Phong trào tiến bộ ở Mỹ nhìn từ cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ hiện nay
TCCS - Kể từ khi tham gia cuộc đua giành vị trí ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ vào năm 2016, Thượng nghị sĩ Ben-ni Xan-đơ được coi là người lãnh đạo phong trào tiến bộ ở Mỹ. Trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020, ông B. Xan-đơ rút lui khỏi cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ, chấp nhận thất bại trước một ứng cử viên được giới tinh hoa trong Đảng Dân chủ ủng hộ. Liệu thất bại của ông B. Xan-đơ có dẫn đến sự thoái trào, thậm chí tê liệt của phong trào tiến bộ ở Mỹ hay không đang là câu hỏi được dư luận hết sức quan tâm.
Nhận diện phong trào tiến bộ ở Mỹ
Hiện nay, trong giới học thuật, chưa có một định nghĩa thống nhất về phong trào tiến bộ ở Mỹ, thậm chí cả từ “tiến bộ”. Nhà sử học Ri-chác Hô-xta-tơ cho rằng, những người tham gia phong trào tiến bộ “có đến hai quan điểm trong nhiều vấn đề”, trong khi sử gia A-thơ Linh-cơ lập luận rằng “phong trào tiến bộ ở Mỹ không thực sự tồn tại” bởi nó theo đuổi quá nhiều “mục tiêu trái ngược nhau”. Quan điểm của sử gia A-thơ Linh-cơ được Giáo sư Đại học Havard Pi-tơ Phi-len đồng tình khi ông viết “cáo phó” cho phong trào tiến bộ ở Mỹ vào năm 1970 với lập luận rằng, phong trào này “chưa từng tồn tại” bởi nó quá chia rẽ và phân tán(1). Vậy phong trào tiến bộ ở Mỹ được hiểu như thế nào?
Phong trào tiến bộ ở Mỹ không phải là nhóm có sự gắn kết hay được tổ chức, mà là một mạng lưới lỏng lẻo của các nhóm và cá nhân đại diện cho những lợi ích khác nhau mong muốn cải cách, chia sẻ các ý tưởng và đưa ra giải pháp cho các vấn đề trong xã hội Mỹ. Theo nhà sử học nổi tiếng của Mỹ Glen Gen-dơ, điểm chung của các nhóm này là có hệ tư tưởng đối lập với quan điểm của những người bảo thủ mới ủng hộ thuyết tự do trong lĩnh vực kinh tế (Laissez Faire), thuyết tiến hóa xã hội của S. Đác-uyn và thuyết trình tự pháp lý công bằng(2). Nói cách khác, những người bảo thủ mới phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nhà nước, ngoại trừ những ưu đãi cho giới chủ và tập đoàn, với lập luận rằng sự phát triển của các tập đoàn sẽ đem lại thịnh vượng chung cho nền kinh tế. Theo nhà sử học Glen Gen-dơ, những người theo phong trào tiến bộ ủng hộ mô hình dân chủ xã hội của châu Âu, thậm chí ủng hộ chủ nghĩa xã hội, nhưng lại không đưa ra cải cách cụ thể nào để tái thiết chủ nghĩa tư bản Mỹ(3).
Phong trào tiến bộ ở Mỹ xuất hiện khá sớm, phát triển mạnh từ thập niên 90 của thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX - thời kỳ “mạ vàng” của nền kinh tế Mỹ (4). Cuối thế kỷ XIX, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt ở các bang miền Tây Bắc, nhờ công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự phát triển của ngành đường sắt, gia tăng người nhập cư đến từ châu Âu. Các tổ chức độc quyền ngân hàng và độc quyền công nghiệp liên kết thành các tư bản tài chính độc quyền để chi phối nền kinh tế Mỹ. Các ngân hàng Mỹ quyết định mức lương của công nhân. Công ty Standard Oil được thành lập vào năm 1870, chiếm 90% thị phần ngành dầu mỏ của nước Mỹ. Năm 1907, 1% số công ty Mỹ sản xuất 45% lượng hàng hóa quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, Mỹ trở thành đế quốc mới; dưới thời chính quyền Tổng thống Uy-li-am Mắc Kin-li (1896 - 1901), Mỹ tiến hành xâm chiếm Cu-ba, Pu-ét-tô Ri-cô, Ha-oai và Phi-líp-pin. Tuy nhiên, sự phát triển này chỉ là hào nhoáng bên ngoài bởi bên trong chất chứa những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, mâu thuẫn đối kháng giữa công nhân và nhà tư bản, xung đột giữa người nhập cư và bản địa, người da đen và da trắng, bất bình đẳng nam - nữ. Công nghiệp hóa khiến hàng trăm nghìn người làm việc trong những điều kiện nguy hiểm và độc hại với mức lương thấp. Người dân lao động rời bỏ vùng nông thôn; các giá trị cộng đồng và nhân văn trong xã hội bị hủy hoại bởi việc chạy theo lợi nhuận của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Trước thực trạng trên, nhiều tổ chức và cá nhân tiến bộ ở Mỹ đã đấu tranh đòi công bằng và cải cách trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội và đạt được những kết quả nhất định. Một số thành công nổi bật có thể kể đến, như việc bầu trực tiếp thượng nghị sĩ (tu chính án thứ 17 của Hiến pháp Mỹ), phụ nữ được quyền bỏ phiếu (tu chính án thứ 19), việc áp dụng 10 tu chính án đầu tiên của hiến pháp (thường được gọi là các đạo luật về quyền) cho tất cả các bang, mà không chỉ ở cấp liên bang. Trong lĩnh vực kinh tế, các đạo luật chống độc quyền được thông qua, người có mức thu nhập cao bị đánh thuế thu nhập liên bang, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được thành lập vào năm 1913 để kiểm soát nền tài chính Mỹ. Những người đi đầu trong các phong trào tiến bộ ở Mỹ có thể kể đến, như Giên A-đam (nhà hoạt động xã hội, người phụ nữ Mỹ đầu tiên đoạt giải Nô-ben hòa bình), Iu-din Đép (đảng viên Đảng Xã hội chủ nghĩa và 5 lần là ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng này), Đu-boa (nhà xã hội học và là người Mỹ gốc Phi, đấu tranh vì dân quyền), Ma-ri H. Giôn (nhà hoạt động công đoàn), Ai-ving Phi-xơ, Tho-xthao Ve-bơ-len (các nhà kinh tế học)... và một số chính khách, như Tổng thống Thê-ô-đo Ru-dơ-ven, Thượng nghị sĩ Rô-bớt La Pho-lét, Phó Tổng thống Hen-ri Oa-lây-xơ. Năm 1912, cựu Tổng thống T. Ru-dơ-ven rời Đảng Cộng hòa và thành lập Đảng Tiến bộ sau khi không giành được sự đề cử của đảng này để ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Nhiều chính khách khác cũng làm theo cách này, như Rô-bớt La Pho-lét thành lập Đảng Tiến bộ (năm 1924), Hen-ri Oa-lây-xơ thành lập một đảng khác cũng lấy tên là Đảng Tiến bộ (năm 1948). Những thành công của phong trào tiến bộ ở Mỹ trong suốt giai đoạn này được cho là tạo nền móng cho nhà nước và xã hội Mỹ hiện đại.
Tuy nhiên, đến cuối những năm 40 của thế kỷ XIX, phong trào tiến bộ ở Mỹ đi vào thoái trào. Những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của phong trào này là sự nổi lên của tổ chức 3K phân biệt chủng tộc phá hoại phong trào từ bên trong, các quy định trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai khiến nhiều quyền tự do dân sự bị siết lại, quan điểm nhà nước tối thiểu chiếm ưu thế trong nền chính trị Mỹ... Các đảng tiến bộ được lập ra đều thất bại, như Đảng Tiến bộ của cựu Tổng thống T. Ru-dơ-ven thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1912 và tan rã vào cuối năm 1920; Đảng Tiến bộ của Phó Tổng thống Hen-ri Oa-lây-xơ ủng hộ hệ thống chăm sóc y tế toàn dân, mở rộng hệ thống phúc lợi xã hội, quốc hữu hóa ngành năng lượng cũng tan rã vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX sau khi các ứng cử viên tổng thống do đảng đề cử đều thất bại trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào các năm 1948 và 1952.
Phong trào tiến bộ và tinh thần cải cách ở Mỹ được cho là tiếp nối trong nhiều phong trào đấu tranh sau này, từ chống chiến tranh Việt Nam và đấu tranh vì dân quyền những năm 1950 và 1960 của thế kỷ XX, đến đấu tranh chống phân biệt chủng tộc dưới thời Tổng thống Rô-nan Ri-gân trong những năm 70 của thế kỷ XX, hay đòi thay đổi chính sách đối với phụ nữ và người thiểu số dưới thời Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ (cha), chống toàn cầu hóa, đấu tranh vì quyền lợi của người Mỹ gốc La-tinh và của cộng đồng những người đồng tính cũng như chuyển giới dưới thời Tổng thống Bin Clin-tơn. Và gần đây là phong trào chiếm phố Uôn diễn ra vào cuối năm 2011 dưới thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, nhằm phản đối các giải pháp đối phó với khủng hoảng kinh tế của Chính phủ Mỹ, phong trào này bắt đầu từ phố Uôn - nơi đặt trung tâm giao dịch chứng khoán của Niu Oóc - lan rộng ra nhiều thành phố ở Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Ben-ni Xan-đơ và phong trào tiến bộ ở Mỹ hiện nay
Ông B. Xan-đơ hiện là nghị sĩ độc lập tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sinh năm 1941 trong một gia đình công nhân gốc Do Thái, ông sớm tham gia chính trị từ khi còn học ở trường đại học, là thành viên tích cực của Đại hội bình đẳng sắc tộc - một tổ chức có vai trò quan trọng trong đấu tranh vì dân quyền cho người Mỹ gốc Phi vào những năm 60 của thế kỷ XX. Ông có bốn nhiệm kỳ làm Thị trưởng thành phố Bơ-linh-tơn, trước khi được bầu làm hạ nghị sĩ vào năm 1990. Sau 16 năm liên tiếp là hạ nghị sĩ, năm 2006, ông được bầu vào Thượng viện Mỹ và tái cử vào các năm 2012 và 2018. Ông B. Xan-đơ ủng hộ các chính sách dân chủ xã hội và tiến bộ, phản đối bất bình đẳng kinh tế và chủ nghĩa tự do mới. Trong chính sách đối nội, ông phản đối quyền lực của các siêu Ủy ban Hành động chính trị (super-PAC) - sử dụng tiền để thao túng các cuộc bầu cử ở Mỹ; ủng hộ quyền của người lao động, hệ thống chăm sóc y tế toàn dân do nhà nước chi trả, giáo dục phổ thông miễn phí và đưa ra các biện pháp mạnh mẽ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trong chính sách đối ngoại, ông ủng hộ giảm chi tiêu quân sự, ưu tiên ngoại giao và hợp tác quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đến việc bảo đảm các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường trong những hiệp định thương mại quốc tế.
Tháng 4-2015, ông B. Xan-đơ tuyên bố ra tranh cử vị trí ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, thua khá sát bà Hi-la-ry Clin-tơn với cách biệt 55% so với 43% phiếu đại cử tri. Năm 2020, ông B. Xan-đơ tuyên bố tiếp tục tranh cử vị trí ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ. Mặc dù kiên trì với quan điểm cấp tiến của mình tại cả hai kỳ bầu cử, kể cả sự ủng hộ của nhóm cử tri cấp tiến trong Đảng Dân chủ, ông B. Xan-đơ vẫn không giành được sự đề cử của đảng này. Theo các chuyên gia, mong muốn trở thành Tổng thống Mỹ để thực hiện chương trình nghị sự cấp tiến trên toàn nước Mỹ của ông B. Xan-đơ gần như chắc chắn không thành công. Thất bại của ông B. Xan-đơ có thể do ba nguyên nhân chính sau.
Thứ nhất, đội ngũ tranh cử của ông B. Xan-đơ đã mắc sai lầm khi đánh giá tình hình cử tri. Họ cho rằng, ngoài số cử tri Đảng Dân chủ ủng hộ ông B. Xan-đơ trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016, ông B. Xan-đơ sẽ thu hút thêm sự ủng hộ của tầng lớp cử tri trẻ, cử tri lần đầu đi bỏ phiếu và cử tri có quan điểm cấp tiến. Tuy nhiên, một bộ phận đảng viên Đảng Dân chủ có thể vì bất bình với bà H. Clin-tơn, nên quay sang bỏ phiếu cho ứng viên duy nhất còn lại khi đó là ông B. Xan-đơ. Các thăm dò ngay sau bỏ phiếu tại các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 cũng cho thấy, số cử tri trẻ, lần đầu bỏ phiếu và có quan điểm cấp tiến hoàn toàn không tăng theo lời kêu gọi và hứa hẹn của ông B. Xan-đơ(5). Nhận định tình hình không đúng như vậy dẫn đến những sai lầm trong đường lối tranh cử.
Thứ hai, kể từ sau thất bại vào năm 2016, ông B. Xan-đơ có gần 4 năm để mở rộng khối cử tri ủng hộ nhưng không thành công. Các thống kê cho thấy, công nhân da trắng và cộng đồng người Mỹ gốc Phi tiếp tục không ủng hộ ông B. Xan-đơ. Một số đảng viên ôn hòa của Đảng Dân chủ cảm thấy lạc lõng khi dự các sự kiện gây quỹ của ông B. Xan-đơ, trước quan điểm cực tả của một số đảng viên quá khích ủng hộ ông B. Xan-đơ. Một số đảng viên khác mặc dù ủng hộ chương trình nghị sự của ông B. Xan-đơ nhưng lo ngại chương trình này quá cấp tiến và không thể thực hiện được. Trong khi đó, nhiều cử tri Đảng Dân chủ lại tin vào lời hứa hẹn quay trở về thời Tổng thống B. Ô-ba-ma của ông G. Bai-đơn, bởi họ muốn mọi việc trở lại “bình thường” như thời Tổng thống B. Ô-ba-ma, trước khi Tổng thống Đô-nan Trăm lên nắm quyền. Nói cách khác, ông B. Xan-đơ chưa tập hợp được khối đoàn kết rộng rãi ủng hộ sự nghiệp tiến bộ của mình.
Thứ ba, nỗ lực thay đổi theo hướng tiến bộ của ông B. Xan-đơ gặp phải sự chống phá quyết liệt của giới quyền lực trong Đảng Dân chủ và các nhóm lợi ích trong xã hội Mỹ. Cũng như năm 2016, giới chức của Đảng Dân chủ ủng hộ một ứng viên là đảng viên lâu năm của đảng. Nhiều người trong Đảng Dân chủ quan ngại rằng, nếu ông B. Xan-đơ là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng, chương trình nghị sự cấp tiến của ông sẽ khiến các cử tri ôn hòa xa lánh đảng. Bên cạnh đó, các tập đoàn khai khoáng, công nghiệp và các siêu PAC liên kết với nhau ủng hộ ông G. Bai-đơn, do quan ngại chương trình nghị sự cấp tiến của ông B. Xan-đơ sẽ làm tổn hại đến lợi ích của họ. Bộ máy truyền thông của Đảng Dân chủ góp phần thổi phồng những lo ngại trong đảng, đồng thời tìm cách bôi xấu ông B. Xan-đơ và chủ nghĩa cộng sản(6).
Từ các nguyên nhân trên, có thể thấy thất bại của ông B. Xan-đơ không đồng nghĩa với thất bại của phong trào tiến bộ ở Mỹ. Nguyên nhân thứ hai và thứ ba vẫn là thách thức cố hữu của phong trào: sự thiếu vắng một tổ chức hay cá nhân có thể quy tụ, tập hợp và đoàn kết phong trào trước sự chống phá của các thế lực phản động tại Mỹ. Bên cạnh đó, mặc dù ông B. Xan-đơ nhiều khả năng không giành được sự đề cử của Đảng Dân chủ, nhưng nỗ lực của ông B. Xan-đơ nói riêng và phong trào tiến bộ ở Mỹ nói chung đã có ảnh hưởng và tác động nhất định đến nền chính trị Mỹ. Thăm dò của Viện Gallup (Mỹ) cho thấy, từ sau cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016, ngày càng nhiều đảng viên Đảng Dân chủ tự nhận mình là người cấp tiến, tiếp tục tăng ở mức 50% (năm 2017) và 51% (năm 2018) so với mức chỉ 25% vào năm 1994, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Bin Clin-tơn(7).
Một thành quả quan trọng khác của ông B. Xan-đơ và cũng là thành công của phong trào tiến bộ ở Mỹ là chấm dứt sự cấm kỵ đối với “chủ nghĩa xã hội”, từng được coi là từ cấm kỵ ở Mỹ. Nhà hoạt động cánh tả Ra-phơ Nây-đơ, từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Xanh, là người độc lập, đứng ngoài hệ thống hai đảng ở Mỹ, cho rằng “một trong những thành tựu lớn nhất của ông B. Xan-đơ” là đã khiến từ “chủ nghĩa xã hội” trở thành bình thường. Theo ông Ra-phơ Nây-đơ: “Chủ nghĩa xã hội từng là từ cấm kỵ. Ông B. Xan-đơ đã mang từ này vào dòng chính của nền chính trị Mỹ và đưa vấn đề giai cấp vào trung tâm của chiến dịch tranh cử của mình. Ông đã chấm dứt sự cấm kỵ đối với từ này”(8).
