩn cấp các chính sách bảo vệ trên cơ sở giới cho phụ nữ và trẻ em gái.
Các Chủ tịch Quốc hội thế giới ghi nhận vai trò của giới trẻ trong Quốc hội và các cơ quan nhà nước, đồng thời cho rằng cần phát huy được năng lượng tích cực, sự đổi mới của người trẻ trong các cơ quan nhà nước. Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết thúc đẩy hành động để hạn chế tình trạng thiếu đại diện của những người trẻ tuổi trong quốc hội/nghị viện cũng như tất cả các thể chế nhà nước khác; tạo điều kiện hết sức để mở ra cơ hội tham gia vào Quốc hội của giới trẻ.
Ngoài ra, Tuyên bố chung Hội nghị cũng đề cập đề các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, khắc phục tình trạng gia tăng di dân, không quốc tịch; việc bảo đảm trách nhiệm tôn trọng pháp luật và các thỏa thuận quốc tế trên mọi lĩnh vực của các quốc gia; hợp tác của Liên minh Nghị viện Thế giới và Liên hợp quốc.
Ngoài ra, các Chủ tịch Quốc hội thế giới đề nghị Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới trình bày Tuyên bố của Hội nghị này trong Hội nghị cấp cao kỷ niệm 75 năm Thành lập Liên hợp quốc./.
Thanh Hải (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ công bố Trang thông tin điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động, bộ nhận diện Năm Chủ tịch AIPA 2020  (14/08/2020)
Khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (11/08/2020)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội  (01/08/2020)
Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI  (29/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển