Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản từ khi tham gia RCEP và một số hàm ý đối với Việt Nam

Vũ Nhật Quang
Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
23:00, ngày 15-03-2025

TCCS - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết giữa 10 quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc, có hiệu lực ngày 1-1-2022. Sau gần ba năm triển khai, RCEP đã mang lại nhiều cơ hội lớn cho các quốc gia tham gia ký kết hiệp định. Trong đó, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản được đánh giá là một mối quan hệ điển hình được hưởng lợi từ RCEP.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 ở Lima, Peru,  ngày 15-11-2024_Ảnh: THX/TTXVN

Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản 

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Mặc dù mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm trong hơn nửa thế kỷ qua, song hợp tác, hữu nghị vẫn là xu hướng chủ đạo. Trong đó, trao đổi kinh tế và thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước. Hơn 40 năm trước, Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi về cải cách, mở cửa và Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc triển khai hợp tác mang tính thực chất với Trung Quốc, đóng góp tích cực tạo không gian rộng mở cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc . Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế hai nước.

Trong khi hầu hết các quốc gia tham gia RCEP đều đã ký kết FTA song phương với nhau trước đó, thì RCEP lại là hiệp định FTA đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sau khi RCEP có hiệu lực, Nhật Bản cam kết sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với 56% lượng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với rượu sake nhập khẩu từ Nhật Bản sau khi RCEP có hiệu lực, đồng thời dỡ bỏ thuế đối với khoảng 87% phụ tùng ô tô, sản phẩm thép và đồ điện gia dụng từ Nhật Bản. Theo Biểu cam kết thuế quan của Trung Quốc, vào cuối lộ trình, Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế quan xuống 0% đối với 86% hàng hóa Nhật Bản (tăng khoảng 8% so với mức hiện tại). Theo Biểu cam kết thuế quan của Nhật Bản, Nhật Bản sẽ cắt giảm thuế quan xuống 0% đối với 88% hàng hóa Trung Quốc (mức tăng tương đối so với mức hiện tại khoảng 60%) vào cuối lộ trình. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 248 tỷ USD nhờ RCEP, trong khi xuất khẩu của Nhật Bản tăng thêm 128 tỷ USD(1)

Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan cùng cam kết mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ… đã tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản. Kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - Nhật Bản đã tăng từ 1 tỷ USD (năm 1972) lên hơn 357 tỷ USD (năm 2022), tăng hơn 350 lần(2) - mức tăng lớn nhất trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. 

Năm 2022, hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc - Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản đạt 28,054 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 13,081 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 14,973 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt 43,8 nghìn tỷ yên (tương đương 335,4 tỷ USD), tăng 14,3% so với năm 2021(3). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt 19,4 nghìn tỷ yên (tương đương 135 tỷ USD), kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 25,6 nghìn tỷ yên (tương đương 25,6 tỷ USD)(4).

Năm 2022, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc ổn định. Đầu tư trực tiếp phi tài chính từ doanh nghiệp Trung Quốc vào Nhật Bản lên tới 370 triệu USD. Số tiền đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Trung Quốc là 4,61 tỷ USD (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021). Đến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư thực tế tích lũy(5) của Nhật Bản vào Trung Quốc đạt 127,6 tỷ USD(6). Năm 2022, 828 doanh nghiệp Nhật Bản được thành lập ở Trung Quốc, với chi phí thành lập khoảng 4,61 tỷ USD (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021)(7). Bên cạnh đó, các tổ chức kinh tế - thương mại, như Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Kinh tế Nhật Bản - Trung Quốc đều áp dụng rộng rãi các hình thức trực tuyến và ngoại tuyến để thúc đẩy hợp tác. Điều này cho thấy, Nhật Bản ngày càng coi trọng tăng cường hợp tác đầu tư tại Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như kinh tế kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng mới, chăm sóc y tế và chăm sóc người già. 

Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Trung Quốc đạt 334,7 tỷ USD (giảm 10,4% so với năm 2022). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt 160,8 USD (giảm 13% so với năm 2022), còn kim ngạch nhập khẩu đạt 173,8 tỷ USD (giảm 7,9% so với năm 2022)(8). Sự sụt giảm này là do sự xuất hiện của một số rào cản trong quan hệ kinh tế hai nước. Tháng 7-2023, Nhật Bản công bố Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương sửa đổi, bổ sung 23 hạng mục thiết bị sản xuất chip vào danh sách xuất khẩu bị kiểm soát. Tháng 8-2023, Trung Quốc công bố đình chỉ nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản để ngăn ngừa rủi ro từ việc Nhật Bản xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra biển. Những động thái này đã tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Trước những bất ổn trong thương mại kể trên, Nhật Bản và Trung Quốc đã nỗ lực tăng cường phối hợp quản lý quan hệ kinh tế song phương. Tháng 11-2023, tình hình có dấu hiệu dịu xuống sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco (Mỹ). Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy “mối quan hệ chiến lược cùng có lợi”, nhấn mạnh lợi ích kinh tế chung, đồng thời nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ ở các cấp.  

RCEP cũng góp phần thúc đẩy thương mại điện tử giữa Trung Quốc - Nhật Bản. Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực đổi mới công nghệ trên chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Đây là tiềm năng lớn cho hợp tác kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản trong các ngành sản xuất chất bán dẫn và pin xe điện. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc cho biết, khoảng một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng thị trường Trung Quốc nằm trong tốp 3 thị trường quan trọng nhất của Nhật Bản trong năm 2024. Thông qua RCEP, Trung Quốc và Nhật Bản, với tư cách là hai cường quốc thương mại quan trọng trong khu vực, lần đầu tiên đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do, điều này cũng tạo ra động lực thúc đẩy cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Nhật Bản.

Triển vọng hợp tác kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản khi tham gia RCEP

Năm 2023, những cuộc khủng hoảng, xung đột địa - chính trị, lạm phát toàn cầu gia tăng. Kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Trước những bất ổn lớn của thế giới, Trung Quốc đã nâng cao chất lượng chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. RCEP giúp Trung Quốc đẩy mạnh quá trình mở rộng chuỗi cung ứng để thu hút các nguồn lực. Mặc dù hợp tác kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng cả hai nước đã có bề dầy lịch sử quan hệ hợp tác, đây là cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thực chất để đạt được sự phát triển kinh tế chất lượng cao.

Thứ nhất, tăng cường hợp tác trong chuỗi sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng trong khuôn khổ RCEP. Hiện nay, trong chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Nhật Bản có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản ngày càng chú trọng đến việc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Trung Quốc, do lợi nhuận cao thu được từ Trung Quốc. Theo quy tắc xuất xứ hiệp định RCEP, các nước RCEP sẽ tác động giá trị thặng dư, không chỉ giúp cải thiện dòng hàng hóa trong khu vực, mà còn tăng cường quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, các quy định đầu tư trong RCEP củng cố chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, điều này sẽ thúc đẩy hiệu quả sản lượng đầu tư giữa hai nước, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế ổn định của hai nước. Doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản thông qua việc tận dụng các chính sách ưu đãi thuế và thuận lợi hóa hải quan để dỡ bỏ các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp có thể mở rộng không gian phát triển tại các thị trường quốc tế, tạo cơ sở để quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản trong tương lai vượt qua những khó khăn do các yếu tố bên ngoài tác động và đạt được mục tiêu tăng trưởng ổn định kinh tế.

Thứ hai, tăng cường hợp tác đổi mới khoa học - công nghệ, đặc biệt trong kinh tế số và các lĩnh vực khác. Thời gian qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực đổi mới khoa học - công nghệ. Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu diễn ra ngày càng gay gắt, khuôn khổ RCEP cho phép thúc đẩy hiệu quả vốn, công nghệ, nhân tài và các yếu tố khác trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học - công nghệ, thúc đẩy thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, thúc đẩycác doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản có thể tăng cường xây dựng mạng lưới đổi mới khoa học. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác đổi mới khoa học - công nghệ giữa các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc cũng khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên môn hóa trong sản xuất và đổi mới công nghệ. Thị trường Trung Quốc đáp ứng môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản do chuỗi cung ứng công nghiệp của Trung Quốc có ưu thế hơn. Vì vậy, tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở hai nước trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ là rất lớn. 

Phát triển nền kinh tế số là giải pháp quan trọng để các quốc gia trên thế giới thúc đẩy kinh tế phát triển, Trung Quốc và Nhật Bản đều ủng hộ phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và có chiến lược quốc gia đối với các ngành công nghiệp gắn kết kinh tế số. Điển hình như ngành công nghiệp của Nhật Bản phát triển trong lĩnh vực sản xuất linh kiện thông minh là thiết bị chính cho sản phẩm kỹ thuật số. Ngành công nghiệp Trung Quốc được thúc đẩy bởi thị trường tiêu dùng nội địa khổng lồ, cùng với nhiều nhà cung cấp dịch vụ nền tảng lớn trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ kỹ thuật số như 5G, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Trong tương lai, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác phát triển, như hợp tác chuỗi cung ứng công nghiệp kỹ thuật số Trung Quốc - Nhật Bản, xây dựng cơ chế luồng dữ liệu di chuyển xuyên biên giới.

Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực “carbon kép” và đạt mục tiêu phát triển xanh. Đứng trước những thay đổi mới trong mô hình cung - cầu năng lượng và xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức chung trong việc ứng phó với làn sóng điều chỉnh cơ cấu năng lượng toàn cầu và sự thiếu hụt năng lượng. Để ứng phó thiếu hụt năng lượng, tháng 2-2023, tại Diễn đàn Bảo tồn Năng lượng và Bảo vệ môi trường toàn diện lần thứ 16 được tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) theo hình thức kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến, hai nước đã đạt được sự đồng thuận trong việc tăng cường hợp tác phát triển xanh Trung Quốc - Nhật Bản. Đồng thời, triển khai hợp tác thị trường với bên thứ ba để nâng cao hiệu quả thực hiện hợp tác trong lĩnh vực xanh và ít carbon.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác trong các ngành dịch vụ hiện đại, như chăm sóc y tế, chăm sóc người cao tuổi. Hiện nay, vấn đề già hóa dân số ở Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước tình hình đó, thúc đẩy phát triển ngành chăm sóc sức khỏe, cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi là những thách thức chung mà Trung Quốc và Nhật Bản đều đang phải đối mặt. Vì vậy, nhu cầu của người cao tuổi Trung Quốc đối với các sản phẩm dành cho người già, cơ sở chăm sóc người già, dịch vụ chăm sóc y tế ngày càng lớn, mang lại thị trường khổng lồ cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này.

Thứ năm, Trung Quốc và Nhật Bản còn có tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nhất là thị trường trái phiếu quốc tế. Kể từ năm 2020, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đã áp dụng một loạt biện pháp tài chính và tài khóa để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Trước những biến động của thị trường tài chính quốc tế và sự gia tăng những bất ổn, như xung đột địa - chính trị khu vực và thế giới, việc hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ tài chính là cần thiết đối với cả hai nước, để điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô và giải quyết vấn đề nợ công.

Thứ sáu, tăng cường giao lưu nhân dân giữa các thành phố làm cầu nối để thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương. Trao đổi giao lưu nhân dân giữa các thành phố là một lợi thế quan trọng trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. Năm 1973, thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) và thành phố Kobe (Nhật Bản) là hai thành phố đầu tiên giữa Trung Quốc và Nhật Bản được triển khai hợp tác theo phương thức này. Bên cạnh đó, việc tích cực mở rộng giao lưu giữa các thành phố của hai nước trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, bảo tồn năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất - nhập khẩu nông sản sẽ góp phần bổ sung các lợi thế để cùng phát triển, tăng cường sự hiểu biết giữa hai quốc gia, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới. 

Thứ bảy, khuyến khích đầu tư hai chiều của doanh nghiệp hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực. Tháng 11-2023, trong bức thư gửi tới Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ 6, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc sẽ luôn nắm bắt những cơ hội quan trọng để thúc đẩy phát triển thế giới, kiên quyết mở cửa cấp độ cao và tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế theo hướng cởi mở hơn, toàn diện hơn, cân bằng hơn và đôi bên cùng có lợi”(9)

Có thể thấy, những cơ hội mà RCEP mang lại đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản tích cực mở rộng đầu tư. Là hai quốc gia có thị trường lớn nhất châu Á và là nền kinh tế lớn trên thế giới, ảnh hưởng của hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc - Nhật Bản không chỉ tác động cấp độ song phương, mà còn tác động trong việc dẫn dắt hội nhập khu vực và thế giới. 

Bên cạnh những thuận lợi, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản hiện nay vẫn còn tồn tại một số rào cản, trong đó nổi bật là ảnh hưởng từ Mỹ. Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trên mọi lĩnh vực dẫn đến việc Nhật Bản có xu hướng nghiêng về Mỹ - quốc gia đồng minh, gây những khó khăn trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù còn tồn tại một số thách thức, nhưng hai nước vẫn có cơ sở nhận thức chung chiến lược sâu sắc. Bởi lẽ, sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản nói chung và quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản nói riêng liên quan đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Vì vậy, tăng cường hợp tác, đạt được thành công chung, bảo vệ hiệu quả hệ thống thương mại tự do toàn cầu và đạt được mức độ cao hơn về lợi ích và kết quả đôi bên cùng có lợi vẫn là tiêu chí mà cả Trung Quốc và Nhật Bản cùng hướng tới. 

Lãnh đạo các nước ASEAN và lãnh đạo các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 27 tại Vientiane, Lào, ngày 10-10-2024_Ảnh: TTXVN

Một số hàm ý đối với Việt Nam

Hơn 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, quan hệ của Việt Nam với cả Trung Quốc và Nhật Bản được duy trì, phát triển tốt đẹp cho đến nay. Cùng tham gia RCEP, khi hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc - Nhật Bản được đẩy mạnh, điều này cũng sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.

Về thuận lợi

Tận dụng những lợi ích mà RCEP mang lại, các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam tốt hơn, mà còn có thể tiếp cận với thị trường ASEAN, cũng như đẩy mạnh hợp tác thương mại với các nước thành viên ASEAN. Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 400 tỷ USD(10). Đồng thời, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)(11). Việt Nam có dân số đạt 100 triệu dân, hiện đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", những yếu tố này tạo ra thời cơ lớn cho Việt Nam để cơ cấu lại nền kinh tế, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm... Với quy mô dân số lớn, sức mua tăng nhanh đưa Việt Nam trở thành một thị trường thu hút sự quan tâm của các nước. 

Nhờ các cam kết thuế, các quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại cùng với nỗ lực của chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản, thương mại và đầu tư của Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản với các mặt hàng có thế mạnh, như dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại và nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản chất lượng cao. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sắt thép, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, kim loại…

Ngoài ra, Việt Nam có vị trí quan trọng trong ASEAN, là quốc gia thúc đẩy đoàn kết, kết nối các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam còn tham gia quá trình xây dựng nguyên tắc, định hình “luật chơi” của khu vực, cùng ASEAN bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Vì vậy, Việt Nam sẽ là nhân tố góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản. 

Về khó khăn

Một trong những khó khăn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước để tận dụng hiệu quả cơ hội từ RCEP. Sự khắt khe của thị trường nói riêng và nhiều tiêu chuẩn mới đòi hỏi cao hơn về kỹ thuật, môi trường, vệ sinh an toàn và chính sách bảo hộ nông nghiệp, nhất là sức ép cạnh tranh thị trường nội địa, những quy định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy trình công nghệ sản xuất, chế biến… khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh hàng hóa chất lượng cao từ Trung Quốc, Nhật Bản. 

Không chỉ vậy, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh lớn hơn, trong khi chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Hàng hóa của Trung Quốc, Nhật Bản giảm giá mạnh do không phải chịu thuế nhập khẩu, dẫn đến cạnh tranh về giá thành và sản phẩm ngay trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn đến từ Trung Quốc. Sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng khi thị trường nội địa buộc phải mở theo RCEP, theo đó các hàng hóa có cơ cấu sản phẩm tương tự sẽ tràn vào Việt Nam. Hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng nhập khẩu từ RCEP. Việc giảm thuế quan cũng làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường rộng lớn của Nhật Bản.

Hiện, các đối tác thương mại mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất đều nằm ở khu vực RCEP. Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản đang gia tăng do nhu cầu nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp FDI tăng. Việc giảm thiểu thâm hụt thương mại trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Trong khi khả năng xuất khẩu hàng tiêu dùng của Việt Nam vào các đối tác trong khu vực còn hạn chế bởi các nền kinh tế này có sự tương đồng khá lớn với hàng hóa của Việt Nam. Do đó, khả năng giảm thiểu thâm hụt thương mại sẽ là bài toán khó. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ của Việt Nam thấp hơn so với cả Trung Quốc và Nhật Bản, đây là hạn chế để cải thiện vị thế trong mạng lưới sản xuất của RCEP. Tuy nhiên, để giảm thiểu thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản, Việt Nam cần sàng lọc chất lượng các dự án FDI, kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP. Điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam xử lý các thách thức về thể chế. Trong đó, cần chú trọng tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế trong quá trình thực hiện RCEP, hài hòa quá trình cải cách thể chế khi thực hiện các FTA, cải cách nền tảng kinh tế vĩ mô, bao gồm các chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh và thị trường sản phẩm. Đặc biệt, những cải cách này cần được dựa trên nền tảng chính sách để duy trì ổn định tăng trưởng và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Ngoài ra, chính sách đầu tư phải lấy trọng tâm, gắn với định hướng về các ngành cần ưu tiên phát triển, các ngành cần thúc đẩy cạnh tranh tự do, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị trong khu vực RCEP, mức độ tự chủ trong thu hút và sử dụng các dự án FDI từ khu vực RCEP. Chính sách thương mại phải nhất quán với chính sách đầu tư, góp phần xử lý hiệu quả và hài hòa hơn tình trạng nhập siêu và nhập khẩu trung gian, đồng thời phải nhất quán với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị. 

Có thể thấy rằng, khi Trung Quốc - Nhật Bản thúc đẩy quan hệ kinh tế đã tác động không nhỏ đến các nước thành viên tham gia RCEP, như nâng cao mức độ tự do hóa thương mại giữa các nước thành viên RCEP, củng cố quan hệ thương mại các nước thành viên trong chuỗi cung ứng khu vực. Ngoài ra quan hệ kinh tế hai nước được thúc đẩy cũng góp phần mở cửa thể chế, cung cấp các điều kiện quan trọng cho hợp tác thương mại của các nước thành viên trong RCEP. 

Mặc khác, thúc đẩy quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản cũng khuyến khích các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác đầu tư song phương cùng có lợi. Tại khu vực Đông Nam Á. Hiệp hội doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản là Keidanren (Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản) đã tìm cách mở rộng hoạt động của các công ty Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc rộng lớn và RCEP sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn. Thúc đẩy liên kết các quy tắc của RCEP với các quy tắc của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một con đường quan trọng để thúc đẩy sự mở cửa ở cấp cao trong khu vực RCEP. Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong CPTPP và Trung Quốc cũng đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại này. Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ tạo điều kiện điều chỉnh các quy tắc về thương mại dịch vụ, thương mại điện tử và chính sách cạnh tranh của RCEP cho phù hợp với các quy tắc của CPTPP. Việc Trung Quốc sớm gia nhập CPTPP sẽ giúp đẩy nhanh chóng sự liên kết các quy tắc của RCEP và CPTPP, góp phần mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc định hình lại các quy tắc kinh tế và thương mại toàn cầu.

Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản đánh dấu sự khởi đầu của một hình thức mới về các thỏa thuận thương mại và ngoại giao, tạo ra một không gian khu vực không bị áp đặt các quy ước, đem lại động lực, quan điểm tích cực cho các nước thành viên tham gia. 

Tóm lại, quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản sau khi tham gia RCEP  đã có những bước tiến thiết thực. Xuất phát ở điểm khởi đầu mới, hai nước cùng nhau thúc đẩy thực hiện hiệu quả RCEP, cùng bảo vệ sự ổn định và thông suốt chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp khu vực, tiếp tục cùng khai thác các tiềm năng hợp tác và tạo ra những điểm nhấn trong hợp tác kinh tế, góp phần tạo động lực cho sự phát triển ổn định của mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản. Trước bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn, việc Trung Quốc và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Việc nhận diện rõ những đặc điểm do quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản mang lại sẽ giúp Việt Nam có những bước đi phù hợp, góp phần tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất khu vực và thế giới./.
------------------------------------------
(1) Lợi ích kép của RCEP trong thế giới hậu COVID-19, Trang điện tử Trung tâm WTO và hội nhập, https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/16903-loi-ich-kep-cua-rcep-trong-the-gioi-hau-covid-19
(2) Aparna Divya: “China-Japan Relations at a Crossroads Amid Strategic Challenges (Tạm dịch: Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đang ở ngã ba đường giữa những thách thức chiến lược), https://thediplomat.com/2024/08/china-japan-relations-at-a-crossroads-amid-strategic-challenges/
(3) Tổng cục Hải quan Trung Quốc: “China's Total Export & Import Values by Country/Region, December 2023 (in USD)” (Tạm dịch: Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc theo quốc gia/khu vực, tháng 12 năm 2023 (tính bằng USD)), http://english.customs.gov.cn/Statics/e1351568-5e17-4534-affd-c369e3506613.html
(4) Japan - China Trade (Tạm dịch: Thương mại Nhật Bản - Trung Quốc), https://oec.world/en/profile/bilateral-country/chn/partner/jpn
(5) Chiến lược đầu tư dài hạn từ năm đến mười năm
(6) Jetro Global Trade and Investment Report 2022 (Tạm dịch: Báo cáo thương mại và đầu tư toàn cầu Jetro 2022)
(7)  Yin Yeping: “Chinese market becomes even more important for Japanese companies” (Tạm dịch:  Thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các công ty Nhật Bản), https://www.globaltimes.cn/page/202407/1315813.shtml
(8) Munekin Takeshi (2023), 2023年の日中貿易は2桁減、輸出と輸入がともに減少 (Tạm dịch: Thương mại Nhật Bản - Trung Quốc giảm hai con số năm 2023), https://www.jetro.go.jp/biznews/2024/06/2b5ce91323cf8a6a.html
(9) 习近平向第六届中国国际进口博览会致信 (Tạm dịch: Chủ tịch nước Tập Cận Bình gửi thư tới Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 6), ngày 5-11-2023, https://www.gov.cn/yaowen/liebiao/202311/content_6913659.htm
(10) Trần Khánh, Trần Lê Minh Trang: “Vị thế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 15-6-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/932703/vi-the-cua-hiep-hoi-cac-quoc-gia-dong-nam-a-va-vai-tro-cua-viet-nam-trong-boi-canh-moi.aspx#
(11) Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư năm 2023.