Một số thách thức và cơ hội đối với tương lai phong trào tiến bộ ở Mỹ
Qua quan sát lịch sử phong trào tiến bộ ở Mỹ và phân tích về ông B. Xan-đơ với tư cách là người đi đầu phong trào trong những năm gần đây, có thể thấy thách thức lớn nhất và có tính xuyên suốt của phong trào là làm sao có được tổ chức hay cá nhân đủ năng lực, uy tín và khả năng lãnh đạo. Ông B. Xan-đơ là người kiên định với các lý tưởng tiến bộ, nhưng lại không đủ khả năng tập hợp những người cánh tả và đông đảo quần chúng trong cuộc đấu tranh của mình. Thực tế còn có tình trạng cá nhân lợi dụng phong trào để phục vụ mục đích riêng. Như đã trình bày ở trên, một số chính khách đến với phong trào tiến bộ ở Mỹ sau khi bất mãn với đảng của mình. Các đảng tiến bộ mà những chính khách này lập ra chỉ để phục vụ mục tiêu cá nhân là tranh cử Tổng thống Mỹ.
Một số nhà hoạt động trong phong trào tiến bộ đánh giá Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng giống những chính khách trên, lợi dụng phong trào để thắng cử. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, thông điệp của ứng cử viên B. Ô-ba-ma về minh bạch hóa, tiến hành những thay đổi mang tính cấu trúc đối với hệ thống chính trị Mỹ đã “tập hợp được hàng triệu người có quan điểm tiến bộ về phía mình, những người tin rằng Đảng Dân chủ cuối cùng một lần nữa thực sự đại diện cho họ”. Theo một nhà báo, biên tập viên tờ Huffington Post (Mỹ), điều này đã khiến phong trào tiến bộ ở Mỹ “đã nổi lên và đạt đỉnh cao sau nhiều thập kỷ”. Nhưng sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông B. Ô-ba-ma đã “rời bỏ những người trong phong trào tiến bộ ở Mỹ, cảm ơn họ vì sự giúp đỡ của họ và bước tiếp mà không có phong trào”(9).
Ngoài thách thức trên, một số chuyên gia dự báo rằng, trong khoảng 5 năm tới, thách thức hay cơ hội đối với phong trào tiến bộ ở Mỹ phụ thuộc vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020. Nếu Tổng thống Đ. Trăm tái đắc cử nhiệm kỳ hai, phong trào tiến bộ ở Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Những chính sách bất lợi cho phong trào tiến bộ ở Mỹ sẽ tiếp tục được thực hiện, từ việc hỗ trợ cho các tập đoàn thay vì hỗ trợ cho người dân, đến việc cắt giảm phúc lợi xã hội và chính sách nhập cư gây chia rẽ xã hội. Nếu Đảng Dân chủ thành công trong việc đưa ông G. Bai-đơn lên nắm quyền, một số tiến bộ đạt được dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma có thể được khôi phục và phát huy, trong đó có Đạo luật Chăm sóc sức khỏe 2010 (hay còn gọi là Chương trình chăm sóc y tế Ô-ba-ma), hỗ trợ chi phí cho người nghèo để họ có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc y tế. Phong trào sẽ có cơ hội để thúc đẩy hơn nữa các tiến bộ xã hội đã đạt được dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma.
Trong dài hạn, phong trào tiến bộ cần trở thành một lực lượng chính trị đủ mạnh để không phải phụ thuộc nhiều vào việc đảng nào nắm chính quyền. Để đạt được mục tiêu này, cá nhân hay tổ chức đủ năng lực làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cần giải quyết hai thách thức cơ bản sau.
Thứ nhất, cần hiểu đặc điểm của giai cấp công nhân Mỹ hiện nay để có thể đề ra được đường lối đúng đắn trong công tác tuyên truyền và giác ngộ. Theo Giáo sư Doan Uy-li-am của Đại học Ca-li-phoóc-ni-a (Mỹ), giai cấp công nhân Mỹ phần đông đã trở nên trung lưu hóa, tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng đã có tài sản riêng. Bên cạnh đó, “nguy cơ lớn nhất hiện nay... là sự tồn tại của sự thiếu hiểu biết giữa các giai cấp. Nếu không thu hẹp hố ngăn cách văn hóa giữa các giai cấp... thì hệ quả có thể sẽ nguy hiểm”(10). Nhiều người quá ngưỡng mộ tiền bạc, sự giàu có - và cho rằng, nhà tư sản “đã làm việc cật lực để kiếm từng đồng xu”(11). Đó chính là một trong những lý do đa số công nhân da trắng ở Mỹ đã bầu cho ông Đ. Trăm vào năm 2016 và tiếp tục ủng hộ ông G. Bai-đơn trong năm 2020.
Thứ hai, thách thức đến từ hệ thống chính trị Mỹ. Việc hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa “câu kết” chi phối nền chính trị Mỹ đã tạo ra nhiều rào cản ngăn bất cứ đảng thứ ba hay ứng viên độc lập nào đe dọa vị thế cầm quyền của họ(12). Bởi vậy, ông B. Xan-đơ - một chính khách độc lập trong hầu như toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình, hai lần ra tranh chức ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, nhưng không nhận được sự ủng hộ của giới quyền lực trong đảng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dư luận có quyền hy vọng vào tương lai của phong trào tiến bộ ở Mỹ. Bởi lẽ, thực tế hiện nay ở Mỹ cho thấy, khoảng cách giàu - nghèo và những bất bình đẳng khác trong xã hội Mỹ ngày càng sâu sắc(13). Khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Mỹ do đại dịch COVID-19 gây ra càng cho thấy rõ hơn những mặt trái của chủ nghĩa tư bản, của hệ thống chính trị lấy lợi nhuận làm mục đích. Hơn nữa, chủ nghĩa xã hội không còn là từ “cấm kỵ” ở Mỹ, ngày càng được nhiều người Mỹ, đặc biệt là thanh niên, tìm hiểu như một con đường để giải quyết những vấn đề đối với nước Mỹ hiện nay(14)./.
------------------------------
(1) Xem: Richard Hofstadter: The Age of Reform: From Bryan to F.D.R., New York, 1995, tr. 134; Arthur S. Link: “What happened to the Progressive Movement in the 1920s?”, American Historical Review, tháng 6-1959, tr. 836; Peter G. Filene: “An Obituary for ‘The Progressive Movement”, American Quarterly 22, số mùa Xuân năm 1970, tr. 20
(2) Có thể hiểu đơn giản là quyền xét xử công bằng trong tố tụng hình sự
(3) Xem: Glen Gendzel: “What the Progressives Had in Common”, The Journal of the Gilded Age and Progressive Era, tháng 7-2011
(4) Theo cách gọi của nhà văn Mác Tuyên (Mark Twain)
(5) Xem: John Hudak: “Bernie Sanders’s failed coalition”, www.brookings.edu/blog/fixgov/2020/03/10/sanderss-failed-coalition, ngày 10-3-2020
(6) Xem: Mona Charen: “The moral failing of Bernie Sanders”, ngày 26-2-2020, www.nationalreview.com/2020/02/bernie-sanders-support-communism-moral-failing/#slide-1
(7) Xem: Janie Velencia: “Most Democrats Now Identify As ‘Liberal’”, https://fivethirtyeight.com/features/most-democrat-now-identify-as-liberal, truy cập ngày 25-3-2020
(8) Xem: John Wagner, Philip Rucker, Robart Costa: “How Bernie Sanders missed his chance to beat Hilary Clinton: Sanders ignited a revolution, but he couldn’t overcome a series of lost opportunities”, The Washington Post (Online), ngày 5-6-2016
(9) D.C. Rutledge: “I love Bernie Sanders, but I love the progressive movement more”, www.huffpost.com/entry/i-love-bernie-sanders-but-b-10509706, ngày 17-6-2016
(10), (11) Michèle Lamont: “The Dignity of Working Men, Morality and the Boundaries of Race, Class, and Immigration”, Nxb. Đại học Ha-vớt, tháng 10-2002
(12) Xem: Nguyễn Kỳ Sơn: “Hệ thống chính trị hai đảng ở Mỹ và những hệ lụy”, Tạp chí Cộng sản điện tử, www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/42763/he-thong-chinh-tri-hai-dang-va-nhung-he-luy.aspx, ngày 28-12-2016
(13) Thống kê cho thấy, từ năm 1989 đến năm 2018, 1% số người có thu nhập cao nhất tăng tổng tài sản thêm 21.000 tỷ USD, 50% số người có thu nhập thấp nhất giảm 900 tỷ USD giá trị tài sản (tính theo trị giá USD năm 2018)
(14) Lydia Saad: “Socialism as popular as capitalism among yong adults in U.S”, https://news.gallup.com/poll/268766/socialism-popular-capitalism-among-young-adults.aspx, ngày 25-11-2019
Những toan tính chiến lược của Mỹ ở Trung Đông trong năm bầu cử 2020  (20/04/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên